30 thg 9, 2008

Ba của tôi.

Cũng vào ngày này mùa mưa năm ngoái,một người mà chị em chúng tôi yêu thương, kính trọng đã ra đi! Đó là ba tôi. Ba tôi đi vào giờ hoàng đạo,theo như sách nói đó là giờ tốt nhất trong ngày, hiếm ai đi nhẹ nhàng, thanh thản như ba.Nhưng giờ khắc nào có ý nghĩa gì với tôi đâu.Tôi chỉ còn biết đau đớn vì mất ba.Và, trời hôm ấy mưa nhiều lắm.Dường như ông trời đã khóc vì tiếc thương một con người sống trong sạch, tận tụy ,giàu lòng nhân ái như ba.Mới trước đó hai ngày Thành ủy đến trao huy hiệu 60 năm tuổi Đảng cho ba.Ba vẫn dự cuộc họp chi bộ thường kì,vẫn đọc báo hàng ngày,vẫn thăm hỏi tình hình các cháu đi học xa nhà…Tuy vậy, sợ con cái sẽ lúng túng nếu ba đi bất ngờ ở cái tuổi “xưa nay hiếm” ba đã dặn dò chúng tôi hãy đưa ba về quê (xã Đức tân –Mộ đức-Quảng ngãi) sau khi ba qua đời,mặc dù ba là một cán bộ Lão thành cách mạng sẽ được Tỉnh ủy tổ chức an táng tại nghĩa trang dành cho những người có ông với đất nước.Nhà nước sẽ xây mộ ,khắc tên cho ba.Ba không cần gì cả.Ba chỉ muốn trở về nơi ba đã ra đi.Nơi mà từ đó ba đã ròng rã ba tháng trời đi bộ ra Bắc để tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.Bàn chân ba đã in dấu trên rất nhiều chặng đường của Tổ Quốc, giờ ba muốn dừng chân yên nghỉ tại quê nhà.Cuộc đời ba thật giản dị mà cao đẹp.Ba là niềm tự hào của mỗi chúng con. Rồi thời gian sẽ trôi qua ,mọi việc sẽ đi vào quên lãng. Nhưng hình ảnh thân thương của ba, phong cách sống mẫu mực của ba chúng con ghi nhớ mãi mãi.Ba sống mãi trong lòng chúng con.Và con sẽ làm theo những điều ba dặn bằng những vần thơ của Lôi Phong: “Với đồng chí, ấm áp như trời xuân , Với việc chung, cháy nồng như nắng hạ, Với chủ nghĩa cá nhân, gió mùa thu quét lá, Với quân thù ,như băng giá đêm đông”. Xin ba hãy yên giấc ngàn thu!

29 thg 9, 2008

Về một câu thành ngữ

Trước nay nghe câu thành ngữ:"Nước đến chân mới nhảy" thấy vừa quen tai vừa hợp lí,theo từ điển của Trung tâm khoa học xã hội và nhân văn Quốc gia thì câu ấy có nghĩa là:không chịu lo xa,kịp thời chủ động lo liệu,giải quyết công việc mà luôn chờ đợi đến sát nút mới ứng phó một cách thụ động vội vàng. Giờ bỗng dưng nghe câu ấy từ rất nhiều người ở địa phương này nói là"Nước đến trôn mới nhảy", lúc đầu nghe nói tưởng nghe nhầm, hỏi lại,vẫn được khẳng định là"trôn " chứ không phải "chân",thì... hỡi ôi!.Sao lại tam sao thất bản thế nhỉ?Làm gì có chuyện dị bản ở đây!Người ta khăng khăng lí luận rằng: Nước đến chân thì đáng gì mà phải nhảy,phải dâng đến "trôn" kìa.Không hiểu lúc ấy họ nhảy bằng gì nhỉ?

15 thg 9, 2008

Trung thu của tuổi thơ

Nhìn trẻ con náo nức đón trung thu,lòng nao nao nhớ về trung thu xưa.Ai bảo “Nghĩ về quá khứ là tư duy lãng phí”? Sẽ chỉ lãng phí nếu ta đánh mất nó.Ngày xưa trăng là chứng nhân của tấm lòng con trẻ khi bày mâm ngũ quả đêm rằm tháng tám.Chỉ có trăng mới phát lệnh cho chúng phá cỗ.Dưới ánh trăng, những chú lân dạo khúc biến tấu , những ông địa biễu diễn các kiểu khệnh khạng,Tôn Ngộ Không ngộ nghĩnh láu lỉnh.Cũng vì mải xem lân múa mà ta đã lạc lối về.Chợ Cửa Nam nào có xa gì cái ngõ Ngô Sĩ Liên đâu mà ta đã khóc vì khi nhìn ra xung quanh mình chẳng có khuôn mặt nào quen cả,ta không tự mình trở về được nữa,lân dắt ta đi ,giờ lân vẫn mải miết trong sự cổ vũ của dòng người còn ta trơ trọi giữa bao nhiêu ngã rẽ.Chú công an đã đưa ta về với má nhờ chiếc vòng ghi địa chỉ đeo trên tay. Giờ trẻ con không có sân mà bày cỗ để phá.Người ta thấy “Vầng trăng đi qua ngõ/Như người dưng qua đường”(Nguyễn Duy).Những chiếc đèn ông sao ,đèn cù,đèn kéo quân…không còn giống ngày xưa,làm gì có những xâu hạt bưởi tách vỏ phơi khô đốt trong đêm rằm tháng tám nghe lách tách vui tai nữa. Bởi vì bây giờ trẻ con không tin có chú cuội ngồi trên cung trăng như bọn ta đã tin nữa, chúng nó đang dự định tổ chức nhiều chương trình, như chương trình Đồ Rê Mí trên cung trăng kia. Báo cáo vi phạm

4 thg 9, 2008

Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi...

Lần sơ tán cuối cùng-xa những ngày “Hà nội-Điện biên phủ trên không”. Sau những ngày tạm im tiếng súng, được trở về Hà nội học ở trường cấp II Lý Thường Kiệt, phố Nguyễn Khuyến ,Hà nội.Song niềm vui ngắn chẳng tày gang.Bọn Mĩ lại trở mặt.Chúng đem máy bay gầm rít, dội bom khắp nơi trên miền Bắc.Trận ném bom ga Hàng cỏ của chúng năm 1972 là ngày quyết định bọn mình phải rời Hà nội một lần nữa. Hôm ấy ,vào một buổi trưa nghe đài báo “máy bay địch cách Hà nội…”bọn mình đang tuổi ăn tuổi ngủ thế là thiếp đi mất.Lúc choàng tỉnh là lúc máy bay ném bom ga Hàng cỏ,chiếc đồng hồ để bàn văng xuống đất,đồ đạc không còn nguyên vị trí cũ nữa,nhà mình ở ngõ Ngô Sĩ Liên, gần ga lắm.Thế là tổ dân phòng tổ chức cho dân ra khỏi khu vực nguy hiểm vì sợ nó quay lại lần nữa.Chị em mình lên bệnh viện Xanh pol nơi má mình đang công tác-cũng là gần đại sứ quán Liên xô,an toàn tạm thời.Đêm đó cơ quan ba tổ chức đưa con em đi ra ngoại ô gấp.Nhà cửa không cần khóa,với lại làm gì có gì mà khóa,nếu có gì cũng chẳng ai lấy vì bọn trộm cũng phải đi sơ tán Ở nơi sơ tán vẫn dõi theo Hà nội.Mỗi khi có máy bay là lại đoán xem nó thả chỗ nào.Các cô các chú đoán đúng hướng lắm.Lúc nó rải thảm bom B52 ở Khâm thiên là các chú biết ngay.Lúc ấy mình chỉ nghĩ :thôi thế là ga Hàng cỏ, Khâm thiên đã tan nát hết rồi,không biết cái ngõ Ngô Sĩ Liên có còn để mình trở về lần nữa không.Mình nhớ bao nhiêu kỉ niệm ở cái ngõ phố nhỏ ấy đến nao lòng. Thôn Phú ổ,xã Bình phú,huyện Thạch thất tỉnh Hà tây là nơi chị em mình sơ tán theo Bộ công an .Lần này có ba đi cùng.Thời gian ở đây không dài .Ông chủ nhà tên Toàn,một người tốt bụng nhất trong những chủ nhà mình đã từng ở.Nhà ông ấy có cô con gái tên Xoan có lẽ cũng trạc tuổi mình nhưng hình như đã có cậu nào ngấp nghé nên cứ đi đêm về hôm,thỉnh thoảng mình nghe loáng thoáng bà mẹ bóng gió gì đó đại khái khôn ba năm dại một giờ ,biết chửa…Nhưng cũng có lúc nó rảnh rỗi rủ mình đi cất vó.Việc cất vó thật là thú vị.Đêm hôm trước mình với nó rang thính(lấy cám rang lên cho thơm bỏ vào túi ni long để làm mồi).Tờ mờ sáng hôm sau hai đứa đi ra mương đặt vó.Mình chưa có kinh nghiệm nên phân bố mồi không đều,nó bảo đưa cho nó rắc.Sau một lượt đặt xuống ,quay lại nhấc lên chắng có cá chỉ có ít tép thôi, mừng ơi là mừng.Hai đứa hí hửng về xào xào nấu nấu, xong chia làm hai phần định bữa trưa mỗi nhà thưởng thức một tí.Ai ngờ ba mình về thấy thế mắng cho một trận vì lạm dụng lòng tốt của dân.Còn thầy (bố) nó cũng mắng nó vì tội lợi dụng dân sơ tán.Nghĩ lại thấy người lớn chưa hiểu lòng con trẻ hay vì người lớn quá ý tứ với nhau mà trẻ con không hiểu.Nhà ông chủ này có hẳn một cái giếng.Chao ơi không có gì sung sướng hơn,không phải đi khiêng nước như ngày bé sơ tán ở Quảng bị.Ông chủ nhà còn làm một cái máng để chuyển nước vào bể khi múc lên.Nhà giữa của ông ấy có một cái quạt trần kéo tay,nền nhà láng xi măng nhẵn bóng.Thằng con út nhà ông đi đâu về, nóng ,lại nằm áp mặt xuống đất hết bên này lại lật sang bên kia.Gia đình ông có nghề phụ lúc nông nhàn ,đó là đan lưới đánh cá.Muốn đan lưới phải đánh rợ(sợi).Công đoạn ấy tỉ mỉ và khéo léo mình không làm được.Mình chỉ biết đan lưới thôi Đợt sơ tán này mỗi nhà tự nấu ăn.Hàng ngày ba đi làm,mình với em đi chợ về nấu ăn.Đi chợ bên thôn Hữu bằng-đó là một nơi giàu có,nhà gạch san sát nhau ,họ làm nghề dệt vải,chị em mình gọi đó là "thủ đô nhỏ".Giờ nghe đâu nơi ấy phát triển lắm, hình như làm nghề chạm khắc gỗ thì phải.Hồi ấy sợ nhất là giờ đi chợ có máy bay gầm rít trên đầu.Mặc dù đã đổi giờ đi chợ và phải mặc áo sẫm màu vì sợ bị máy bay phát hiện sẽ ném bom,thế nhưng vẫn gặp lúc chúng quần rít trên đầu kinh khủng.Có lần hai chị em đi nửa đường gặp lúc máy bay bắn dữ dội sợ quá trốn xuống lùm cây bên đường xong phải bỏ về không dám đi nữa.Những ngày ấy chưa đi học ở đâu cả. Thời gian rảnh rỗi nhiều nên hay lê la sang nhà họ hàng của ông chủ để buôn chuyện.Ông chủ có thằng cháu gọi bằng cậu rất hay lên Hà Nội để gọi là mở mang dân trí.Tên nó là Thoa Sau khi hết sơ tán nó có ra nhà mình chơi,nó rất thích cái đài Phi lip be bé mà ông Bảy Gia đi làm đại sứ tận ở Tandania về tặng.Nó cứ gạ má mình bán cho nó.Mình không giận má bán cái đài mà cứ chửi thầm thằng Thoa nỡ cướp niềm vui con con của tụi mình.Lại nói về ông chủ với mẹ nó(là hai anh em) cùng bị đau dạ dày.Sau này ra Hà nội nhờ má mình đưa vào bệnh viện Xanh pol mổ cắt mỗi người hai phần ba dạ dày.Từ lúc ấy tình thân giữa nhà ông chủ với nhà mình càng gắn bó.Năm nào tết đến ông cũng đem một con gà trống thiến với gạo nếp cho nhà mình.Tiếc rằng sau giải phóng mình đã mất liên lạc với gia đình ông ấy.Giờ thì Thạch Thất cũng thuộc về Hà nội rồi,không biết gia đình ông ấy ra sao.Mình quên đường về Thạch Thất rồi mặc dù hồi ấy có lần mình đi xe đạp với một chú ở cơ quan ba từ chỗ sơ tán về Hà nội. Rồi hiệp định Pa-ri về Việt Nam được kí kết.Chiến tranh tạm ngừng.Kết thúc những năm tháng sơ tán gian khổ,đầy ắp những kỉ niệm khó quên của tuổi ấu thơ thời chiến tranh. Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt/trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt/rọi suốt trăm năm một cõi đi về…
Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang