24 thg 11, 2008

Sư đời mới !

Mới sáng chủ nhật ngày ra ,ra đường gặp ngay sư! Thôi thế là tu trọn ngày rồi!Nhưng xem thử sư đi đâu mà vội vã thế ,áo cà sa tung bay theo chiều gió vì sư phóng xe máy mà nếu bắn tốc độ cũng trên 50 km/h trong thành phố nhiều người qua lại.Đôi chân sư đi đôi giày vải màu đen, kiểu các hiệp khách giang hồ Trung hoa cổ thường đi, trông rất cơ động,đang nhấp trên phanh xe rất sành điệu. Lại nữa , sư điều khiển xe một tay thôi vì tay kia mắc cầm "dế". Sư vừa nói vừa cười (chắc chắn không phải với"ẻm" rồi, sư mà!).Tò mò quá,đi theo sư một quãng xem sao, lạ chưa sư tạt vào tửu quán! làm gì nhỉ? Chắc là mua rượu về cúng? Hay sư làm một cút với"đậu phụ chùa"nhỉ?Ai biết! Nhớ đến mấy câu ca dao xưa: "Ba cô đội gạo lên chùa Một cô yếm thắm bỏ bùa cho sư Sư về sư ốm tương tư Ốm lăn ốm lóc cho sư trọc đầu"

15 thg 11, 2008

Đã bảo là không lái gió, lái dủm gì hết!

Cớ làm sao người đọc thì cố ý đọc thật nhanh như sợ bắt được quả tang ,còn người nghe thì che miệng cười với những câu thơ: "Cánh buồm trương to như mảnh hồn làng Rướn thân trắng bao la thâu góp gió"(Tế Hanh) Và câu: "Thuyền ta lái gió với buồm trăng Lướt giữa mây cao với biển bằng"(Huy Cận). Ai ơi giải thích dùm với!

10 thg 11, 2008

Vô Cảm.

Trông thấy một em bé ngồi bên hè phố lặng lẽ khóc, không dừng lại hỏi điều gì khiến em buồn đến rơi nước mắt, mà dửng dưng và cảnh giác: dây vào nhỡ mang vạ vào thân!Thấy một kẻ khốn cùng muốn nhận chút sẻ chia, đã mặc kệ vì “thóc đâu mà đãi gà rừng”!Thấy những người già cô đơn, đôi khi tặc lưỡi :đã có viện dưỡng lão!Thấy người hàng xóm phiền muộn,tất tả, lo âu không hỏi thăm vì sợ tò mò!Thấy điều sai trái, không lên tiếng vì chẳng liên quan đến mình!...Và cứ thế ,cứ thế con người đã trượt khỏi cái ngưỡng của sự vô tình mà trở nên vô tâm, vô cảm! Cô giáo hàng ngày vẫn dạy các em lòng yêu thương con người.Cho đến một hôm cô dạy một bài thơ nói về tình đồng chí.Cô thực hiện một giờ lên lớp rất trọn vẹn.Cần khai thác nghệ thuật,cô đã khai thác.Cần khắc sâu nội dung,cô đã khắc sâu.Cần tích hợp cô đã tích hợp…Tất nhiên theo phương pháp đổi mới.Tiết học đã trôi qua,nhưng hình như cô thấy lòng không nhẹ nhõm.Cô nhận ra trong mỗi câu trả lời của trò đúng đến từng ý mà tác giả bài thơ chắc cũng không muốn nói gì thêm.Cô đã khơi gợi được cảm xúc sâu xa gì ở mỗi tâm hồn ngây thơ ấy? Cô đã làm gì để biết cảm xúc của các em không phải là sự vay mượn?Giọng giảng của cô sao không lên bổng xuống trầm mà cứ đều đều,nét mặt,ánh mắt cô dường như quên biểu cảm!…Những yếu tố phi ngôn ngữ ấy cô đã không sử dụng tự bao giờ?Và cô đã thôi hát cho các em nghe từ khi nào,hay đến hôm nay cô mới nhớ rằng bài”Tình đồng chí” cô đã từng hát rất hay!Phải chăng cô không còn trẻ nữa? Nhưng rung động từ trái tim nào đâu có tuổi tác !Hay đó là sự vô cảm?Trên đời có bao cách vô cảm và mấy ai nhận ra mình đã vô cảm!

31 thg 10, 2008

Vội vã trở về ,vội vã ra đi...

Về Hà nội một ngày đầu thu.Tiết trời dịu êm đến vô cùng. Lần trở về ngắn ngủi này muốn ghé thăm chốn cũ . Những con phố xưa không khác là bao,chỉ có chăng là do mình lớn lên nên thấy phố có vẻ bé đi. Bao kỉ niệm bỗng ùa về.Này là đường Nguyễn Khuyến cứ mỗi trận mưa là cả lũ rủ nhau đi lội nước.Kia là ngôi trường LýThường Kiệt thân yêu.Nhớ cả cái cổng sau của trường dẫn ra vườn hoa Canh nông, nơi có một khối đá chẳng biết có ý nghĩa gì, hồi nhỏ hay trèo lên đó làm cầu trượt,giờ thay vào đó là tượng Lê-nin rất uy nghi.Còn chợ Cửa nam đâu rồi… Ngô sĩ liên,“Ngõ nhỏ, phố nhỏ , nhà tôi ở đó…”, giờ phố đã xa và nhà đã là của người ta. Đi vãn cảnh chùa.Lượn một lượt, cuối cùng vào chùa Trấn quốc.Phía trước tĩnh lặng như các ngôi chùa ở bất cứ đâu.Chỉ có điều đằng sau những điện thờ là cả một dãy phòng làm việc của các vị sư như một đơn vị hành chính! Ánh mắt các sư ông trông “rất đời”. “Há chẳng phải đây là xứ Phật?” Hồ tây mênh mông trong màn sương bao phủ.Lòng thốt lên"Hà nội ơi!Hà nội ơi!Cái ngày tôi chia xa Hà nội ,giờ ra đi mới thấy lòng tiếc nuối..."

6 thg 10, 2008

Em ơi, gảy bóng điệu nghệ lắm

Chủ nhật chẳng biết làm gì,café xong lang thang ,thấy có bóng chuyền vào xem.Một giải bóng tỉnh lẻ,không chỉ giết thời gian mà rất hấp dẫn.Trận đấu đang diễn ra là do một đội học trường THPT với các thầy cô ở một trường khác.Nhìn lực lượng thầy cô trẻ lại quen trận mạc ngỡ rằng các em sẽ được thầy cô dạy cho những bài học không chỉ trong sách vở.Nào ngờ những tay bóng lạ đã làm nên những pha biến hóa đến không ngờ. Em phát bóng một phát cô chạy bở hơi tai,vừa xoáy lại vừa xa!Em gảy bóng qua lưới nhẹ như vận động viên chuyên nghiệp, cô đỡ bóng tưởng dễ dàng hóa ra lại tấp vào lưới nhà.Em đập bóng ,cô phải bất đắc dĩ ngã…Kết quả hiệp thứ nhất với tỉ số không gần tí nào:25-11.Không xem nữa vì biết tỉ số cuối cùng rồi . “Con hơn cha là nhà có phúc”! Chợt nghĩ,giá như em và các bạn em được giáo dục thể chất, được rèn luyện năng khiếu ở trường như các bạn được bồi dưỡng đi thi học sinh giỏi môn này môn kia,chắc em cũng sẽ…biết đâu đó. Báo cáo vi phạm

30 thg 9, 2008

Ba của tôi.

Cũng vào ngày này mùa mưa năm ngoái,một người mà chị em chúng tôi yêu thương, kính trọng đã ra đi! Đó là ba tôi. Ba tôi đi vào giờ hoàng đạo,theo như sách nói đó là giờ tốt nhất trong ngày, hiếm ai đi nhẹ nhàng, thanh thản như ba.Nhưng giờ khắc nào có ý nghĩa gì với tôi đâu.Tôi chỉ còn biết đau đớn vì mất ba.Và, trời hôm ấy mưa nhiều lắm.Dường như ông trời đã khóc vì tiếc thương một con người sống trong sạch, tận tụy ,giàu lòng nhân ái như ba.Mới trước đó hai ngày Thành ủy đến trao huy hiệu 60 năm tuổi Đảng cho ba.Ba vẫn dự cuộc họp chi bộ thường kì,vẫn đọc báo hàng ngày,vẫn thăm hỏi tình hình các cháu đi học xa nhà…Tuy vậy, sợ con cái sẽ lúng túng nếu ba đi bất ngờ ở cái tuổi “xưa nay hiếm” ba đã dặn dò chúng tôi hãy đưa ba về quê (xã Đức tân –Mộ đức-Quảng ngãi) sau khi ba qua đời,mặc dù ba là một cán bộ Lão thành cách mạng sẽ được Tỉnh ủy tổ chức an táng tại nghĩa trang dành cho những người có ông với đất nước.Nhà nước sẽ xây mộ ,khắc tên cho ba.Ba không cần gì cả.Ba chỉ muốn trở về nơi ba đã ra đi.Nơi mà từ đó ba đã ròng rã ba tháng trời đi bộ ra Bắc để tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.Bàn chân ba đã in dấu trên rất nhiều chặng đường của Tổ Quốc, giờ ba muốn dừng chân yên nghỉ tại quê nhà.Cuộc đời ba thật giản dị mà cao đẹp.Ba là niềm tự hào của mỗi chúng con. Rồi thời gian sẽ trôi qua ,mọi việc sẽ đi vào quên lãng. Nhưng hình ảnh thân thương của ba, phong cách sống mẫu mực của ba chúng con ghi nhớ mãi mãi.Ba sống mãi trong lòng chúng con.Và con sẽ làm theo những điều ba dặn bằng những vần thơ của Lôi Phong: “Với đồng chí, ấm áp như trời xuân , Với việc chung, cháy nồng như nắng hạ, Với chủ nghĩa cá nhân, gió mùa thu quét lá, Với quân thù ,như băng giá đêm đông”. Xin ba hãy yên giấc ngàn thu!

29 thg 9, 2008

Về một câu thành ngữ

Trước nay nghe câu thành ngữ:"Nước đến chân mới nhảy" thấy vừa quen tai vừa hợp lí,theo từ điển của Trung tâm khoa học xã hội và nhân văn Quốc gia thì câu ấy có nghĩa là:không chịu lo xa,kịp thời chủ động lo liệu,giải quyết công việc mà luôn chờ đợi đến sát nút mới ứng phó một cách thụ động vội vàng. Giờ bỗng dưng nghe câu ấy từ rất nhiều người ở địa phương này nói là"Nước đến trôn mới nhảy", lúc đầu nghe nói tưởng nghe nhầm, hỏi lại,vẫn được khẳng định là"trôn " chứ không phải "chân",thì... hỡi ôi!.Sao lại tam sao thất bản thế nhỉ?Làm gì có chuyện dị bản ở đây!Người ta khăng khăng lí luận rằng: Nước đến chân thì đáng gì mà phải nhảy,phải dâng đến "trôn" kìa.Không hiểu lúc ấy họ nhảy bằng gì nhỉ?

15 thg 9, 2008

Trung thu của tuổi thơ

Nhìn trẻ con náo nức đón trung thu,lòng nao nao nhớ về trung thu xưa.Ai bảo “Nghĩ về quá khứ là tư duy lãng phí”? Sẽ chỉ lãng phí nếu ta đánh mất nó.Ngày xưa trăng là chứng nhân của tấm lòng con trẻ khi bày mâm ngũ quả đêm rằm tháng tám.Chỉ có trăng mới phát lệnh cho chúng phá cỗ.Dưới ánh trăng, những chú lân dạo khúc biến tấu , những ông địa biễu diễn các kiểu khệnh khạng,Tôn Ngộ Không ngộ nghĩnh láu lỉnh.Cũng vì mải xem lân múa mà ta đã lạc lối về.Chợ Cửa Nam nào có xa gì cái ngõ Ngô Sĩ Liên đâu mà ta đã khóc vì khi nhìn ra xung quanh mình chẳng có khuôn mặt nào quen cả,ta không tự mình trở về được nữa,lân dắt ta đi ,giờ lân vẫn mải miết trong sự cổ vũ của dòng người còn ta trơ trọi giữa bao nhiêu ngã rẽ.Chú công an đã đưa ta về với má nhờ chiếc vòng ghi địa chỉ đeo trên tay. Giờ trẻ con không có sân mà bày cỗ để phá.Người ta thấy “Vầng trăng đi qua ngõ/Như người dưng qua đường”(Nguyễn Duy).Những chiếc đèn ông sao ,đèn cù,đèn kéo quân…không còn giống ngày xưa,làm gì có những xâu hạt bưởi tách vỏ phơi khô đốt trong đêm rằm tháng tám nghe lách tách vui tai nữa. Bởi vì bây giờ trẻ con không tin có chú cuội ngồi trên cung trăng như bọn ta đã tin nữa, chúng nó đang dự định tổ chức nhiều chương trình, như chương trình Đồ Rê Mí trên cung trăng kia. Báo cáo vi phạm

4 thg 9, 2008

Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi...

Lần sơ tán cuối cùng-xa những ngày “Hà nội-Điện biên phủ trên không”. Sau những ngày tạm im tiếng súng, được trở về Hà nội học ở trường cấp II Lý Thường Kiệt, phố Nguyễn Khuyến ,Hà nội.Song niềm vui ngắn chẳng tày gang.Bọn Mĩ lại trở mặt.Chúng đem máy bay gầm rít, dội bom khắp nơi trên miền Bắc.Trận ném bom ga Hàng cỏ của chúng năm 1972 là ngày quyết định bọn mình phải rời Hà nội một lần nữa. Hôm ấy ,vào một buổi trưa nghe đài báo “máy bay địch cách Hà nội…”bọn mình đang tuổi ăn tuổi ngủ thế là thiếp đi mất.Lúc choàng tỉnh là lúc máy bay ném bom ga Hàng cỏ,chiếc đồng hồ để bàn văng xuống đất,đồ đạc không còn nguyên vị trí cũ nữa,nhà mình ở ngõ Ngô Sĩ Liên, gần ga lắm.Thế là tổ dân phòng tổ chức cho dân ra khỏi khu vực nguy hiểm vì sợ nó quay lại lần nữa.Chị em mình lên bệnh viện Xanh pol nơi má mình đang công tác-cũng là gần đại sứ quán Liên xô,an toàn tạm thời.Đêm đó cơ quan ba tổ chức đưa con em đi ra ngoại ô gấp.Nhà cửa không cần khóa,với lại làm gì có gì mà khóa,nếu có gì cũng chẳng ai lấy vì bọn trộm cũng phải đi sơ tán Ở nơi sơ tán vẫn dõi theo Hà nội.Mỗi khi có máy bay là lại đoán xem nó thả chỗ nào.Các cô các chú đoán đúng hướng lắm.Lúc nó rải thảm bom B52 ở Khâm thiên là các chú biết ngay.Lúc ấy mình chỉ nghĩ :thôi thế là ga Hàng cỏ, Khâm thiên đã tan nát hết rồi,không biết cái ngõ Ngô Sĩ Liên có còn để mình trở về lần nữa không.Mình nhớ bao nhiêu kỉ niệm ở cái ngõ phố nhỏ ấy đến nao lòng. Thôn Phú ổ,xã Bình phú,huyện Thạch thất tỉnh Hà tây là nơi chị em mình sơ tán theo Bộ công an .Lần này có ba đi cùng.Thời gian ở đây không dài .Ông chủ nhà tên Toàn,một người tốt bụng nhất trong những chủ nhà mình đã từng ở.Nhà ông ấy có cô con gái tên Xoan có lẽ cũng trạc tuổi mình nhưng hình như đã có cậu nào ngấp nghé nên cứ đi đêm về hôm,thỉnh thoảng mình nghe loáng thoáng bà mẹ bóng gió gì đó đại khái khôn ba năm dại một giờ ,biết chửa…Nhưng cũng có lúc nó rảnh rỗi rủ mình đi cất vó.Việc cất vó thật là thú vị.Đêm hôm trước mình với nó rang thính(lấy cám rang lên cho thơm bỏ vào túi ni long để làm mồi).Tờ mờ sáng hôm sau hai đứa đi ra mương đặt vó.Mình chưa có kinh nghiệm nên phân bố mồi không đều,nó bảo đưa cho nó rắc.Sau một lượt đặt xuống ,quay lại nhấc lên chắng có cá chỉ có ít tép thôi, mừng ơi là mừng.Hai đứa hí hửng về xào xào nấu nấu, xong chia làm hai phần định bữa trưa mỗi nhà thưởng thức một tí.Ai ngờ ba mình về thấy thế mắng cho một trận vì lạm dụng lòng tốt của dân.Còn thầy (bố) nó cũng mắng nó vì tội lợi dụng dân sơ tán.Nghĩ lại thấy người lớn chưa hiểu lòng con trẻ hay vì người lớn quá ý tứ với nhau mà trẻ con không hiểu.Nhà ông chủ này có hẳn một cái giếng.Chao ơi không có gì sung sướng hơn,không phải đi khiêng nước như ngày bé sơ tán ở Quảng bị.Ông chủ nhà còn làm một cái máng để chuyển nước vào bể khi múc lên.Nhà giữa của ông ấy có một cái quạt trần kéo tay,nền nhà láng xi măng nhẵn bóng.Thằng con út nhà ông đi đâu về, nóng ,lại nằm áp mặt xuống đất hết bên này lại lật sang bên kia.Gia đình ông có nghề phụ lúc nông nhàn ,đó là đan lưới đánh cá.Muốn đan lưới phải đánh rợ(sợi).Công đoạn ấy tỉ mỉ và khéo léo mình không làm được.Mình chỉ biết đan lưới thôi Đợt sơ tán này mỗi nhà tự nấu ăn.Hàng ngày ba đi làm,mình với em đi chợ về nấu ăn.Đi chợ bên thôn Hữu bằng-đó là một nơi giàu có,nhà gạch san sát nhau ,họ làm nghề dệt vải,chị em mình gọi đó là "thủ đô nhỏ".Giờ nghe đâu nơi ấy phát triển lắm, hình như làm nghề chạm khắc gỗ thì phải.Hồi ấy sợ nhất là giờ đi chợ có máy bay gầm rít trên đầu.Mặc dù đã đổi giờ đi chợ và phải mặc áo sẫm màu vì sợ bị máy bay phát hiện sẽ ném bom,thế nhưng vẫn gặp lúc chúng quần rít trên đầu kinh khủng.Có lần hai chị em đi nửa đường gặp lúc máy bay bắn dữ dội sợ quá trốn xuống lùm cây bên đường xong phải bỏ về không dám đi nữa.Những ngày ấy chưa đi học ở đâu cả. Thời gian rảnh rỗi nhiều nên hay lê la sang nhà họ hàng của ông chủ để buôn chuyện.Ông chủ có thằng cháu gọi bằng cậu rất hay lên Hà Nội để gọi là mở mang dân trí.Tên nó là Thoa Sau khi hết sơ tán nó có ra nhà mình chơi,nó rất thích cái đài Phi lip be bé mà ông Bảy Gia đi làm đại sứ tận ở Tandania về tặng.Nó cứ gạ má mình bán cho nó.Mình không giận má bán cái đài mà cứ chửi thầm thằng Thoa nỡ cướp niềm vui con con của tụi mình.Lại nói về ông chủ với mẹ nó(là hai anh em) cùng bị đau dạ dày.Sau này ra Hà nội nhờ má mình đưa vào bệnh viện Xanh pol mổ cắt mỗi người hai phần ba dạ dày.Từ lúc ấy tình thân giữa nhà ông chủ với nhà mình càng gắn bó.Năm nào tết đến ông cũng đem một con gà trống thiến với gạo nếp cho nhà mình.Tiếc rằng sau giải phóng mình đã mất liên lạc với gia đình ông ấy.Giờ thì Thạch Thất cũng thuộc về Hà nội rồi,không biết gia đình ông ấy ra sao.Mình quên đường về Thạch Thất rồi mặc dù hồi ấy có lần mình đi xe đạp với một chú ở cơ quan ba từ chỗ sơ tán về Hà nội. Rồi hiệp định Pa-ri về Việt Nam được kí kết.Chiến tranh tạm ngừng.Kết thúc những năm tháng sơ tán gian khổ,đầy ắp những kỉ niệm khó quên của tuổi ấu thơ thời chiến tranh. Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt/trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt/rọi suốt trăm năm một cõi đi về…

30 thg 8, 2008

Dù có đi bốn phương trời... lòng vẫn nhớ về Hà Nội...

Những nămtháng sống ở Quảng Bị có rất nhiều kỉ niệm sâu sắc.Đợt sơ tán sau nữa và những lần xa nhà sau này cũng không để lại nhiều dấu ấn đến thế trong tâm trí mình.Về đó mình mới biết thế nào là cuộc sống của những người dân quê mộc mạc.Nhà bà Kim mà mình ở nhờ là một nhà thuộc loại khá giả.Nhà bà có sân phơi riêng ,có một cái ao, vườn rộng lắm,nhà ba gian ,phía trước có giậu che.nhà này thuộc loại nhà cổ. Cửa ra vào có bậc cao phải nhấc cao chân mới qua được, đứa nào láu táu thế nào cũng bị ngã,cửa nhiều cánh nhỏ đẩy nghiêng qua lại chứ không mở ra mở vào,Trong nhà có bộ tràng kỉ có vẻ nhiều thâm niên, bộ phản bà cho tụi mình mượn có ba tấm rất dày.Bây giờ chắc chỉ làm kiểm lâm mới có thôi.Bàn thờ nhiều thứ bậc và đủ bộ lệ nhất mà mình chưa thấy ở đâu có, ngoài các ngôi chùa.Nhà bà có một cái bể đựng nước mưa.Ngoài sân có một chum tương mà thỉnh thoảng bà đi vắng bọn mình thường múc trộm ăn cho nó đổi vị.Một cây rơm cũng chứa chất kỉ niệm với tụi mình.Đó là lần bà cho người chất rơm thành cây, bọn mình lăng xăng phụ giúp,sau khi xong việc mình bị mất một chiếc dép.Mãi về sau rút rơm nấu mới rơi dép ra,lúc ấy chiếc kia đã đi đời nhà ma rồi.Cái bể nước mưa nhà bà nếu “không có cái quân sơ tán” thì chắc là đủ dùng giáp mùa cùng với nước phụ ở ao.Chỉ vì “ cái quân cày đường nhựa” về đây nên nhà bà cái gì cũng tăng đến chóng cả mặt cả mày.Thỉnh thoảng bà bóng gió vài câu cũng đủ động đến lòng tự trọng của những đứa trẻ mới lớn như tụi mình.Thế là cái tuổi xương cốt đang phát triển như tụi mình phải è cổ ra khiêng nước để góp vào bể dùng chung .Tuy mỗi lần hai đứa khiêng chỉ có nửa thùng thôi nhưng eo ôi còn nặng hơn tất cả những gì sau này phải mang vác.Nếu hồi đó không phải lao động nặng thế chắc bây giờ chiều cao không chỉ khiêm nhường 1,62m ! Bà mong muốn việc này thì với cái thân ở nhờ như tụi mình phỉa hiểu là bà còn muốn điều khác.Ấy là vấn đề chất đốt.Rơm của bà cả đống nhưng rút góc nào vẹt đi góc đó là bà biết ngay cả khi không có mặt ở nhà.Bọn mình bắt chước mấy đứa trẻ ở thôn quê đi mót rơm cho bà chủ.Có thế thì bà mới vui vẻ lúc mình rút rơm của bà xào nấu mì sợi chứ.Lúc bà xay lúa bọn mình cũng góp tay vào cái cần để khởi động cối xay, bọn mình cũng thích mà bà cũng vui.Tối đến đứa nào đứa đó,xót, ngứa.Rồi từ đó mà hóa ghẻ, mới có câu “Hà Nội ăn chơi,về đây sơ tán cho nên ghẻ ruồi, ai có về đây, nhớ mua cho lọ thuốc ngứa,khi ngứa tôi bôi, bôi vào nó xót chết cha, thuốc để cạnh người khi nào ngứa lên thì bôi”. Việc nhà nông từ xay lúa ,giã gạo ,dần , sàng tụi mình đều được bà chủ cho mó tay vào thử hết rồi .Nhưng chả làm nên trò trống gì, vụng về và mất thời gian của họ thôi. Mình còn nhớ những lần máy bay địch gầm rít trên đầu, bom rơi, đạn nổ nghe đâu đó rất dữ dội ,bọn mình không ra hầm mà bắt chước bà chủ nhà chui xuống gầm bàn thờ.Mỏng manh quá mà sao yên tâm một cách kì lạ.Sau này mình còn nấp dưới một giàn mướp nữa mới liều chứ.Chiến tranh, may rủi ai biết mà lường! Lên chỗ sơ tán, mình vẫn phải tiếp tục đi học.Đi học ở trường làng nhưng lớp học toàn dân sơ tán.Đường đi xa đến mấy cây số chứ không ít.Mỗi lần đi qua nhà dân, bọn mình bị bọn trẻ cậy gần nhà ra bắt nạt.Thế là “hùm thiêng lỡ bước sa cơ cũng hèn”.Bị chúng nó bắt cống nộp đủ thứ, nếu không sẽ no đòn.Thôi thì bút chì màu,phấn màu, cục tẩy,bánh lương khô…cái gì cứu mạng được là nộp ráo.Ôi, tuổi thơ ơi sao mà thương quá! Hồi ấy bọn mình đã biết quá giang rồi .Thỉnh thoảng gặp chú bộ đội nào đi xe đạp không chở gì là nhờ đèo hộ một quãng.Sau này mới biết đó là những “lê anh nuôi”.Buồn cười nhất là cái kiểu nhờ chụp dựt trẻ con,miệng nói chân nhảy bừa lên xe, ngồi một bên,trẻ con ai nỡ đuổi.Hồi ấy nhảy xe sao tài thế không biết,bây giờ ngồi xe máy hai bên còn sợ chưa chắc! Lại nói đến qui định: đi học phải đội mũ rơm, cứ như bây giờ đi xe máy phải đội mũ bảo hiểm vậy.Cũng từ đó mà mình biết đan mũ rơm.Chỉ một bó rơm với một chiếc cặp ba lá trong hai ngày là có một chiếc mũ rơm chính hiệu.Vừa rồi nhớ kỉ niệm xưa, mình mới đan một chiếc để ngắm chơi.Ai nhìn thấy cũng thích nhưng để nói về nó thì không phải ai cũng biết.Mình thầm nghĩ giá như ai cũng từng gắn bó với nó như mình,thì mình sẵn sàng đan tặng làm kỉ niệm. Thế rồi cuộc chiến tạm ngừng.Quân sơ tán lại kéo về Thủ đô.Bọn mình ngồi trên chiếc xe tải ,mình bị say xe,khóc gọi “má ơi con chết mất”.Về đến nhà con chó Giôn nhảy chồm lên mừng chủ.Cuộc ra đi và trở về lần thứ ba chấm dứt.Nhưng đó chưa phải lần cuối cùng. Dù có đi bốn phương trời / lòng vẫn hướng về Hà Nội/ Hà Nội của ta/ Thủ đô yêu dấu /Một thời đạn bom/ Một thời hòa bình…

Nào,ai còn nhớ một thời mũ rơm...

Lần sơ tán thứ ba Lần này ba má không phải tự đi tìm địa điểm nữa,mà cơ quan ba tổ chức.Cũng vì tính chất cuộc chiến ngày càng nguy hiểm.Giặc Mĩ điên cuồng bắn phá miền Bắc.Bất kể đó là nhà máy, xí nghiệp,chợ búa ,trường học, bệnh viện,.. cứ nơi nào đông dân là chúng dội bom tàn sát ,hủy diệt. Nhà mình ở ngay sau ga Hàng cỏ.Thời bình thuận tiện bao nhiêu thì thời chiến lo sợ bấy nhiêu.Đó là nỗi ám ảnh của ba má mỗi khi ở cơ quan nghe báo động lại lo không biết các con ở nhà đã ra hầm trú ẩn chưa. Sau lần sơ tán thứ hai,mình được về học ở Hà Nội một năm.Còn nhớ ngôi trường Cát Linh ấy gần như đối diện với cửa sau sân vận động Hàng Đẫy.Có lần mình không thích đi theo con đường cũ,đường Quốc Tử Giám qua Văn Miếu,Cát Linh rồi rẽ phải,mà tự chọn lối đi xa hơn để xem nó thế nào.Đường này đi qua phố Nguyễn Thái Học rồi rẽ trái.Trên đường này có một trại của những người khiếm thị.Hồi ấy mình sợ lắm.Ngày bé mình sợ người không nhìn thấy mình,còn bây giờ mình lại sợ những người mình không nhìn thấy họ!Có một lần ra chơi mình nhớ nhà, nhớ em kinh khủng,thế là mình trốn học về nhà, may quá có thằng Trí thọt đem cặp về hộ.Tất cả kỉ niệm về ngôi trường đầu tiên ấy và những ngày làm học sinh Thủ đô nhanh chóng trôi qua vì “chiến tranh đâu phải trò đùa”. Mình với em gái bắt đầu nếm trải một cuộc sống tự lập ở lần sơ tán này.Nơi đó là xã Quảng Bị ,huyện Chương Mĩ,tỉnh Hà tây.Mình không thể tin nổi nơi này giờ cũng là đất Thủ đô! Vì lên chậm nên trại trẻ không còn chỗ,chị em mình được xếp ở nhờ nhà dân cùng với một gia đình người sơ tán khác.Bà chủ nhà tên Kim,có cô con gái tên Hồng với một cô con dâu thường gọi là mợ Cả. Mình ăn cơm tập thể.Hàng ngày đem cặp lồng đến trại lấy cơm về ăn. Đường đến trại khá xa,mình không ước lượng được khoảng cách chính xác là bao nhiêu nhưng chỉ biết là đi mỏi chân lắm mới tới, ngoài một đoạn đường lát đá xanh còn chủ yếu là đường đất.Ngày nắng đã đành ,ngày mưa mới thật là gian nan .Đường bùn đất nhão nhoẹt,trơn như đổ mỡ.Mình đi dép không nhấc nổi dép (hồi ấy đứa nào cũng đi dép cao su),còn nhấc được dép thì đứt quai hoặc ít nhất cũng một mất một còn. Mình quyết định trời mưa đi chân đất mặc dù mình rất sợ giun .Cứ trời mưa là vùng ấy nhiều giun đất đễ sợ.Ấy thế mà vẫn không trụ nổi.Mình không bao giờ quên cái lần đi lấy cơm trời mưa gần đến nhà bị ngã đổ hết.Nếu quay lại thì xa quá mà chắc gì đã còn cơm để cô phát “lính tráng có xuất sĩ quan có khẩu phần” mà.Thế là lò dò bước về đến nhà trong ánh mắt chờ đợi của em, mình thấy có lỗi với em.Mình rủ em đi ngủ cho qua cơn đói cồn cào.Chiều vẫn đi học bình thường.Thế mà đứa nào biết đã đến mách cô.Lúc đi lấy cơm chiều cô cho xuất cơm nhiều hơn mọi bữa.Cho đến bây giờ mình vẫn cảm ơn cô vì sự quan tâm ấy.Tên cô là cô Phấn, giờ không biết cô ở đâu. Còn nhớ một lần mình bị sốt xuất huyết rất nặng, nằm li bì ở nhà không đi học được .Ban quản lý trại đã báo cho ba mình ở Hà Nội biết nhưng vì công việc thời chiến ,ba chưa lên được.Mình tủi thân khóc mãi.Hai chị em chăm nhau.Chú Huệ là y sĩ của trại đến khám thấy thế cõng mình về trại,mình không chịu đi vì sợ không ai ngủ với em.Chú phải dỗ mãi mới chịu đi với điều kiện cho em ở cạnh.Chú cho nằm điều trị ở một cái giường gần phòng y tế,em mình cũng nằm chung.Hôm sau bố thằng Dũng Kình lên thăm nó ,đuổi mình đi để lấy giường vì lán trại đó toàn con trai.Mình mệt lắm nhưng cũng phải dậy đi ra sau nhà ngồi chờ chú Huệ về.Chú đi họp về không thấy mình đâu ,mãi sau mới thấy mình nằm ở sau nhà.Chú mắng cho ông Kình bố thằng Dũng một trận và yêu cầu ông ấy trả lại giường cho bệnh nhân.Thằng Dũng tức mình lắm, nó dọa bao giờ mình đi học thì biết tay, rồi nó quên hay là bị chú Huệ răn đe mà không thấy nó có biểu hiện gì. Vụ đó mình đề phòng khá lâu. Sau khi hết sơ tán mình tình cờ gặp chú Huệ ở Cửa Nam, mình đến nhà chú ở gần đó thăm và kể lại câu chuyện hồi ấy.Chú cười và dường như quên việc làm ngày ấy rồi.Những người tốt thường không hay coi việc giúp đời là ơn huệ mà chỉ xem như trách nhiệm phải làm.Trong sự biết ơn đời ,mình không quên những người như chú Huệ.

28 thg 8, 2008

Lần sơ tán thứ hai

Nơi đến đó là Chèm Vẽ,rất gần Hà Nội,quê của vợ chú Khánh.Con đường này mình đã được thím chở đi lại nhiều lần.Đường chạy dọc theo bờ đê Yên Phụ. Ngày ấy đường nhỏ và hẹp lắm.Trên đường đi thím đã hỏi mình đủ thứ về chú mình(chả là hai người đang trong giai đoạn tìm hiểu).Mình có nhiệm vụ phải nói là không biết mối tình trước đó của chú với cô hàng xóm, kẻo mà “hỏng việc” của người lớn.Câu chuyện từng say xưa đến nỗi rơi mất hai cái bánh chưng lúc nào không biết. Nói về những ngày ở đó.Thời gian không nhiều .Mình đã cùng những người dân ở đây lấy nước sông Hồng “đỏ nặng phù sa” đánh phèn chua mới dùng được.Dưới bãi cát ven sông trồng toàn ngô.Có một lần chạy trốn cùng bọn trẻ trong xóm xuống bãi ngô, thế là bị lạc,không thể nào tìm được đường lên.May quá có người đi gánh nước trông thấy dắt về hộ.Dân ở đây chủ yếu sống bằng nghề làm song mây xuất khẩu.Họ làm roi ngựa,đan những mặt hàng thủ công rất tinh xảo.Còn nhớ hồi ấy mình cũng bắt chước xin lạt (chẻ từ ống giang)đan thành từng sợi dài to bản rồi đưa cho thợ may thành chiếc túi cứu thương rất đẹp và lạ . Thời gian ở đó có lần được đi ăn giỗ ở một nhà phía trên bờ đê.Sau này mới biết xóm ấy được xếp vào di tích văn hóa vì kiến trúc cổ.đường lát đá xanh, nhà xây bằng gạch tổ ong,mái ngói không thể nào nâu đen hơn.Lại có lần đi ăn giỗ khác ở gần nhà máy điện Yên phụ.Hôm ấy có báo động,rồi bom giặc quần thả ở xung quanh, suýt thì toi mạng vì nơi đó là một trong những mục tiêu phá hoại của Mĩ. Cũng vì thế ba má lại chuẩn bị rời chuyển chị em mình đi sơ tán nơi khác. Sướng nhất là lại được trở về Hà Nội ,về ngôi nhà yêu dấu,dù sau đó là những ngày xa cách lâu dài và đầy rẫy gian khổ. Kết thúc lần đi thứ hai.

NHỮNG NGÀY SƠ TÁN

Xa Hà Nội trong cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của giặc Mĩ: Lần đi đầu tiên: Năm ấy chưa biết ghi nhật kí còn bây giờ sợ không nhớ hết. Lần đầu ba má đưa sang Đông Anh,quê vợ của ông anh họ,vì bấy giờ quê hương xa tít tận miền Nam trung bộ làm sao về.Thật chẳngcó quan hệ ruột rà máu mủ gì.Ôi buồn ơi là buồn!Mấy chị em nhớ nhà,nhớ Hà Nội,nhớ ba má,chỉ biết khóc thôi.Mặc dù chỉ bên kia sông Hồng nhưng sao ngày ấy cách biệt đến thế, có đâu như bây giờ địa giới Hà Nội phủ sóng tất cả các vùng quê mà mình đã từng sống những năm sơ tán. Lại thêm ông chủ nhà mặt mày lúc nào cũng cau cau có có trước cái bọn trẻ con thành thị không biết làm gì trông ngứa cả mắt, thấy cái gì cũng hỏi.Còn nhớ rất rõ ông ấy tên là Biển.Nhà ông có một giàn bầu,khổ nỗi là nó rất sai quả.Ngày nào ông cũng bắt ăn bầu, nghĩ lại bây giờ vẫn còn sợ.Bữa trưa ăn bầu xào,chiều ăn bầu luộc,hôm sau ăn bầu kho…bản trường ca bất tận về các món chế tác từ bầu. Chị Ao ,chị Bờ là con gái ông Biển rất thương chị em mình, thỉnh thoảng dắt đi chợ và sang các nhà hàng xóm.Bên cạnh nhà có hai chị em sinh đôi tên là Song và Hỉ.Chúng nó hay dành nhau dắt dân Hà Nội ra bãi cát để khoe có bạn Hà Nội.Một hôm nó khoe nhà nó có đàn gà con mới nở. Với chị em mình thì đó là một sự hấp dẫn đến vô cùng. Chị Hà hỏi nó làm cách nào mà quả trứng lại nở ra con gà,nó giảng giải một hồi. Chị mình ghi nhớ và bắt đầu nhen nhóm trò tiêu khiển thú vị.Chị mình nghĩ gà ấp được thì người cũng ấp được.Thế là từ hôm đó xin được ba quả trứng, ba chị em mình thậm thà thậm thụt,sợ ông Biển nhìn thấy coi như toi công và bắt đầu tự ấp trứng.Mỗi đứa một quả kẹp nách.Đứa nào bận việc gì thì nhờ đứa kia kẹp hộ.Lúc đầu hăng lắm sau chán vì thấy mãi gà không nở, lại rắc rối trong mọi sinh hoạt, thế là rủ nhau ra bãi cát sông Hồng lấy gạch dựng bếp luộc chén sạch.Kêt thúc một trò chơi. Lần nào ba má sang thăm cũng đem theo thức ăn.Trong đó có bánh quy là nhớ nhất.Ba má nhờ ông giữ hộ để cấp phát theo định lượng.Thế là lão G răng-đê bắt đầu sự nghiệp quản lí kho lương của binh sĩ .Nghĩ tức ghê bánh của mình mà ăn phải xin, chị mình lại bày đầu trò mới.Nghiên cứu chỗ để bánh xong ,cứ tối đến chị em mình chọc thủng bức vách (bằng đất trát) rồi khoét rộng vừa bàn tay thò vào cái thùng bên trong .Thùng bánh vơi dần , hết sớm mà lão quản gia không hề hay biết.Vết thủng được vá lại vụng về nhưng nhà cái gì cũng cũ nên chỗ vá chẳng gợi nên sự khác biệt là mấy Sau một thời gian ngắn đứa nào cũng bị đau mắt đỏ,ba má sang thăm thấy tình hình không ổn bắt đầu cho rút quân. Kết thúc những ngày xa nhà đầu tiên.

16 thg 8, 2008

Rằm tháng 7.Mậu tý(2008)

Đi xem hoa đăng ở Phú Thọ-Quảng Ngãi,thấy lòng thanh thản lạ!Dân mình thật trong sáng,tâm hồn họ mới thuần khiết làm sao!chiến tranh,đói nghèo,khủng hoảng ,lạm phát...Thế mà trong sâu thẳm của cõi tâm linh họ vẫn nguyên vẹn một niềm tin vào thế giới cực lạc. Nơi đó có những người thân của họ đang chờ đợi lời nguyện cầu của họ, để rồi họ kết đèn hoa thả trôi trên sông rực rỡ đến bất ngờ. Họ bày tỏ sự báo hiếu với cha mẹ, với ông bà tổ tiên, họ cầu siêu cho những linh hồn lạc lối , lầm lỗi...Họ như hiểu được đây là lể" xá tội vong nhân "lớn nhất của cõi âm để mà tự răn mình sống tốt đẹp hơn ở cõi trần. Đèn hoa được làm thật giản dị: bằng một lát thân chuối cắt ngang, dày độ 3-4 cm trên đó cắm một ngọn nến vừa vừa, được bao xung quanh bằng giấy gương màu vàng và đỏ là chủ yếu. Sau khi thắp nến, họ chèo thuyền mộc thả từng chiếc trên sông,Một người dân cho biết ở một ngôi chùa gần đó tổ chức cho các tăng ni , phật tử và những ai tự nguyện đến làm đèn,có khoảng 3000 chiếc đèn hoa như thế đã thắp sáng cả một vùng sông nước.Tiếc là không có máy ảnh để ghi lại những khoảnh khắc đó.Mượn chiếc điện thoại di động của anh xã chụp chỉ thấy tối đen với vài đốm sáng, vội xóa đi kẻo để lại hình ảnh sai lệch về đêm hoa đăng kì diệu này.Nhất định phải sắm một "bác phó nháy " mới được! Trên đường về thấy nhớ ba quá.Ngày nào ba chở con đi sơ tán, ba lên thăm chúng con, dặn dò đủ thứ, để rồi lúc ba về Hà nội chúng con chẳng còn nhớ gì ngoài nỗi nhớ ba.Con vẫn còn nhớ cái cảm giác sờ tay lên thân cây sung nhà bà chủ nhà nơi sơ tán để tìm hơi ấm bàn tay ba đã đặt lên chỗ đó.Mỗi khi ba lên thăm chúng con ,câu đầu tiên con hỏi là"ba ơi, ba có ở lại được không". Bọn con vui biết bao khi có ba ở lại dù chỉ là một đêm thôi.Con còn nhớ ngày ấy ba mua cho chị em con quyển truyện tranh"Thánh Gióng"con xem xong định bụng sẽ không cho con bạn mượn mà chỉ khoe cho nó thèm ,vì trước đó nó không cho con mượn truyện của nó.Ba biết thế liền nói với chúng con là" đừng làm thế, mình cứ cho họ mượn họ sẽ tự nghĩ lại mà đối với mình tốt hơn".Con đã làm theo lời ba và quả nhiên con bạn ấy có gì cũng chia sẻ với con.Ba ơi con đã là làm mẹ của hai đứa con rồi mà vẫn quen có ba nhắc nhở ,lo lắng.Cuộc đời con quá hụt hẫng khi không có ba bên cạnh.Mọi buồn vui ,băn khoăn ...không biết chia sẻ với ai.Con vẫn biết rằng đời người là hữu hạn, nhưng con vẫn muốn ba là ngoại lệ của qui luật nghiệt ngã đó ba ơi! Con thấy con chưa làm làm ba vui nhiều hơn khi ba còn sống, cho nên trong này lễ báo hiếu này con có thể hiện gì đi nữa cũng không đủ để đền đáp tình yêu thương mà ba đã dành cho chúng con phải không ba.Con xin thắp một nén nhang lên bàn thờ ba và trong lòng con với tất cả tình cảm kính trọng,thương nhớ,biết ơn ba-Người đã cho con cuộc đời và biết suy nghĩ để sống làm một con người tử tế. Đi hết cuộc đời mình con cũng không kể hết được về tấm lòng của ba.Nhân này lễ báo hiếu năm nay, cũng là năm đầu con không còn ba nữa, con chỉ biết nói lời cảm ơn ba .Ba ơi con cầu chúc cho ba đi thanh thản ở thế giới người hiền.

10 thg 8, 2008

Đã biết kẻ lừa đảo

Nếu không gọi cho nhà ngoại cảm thì vẫn tưởng ông ấy lừa .Thế mới biết trên đời còn những kẻ vô lương dám bỡn cợt cả với liệt sĩ! mình cố gắng với tất cả khả năng để giúp cho việc tìm kiếm mau có kết quả, vậy mà nó dám xưng danh bậy bạ để mọi người hi vọng rồi thất vọng,rồi nghi ngờ.Kẻ tự nhận mình tên Nhã-nhà ngoại cảm ấy nhất định sẽ có ngày tử nạn vì mi thật bất nhẫn. Rất may gọi cho chính ông NHÃ, được nghe hướng dẫn thấy lòng lại le lói niềm tin,đã gọi cho HN.May ra có thể góp phần giúp các anh chị mau chóng đưa được linh hồn liệt sĩ về với quê mẹ yêu thương

6 thg 8, 2008

Nói chuyện với HaNoi

Vừa nói chuyện với các anh chị ở HN .Thấy thương quá, các anh các chị đi tìm mộ liệt sĩ mà không thấy. Lại trở về.Sao lại phải cảm ơn chúng em về việc tiếp đón. Có gì đâu, các chị các anh.Tình cảm với Người đã hi sinh cho cuộc đời mỗi chúng ta hôm nay đâu còn là tình riêng của một gia đình nữa.Chợt nhớ đến câu thơ của ai đó: Em đi tìm anh mỏi mòn con mắt Vợ đi tìm chồng thăn thắt ruột gan! Anh còn quá trẻ khi hóa thân vào sông núi quê hương ,chưa kịp có một mối tình riêng. Cũng từ việc đi tìm anh mà chúng em trở nên gần gũi, quí mến nhau như anh chị em một nhà.Từ đây HN,Quảng Ngãi không còn xa cách nữa.Mọi vui buồn sẽ chia sẻ cùng nhau.Có sự hi sinh nào là uổng phí đâu anh.Chúng em sẽ tiếp tục tìm cách đưa anh về quê mẹ .Anh hãy đưa đường dẫn lối cho chúng em.Sự đền đáp của thế hệ hôm nay còn quá ít so với sự hi sinh của các anh.Anh nhất định sẽ trở về nơi anh đã ra đi!
Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang