30 thg 8, 2008

Dù có đi bốn phương trời... lòng vẫn nhớ về Hà Nội...

Những nămtháng sống ở Quảng Bị có rất nhiều kỉ niệm sâu sắc.Đợt sơ tán sau nữa và những lần xa nhà sau này cũng không để lại nhiều dấu ấn đến thế trong tâm trí mình.Về đó mình mới biết thế nào là cuộc sống của những người dân quê mộc mạc.Nhà bà Kim mà mình ở nhờ là một nhà thuộc loại khá giả.Nhà bà có sân phơi riêng ,có một cái ao, vườn rộng lắm,nhà ba gian ,phía trước có giậu che.nhà này thuộc loại nhà cổ. Cửa ra vào có bậc cao phải nhấc cao chân mới qua được, đứa nào láu táu thế nào cũng bị ngã,cửa nhiều cánh nhỏ đẩy nghiêng qua lại chứ không mở ra mở vào,Trong nhà có bộ tràng kỉ có vẻ nhiều thâm niên, bộ phản bà cho tụi mình mượn có ba tấm rất dày.Bây giờ chắc chỉ làm kiểm lâm mới có thôi.Bàn thờ nhiều thứ bậc và đủ bộ lệ nhất mà mình chưa thấy ở đâu có, ngoài các ngôi chùa.Nhà bà có một cái bể đựng nước mưa.Ngoài sân có một chum tương mà thỉnh thoảng bà đi vắng bọn mình thường múc trộm ăn cho nó đổi vị.Một cây rơm cũng chứa chất kỉ niệm với tụi mình.Đó là lần bà cho người chất rơm thành cây, bọn mình lăng xăng phụ giúp,sau khi xong việc mình bị mất một chiếc dép.Mãi về sau rút rơm nấu mới rơi dép ra,lúc ấy chiếc kia đã đi đời nhà ma rồi.Cái bể nước mưa nhà bà nếu “không có cái quân sơ tán” thì chắc là đủ dùng giáp mùa cùng với nước phụ ở ao.Chỉ vì “ cái quân cày đường nhựa” về đây nên nhà bà cái gì cũng tăng đến chóng cả mặt cả mày.Thỉnh thoảng bà bóng gió vài câu cũng đủ động đến lòng tự trọng của những đứa trẻ mới lớn như tụi mình.Thế là cái tuổi xương cốt đang phát triển như tụi mình phải è cổ ra khiêng nước để góp vào bể dùng chung .Tuy mỗi lần hai đứa khiêng chỉ có nửa thùng thôi nhưng eo ôi còn nặng hơn tất cả những gì sau này phải mang vác.Nếu hồi đó không phải lao động nặng thế chắc bây giờ chiều cao không chỉ khiêm nhường 1,62m ! Bà mong muốn việc này thì với cái thân ở nhờ như tụi mình phỉa hiểu là bà còn muốn điều khác.Ấy là vấn đề chất đốt.Rơm của bà cả đống nhưng rút góc nào vẹt đi góc đó là bà biết ngay cả khi không có mặt ở nhà.Bọn mình bắt chước mấy đứa trẻ ở thôn quê đi mót rơm cho bà chủ.Có thế thì bà mới vui vẻ lúc mình rút rơm của bà xào nấu mì sợi chứ.Lúc bà xay lúa bọn mình cũng góp tay vào cái cần để khởi động cối xay, bọn mình cũng thích mà bà cũng vui.Tối đến đứa nào đứa đó,xót, ngứa.Rồi từ đó mà hóa ghẻ, mới có câu “Hà Nội ăn chơi,về đây sơ tán cho nên ghẻ ruồi, ai có về đây, nhớ mua cho lọ thuốc ngứa,khi ngứa tôi bôi, bôi vào nó xót chết cha, thuốc để cạnh người khi nào ngứa lên thì bôi”. Việc nhà nông từ xay lúa ,giã gạo ,dần , sàng tụi mình đều được bà chủ cho mó tay vào thử hết rồi .Nhưng chả làm nên trò trống gì, vụng về và mất thời gian của họ thôi. Mình còn nhớ những lần máy bay địch gầm rít trên đầu, bom rơi, đạn nổ nghe đâu đó rất dữ dội ,bọn mình không ra hầm mà bắt chước bà chủ nhà chui xuống gầm bàn thờ.Mỏng manh quá mà sao yên tâm một cách kì lạ.Sau này mình còn nấp dưới một giàn mướp nữa mới liều chứ.Chiến tranh, may rủi ai biết mà lường! Lên chỗ sơ tán, mình vẫn phải tiếp tục đi học.Đi học ở trường làng nhưng lớp học toàn dân sơ tán.Đường đi xa đến mấy cây số chứ không ít.Mỗi lần đi qua nhà dân, bọn mình bị bọn trẻ cậy gần nhà ra bắt nạt.Thế là “hùm thiêng lỡ bước sa cơ cũng hèn”.Bị chúng nó bắt cống nộp đủ thứ, nếu không sẽ no đòn.Thôi thì bút chì màu,phấn màu, cục tẩy,bánh lương khô…cái gì cứu mạng được là nộp ráo.Ôi, tuổi thơ ơi sao mà thương quá! Hồi ấy bọn mình đã biết quá giang rồi .Thỉnh thoảng gặp chú bộ đội nào đi xe đạp không chở gì là nhờ đèo hộ một quãng.Sau này mới biết đó là những “lê anh nuôi”.Buồn cười nhất là cái kiểu nhờ chụp dựt trẻ con,miệng nói chân nhảy bừa lên xe, ngồi một bên,trẻ con ai nỡ đuổi.Hồi ấy nhảy xe sao tài thế không biết,bây giờ ngồi xe máy hai bên còn sợ chưa chắc! Lại nói đến qui định: đi học phải đội mũ rơm, cứ như bây giờ đi xe máy phải đội mũ bảo hiểm vậy.Cũng từ đó mà mình biết đan mũ rơm.Chỉ một bó rơm với một chiếc cặp ba lá trong hai ngày là có một chiếc mũ rơm chính hiệu.Vừa rồi nhớ kỉ niệm xưa, mình mới đan một chiếc để ngắm chơi.Ai nhìn thấy cũng thích nhưng để nói về nó thì không phải ai cũng biết.Mình thầm nghĩ giá như ai cũng từng gắn bó với nó như mình,thì mình sẵn sàng đan tặng làm kỉ niệm. Thế rồi cuộc chiến tạm ngừng.Quân sơ tán lại kéo về Thủ đô.Bọn mình ngồi trên chiếc xe tải ,mình bị say xe,khóc gọi “má ơi con chết mất”.Về đến nhà con chó Giôn nhảy chồm lên mừng chủ.Cuộc ra đi và trở về lần thứ ba chấm dứt.Nhưng đó chưa phải lần cuối cùng. Dù có đi bốn phương trời / lòng vẫn hướng về Hà Nội/ Hà Nội của ta/ Thủ đô yêu dấu /Một thời đạn bom/ Một thời hòa bình…

Nào,ai còn nhớ một thời mũ rơm...

Lần sơ tán thứ ba Lần này ba má không phải tự đi tìm địa điểm nữa,mà cơ quan ba tổ chức.Cũng vì tính chất cuộc chiến ngày càng nguy hiểm.Giặc Mĩ điên cuồng bắn phá miền Bắc.Bất kể đó là nhà máy, xí nghiệp,chợ búa ,trường học, bệnh viện,.. cứ nơi nào đông dân là chúng dội bom tàn sát ,hủy diệt. Nhà mình ở ngay sau ga Hàng cỏ.Thời bình thuận tiện bao nhiêu thì thời chiến lo sợ bấy nhiêu.Đó là nỗi ám ảnh của ba má mỗi khi ở cơ quan nghe báo động lại lo không biết các con ở nhà đã ra hầm trú ẩn chưa. Sau lần sơ tán thứ hai,mình được về học ở Hà Nội một năm.Còn nhớ ngôi trường Cát Linh ấy gần như đối diện với cửa sau sân vận động Hàng Đẫy.Có lần mình không thích đi theo con đường cũ,đường Quốc Tử Giám qua Văn Miếu,Cát Linh rồi rẽ phải,mà tự chọn lối đi xa hơn để xem nó thế nào.Đường này đi qua phố Nguyễn Thái Học rồi rẽ trái.Trên đường này có một trại của những người khiếm thị.Hồi ấy mình sợ lắm.Ngày bé mình sợ người không nhìn thấy mình,còn bây giờ mình lại sợ những người mình không nhìn thấy họ!Có một lần ra chơi mình nhớ nhà, nhớ em kinh khủng,thế là mình trốn học về nhà, may quá có thằng Trí thọt đem cặp về hộ.Tất cả kỉ niệm về ngôi trường đầu tiên ấy và những ngày làm học sinh Thủ đô nhanh chóng trôi qua vì “chiến tranh đâu phải trò đùa”. Mình với em gái bắt đầu nếm trải một cuộc sống tự lập ở lần sơ tán này.Nơi đó là xã Quảng Bị ,huyện Chương Mĩ,tỉnh Hà tây.Mình không thể tin nổi nơi này giờ cũng là đất Thủ đô! Vì lên chậm nên trại trẻ không còn chỗ,chị em mình được xếp ở nhờ nhà dân cùng với một gia đình người sơ tán khác.Bà chủ nhà tên Kim,có cô con gái tên Hồng với một cô con dâu thường gọi là mợ Cả. Mình ăn cơm tập thể.Hàng ngày đem cặp lồng đến trại lấy cơm về ăn. Đường đến trại khá xa,mình không ước lượng được khoảng cách chính xác là bao nhiêu nhưng chỉ biết là đi mỏi chân lắm mới tới, ngoài một đoạn đường lát đá xanh còn chủ yếu là đường đất.Ngày nắng đã đành ,ngày mưa mới thật là gian nan .Đường bùn đất nhão nhoẹt,trơn như đổ mỡ.Mình đi dép không nhấc nổi dép (hồi ấy đứa nào cũng đi dép cao su),còn nhấc được dép thì đứt quai hoặc ít nhất cũng một mất một còn. Mình quyết định trời mưa đi chân đất mặc dù mình rất sợ giun .Cứ trời mưa là vùng ấy nhiều giun đất đễ sợ.Ấy thế mà vẫn không trụ nổi.Mình không bao giờ quên cái lần đi lấy cơm trời mưa gần đến nhà bị ngã đổ hết.Nếu quay lại thì xa quá mà chắc gì đã còn cơm để cô phát “lính tráng có xuất sĩ quan có khẩu phần” mà.Thế là lò dò bước về đến nhà trong ánh mắt chờ đợi của em, mình thấy có lỗi với em.Mình rủ em đi ngủ cho qua cơn đói cồn cào.Chiều vẫn đi học bình thường.Thế mà đứa nào biết đã đến mách cô.Lúc đi lấy cơm chiều cô cho xuất cơm nhiều hơn mọi bữa.Cho đến bây giờ mình vẫn cảm ơn cô vì sự quan tâm ấy.Tên cô là cô Phấn, giờ không biết cô ở đâu. Còn nhớ một lần mình bị sốt xuất huyết rất nặng, nằm li bì ở nhà không đi học được .Ban quản lý trại đã báo cho ba mình ở Hà Nội biết nhưng vì công việc thời chiến ,ba chưa lên được.Mình tủi thân khóc mãi.Hai chị em chăm nhau.Chú Huệ là y sĩ của trại đến khám thấy thế cõng mình về trại,mình không chịu đi vì sợ không ai ngủ với em.Chú phải dỗ mãi mới chịu đi với điều kiện cho em ở cạnh.Chú cho nằm điều trị ở một cái giường gần phòng y tế,em mình cũng nằm chung.Hôm sau bố thằng Dũng Kình lên thăm nó ,đuổi mình đi để lấy giường vì lán trại đó toàn con trai.Mình mệt lắm nhưng cũng phải dậy đi ra sau nhà ngồi chờ chú Huệ về.Chú đi họp về không thấy mình đâu ,mãi sau mới thấy mình nằm ở sau nhà.Chú mắng cho ông Kình bố thằng Dũng một trận và yêu cầu ông ấy trả lại giường cho bệnh nhân.Thằng Dũng tức mình lắm, nó dọa bao giờ mình đi học thì biết tay, rồi nó quên hay là bị chú Huệ răn đe mà không thấy nó có biểu hiện gì. Vụ đó mình đề phòng khá lâu. Sau khi hết sơ tán mình tình cờ gặp chú Huệ ở Cửa Nam, mình đến nhà chú ở gần đó thăm và kể lại câu chuyện hồi ấy.Chú cười và dường như quên việc làm ngày ấy rồi.Những người tốt thường không hay coi việc giúp đời là ơn huệ mà chỉ xem như trách nhiệm phải làm.Trong sự biết ơn đời ,mình không quên những người như chú Huệ.

28 thg 8, 2008

Lần sơ tán thứ hai

Nơi đến đó là Chèm Vẽ,rất gần Hà Nội,quê của vợ chú Khánh.Con đường này mình đã được thím chở đi lại nhiều lần.Đường chạy dọc theo bờ đê Yên Phụ. Ngày ấy đường nhỏ và hẹp lắm.Trên đường đi thím đã hỏi mình đủ thứ về chú mình(chả là hai người đang trong giai đoạn tìm hiểu).Mình có nhiệm vụ phải nói là không biết mối tình trước đó của chú với cô hàng xóm, kẻo mà “hỏng việc” của người lớn.Câu chuyện từng say xưa đến nỗi rơi mất hai cái bánh chưng lúc nào không biết. Nói về những ngày ở đó.Thời gian không nhiều .Mình đã cùng những người dân ở đây lấy nước sông Hồng “đỏ nặng phù sa” đánh phèn chua mới dùng được.Dưới bãi cát ven sông trồng toàn ngô.Có một lần chạy trốn cùng bọn trẻ trong xóm xuống bãi ngô, thế là bị lạc,không thể nào tìm được đường lên.May quá có người đi gánh nước trông thấy dắt về hộ.Dân ở đây chủ yếu sống bằng nghề làm song mây xuất khẩu.Họ làm roi ngựa,đan những mặt hàng thủ công rất tinh xảo.Còn nhớ hồi ấy mình cũng bắt chước xin lạt (chẻ từ ống giang)đan thành từng sợi dài to bản rồi đưa cho thợ may thành chiếc túi cứu thương rất đẹp và lạ . Thời gian ở đó có lần được đi ăn giỗ ở một nhà phía trên bờ đê.Sau này mới biết xóm ấy được xếp vào di tích văn hóa vì kiến trúc cổ.đường lát đá xanh, nhà xây bằng gạch tổ ong,mái ngói không thể nào nâu đen hơn.Lại có lần đi ăn giỗ khác ở gần nhà máy điện Yên phụ.Hôm ấy có báo động,rồi bom giặc quần thả ở xung quanh, suýt thì toi mạng vì nơi đó là một trong những mục tiêu phá hoại của Mĩ. Cũng vì thế ba má lại chuẩn bị rời chuyển chị em mình đi sơ tán nơi khác. Sướng nhất là lại được trở về Hà Nội ,về ngôi nhà yêu dấu,dù sau đó là những ngày xa cách lâu dài và đầy rẫy gian khổ. Kết thúc lần đi thứ hai.

NHỮNG NGÀY SƠ TÁN

Xa Hà Nội trong cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của giặc Mĩ: Lần đi đầu tiên: Năm ấy chưa biết ghi nhật kí còn bây giờ sợ không nhớ hết. Lần đầu ba má đưa sang Đông Anh,quê vợ của ông anh họ,vì bấy giờ quê hương xa tít tận miền Nam trung bộ làm sao về.Thật chẳngcó quan hệ ruột rà máu mủ gì.Ôi buồn ơi là buồn!Mấy chị em nhớ nhà,nhớ Hà Nội,nhớ ba má,chỉ biết khóc thôi.Mặc dù chỉ bên kia sông Hồng nhưng sao ngày ấy cách biệt đến thế, có đâu như bây giờ địa giới Hà Nội phủ sóng tất cả các vùng quê mà mình đã từng sống những năm sơ tán. Lại thêm ông chủ nhà mặt mày lúc nào cũng cau cau có có trước cái bọn trẻ con thành thị không biết làm gì trông ngứa cả mắt, thấy cái gì cũng hỏi.Còn nhớ rất rõ ông ấy tên là Biển.Nhà ông có một giàn bầu,khổ nỗi là nó rất sai quả.Ngày nào ông cũng bắt ăn bầu, nghĩ lại bây giờ vẫn còn sợ.Bữa trưa ăn bầu xào,chiều ăn bầu luộc,hôm sau ăn bầu kho…bản trường ca bất tận về các món chế tác từ bầu. Chị Ao ,chị Bờ là con gái ông Biển rất thương chị em mình, thỉnh thoảng dắt đi chợ và sang các nhà hàng xóm.Bên cạnh nhà có hai chị em sinh đôi tên là Song và Hỉ.Chúng nó hay dành nhau dắt dân Hà Nội ra bãi cát để khoe có bạn Hà Nội.Một hôm nó khoe nhà nó có đàn gà con mới nở. Với chị em mình thì đó là một sự hấp dẫn đến vô cùng. Chị Hà hỏi nó làm cách nào mà quả trứng lại nở ra con gà,nó giảng giải một hồi. Chị mình ghi nhớ và bắt đầu nhen nhóm trò tiêu khiển thú vị.Chị mình nghĩ gà ấp được thì người cũng ấp được.Thế là từ hôm đó xin được ba quả trứng, ba chị em mình thậm thà thậm thụt,sợ ông Biển nhìn thấy coi như toi công và bắt đầu tự ấp trứng.Mỗi đứa một quả kẹp nách.Đứa nào bận việc gì thì nhờ đứa kia kẹp hộ.Lúc đầu hăng lắm sau chán vì thấy mãi gà không nở, lại rắc rối trong mọi sinh hoạt, thế là rủ nhau ra bãi cát sông Hồng lấy gạch dựng bếp luộc chén sạch.Kêt thúc một trò chơi. Lần nào ba má sang thăm cũng đem theo thức ăn.Trong đó có bánh quy là nhớ nhất.Ba má nhờ ông giữ hộ để cấp phát theo định lượng.Thế là lão G răng-đê bắt đầu sự nghiệp quản lí kho lương của binh sĩ .Nghĩ tức ghê bánh của mình mà ăn phải xin, chị mình lại bày đầu trò mới.Nghiên cứu chỗ để bánh xong ,cứ tối đến chị em mình chọc thủng bức vách (bằng đất trát) rồi khoét rộng vừa bàn tay thò vào cái thùng bên trong .Thùng bánh vơi dần , hết sớm mà lão quản gia không hề hay biết.Vết thủng được vá lại vụng về nhưng nhà cái gì cũng cũ nên chỗ vá chẳng gợi nên sự khác biệt là mấy Sau một thời gian ngắn đứa nào cũng bị đau mắt đỏ,ba má sang thăm thấy tình hình không ổn bắt đầu cho rút quân. Kết thúc những ngày xa nhà đầu tiên.

16 thg 8, 2008

Rằm tháng 7.Mậu tý(2008)

Đi xem hoa đăng ở Phú Thọ-Quảng Ngãi,thấy lòng thanh thản lạ!Dân mình thật trong sáng,tâm hồn họ mới thuần khiết làm sao!chiến tranh,đói nghèo,khủng hoảng ,lạm phát...Thế mà trong sâu thẳm của cõi tâm linh họ vẫn nguyên vẹn một niềm tin vào thế giới cực lạc. Nơi đó có những người thân của họ đang chờ đợi lời nguyện cầu của họ, để rồi họ kết đèn hoa thả trôi trên sông rực rỡ đến bất ngờ. Họ bày tỏ sự báo hiếu với cha mẹ, với ông bà tổ tiên, họ cầu siêu cho những linh hồn lạc lối , lầm lỗi...Họ như hiểu được đây là lể" xá tội vong nhân "lớn nhất của cõi âm để mà tự răn mình sống tốt đẹp hơn ở cõi trần. Đèn hoa được làm thật giản dị: bằng một lát thân chuối cắt ngang, dày độ 3-4 cm trên đó cắm một ngọn nến vừa vừa, được bao xung quanh bằng giấy gương màu vàng và đỏ là chủ yếu. Sau khi thắp nến, họ chèo thuyền mộc thả từng chiếc trên sông,Một người dân cho biết ở một ngôi chùa gần đó tổ chức cho các tăng ni , phật tử và những ai tự nguyện đến làm đèn,có khoảng 3000 chiếc đèn hoa như thế đã thắp sáng cả một vùng sông nước.Tiếc là không có máy ảnh để ghi lại những khoảnh khắc đó.Mượn chiếc điện thoại di động của anh xã chụp chỉ thấy tối đen với vài đốm sáng, vội xóa đi kẻo để lại hình ảnh sai lệch về đêm hoa đăng kì diệu này.Nhất định phải sắm một "bác phó nháy " mới được! Trên đường về thấy nhớ ba quá.Ngày nào ba chở con đi sơ tán, ba lên thăm chúng con, dặn dò đủ thứ, để rồi lúc ba về Hà nội chúng con chẳng còn nhớ gì ngoài nỗi nhớ ba.Con vẫn còn nhớ cái cảm giác sờ tay lên thân cây sung nhà bà chủ nhà nơi sơ tán để tìm hơi ấm bàn tay ba đã đặt lên chỗ đó.Mỗi khi ba lên thăm chúng con ,câu đầu tiên con hỏi là"ba ơi, ba có ở lại được không". Bọn con vui biết bao khi có ba ở lại dù chỉ là một đêm thôi.Con còn nhớ ngày ấy ba mua cho chị em con quyển truyện tranh"Thánh Gióng"con xem xong định bụng sẽ không cho con bạn mượn mà chỉ khoe cho nó thèm ,vì trước đó nó không cho con mượn truyện của nó.Ba biết thế liền nói với chúng con là" đừng làm thế, mình cứ cho họ mượn họ sẽ tự nghĩ lại mà đối với mình tốt hơn".Con đã làm theo lời ba và quả nhiên con bạn ấy có gì cũng chia sẻ với con.Ba ơi con đã là làm mẹ của hai đứa con rồi mà vẫn quen có ba nhắc nhở ,lo lắng.Cuộc đời con quá hụt hẫng khi không có ba bên cạnh.Mọi buồn vui ,băn khoăn ...không biết chia sẻ với ai.Con vẫn biết rằng đời người là hữu hạn, nhưng con vẫn muốn ba là ngoại lệ của qui luật nghiệt ngã đó ba ơi! Con thấy con chưa làm làm ba vui nhiều hơn khi ba còn sống, cho nên trong này lễ báo hiếu này con có thể hiện gì đi nữa cũng không đủ để đền đáp tình yêu thương mà ba đã dành cho chúng con phải không ba.Con xin thắp một nén nhang lên bàn thờ ba và trong lòng con với tất cả tình cảm kính trọng,thương nhớ,biết ơn ba-Người đã cho con cuộc đời và biết suy nghĩ để sống làm một con người tử tế. Đi hết cuộc đời mình con cũng không kể hết được về tấm lòng của ba.Nhân này lễ báo hiếu năm nay, cũng là năm đầu con không còn ba nữa, con chỉ biết nói lời cảm ơn ba .Ba ơi con cầu chúc cho ba đi thanh thản ở thế giới người hiền.

10 thg 8, 2008

Đã biết kẻ lừa đảo

Nếu không gọi cho nhà ngoại cảm thì vẫn tưởng ông ấy lừa .Thế mới biết trên đời còn những kẻ vô lương dám bỡn cợt cả với liệt sĩ! mình cố gắng với tất cả khả năng để giúp cho việc tìm kiếm mau có kết quả, vậy mà nó dám xưng danh bậy bạ để mọi người hi vọng rồi thất vọng,rồi nghi ngờ.Kẻ tự nhận mình tên Nhã-nhà ngoại cảm ấy nhất định sẽ có ngày tử nạn vì mi thật bất nhẫn. Rất may gọi cho chính ông NHÃ, được nghe hướng dẫn thấy lòng lại le lói niềm tin,đã gọi cho HN.May ra có thể góp phần giúp các anh chị mau chóng đưa được linh hồn liệt sĩ về với quê mẹ yêu thương

6 thg 8, 2008

Nói chuyện với HaNoi

Vừa nói chuyện với các anh chị ở HN .Thấy thương quá, các anh các chị đi tìm mộ liệt sĩ mà không thấy. Lại trở về.Sao lại phải cảm ơn chúng em về việc tiếp đón. Có gì đâu, các chị các anh.Tình cảm với Người đã hi sinh cho cuộc đời mỗi chúng ta hôm nay đâu còn là tình riêng của một gia đình nữa.Chợt nhớ đến câu thơ của ai đó: Em đi tìm anh mỏi mòn con mắt Vợ đi tìm chồng thăn thắt ruột gan! Anh còn quá trẻ khi hóa thân vào sông núi quê hương ,chưa kịp có một mối tình riêng. Cũng từ việc đi tìm anh mà chúng em trở nên gần gũi, quí mến nhau như anh chị em một nhà.Từ đây HN,Quảng Ngãi không còn xa cách nữa.Mọi vui buồn sẽ chia sẻ cùng nhau.Có sự hi sinh nào là uổng phí đâu anh.Chúng em sẽ tiếp tục tìm cách đưa anh về quê mẹ .Anh hãy đưa đường dẫn lối cho chúng em.Sự đền đáp của thế hệ hôm nay còn quá ít so với sự hi sinh của các anh.Anh nhất định sẽ trở về nơi anh đã ra đi!
Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang