15 thg 12, 2009

Thức khuya mới biết đêm dài!

Thời gian đôi khi không phải chỉ là sự tuần hoàn của vũ trụ. Nó còn chở bao nỗi niềm của con người, nặng nề trôi. Đó là thời gian tâm lý. Thời gian chia tay của một cuộc tình buồn thì đêm chưa đi mà trời sao vội sáng…Người ta mong thời gian dài thêm một chút, một chút nữa… Còn đêm bên giường bệnh, ta thấy thời gian như một gánh nặng đè lên sức chịu đựng quá mỏng manh của con người. Từng khắc, từng khắc… lặng lẽ đi. Nó vô tình, vô cảm, nó trêu ngươi ta. Khi ta vật vã với đớn đau, thời gian nào có nghĩa gì. Khi ta chứng kiến người thân mê sảng, ta căm ghét cái thời gian nghiệt ngã! Sao nó không cho ta giây phút bình yên, để ta khỏi phải lo lắng, hồi hộp trước từng nhịp thở, cơn mê tỉnh của người thân ta.Ta đếm bước đi của thời gian để biêt rằng đêm đang biến nghĩa là ngày đang rạng. 24h là kết thúc ngày cũ và từ 0h là bắt đầu một ngày mới. Ta lại nuôi hi vọng về điều kì diệu rất có thể sẽ làm thay đổi tất cả.Từng khoảnh khắc mong đêm trôi nhanh đã cho ta hiểu thế nào là thức khuya mới biết đêm dài. Vẫn biết Tôi nay ở trọ trần gian.Trăm năm về chốn xa xăm cuối trời.Thế nhưng trong cái hữu hạn của đời người, ta vẫn muốn làm kẻ chủ trọ, không bị bất lực bởi thời gian. Mai kia dù có ra sao cũng đành!

27 thg 11, 2009

CHIẾC ÁO KHÔNG LÀM NÊN THẦY TU.

Thầy tu thường mặc áo cà sa. Nhưng người khoác áo cà sa chưa hẳn đã là thầy tu! Thường thì vẫn có quan niệm: "Ăn cho mình, mặc cho người", nhưng không ít người lại chỉ nghĩ mặc cho thỏa ý thích cá nhân, mặc kệ nhìn nhận của người xung quanh. Bởi vậy mới có hình ảnh giữa trang phục và phong cách cá nhân không hề có sự giao thoa! Tội nghiệp thay cho những bộ trang phục nhầm chủ.Và cũng tiếc thay cho những người chủ đã không chọn được trang phục hợp với mình! Gu thẩm mĩ cũng là đề tài khá vui để nhòm ngó và ngẫm ngợi cho khuây. Đến một nơi nào thấy mặc đồng phục, trông thoáng qua cũng bắt mắt, hay hay. Nhìn kĩ lại thấy buồn cười. Người quá khổ, lại lùn dưới ngưỡng cũng mặc vetston,váy bó cũn cỡn, trông như chiếc nấm di động! Còn người cao lêu nghêu, thì chiếc váy ngắn không che nổi sự giãn cách giữa cặp giò khẳng khiu (mà vốn là lợi thế của “chân dài”), trông thật đáng thương! Sao cứ bắt đồng phục cho ra vẻ nghiêm túc, quy củ một cách gượng ép thế? Lại nói đến áo dài, chiếc áo dài truyền thống! Nhưng nay nó cũng bị cách điệu quá mức cần thiết. Chiếc áo dài cổ thuyền (loại cổ không chân) rộng quá cỡ, bằng chất liệu tơ mỏng quá mức, eo xẻ quá cao…nội y hiển hiện trên mức cho phép.Vậy mà người mặc cứ ngỡ là mình “đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc”!Người mặc tự hào bao nhiêu, người chiêm ngưỡng buồn bấy nhiêu! Càng phản cảm hơn khi hình ảnh ấy đứng trước đám đông. Một cô giáo dạy bài thơ “Áo đỏ” với mong muốn giúp các em cảm nhận vẻ đẹp thẩm mĩ của trường từ vựng chỉ màu sắc qua những câu thơ: Áo đỏ em đi giữa phố đông Cây xanh như cũng ánh thêm hồng Em đi lửa cháy trong bao mắt Anh cháy thành tro em biết không? ( Vũ Quần Phương) Vậy mà cô lại trực quan bằng màu vàng rực của chiếc áo dài-lẽ ra nên mặc khi bình những câu thơ có sắc vàng như: “Ô hay, buồn vương cây ngô đồng Vàng rơi, vàng rơi thu mênh mông!” (Bích Khê) Đâu là sự mô phạm trong trang phục không hợp cảnh ấy? Ấy là chưa kể các kiểu ăn mặc: Trên Đông dưới Hạ, trong Tây ngoài Tàu, comple đi với giày thể thao, áo dài sánh bước với quần Âu…Không thể biện hộ cho cái sự phá cách mà là sự loạn chuẩn trong y phục. Người xưa đã dạy: “Y phục xứng kì đức”. Bộ y phục có thể không biết chủ nó là người như thế nào, nhưng người dùng y phục luôn biêt họ là ai .Và xin hãy cho người khác đánh giá đúng về họ theo kiểu “ Áo quần quyến rũ khi bắt gặp – Tâm hồn chinh phục lúc chia tay”.

12 thg 11, 2009

Cậu Út

Mẹ sinh năm người con Anh cả : Nhà văn Anh hai: Tiến sĩ Chị ba: Kĩ sư Chị tư: Bác sĩ Cậu út : thứ năm Học dốt Mải chơi Lêu lổng chợ trời... Mẹ ốm liệt giường vào viện Bốn anh em nhìn nhau qua nước mắt Riêng cậu út cười: Để đó em lo. (Thế Hùng)

10 thg 11, 2009

"Nước mắt bào thai"-Bộ phim chỉ 3phút!

Cuộc vận động của Bộ giáo dục- đào tạo :“Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” có lẽ sẽ mãi chỉ là cuộc vận động nếu không có sự hưởng ứng tích cực của học sinh. Bộ phim “Nước mắt bào thai” do 3 học sinh Trường THPT Nguyễn Huệ -TP Huế là một việc có ý nghĩa như vậy! Xuất phát từ ý nghĩ “Tất cả đều là mẹ tại sao lại tước đoạt quyền lợi của nhau” mà các em đã làm nên bộ phim này.Chỉ riêng ý tưởng thôi, các em đã thể hiện được tính nhân văn cao cả của người học rồi! Bộ phim được giải nhì Liên hoan phim toàn quốc dành cho học sinh Việt Nam lần thứ 3.Thời lượng chiếu chỉ 3 phút thôi. Bộ phim nói về việc bạn thân của những người nông dân Việt Nam từ bao đời- Những con trâu ,con bò mang thai đang bị giết hại. Để làm gì? “Phụ nữ mang thai đều mong muốn con sinh ra phải khỏe mạnh nên họ rất muốn ăn bào thai”( Lời tác giả bộ phim)! Hình ảnh chiếu dạo mới êm đềm làm sao! Trời vẫn xanh cao vời vợi và yên bình. Cánh đồng vẫn bát ngát rập rờn sóng lúa.Những chú mục đồng vẫn vắt vẻo trên lưng trâu…Những thân trâu chưa đến kì mang thai vẫn bình thản gặm cỏ sau một ngày kéo cày vất vả…không hề biết đến nguy cơ đang rình rập nó. Rất gần đó thôi, trong lò mổ “Ghê rợn nhất là giai đoạn sát sinh con mẹ. Người hành hình dùng một cái búa to, lấy hết sức đập vào đầu trâu. Không phải một mà cả 4, 5 hay đến chục lần mới ngã xuống. Sau đó, họ lấy bào thai ra trong nhịp thở thoi thóp còn đọng lại trên những thớ thịt trâu mẹ. Ngay hôm sau, bào thai non được bán tại các chợ. Khâu cuối là những nồi hầm thịt trâu non được dành đặc biệt cho sản phụ”. Các em đã chuyển tải thông điệp gì, hẳn không cần phải nói thành lời! Có phải chỉ cần bảo vệ trân cầm, dị thú trong sách đỏ? Những loài vật gần gũi, gắn bó hãy vui lòng để con người xử sự như thời Trung cổ ?!

3 thg 11, 2009

Có khi nào

Bùi Minh Quốc. Có khi nào trên đường đời tấp nập Ta vô tình đã đi lướt qua nhau Bước lơ đãng chẳng ngờ đang để mất Một tâm hồn ta đã đợi từ lâu.

30 thg 10, 2009

TÔI THÍCH THỂ THAO!

Đi bộ thể thao là hình thức vận động dễ dàng nhất, mỗi sớm mai thức dậy. Cho dù mùa đông rét mướt ta không bị cái ấm áp của đệm chăn níu kéo khi tiếng chuông báo thức reo. Đi bộ thể thao giúp ta rèn tính kỉ luật! Cho dù ai có đi bằng nhịp điệu thường ngày 1,2,3,4,5 hay 6,7,8,9,10 thì đi bộ thể thao vẫn phải nhịp bước nhanh đều .Ta hít thở sâu cho dù nỗi muộn phiền đêm qua có làm ta căng thẳng, hồi hộp thở dốc dồn dập hay ngao ngán não nuột thở dài thườn thượt! Đi bộ thể thao giúp ta rèn kĩ năng thở đúng cách! Đi bộ thể thao khác với đi bộ ngao du. "Đi bộ ngao du là ta ưa đi lúc nào thì đi, ta thích dừng lúc nào thì dừng, ta muốn hoạt động nhiều hay ít là tùy.Ta quan sát khắp nơi; ta quay sang phải, sang trái; ta xem xet tất cả những gì thấy hay hay; ta dừng lại ở tất cả mọi khía cạnh.Tôi nhìn thấy một dòng sông ư, tôi đi men theo sông; một khu rừng ư, tôi đi vào dưới bóng cây; một hang động ư, tôi đến tham quan; một mỏ đá ư, tôi xem xét các khoáng sản. Bất cứ đâu tôi ưa thích, tôi lưu lại đấy "(Ru-Xô).. Đi bộ thể thao sẽ rèn cho ta ý chí cắm đích rât vững vàng. Nếu ai có vòng đi vòng lại trong công viên hay trên quảng trường với số vòng đã định thì vẫn là đến đích! Cũng có khi cứ đường thẳng mà dấn bước, cứ lấy mốc người đi trước mà vượt, vậy là ta đã đạt được mục đích đặt ra đầu tiên trong ngày! Đi bộ thể thao ta được đắm mình trong không gian thoáng đãng, trong không khí trong lành của một ngày mới mà quên đi cái ồn ào,chen chúc, chật chội ,xô bồ của cuộc sống thường nhật.Ta thả lòng tinh thần để ngắm nhìn xung quanh: Một dáng đi mạnh mẽ theo kiểu con nhà lính, hay một kiểu đi đủng đỉnh như chĩnh trôi sông của mấy “ẻm”, mới sáng ra đã xanh xanh, đỏ đỏ y như cả ngày sẽ không còn cơ hội chưng diện! Cũng có khi ta nhìn thấy một sự khẩn trương của người bận rộn công việc mà vẫn cố gắng sắp xếp thời gian luyện tập. Ta trân trọng các bậc cao niên vẫn đúng giờ cất bước ung dung trên đúng đoạn đường hôm qua ta đã gặp… Một ngày không đi bộ thấy bần thần ,ủ ê, mỏi mệt. Tôi thích thể thao, tôi tưởng tượng thần tượng thể thao thanh thản, thông thái, tinh tường.

30 thg 9, 2009

Bình yên rồi sao vẫn sợ bão giông?

Bão đi qua đây, Chỉ trong phút giây. Gượng chẳng thể nào nổi, Gục ngã rồi, đau đớn những hàng cây! Mái nhà nào chẳng nguyên vẹn chiều nay? Phố em đi giờ giăng mắc nước và cây, Bước chân về may rủi có ai hay. Vẫn biết bão giông là đổi thay. Bình yên rồi sao vẫn sợ bão giông?!

18 thg 9, 2009

Ôi khẩu trang!

Chưa có loại dịch nào mà quái đản như cái đại dịch này cả.Cả trường bịt khẩu trang vì cúmA/H1N1(Có nguy cơ phối hợp với cúmA/H5N1để sinh ra một loại vi rút quái qủi nào đó)! Cái lũ đứng sau quỉ, ma này không muốn làm kẻ lạc loài hơn là sợ bị lây nhiễm.Chúng bịt "phương tiện giao tiếp" một cách miễn cưỡng!Chẳng thế mà chỉ sau một lúc thích nghi với điều kiện che chắn hợp pháp, những cuộc nói chuyện rì rì, rầm rầm đến rào rào không chịu nổi. Nào ai bắt được khẩu hình của chúng đâu mà xử.Trời ơi, cả thầy cũng hết chịu nổi vì giảng bài trong sự lùng bùng, lúng búng của cái "rọ".Sao khổ thế không biết! Chẳng lẽ cái giờ phút"sinh nghề tử nghiệp"đã điểm rồi sao? Không biết đây là giải pháp tình thế hay biện pháp lâu dài? Bao giờ mới đến hồi kết?!

3 thg 9, 2009

Cafe Mekong

Mekong quán sáng nay mưa vắng khách.Phòng vip vẫn không đủ chỗ cho những người "dở hơi"thích uống cafe vào lúc oái oăm này. Tìm được một chỗ không lí tưởng lắm nhưng cũng đủ để quan sát toàn cảnh. Khoái nhất là ngắm cảnh trời mưa .Mưa giọt ngã, giọt bay qua tấm kính trong suốt và ròng ròng trên mặt kính, vừa có cái man mác buồn của ngày mưa ảm đạm, vừa có cái riêng tư để thưởng thức vị đắng mà không bị quấy rầy bởi sự ồn ào. Rảnh rỗi làm cho sự quan sát trở nên kĩ càng hơn.Này là một ả váy hoa xoè trông không tự nhiên lắm, mắt la mày lét vừa điểm tâm một mình vừa ngóng đợi ai mà không dám thổ lộ sự giận hờn, trách móc.Vẻ nhẫn nhịn chợt thay đổi khi một chả (thằng cha) vừa thô, vừa lì bước đến ngồi cạnh, gật chào như không hề trễ hẹn.Xem ra cặp này không đường đường chính chính cho lắm! Còn bàn bên cạnh có anh chàng khoảng "băm " rồi, đã hết một tuần cafe, dự trữ một ghế đối diện mà bạn hẹn chưa xuất hiện.Hắn liên tục xem đồng hồ, mắt ngó nghiêng từ lúc mưa tuôn đến lúc mưa tạnh vẫn chưa thấy ai (chắc ẻm) đến. Đối diện là một đôi rất cân xứng về hình thức:chàng mặc quần bò áo phông rất nền nã, còn nàng quần bó lửng, áo vạt xoè màu sắc bố trí rất công phu.Nhưng lạ chưa,cả hai bước vào , ngồi xuống và cùng bắt đầu một động tác:mở di động.Chàng thầm thì nói trong điện thoại bằng giọng rất tha thiết. Còn nàng chau mày, gắt gỏng, tay chỉ trỏ như nói với ai đó trước mặt với vẻ đầy bực dọc.Xem ra hai người có trục trặc trong "hợp đồng trăm năm", phải dùng cafe quán làm chỗ giải quyết "mâu thuẫn nội bộ",nhân thể cảnh báo những quan hệ tiềm ẩn sẽ bùng phát nếu tình hình không cải thiện! Rôm rả nhất vẫn là đám sinh viên nghỉ Quốc khánh về thăm gia đình, có lí do chính đáng để tụ tập.Thôi thì đủ chuyện trên giời dưới đất được chúng đưa ra bình luận.Bức chân dung các nhạc sĩ, ca sĩ nổi tiếng được khổ chủ lựa chọn đã lọt vào tầm ngắm với những lời bình vô tư. Đây là Văn Cao, trông "bụi"mà tác phẩm mượt mà. Kia Khánh Ly,giá đừng xăm mắt ,xăm mày chắc sẽ hợp hơn với mái tóc buông mềm và chiếc áo dài truyền thống.Trần Tiến sao hiền một cánh bất ngờ trong ảnh ,bên cô cháu gái Thu Hà tóc tém ngổ ngáo khi chưa là thiếu phụ Việt kiều.Còn ai kia? ồ, Phạm Duy tóc bạc trắng mái đầu, chụp ảnh nửa người nên không nhận ra, vì ổng vốn khiêm nhường về chiều cao.Thanh Lam sao trông "mợ" thế.Đoàn Chuẩn trông hài hài.Trịnh Công Sơn vẫn khói thuốc phớt ăng lê đời không lẫn với ai. Hồng Nhung thời còn răng khểnh duyên hơn sau khi cùm răng, giờ mỗi khi cười như khoe răng giả. Chế Linh bên cạnh chữ "thói đời" , hình ảnh thật khác xa dòng nhạc "sến" thường hát. Suýt nữa mất một buổi cafe mưa thú vị.Không biết những điều nghe được về họ có giống những điều họ nghe được về mình không?

Cafe Mekong

Mekong quán sáng nay mưa vắng khách.Phòng vip vẫn không đủ chỗ cho những người "dở hơi"thích uống cafe vào lúc oái oăm này. Tìm được một chỗ không lí tưởng lắm nhưng cũng đủ để quan sát toàn cảnh. Khoái nhất là ngắm cảnh trời mưa .Mưa giọt ngã, giọt bay qua tấm kính trong suốt và ròng ròng trên mặt kính, vừa có cái man mác buồn của ngày mưa ảm đạm, vừa có cái riêng tư để thưởng thức vị đắng mà không bị quấy rầy bởi sự ồn ào. Rảnh rỗi làm cho sự quan sát trở nên kĩ càng hơn.Này là một ả váy hoa xoè trông không tự nhiên lắm, mắt la mày lét vừa điểm tâm một mình vừa ngóng đợi ai mà không dám thổ lộ sự giận hờn, trách móc.Vẻ nhẫn nhịn chợt thay đổi khi một chả (thằng cha) vừa thô, vừa lì bước đến ngồi cạnh, gật chào như không hề trễ hẹn.Xem ra cặp này không đường đường chính chính cho lắm! Còn bàn bên cạnh có anh chàng khoảng "băm " rồi, đã hết một tuần cafe, dự trữ một ghế đối diện mà bạn hẹn chưa xuất hiện.Hắn liên tục xem đồng hồ, mắt ngó nghiêng từ lúc mưa tuôn đến lúc mưa tạnh vẫn chưa thấy ai (chắc ẻm) đến. Đối diện là một đôi rất cân xứng về hình thức:chàng mặc quần bò áo phông rất nền nã, còn nàng quần bó lửng, áo vạt xoè màu sắc bố trí rất công phu.Nhưng lạ chưa,cả hai bước vào , ngồi xuống và cùng bắt đầu một động tác:mở di động.Chàng thầm thì nói trong điện thoại bằng giọng rất tha thiết. Còn nàng chau mày, gắt gỏng, tay chỉ trỏ như nói với ai đó trước mặt với vẻ đầy bực dọc.Xem ra hai người có trục trặc trong "hợp đồng trăm năm", phải dùng cafe quán làm chỗ giải quyết "mâu thuẫn nội bộ",nhân thể cảnh báo những quan hệ tiềm ẩn sẽ bùng phát nếu tình hình không cải thiện! Rôm rả nhất vẫn là đám sinh viên nghỉ Quốc khánh về thăm gia đình, có lí do chính đáng để tụ tập.Thôi thì đủ chuyện trên giời dưới đất được chúng đưa ra bình luận.Bức chân dung các nhạc sĩ, ca sĩ nổi tiếng được khổ chủ lựa chọn đã lọt vào tầm ngắm với những lời bình vô tư. Đây là Văn Cao, trông "bụi"mà tác phẩm mượt mà. Kia Khánh Ly,giá đừng xăm mắt ,xăm mày chắc sẽ hợp hơn với mái tóc buông mềm và chiếc áo dài truyền thống.Trần Tiến sao hiền một cánh bất ngờ trong ảnh ,bên cô cháu gái Thu Hà tóc tém ngổ ngáo khi chưa là thiếu phụ Việt kiều.Còn ai kia? ồ, Phạm Duy tóc bạc trắng mái đầu, chụp ảnh nửa người nên không nhận ra, vì ổng vốn khiêm nhường về chiều cao.Thanh Lam sao trông "mợ" thế.Đoàn Chuẩn trông hài hài.Trịnh Công Sơn vẫn khói thuốc phớt ăng lê đời không lẫn với ai. Hồng Nhung thời còn răng khểnh duyên hơn sau khi cùm răng, giờ mỗi khi cười như khoe răng giả. Chế Linh bên cạnh chữ "thói đời" , hình ảnh thật khác xa dòng nhạc "sến" thường hát. Suýt nữa mất một buổi cafe mưa thú vị.Không biết những điều nghe được về họ có giống những điều họ nghe được về mình không?

27 thg 8, 2009

Thấy thích nên cop

Về triết lí sống: Một...Hai...Ba...Bốn...Năm. 1.- MỘT “TRUNG TÂM”: * SỨC KHỎE 2.- HAI “MỘT CHÚT”: * PHÓNG KHOÁNG MỘT CHÚT, * HỒ ĐỒ MỘT CHÚT. 3.- BA “QUÊN”: * QUÊN THỜI GIAN ( tuổi tác) * QUÊN BỆNH TẬT. * QUÊN HẬN THÙ. 4.- BỐN “CÓ”: * CÓ NHÀ Ở. * CÓ BẠN ĐỜI. * CÓ BẠN TÂM GIAO. * CÓ SỔ TIẾT KIỆM. 5.- NĂM “PHẢI”: * PHẢI VẬN ĐỘNG. * PHẢI HÒA NHÃ, LỊCH SỰ. * PHẢI BIẾT CƯỜI. * PHẢI BIẾT KỂ CHUYỆN. * PHẢI BIẾT TỰ COI MÌNH LÀ NGƯỜI BÌNH THƯỜNG.

18 thg 7, 2009

Thư giãn mùa thi

Mỗi mùa hoa đỏ về có biết bao kỉ niệm về mái trường, có kỉ niệm không được kể nhưng cứ tồn tại. Đó là kỉ niệm về mùa thi với những bài thi "bất hủ": -Để gỡ bí khi phân tích nhân vật chị Sứ trong tác phẩm Hòn Đất, có bài sáng tác một đoạn thơ: Chị Sứ là chị Sứ nào Tại sao chị lại lọt vào văn chương? Em đi tìm khắp phố phường Hay là chị Sứ ở phường lò chum! -Còn khi phân tích câu thơ của Huy Cận: "Lơ phơ cồn nhỏ gió đìu hiu" Thí sinh tán: Cái cồn của các nhà thơ khác thì rậm rạp còn cái cồn của Huy Cận thì thưa thớt, vì vậy ông mới thở than "Lơ phơ cồn nhỏ gió đìu hiu"! -Và đây nữa, hai câu thơ của Nguyễn Đình Chiểu trong bài thơ Chạy giặc: Bến nghé của tiền tan bọt nước Đồng nai tranh ngói nhuốm màu mây Được diễn giải là :Bến mà nghé thường xuống tắm giờ đã tan biến , còn cánh đồng mà nai thường đứng ngơ ngác giờ nhuốm màu khói mây. -Khi phải tìm từ có nghĩa chuyển trong hai câu thơ sau và viết đoạn văn miêu tả có dùng từ có nghĩa chuyển ấy: Buồn trông nội cỏ rầu rầu Chân mây mặt đất một màu xanh xanh Có bài viết :Có một con ếch xanh xanh bị lạc mẹ, nó rầu rầu. Mẹ nó chắc đang ở chân trời góc bể nào đó.Mặt đất này bao la quá biết bao giờ nó mới tìm được mẹ! - Ở tiểu học, khi viết bài văn miêu tả cảnh sinh hoạt nhà em vào buổi tối, có bài viết với đoạn tả rất thực: Buổi tối nhà em : Sau khi ăn cơm xong, em ngồi vào bàn học, bố em đọc báo ,còn mẹ em đan len. Một lúc sau, bố cất báo đi vào buồng. Mẹ em cũng cất len và đi vào buồng với bố em và đóng cửa lại!

1 thg 7, 2009

Nghĩ cảnh coi thi

Trường thi thời chống tiêu cực mới im ắng làm sao!Không còn cái cảnh nhốn nháo, ồn ào ngoài cổng trường, không còn những bước chân vội vã đi quăng ném tài liệu nữa, không còn tiếng loa phóng thanh chõ vào phòng thi. Sân trường tịnh không một bóng người vô phận sự qua lại... Giám thị gần như nhàn rỗi suốt buổi. Nhìn các sĩ tử mồ hôi ròng ròng trên khuôn mặt, nhớ đến câu :Ngày xưa giám thị cũng đi thi/Cũng nhìn cũng liếc cũng coppy...mà thương chúng nó. Ôi cái thời nhất quỉ nhì ma đó sao mà vui thế. Chúng còn phải trải qua bao nhiêu giờ phút căng thẳngvà hồi hộp này nữa. Nhưng vẫn sung sướng hơn nhiều khi phải ngồi ở vị trí của giám thị ,chúng nó có biết không?

14 thg 6, 2009

Về quê

Chủ nhật rảnh rỗi về quê.Thật thú vị.Đúng nghĩa thư giãn! Quê bây giờ thay đổi nhiều rồi.Nhà mái bằng, tường rào, cổng ngõ…gọn gàng trong một khuôn viên vừa riêng biệt mà cũng vừa rất thơ mộng. Quê bây giờ đủ phương tiện nghe nhìn,lại bắc cả Net nữa. Chẳng giống cái cảnh đèn dầu, nước giếng ,quạt mo (mà ngày bé sơ tán từng biết).Trưa hè nằm đưa võng ở quê nghe phảng phất mùi rơm rạ thoang thoảng, mùi cỏ rác ải mục đâu đó,nghe đàn lợn sau vườn nhà thúc mõm vào máng đòi ăn, thấy đàn gà thong thả dẫn đàn con đi kiếm mồi như chưa hề biết đã từng có dịch cúm gà-H5NI.diễn ra. Cuộc sống bình yên đến thế! Quê là nơi thờ cúng gia tiên, nơi Ba đã trở về yên giấc ngàn thu.Bao nhiêu năm xa quê, Ba đã về đây, để nhắc nhở con cháu rằng: Cây có cội –nước có nguồn. “Quê hương nếu ai khôngnhớ sẽ không lớn nổi thành người”. Lòng chợt se lại , nhớ về những kỉ niệm rất xa, rất xa, mơ hồ mà cũng hiển hiện thật khó tả. Bao nhiêu năm theo dòng đời đua chen ,phiêu bạt nơi phồn hoa cát bụi.Mới thấy đúng là thiếu quê hương ta về đâu !?

22 thg 5, 2009

Con chỉ tìm về với mẹ thôi

Em giận gì vợ không biết.Em đã băng cả ngàn cây số chạy về với mẹ.Em thuộc loại "Dọc ngang nào biết trên đầu có ai", tưởng em khó mà lung lay yếu mềm. Thế mà hôm nay em đã trở về ngây thơ ,vụng dại như ngày xưa để tìm lời an ủi nơi mẹ.Mẹ đã khóc khi nghe tiếng em nói. Và em đã ngân ngấn nước mắt khi thấy mẹ già yếu quá nhanh.Mẹ không hỏi em vì lí do gì mà chỉ bảo em hãy xin lỗi người ta nếu mình có lỗi. Mắt mẹ mờ lắm có thấy em gầy mập gì đâu mà cứ lo cho sức khỏe của em.Em xót xa vì chẳng thể nào làm cho mẹ khỏe hơn. Em không muốn mẹ buồn vì em.Em chỉ tìm về với mẹ thôi mỗi khi va vấp ưu phiền...

13 thg 5, 2009

Chỉ có một trên đời.

Ngày cho mẹ đã đi qua. Hôm nay viết về mẹ vẫn không muộn.Mẹ là hôm qua, hôm nay, ngày mai và mãi mãi. Con chỉ có một người duy nhất trên đời - là mẹ ,để gọi: "Mẹ ơi!" bằng chính trái tim mình mà không vì ai xui, ai bảo. Một thứ tình cảm tự nhiên như mạch nguồn của sự sống. Mẹ ơi! Con biết mẹ không bao giờ đọc được những dòng này vì mẹ đã già yếu lắm rồi , suốt một đời vất vả vì con ,vì cháu.Con chưa đáp đền được công ơn của mẹ. Con chỉ mượn ca từ của một bài hát để trải nỗi niềm với mẹ , Mẹ ơi. Trên trời cao có muôn ngàn ánh sao.Trên đồng xanh có muôn ngàn bông lúa.Cây trong rừng có muôn ngàn đóa hoa.Con chim rừng có muôn ngàn tiếng ca. Riêng mặt trời chỉ có một mà thôi.Và mẹ em chỉ có một trên đời Và mẹ em chỉ có một trên đời!

9 thg 5, 2009

Đi hiến máu

Nghĩ cũng ngược đời, vào cái tuổi cần nhận máu thì lại đi cho máu! Khi đi hiến máu, đơn giản chỉ là muốn đánh giá thật về mình- đôi lần rỏ giấu nước mắt thương cảm là thật hay chỉ là cảm xúc nhất thời trước một cảnh ngộ thương tâm nào đó.Đến khi dòng máu bắt đầu rời con tim mình để sẽ đi đến một trái tim ai đó, mới hiểu hết ý nghĩa sâu xa của nghĩa cử này.Và tự trách mình sao để quĩ thời gian làm việc này ít thế! Có lần đọc ở đâu đó, về các trường hợp nhận máu mà thay đổi nhiều thói quen, sở thích...Mình trộm nghĩ, ai nhận máu của mình chắc sẽ thay đổi nhiều lắm. Không phải chỉ vì nhóm máu của mình theo các nhà nghiên cứu là: Nếu bạn thuộc nhóm máu O thì bạn là người tự tin, sáng tạo và cởi mở. Bạn thích giao tiếp và lôi kéo được sự chú ý của mọi người vì chính tính cách vui vẻ, thông minh và cởi mở của mình. Bạn còn là người sống khá lý trí, mạnh mẽ. Ai nhận máu mình chắc sẽ trở nên ngẫu hứng hơn trong hành động, ghét sự ràng buộc, tin vào con người như tin chính mình.Đôi khi hão huyền lắm.Và nhất là yêu ai thì say đắm, cuồng nhiệt mà ghét ai thì như đào đất đổ đi.Thích cái đẹp, cái sáng tạo đến mê hồn.Thích sự mạnh mẽ nhưng ghét kẻ ỷ mạnh bắt nạt yếu... Hình như hôm nay thiếu máu ở trung tâm thần kinh khiêm tốn nên nói về vấn đề riêng hơi bị nhiều. Tại vì hôm nay thấy lòng rất lạ.Rất kì lạ! Như được trở về dòng sông tuổi thơ " hôm nay tôi trở về lòng chợt vui thấy sông không già"

4 thg 4, 2009

Nhớ thương một người chị.

Tên chị là tên một con sông -HỒNG HÀ- ba đã đặt tên cho chị để kỉ niệm nơi chị sinh ra. Con sông đã chảy về biển lớn. Chị đã ra đi khi tuổi đời còn quá trẻ.Cái tuổi 18, giữa lúc đất nước có chiến tranh. Chị chưa được hưởng những niềm vui, hạnh phúc mà con người sinh ra có quyền được hưởng.Ngày ấy, em chỉ đau đớn là không còn chị nữa .Em chưa cảm nhận được nỗi mất mát của riêng chị. Mai lại đến ngày giỗ chị ( 11/3 âm lịch), về mộ chị thắp nhang, lòng thấy nhớ thương chị vô cùng. Em nhớ hồi ấy chị rất thích hát múa. Chị tổ chức biểu diễn rất trẻ con mà cũng rất sáng tạo.Tấm ri -đô lanh hoa nhà mình làm màn kéo, mỗi đứa trẻ là một diễn viên. Dụng cụ hóa trang thật đơn giản: phấn viết hồng làm phấn bôi má, bút chì tập vẽ để kẻ mắt, giấy thủ công làm son môi...Chị kể những câu chuyện bịa cho bọn em nghe, những con ma trong chuyện của chị bây giờ em vẫn có sức ám ảnh với em. Chị rủ đi trêu mấy ông sinh viên già ở trọ bên hàng xóm, chị bảo mấy lão này giả vờ học để đuổi bọn mình đi chỗ khác cho yên, mà lúc ấy bọn trẻ con trong khu tập thể làm gì có chỗ chơi nào khác ngoài cái gốc cây sấu mát rượi đó cơ chứ. Chị ơi bao nhiêu kỉ niệm ùa về. Thời gian trôi qua từng ấy năm. Chị vẫn trẻ mãi tuổi 18. Còn em đã có biết bao thay đổi. Chị ơi! em nhớ chị, em ước gì cuộc đời em có chị bên cạnh. Nhưng dòng sông đã ra đại dương sao có thể ngược dòng được nữa!Cái cõi vô thủy vô chung mới là chỗ dừng chân cuối cùng của kiếp người đã đi qua cõi tạm. Nắng vẫn trải dài trên nghĩa trang, đất vẫn lặng im đến phát sợ. Chỉ có trong em, chị vẫn còn mãi mãi.

1 thg 4, 2009

Cảm ơn những dòng tâm sự của em.

Lúc 8 giờ, tại TP Quảng Ngãi, ngày 27 tháng 3 năm 2009(thứ sáu) Thưa các bạn, trong đời mỗi học sinh chúng ta ai ai cũng đã có những kỉ niệm đẹp về những thầy cô giáo đã từng dạy mình mà không thể nào quên được.Ở từng giai đoạn của quá trình học tập, trong lòng mỗi người chắc hẳn ai cũng có tên thầy hoặc cô để khắc sâu trong tâm trí.Và tôi cũng vậy, trong năm học lớp chín-năm học cuối cấp của tôi ở mái trường trung học cơ sở Trần Hưng Đạo, tôi cũng đã có tên ngưới cô mà tôi yêu mến nhất,cô Loan- người dạy môn Ngữ văn của tôi.Từ khi gặp cô, tôi đã biết thế nào là học tốt môn Ngữ văn và cũng từ đó tôi cảm thấy trong lòng mình có một cảm giác rất lạ kì. Hồi đầu năm, tôi còn bỡ ngỡ vì đây là lần đầu tôi gặp cô, tôi thấy cô chưa có gì đặc biệt cả, có lúc tôi còn thấy ghét cô, và thời gian đã trôi rất nhanh, rất nhanh. Đến khi tôi nhận ra được tài năng văn học của cô thì lúc đó đã quá muộn , chỉ còn vài tháng nữa là tôi sẽ xa cô mãi mãi.Và từ đó, ngày nào tôi cũng mang một tâm trạng nặng nề khi nghĩ rằng mình sẽ xa cô.Mõi khi tới giờ học của cô, tôi rất háo hức và cảm thấy mình rất hạnh phúc vì sắp được nghe giọng nói của cô. Nhưng cái nào cũng có giới hạn của nó, và tiết học văn cũng sẽ hết. Cứ như thế, ngày nào cũng trôi đi và tôi lúc nào cũng có những suy ngĩ như vậy. Cứ nghĩ đến lúc xa cô, cô có nhớ tôi không?Và lúc đó tôi sẽ như thế nào? Tôi luôn mong ước rằng thời gian sẽ trôi lâu hơn, nhưng đó là điều không thể; tôi muốn khi tôi lên cấp ba, mặc dù cô không dạy cấp trung học phổ thông, nhưng tôi vẫn luôn hi vọng tôi vẫn được học dưới sự chỉ bảo của cô, đó là nguyện vọng mà tôi ấp ủ thầm kín bấy lâu, tôi muốn được học bên cô khi tôi bước và ngưỡng cửa đại học. Nhưng cho dù đến lúc đó, tôi sẽ không bao giờ quên cô, sẽ nhớ cô mãi mãi.Tuy tôi biết điều ước của tôi sẽ không bao giờ trở thành hiện thực, nhưng tôi hi vọng một phép lạ xảy ra và tôi sẽ được cô dang rộng vòng tay chào đón, tôi sẽ lưu lại được trong cô một dấu ấn tốt đẹp.Và tôi…chao ôi! Nếu điều đó trở thành hiện thực thì tôi sẽ cảm ơn trời đất đã ban cho tôi điều ước thiêng liêng nhất trong đời tôi! Tôi hi vọng rằng cô sẽ đọc được những dòng chữ này của tôi. Nguyễn Hồng Vân

28 thg 3, 2009

Đã tốn mẻ than lại tan lưỡi cày!

Chợt nhớ câu thành ngữ má đã từng nói, khi vừa làm hỏng một việc. Bạn xưa từ Hà Nội ghé thăm.Yêu quí bạn, định kỉ niệm cho bạn một chút gì thật lạ- món cá thài bai kho tiêu –đặc sản quê hương.Chưa chi đã giới thiệu hết lời về món ăn dân dã vừa dai, vừa béo bùi, thơm ngon mà không ở đâu trên cái đất Văn Lang này có, ngoài Quảng ngãi. Đúng là nói trước là bước không qua. Món này làm bao nhiêu lần rồi ,thế mà lần này lại mắc lỗi kĩ thuật. Một nồi cá cháy khét, đen xì.Sao nó lại nhằm vào lúc này cơ chứ!. Sớm mai bạn lên đường rồi, nói với bạn sao đây. Chả nhẽ thay bằng đường phổi, đường phèn, hay kẹo gương? cũng là đặc sản đấy.Nhưng ngọt ngào quá, cái muốn là bạn được nếm cái vị mặn mòi của vùng duyên hải miền Trung cơ. Ôi thật là đã tốn mẻ than lại tan lưỡi cày. Còn món cá thài bai…bạn ra Hà Nội sẽ kể rằng: Ở Quảng Ngãi quê bạn thân tôi có đặc sản cá thài bai kho tiêu!

15 thg 3, 2009

Giã từ vũ khí.

15 thg 3 2009 Chiến tranh đã kết thúc từ lâu. Anh, bây giờ mới sắp thực sự rời xa quân ngũ. Tuổi quân của anh có thừa nhưng tuổi đời theo luật sĩ quan hiện hành không bắt buộc. Anh sẽ phải chia tay đồng đội để trở về với cuộc sống không cần kỉ luật khắt khe mà lại khó thích nghi này. Bởi anh là một người lính! Cho nên nếu nay mai anh gia nhập Hội cựu chiến binh , thì trớ trêu thay, chiến binh tóc “ muối nhiều hơn tiêu”- lại thua anh, chiến binh tóc “tiêu nhiều hơn muối”- về số tuổi quân! Đời lính không có gì là bất ngờ thì có gì đâu mà bịn rịn lúc phân ly. Trong anh có tiếc nuối chăng là: không ở lại được lâu hơn để cùng đồng đội “Lúc trận mạc xông pha thì cùng nhau sống chêt, lúc ở nhà nhàn hạ thì cùng nhau vui cười”.Chỉ thế thôi! Ngày xưa, Nguyễn Trãi về nhàn “Ao cạn vớt bèo, cấy muống- đìa thanh phát cỏ, ương sen” thế mà vẫn “Bui có một lòng chung lẫn hiếu- Mài chăng khuyết nhuộm chăng đen”. Còn “Đời mình là một khúc quân hành” khi giã từ vũ khí, anh sẽ làm gì? Lòng trung hiếu của một sĩ quan quân đội như anh tất nhiên không bao giờ thay đổi. Nhưng giữa đời thường anh chắc chắn sẽ không tránh khỏi giây phút như dây đàn lạc điệu. “Chuyện đó sẽ xảy ra em biết và em biết…” “Rồi từ đó em nhận ra anh không phải trong mơ, không phải trong thơ,… đôi tay bâng khuâng nâng cành hoa tím và em nói tặng anh mùa xuân”.

9 thg 3, 2009

Ngày tháng nào đã ...cho ta...

Đoán xem trong bức tranh toàn cảnh này, đâu là đường nét của riêng tớ?
Yêu lắm hai nụ cười này...Mọi người bảo con giai giống mẹ,Mình thì thấy cả hai đều giống mình.
Đây là tác phẩm đầu lòng
Con dù lớn vẫn là con của mẹ/đi hết đời lòng mẹ vẫn theo con

28 thg 2, 2009

Tin thì tin không tin thì thôi!

Chiêm tinh học xếp Song Ngư (Pisces - Con Cá, 19/2 - 20/3) là cung cuối cùng, thứ 12 của chu kỳ Hoàng đạo. Nếu như Bạch Dương, cung mở đầu, biểu trưng cho sự sống, thì Song Ngư biểu trưng cho cái chết và sự đi vào cõi vĩnh hằng. Là cung Hoàng đạo cuối cùng, Song Ngư thu nhận phần nào tính cách của tất cả 11 cung trước. Không ngạc nhiên nếu ta nhận thấy ở Song Ngư sự phúc hậu và thẳng thắn của Nhân Mã, sự tận tuỵ công tâm của Ma Kết, lòng kiêu hãnh và tươi vui của Sư Tử, sự nhanh nhẹn hoạt bát của Song Sinh, sự khoan thai chậm chạp của Kim Ngưu, và chủ nghĩa lý tưởng của Bạch Dương. Trong con người Song Ngư hội tụ cả sở thích tranh cãi đặc trưng của các cung mệnh Khí, cả tình yêu thiên nhiên của các cung mệnh Thổ, và sự hào hứng sôi nổi của các cung mệnh Hoả. Tuy mang tính cách của tất cả các cung, Song Ngư vẫn là một bản chất riêng mình. Người cung này có khả năng xem xét bản thân dường như đứng từ ngoài nhìn vào; cùng lúc thấy được hôm qua, hôm nay và cả ngày mai. Trong số những người chịu sự quản chiếu của sao Hải vương, hiếm có ai chạy theo danh vọng, quyền lực hoặc giàu sang. Không phải họ thờ ơ với những thứ đó. Nhưng họ không bao giờ chủ động săn đuổi chúng. Nếu Song Ngư nào có những thứ nói trên, thì nhiều khả năng là nhờ thừa kế hoặc có được do hôn nhân. Khẩu hiệu của Song Ngư là: “Tôi không muốn làm triệu phú, tôi chỉ muốn sống như triệu phú”. Trái tim của một Song Ngư điển hình không vương vấn tham vọng và thói hám của, bởi vì người đó hiểu rõ hơn ai khác rằng những thứ đó nhất thời như thế nào. Dựa vào khả năng trực giác bẩm sinh, Con Cá không có một chút kiên trì bền bỉ nào, cứ thủng thẳng bơi theo dòng nước, bằng lòng với những gì mà cuộc sống tự nhiên mang đến. Rất ít Song Ngư có khả năng đấu tranh với hoàn cảnh, vượt qua lực cản của dòng chảy, nhưng chính những người hiếm hoi đó sẽ đạt được sự hài hoà và hạnh phúc lớn lao. Về bản chất, Con Cá bình lặng và thờ ơ đến nỗi dường như không gì có thể làm cho nó mất thăng bằng. Sự cuồng nộ, độc ác, những xúc phạm, quy chụp, trách cứ đều trôi trượt qua, chẳng hề va chạm đến. Nếu bạn thông báo với Song Ngư rằng ngày mai trời sụp, người này cũng chỉ lơ đãng nghe, thậm chí còn có thể đáp lại bằng một cái ngáp mơ màng. Đôi khi bạn có cảm tưởng người này hoàn toàn không có cảm xúc. Nhưng không phải vậy. Cũng như khi bạn ném viên đá xuống hồ. Trong một khoảng thời gian, mặt nước cồn lên, những vòng sóng gợn trôi, nhưng sau đó trở lại phẳng lặng như trước. Song Ngư cũng vậy. Họ thậm chí có thể tức giận, và trong lúc nào đó trở nên ghê gớm, gai góc, nhưng tâm trạng như vậy nhanh chóng qua đi, thay bằng sự êm ả, điềm đạm khi trước. Nhờ biệt tài tái hiện và một trí nhớ độc đáo, nhiều Song Ngư đạt được những đỉnh cao chói sáng trong nghề diễn viên. Đó là những người đã khắc phục được tính ngại lao động vất vả của Song Ngư để bắt mình quen với công việc luyện tập bền bỉ trong nghệ thuật. Trí tưởng tượng hiếm có, tính hài hước tinh tế và cảm giác về cái đẹp – là những yếu tố khiến các sáng tác nghệ thuật ra đời dưới ngòi bút của Song Ngư dễ trở thành tuyệt tác. Không ít Song Ngư được trời phú cho khả năng tiên đoán sự việc qua giấc mơ. Nếu người quen Song Ngư kể lại điều chiêm bao không tốt trước chuyến đi của bạn, bạn rất nên cân nhắc có nên đi hoặc dùng phương tiện giao thông đó không. Vũ khí mạnh nhất của Song Ngư là tính hài ước. Nhờ nó, họ có thể che giấu những cảm xúc mà họ không muốn lộ cho người ngoài, và có thể biểu hiện thái độ thực sự của mình đối với điều gì mà không muốn diễn đạt công khai. Song Ngư đầy tính thương người và luôn sẵn lòng giúp đỡ kẻ gặp nạn. Trong tình thương và thiện cảm của mình, Song Ngư không phân biệt những ai thực sự xứng đáng và những kẻ hoàn toàn không xứng đáng với điều đó. Họ giúp đỡ tất cả. Khi nào bạn không có ai để cầu xin, hãy tìm đến Song Ngư. Người đó sẽ không lên lớp, không trách cứ và càng không nhìn bạn bằng ánh mắt khinh rẻ. Người đó sẽ tìm cách hiểu bạn và giúp đỡ hết khả năng của mình. Chính vì vậy cung Song Ngư có nhiều nhà truyền giáo. Tính cách đầy ảo tưởng của Song Ngư không phù hợp với một kim loại nào. Bù lại, có thể nhìn thấy hình ảnh của Song Ngư trong hai loại đá quý: amethyst tím và emerald màu lục trong. Hoa sen dịu dàng tượng trưng cho họ. Nếu muốn làm bạn của Song Ngư, bạn buộc phải học cách hiểu được điều gì ẩn sau những lời nói tưởng như thờ ơ của người này Danh nhân sinh cung Song Ngư: Michael Bolton, Michelangelo Buonarroti, Enrico Caruso, Coco Chanel, Frédéric Chopin, Albert Einstein, Mikhail Gorbachev, Victor Hugo, Modest Mussorgsky, Marius Petipa, Auguste Renoir, Nicolai Rimsky-Korsakov, Gioacchino Rossini, Trịnh Công Sơn, John Steinback, Elizabeth Taylor, George Washington, Bruce Willis…

23 thg 2, 2009

Ngày hôm nay sẽ đi vào lịch sử!

Hôm nay nhà máy lọc dầu Dung quất sẽ sản xuất dòng sản phẩm đầu tiên mang nhãn hiệu “made in Viêt nam” Nhà máy ấy được xây dựng như thế nào? Khối lượng xây dựng NMLD Dung Quất được tổng nhà thầu Technip ví von rất hình tượng: "Tổng số tài liệu thiết kế và sổ tay vận hành chất đầy khoảng 100 xe tải nặng. Diện tích các gói thầu chính xấp xỉ 600 hecta, tương đương với 1.200 sân bóng đá. Hơn 150.000 tấn vật tư, thiết bị tương đương với 1 triệu xe máy. Trên 5 triệu mét dây cáp điện, đủ để căng 2 lần từ Hà Nội đến TP.HCM. Gần 17.000 tấn thép các loại đủ để xây dựng 2 tháp Eiffel - Paris...".(Thanh Thảo) Nhà thơ Thanh Thảo bình toàn cảnh NMLD (một vùng vịnh có tên ban đầu là Vũng Quýt-người địa phương phát âm là zũng quấc-bây giờ là Dung Quất.) Khi chúng tôi lên đồi Cây Sấu - mà tôi kiến nghị NMLD Dung Quất nên đổi tên là "Đồi Vọng Cảnh" - thì phía dưới chúng tôi hiện lên sáng lóa dưới nắng mai toàn cảnh NMLD Dung Quất. Một vẻ đẹp cường tráng của công nghiệp đan xen với vẻ đẹp mềm mại của những đồi cây, vẻ thơ mộng của những hồ nước, những con đường... Tôi rất muốn các nhà thơ và các nhạc sĩ Việt Nam có dịp lên "Đồi Vọng Cảnh" này để nhìn ngắm từ trên cao một phối cảnh hoàn mỹ giữa công nghiệp và môi trường. Nếu chỉ trơ ra những thiết kế sắt thép inox của NMLD giữa một hoang mạc khô cằn như tôi đã thấy trên một số bức ảnh về NMLD ở Trung Đông hay Bắc Mỹ thì cái ấn tượng "khô thô cứng" về một NMLD là khó tránh khỏi. Nhưng NMLD Dung Quất thì khác. Nó như đang múa hát giữa những đồi cây xanh. Chỉ mong hình ảnh đẹp này về sự gắn kết giữa một nhà máy công nghiệp vào hàng lớn và hiện đại nhất Việt Nam với môi trường sẽ là một hình ảnh tiêu biểu, một tấm gương về "công nghiệp hóa không phá môi trường" cho cả Việt Nam. Nhà máy ấy nằm ngay trên quê hương Quảng Ngãi! Một vùng đất thiên thời-địa lợi-nhân hòa! Mà sao người dân nơi đây cứ mãi vất vả ngược xuôi trên bước đường mưu sinh! Ai đã quyết tâm khai thác tiềm năng ấy để cứu dân? Có lẽ cũng hôm nay, Quảng Ngãi tổ chức lễ gắn tên đường mang tên cố thủ tướng Võ Văn Kiệt sẽ trả lời cho câu hỏi đó Nhớ lại câu nói nổi tiếng của Thủ tướng Võ Văn Kiệt khi người ta "bàn lùi" về quyết tâm xây dựng NMLD số 1 tại Dung Quất: "Chính vì tôi là Thủ tướng, tôi phải nói và quyết định (xây dựng NMLD số 1 tại Dung Quất) vì quyền lợi của nhân dân". Mãi mãi, nhân dân sẽ ghi nhớ với lòng biết ơn những người đã dũng cảm mở đường, những người đã đi, đã lao động để có một con đường và một NMLD đầu tiên của Việt Nam.(theo Thanh Thảo) Lời ca anh từng nói với em về Quảng Ngãi đât anh hùng sinh du kích Ba tơ…như ngàn tiếng hát ru từ thưở nhỏ …sóng sông Trà âm vang mãi tim ta…chưa khi nào ngân nga trong lòng người như lúc này .

10 thg 2, 2009

Tiêng gọi từ miền kí ức

21:02 9 thg 2 2009Công khai5 Lượt xem 6 Lại sắp họp lớp rồi! Tụi bạn ở Hà Nội réo điện thoại đến nao lòng. Biết là không đi được nhưng vẫn không thể nào trả lời ngay với chúng nó. Vẫn anh chàng lớp trưởng trịnh trọng và đĩnh đạc-chả gì giờ hắn đã là thượng tá quân đội rồi- thay mặt Ban liên lạc mời.An di gan đấy mà! Những đứa ở xa được gọi trước. Hòa xe thồ-Biệt danh này có từ khi đi học nó hay mặc quần màu bộ đội giống y anh xe thồ- ở Đà Nẵng- chắc không đi, mụ này lo làm ăn giữ lắm.Với lại ả đang chờ xem mặt ông sui . Mấy đứa ở Sài gòn đang tính rủ nhau đi cả tốp cho nó “hoành tráng”. Lão Minh sợ ma rất máu ba cái vụ tập trung ăn nhậu này, khác hẳn cái vẻ thư sinh nho nhã, của lão.Ngày đầu gặp lại lão ở SG , gọi bằng biệt danh ấy , lão bảo “quên nó lâu rồi”. Kệ lão chứ, lão quên chứ bạn bè ai chẳng nhớ. Hồi ấy ở Hà nội, đứa nào đi học mà chẳng được xem bộ phim “Những kẻ báo thù không thể bị bắt”. Thằng Minh chính là nạn nhân của bộ phim ấy vì cái mặt nghền nghệt của nó giống hệt một nhân vật trong phim , vai anh chàng sợ ma.Và biệt danh ấy theo nó suốt những năm học cấp III Trưng vương Hà nội và có lẽ mãi mãi sau này. Nhớ năm 2005, cả bọn phía Nam ra họp lớp,vui không tả hết.Buồn cười nhất là khi thấy một người tóc bạc xuất hiện, có đứa hỏi: ông này dạy môn gì lớp mình nhỉ .Hóa ra là thằng Lâm ruồi, nó già kinh khủng, vì ngày nào cũng sáng xỉn, chiều say. Cô Hảo “mắm tôm” chủ nhiệm năm lớp 8 cũng có mặt (Biệt danh này chỉ dám gọi sau lưng ,vì cô lúc nào cũng gắt như mắm tôm!).Thầy Thảo chủ nhiệm hai năm liền cuối cấp cũng đến,trông thầy không già mấy so với tưởng tượng .Thầy quê ở Quảng trị, phát âm rất nặng, bọn nó tha nhại thầy vì thầy rất tội nghiệp.Thầy thương trò như con và trò cũng coi thầy như người cha của mình.Thằng Đức Chính, giờ là ca sĩ của đoàn ca múa nhạc Hà nội, đã sáng tác bài “Thầy tôi” để tặng thầy.Tú Anh dở hơi vẫn cười tít mắt như ngày nào, nó học kiến trúc, giờ làm ở Ban quản lí nhà đất gì đó,chồng là bác sĩ.Chúng nó bảo vợ chồng nó đổi nghề cho nhau thì hợp hơn. Còn cái Huyền củ khoai chỉ vì ghi nhầm trường Đại học Nông nghiệp I thành II (khoa kinh tế),cái trường mà con gái HN ít dám chọn, mà giờ nó trở thành giảng viên Học viện ngân hàng.Nó béo đến nỗi mỗi khi nó mặc váy đi qua đi lại trên bục giảng,các em sinh viên phải nói: cô ơi ,cô đừng đi lại nữa cho chúng em nhìn bảng với! (Theo lời kể của khổ chủ.) Liên li pit bây giờ gọn gàng và điệu đàng hơn xưa.Nhớ lần lên bảng nó lúng túng bẻ gãy cả cái thước kẻ. Thuận già không già thêm mấy.Hồi ấy sao nó già hơn hẳn bọn cùng lớp.Hình như nó già trước nên giờ chững lại. Thằng Hạnh xô lếch mù,nó được bố cho cái xe xô lếch cũ đã hỏng máy phải đạp như xe đạp, vẫn hiền lành mặc cho lũ bạn chọc ghẹo. Con Vân tắc hầu đi tây về nhưng không thay đổi cách nói như bị tắc hầu ngày xưa. …. Còn bao nhiêu nữa khuôn mặt của 10E thân yêu. Mấy năm sau này không đi được vì nhiều lí do, buồn và tiếc lắm.Có lẽ Phú Quang đã nói hộ lòng mình “Làm sao về được mùa đông /để nghe chuông chiều xa vắng/thôi đành ru lòng mình vậy /vờ như mùa đông đã về”.

31 thg 1, 2009

Đi chúc tết

Rủ nhau đi chúc tết lắm chuyện buồn cười như bịa.Đầu tiên đến nhà lão Hải, người vốn có tính cẩn thận, Cẩm Hạnh thấy lồng chim chủ nhà treo trước cửa , nhỡ mồm thay lời chào: Chim anh để ngoài không sợ mất sao? Chủ nhà cứ theo đà hỏi mà trả lời:Không, tối anh mới cất.Cả lũ bấm bụng cười . Sau một hồi chúc tụng, lại kéo nhau đi,vòng vèo một lúc đến nhà lão Nhuận.Tên này rất hay xấu hổ,thấy đội bạn ào ào tới ,vội vàng chạy vào nhà trong ,chưa kịp mời khách. Đoán là hắn vào thay quần dài vì lúc ấy hắn mặc quần lửng, trông khác hẳn cái vẻ đường bệ quan chức thường ngày,con Nguyệt móm tinh quái ngăn lại: Thôi anh ơi,bọn em chứ ai mà anh phải mặc quần ! Lão đứng sững lại như trời trồng.Cả bọn lại không dám vào.Cứ kẻ đứng trong người đứng ngoài chúc nhau, mắt ngó lơ. Tết này định không đi đâu, bị rủ không chối được. Suýt nữa mất mẻ cười.
Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang