28 thg 2, 2009

Tin thì tin không tin thì thôi!

Chiêm tinh học xếp Song Ngư (Pisces - Con Cá, 19/2 - 20/3) là cung cuối cùng, thứ 12 của chu kỳ Hoàng đạo. Nếu như Bạch Dương, cung mở đầu, biểu trưng cho sự sống, thì Song Ngư biểu trưng cho cái chết và sự đi vào cõi vĩnh hằng. Là cung Hoàng đạo cuối cùng, Song Ngư thu nhận phần nào tính cách của tất cả 11 cung trước. Không ngạc nhiên nếu ta nhận thấy ở Song Ngư sự phúc hậu và thẳng thắn của Nhân Mã, sự tận tuỵ công tâm của Ma Kết, lòng kiêu hãnh và tươi vui của Sư Tử, sự nhanh nhẹn hoạt bát của Song Sinh, sự khoan thai chậm chạp của Kim Ngưu, và chủ nghĩa lý tưởng của Bạch Dương. Trong con người Song Ngư hội tụ cả sở thích tranh cãi đặc trưng của các cung mệnh Khí, cả tình yêu thiên nhiên của các cung mệnh Thổ, và sự hào hứng sôi nổi của các cung mệnh Hoả. Tuy mang tính cách của tất cả các cung, Song Ngư vẫn là một bản chất riêng mình. Người cung này có khả năng xem xét bản thân dường như đứng từ ngoài nhìn vào; cùng lúc thấy được hôm qua, hôm nay và cả ngày mai. Trong số những người chịu sự quản chiếu của sao Hải vương, hiếm có ai chạy theo danh vọng, quyền lực hoặc giàu sang. Không phải họ thờ ơ với những thứ đó. Nhưng họ không bao giờ chủ động săn đuổi chúng. Nếu Song Ngư nào có những thứ nói trên, thì nhiều khả năng là nhờ thừa kế hoặc có được do hôn nhân. Khẩu hiệu của Song Ngư là: “Tôi không muốn làm triệu phú, tôi chỉ muốn sống như triệu phú”. Trái tim của một Song Ngư điển hình không vương vấn tham vọng và thói hám của, bởi vì người đó hiểu rõ hơn ai khác rằng những thứ đó nhất thời như thế nào. Dựa vào khả năng trực giác bẩm sinh, Con Cá không có một chút kiên trì bền bỉ nào, cứ thủng thẳng bơi theo dòng nước, bằng lòng với những gì mà cuộc sống tự nhiên mang đến. Rất ít Song Ngư có khả năng đấu tranh với hoàn cảnh, vượt qua lực cản của dòng chảy, nhưng chính những người hiếm hoi đó sẽ đạt được sự hài hoà và hạnh phúc lớn lao. Về bản chất, Con Cá bình lặng và thờ ơ đến nỗi dường như không gì có thể làm cho nó mất thăng bằng. Sự cuồng nộ, độc ác, những xúc phạm, quy chụp, trách cứ đều trôi trượt qua, chẳng hề va chạm đến. Nếu bạn thông báo với Song Ngư rằng ngày mai trời sụp, người này cũng chỉ lơ đãng nghe, thậm chí còn có thể đáp lại bằng một cái ngáp mơ màng. Đôi khi bạn có cảm tưởng người này hoàn toàn không có cảm xúc. Nhưng không phải vậy. Cũng như khi bạn ném viên đá xuống hồ. Trong một khoảng thời gian, mặt nước cồn lên, những vòng sóng gợn trôi, nhưng sau đó trở lại phẳng lặng như trước. Song Ngư cũng vậy. Họ thậm chí có thể tức giận, và trong lúc nào đó trở nên ghê gớm, gai góc, nhưng tâm trạng như vậy nhanh chóng qua đi, thay bằng sự êm ả, điềm đạm khi trước. Nhờ biệt tài tái hiện và một trí nhớ độc đáo, nhiều Song Ngư đạt được những đỉnh cao chói sáng trong nghề diễn viên. Đó là những người đã khắc phục được tính ngại lao động vất vả của Song Ngư để bắt mình quen với công việc luyện tập bền bỉ trong nghệ thuật. Trí tưởng tượng hiếm có, tính hài hước tinh tế và cảm giác về cái đẹp – là những yếu tố khiến các sáng tác nghệ thuật ra đời dưới ngòi bút của Song Ngư dễ trở thành tuyệt tác. Không ít Song Ngư được trời phú cho khả năng tiên đoán sự việc qua giấc mơ. Nếu người quen Song Ngư kể lại điều chiêm bao không tốt trước chuyến đi của bạn, bạn rất nên cân nhắc có nên đi hoặc dùng phương tiện giao thông đó không. Vũ khí mạnh nhất của Song Ngư là tính hài ước. Nhờ nó, họ có thể che giấu những cảm xúc mà họ không muốn lộ cho người ngoài, và có thể biểu hiện thái độ thực sự của mình đối với điều gì mà không muốn diễn đạt công khai. Song Ngư đầy tính thương người và luôn sẵn lòng giúp đỡ kẻ gặp nạn. Trong tình thương và thiện cảm của mình, Song Ngư không phân biệt những ai thực sự xứng đáng và những kẻ hoàn toàn không xứng đáng với điều đó. Họ giúp đỡ tất cả. Khi nào bạn không có ai để cầu xin, hãy tìm đến Song Ngư. Người đó sẽ không lên lớp, không trách cứ và càng không nhìn bạn bằng ánh mắt khinh rẻ. Người đó sẽ tìm cách hiểu bạn và giúp đỡ hết khả năng của mình. Chính vì vậy cung Song Ngư có nhiều nhà truyền giáo. Tính cách đầy ảo tưởng của Song Ngư không phù hợp với một kim loại nào. Bù lại, có thể nhìn thấy hình ảnh của Song Ngư trong hai loại đá quý: amethyst tím và emerald màu lục trong. Hoa sen dịu dàng tượng trưng cho họ. Nếu muốn làm bạn của Song Ngư, bạn buộc phải học cách hiểu được điều gì ẩn sau những lời nói tưởng như thờ ơ của người này Danh nhân sinh cung Song Ngư: Michael Bolton, Michelangelo Buonarroti, Enrico Caruso, Coco Chanel, Frédéric Chopin, Albert Einstein, Mikhail Gorbachev, Victor Hugo, Modest Mussorgsky, Marius Petipa, Auguste Renoir, Nicolai Rimsky-Korsakov, Gioacchino Rossini, Trịnh Công Sơn, John Steinback, Elizabeth Taylor, George Washington, Bruce Willis…

23 thg 2, 2009

Ngày hôm nay sẽ đi vào lịch sử!

Hôm nay nhà máy lọc dầu Dung quất sẽ sản xuất dòng sản phẩm đầu tiên mang nhãn hiệu “made in Viêt nam” Nhà máy ấy được xây dựng như thế nào? Khối lượng xây dựng NMLD Dung Quất được tổng nhà thầu Technip ví von rất hình tượng: "Tổng số tài liệu thiết kế và sổ tay vận hành chất đầy khoảng 100 xe tải nặng. Diện tích các gói thầu chính xấp xỉ 600 hecta, tương đương với 1.200 sân bóng đá. Hơn 150.000 tấn vật tư, thiết bị tương đương với 1 triệu xe máy. Trên 5 triệu mét dây cáp điện, đủ để căng 2 lần từ Hà Nội đến TP.HCM. Gần 17.000 tấn thép các loại đủ để xây dựng 2 tháp Eiffel - Paris...".(Thanh Thảo) Nhà thơ Thanh Thảo bình toàn cảnh NMLD (một vùng vịnh có tên ban đầu là Vũng Quýt-người địa phương phát âm là zũng quấc-bây giờ là Dung Quất.) Khi chúng tôi lên đồi Cây Sấu - mà tôi kiến nghị NMLD Dung Quất nên đổi tên là "Đồi Vọng Cảnh" - thì phía dưới chúng tôi hiện lên sáng lóa dưới nắng mai toàn cảnh NMLD Dung Quất. Một vẻ đẹp cường tráng của công nghiệp đan xen với vẻ đẹp mềm mại của những đồi cây, vẻ thơ mộng của những hồ nước, những con đường... Tôi rất muốn các nhà thơ và các nhạc sĩ Việt Nam có dịp lên "Đồi Vọng Cảnh" này để nhìn ngắm từ trên cao một phối cảnh hoàn mỹ giữa công nghiệp và môi trường. Nếu chỉ trơ ra những thiết kế sắt thép inox của NMLD giữa một hoang mạc khô cằn như tôi đã thấy trên một số bức ảnh về NMLD ở Trung Đông hay Bắc Mỹ thì cái ấn tượng "khô thô cứng" về một NMLD là khó tránh khỏi. Nhưng NMLD Dung Quất thì khác. Nó như đang múa hát giữa những đồi cây xanh. Chỉ mong hình ảnh đẹp này về sự gắn kết giữa một nhà máy công nghiệp vào hàng lớn và hiện đại nhất Việt Nam với môi trường sẽ là một hình ảnh tiêu biểu, một tấm gương về "công nghiệp hóa không phá môi trường" cho cả Việt Nam. Nhà máy ấy nằm ngay trên quê hương Quảng Ngãi! Một vùng đất thiên thời-địa lợi-nhân hòa! Mà sao người dân nơi đây cứ mãi vất vả ngược xuôi trên bước đường mưu sinh! Ai đã quyết tâm khai thác tiềm năng ấy để cứu dân? Có lẽ cũng hôm nay, Quảng Ngãi tổ chức lễ gắn tên đường mang tên cố thủ tướng Võ Văn Kiệt sẽ trả lời cho câu hỏi đó Nhớ lại câu nói nổi tiếng của Thủ tướng Võ Văn Kiệt khi người ta "bàn lùi" về quyết tâm xây dựng NMLD số 1 tại Dung Quất: "Chính vì tôi là Thủ tướng, tôi phải nói và quyết định (xây dựng NMLD số 1 tại Dung Quất) vì quyền lợi của nhân dân". Mãi mãi, nhân dân sẽ ghi nhớ với lòng biết ơn những người đã dũng cảm mở đường, những người đã đi, đã lao động để có một con đường và một NMLD đầu tiên của Việt Nam.(theo Thanh Thảo) Lời ca anh từng nói với em về Quảng Ngãi đât anh hùng sinh du kích Ba tơ…như ngàn tiếng hát ru từ thưở nhỏ …sóng sông Trà âm vang mãi tim ta…chưa khi nào ngân nga trong lòng người như lúc này .

10 thg 2, 2009

Tiêng gọi từ miền kí ức

21:02 9 thg 2 2009Công khai5 Lượt xem 6 Lại sắp họp lớp rồi! Tụi bạn ở Hà Nội réo điện thoại đến nao lòng. Biết là không đi được nhưng vẫn không thể nào trả lời ngay với chúng nó. Vẫn anh chàng lớp trưởng trịnh trọng và đĩnh đạc-chả gì giờ hắn đã là thượng tá quân đội rồi- thay mặt Ban liên lạc mời.An di gan đấy mà! Những đứa ở xa được gọi trước. Hòa xe thồ-Biệt danh này có từ khi đi học nó hay mặc quần màu bộ đội giống y anh xe thồ- ở Đà Nẵng- chắc không đi, mụ này lo làm ăn giữ lắm.Với lại ả đang chờ xem mặt ông sui . Mấy đứa ở Sài gòn đang tính rủ nhau đi cả tốp cho nó “hoành tráng”. Lão Minh sợ ma rất máu ba cái vụ tập trung ăn nhậu này, khác hẳn cái vẻ thư sinh nho nhã, của lão.Ngày đầu gặp lại lão ở SG , gọi bằng biệt danh ấy , lão bảo “quên nó lâu rồi”. Kệ lão chứ, lão quên chứ bạn bè ai chẳng nhớ. Hồi ấy ở Hà nội, đứa nào đi học mà chẳng được xem bộ phim “Những kẻ báo thù không thể bị bắt”. Thằng Minh chính là nạn nhân của bộ phim ấy vì cái mặt nghền nghệt của nó giống hệt một nhân vật trong phim , vai anh chàng sợ ma.Và biệt danh ấy theo nó suốt những năm học cấp III Trưng vương Hà nội và có lẽ mãi mãi sau này. Nhớ năm 2005, cả bọn phía Nam ra họp lớp,vui không tả hết.Buồn cười nhất là khi thấy một người tóc bạc xuất hiện, có đứa hỏi: ông này dạy môn gì lớp mình nhỉ .Hóa ra là thằng Lâm ruồi, nó già kinh khủng, vì ngày nào cũng sáng xỉn, chiều say. Cô Hảo “mắm tôm” chủ nhiệm năm lớp 8 cũng có mặt (Biệt danh này chỉ dám gọi sau lưng ,vì cô lúc nào cũng gắt như mắm tôm!).Thầy Thảo chủ nhiệm hai năm liền cuối cấp cũng đến,trông thầy không già mấy so với tưởng tượng .Thầy quê ở Quảng trị, phát âm rất nặng, bọn nó tha nhại thầy vì thầy rất tội nghiệp.Thầy thương trò như con và trò cũng coi thầy như người cha của mình.Thằng Đức Chính, giờ là ca sĩ của đoàn ca múa nhạc Hà nội, đã sáng tác bài “Thầy tôi” để tặng thầy.Tú Anh dở hơi vẫn cười tít mắt như ngày nào, nó học kiến trúc, giờ làm ở Ban quản lí nhà đất gì đó,chồng là bác sĩ.Chúng nó bảo vợ chồng nó đổi nghề cho nhau thì hợp hơn. Còn cái Huyền củ khoai chỉ vì ghi nhầm trường Đại học Nông nghiệp I thành II (khoa kinh tế),cái trường mà con gái HN ít dám chọn, mà giờ nó trở thành giảng viên Học viện ngân hàng.Nó béo đến nỗi mỗi khi nó mặc váy đi qua đi lại trên bục giảng,các em sinh viên phải nói: cô ơi ,cô đừng đi lại nữa cho chúng em nhìn bảng với! (Theo lời kể của khổ chủ.) Liên li pit bây giờ gọn gàng và điệu đàng hơn xưa.Nhớ lần lên bảng nó lúng túng bẻ gãy cả cái thước kẻ. Thuận già không già thêm mấy.Hồi ấy sao nó già hơn hẳn bọn cùng lớp.Hình như nó già trước nên giờ chững lại. Thằng Hạnh xô lếch mù,nó được bố cho cái xe xô lếch cũ đã hỏng máy phải đạp như xe đạp, vẫn hiền lành mặc cho lũ bạn chọc ghẹo. Con Vân tắc hầu đi tây về nhưng không thay đổi cách nói như bị tắc hầu ngày xưa. …. Còn bao nhiêu nữa khuôn mặt của 10E thân yêu. Mấy năm sau này không đi được vì nhiều lí do, buồn và tiếc lắm.Có lẽ Phú Quang đã nói hộ lòng mình “Làm sao về được mùa đông /để nghe chuông chiều xa vắng/thôi đành ru lòng mình vậy /vờ như mùa đông đã về”.
Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang