27 thg 11, 2009

CHIẾC ÁO KHÔNG LÀM NÊN THẦY TU.

Thầy tu thường mặc áo cà sa. Nhưng người khoác áo cà sa chưa hẳn đã là thầy tu! Thường thì vẫn có quan niệm: "Ăn cho mình, mặc cho người", nhưng không ít người lại chỉ nghĩ mặc cho thỏa ý thích cá nhân, mặc kệ nhìn nhận của người xung quanh. Bởi vậy mới có hình ảnh giữa trang phục và phong cách cá nhân không hề có sự giao thoa! Tội nghiệp thay cho những bộ trang phục nhầm chủ.Và cũng tiếc thay cho những người chủ đã không chọn được trang phục hợp với mình! Gu thẩm mĩ cũng là đề tài khá vui để nhòm ngó và ngẫm ngợi cho khuây. Đến một nơi nào thấy mặc đồng phục, trông thoáng qua cũng bắt mắt, hay hay. Nhìn kĩ lại thấy buồn cười. Người quá khổ, lại lùn dưới ngưỡng cũng mặc vetston,váy bó cũn cỡn, trông như chiếc nấm di động! Còn người cao lêu nghêu, thì chiếc váy ngắn không che nổi sự giãn cách giữa cặp giò khẳng khiu (mà vốn là lợi thế của “chân dài”), trông thật đáng thương! Sao cứ bắt đồng phục cho ra vẻ nghiêm túc, quy củ một cách gượng ép thế? Lại nói đến áo dài, chiếc áo dài truyền thống! Nhưng nay nó cũng bị cách điệu quá mức cần thiết. Chiếc áo dài cổ thuyền (loại cổ không chân) rộng quá cỡ, bằng chất liệu tơ mỏng quá mức, eo xẻ quá cao…nội y hiển hiện trên mức cho phép.Vậy mà người mặc cứ ngỡ là mình “đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc”!Người mặc tự hào bao nhiêu, người chiêm ngưỡng buồn bấy nhiêu! Càng phản cảm hơn khi hình ảnh ấy đứng trước đám đông. Một cô giáo dạy bài thơ “Áo đỏ” với mong muốn giúp các em cảm nhận vẻ đẹp thẩm mĩ của trường từ vựng chỉ màu sắc qua những câu thơ: Áo đỏ em đi giữa phố đông Cây xanh như cũng ánh thêm hồng Em đi lửa cháy trong bao mắt Anh cháy thành tro em biết không? ( Vũ Quần Phương) Vậy mà cô lại trực quan bằng màu vàng rực của chiếc áo dài-lẽ ra nên mặc khi bình những câu thơ có sắc vàng như: “Ô hay, buồn vương cây ngô đồng Vàng rơi, vàng rơi thu mênh mông!” (Bích Khê) Đâu là sự mô phạm trong trang phục không hợp cảnh ấy? Ấy là chưa kể các kiểu ăn mặc: Trên Đông dưới Hạ, trong Tây ngoài Tàu, comple đi với giày thể thao, áo dài sánh bước với quần Âu…Không thể biện hộ cho cái sự phá cách mà là sự loạn chuẩn trong y phục. Người xưa đã dạy: “Y phục xứng kì đức”. Bộ y phục có thể không biết chủ nó là người như thế nào, nhưng người dùng y phục luôn biêt họ là ai .Và xin hãy cho người khác đánh giá đúng về họ theo kiểu “ Áo quần quyến rũ khi bắt gặp – Tâm hồn chinh phục lúc chia tay”.

12 thg 11, 2009

Cậu Út

Mẹ sinh năm người con Anh cả : Nhà văn Anh hai: Tiến sĩ Chị ba: Kĩ sư Chị tư: Bác sĩ Cậu út : thứ năm Học dốt Mải chơi Lêu lổng chợ trời... Mẹ ốm liệt giường vào viện Bốn anh em nhìn nhau qua nước mắt Riêng cậu út cười: Để đó em lo. (Thế Hùng)

10 thg 11, 2009

"Nước mắt bào thai"-Bộ phim chỉ 3phút!

Cuộc vận động của Bộ giáo dục- đào tạo :“Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” có lẽ sẽ mãi chỉ là cuộc vận động nếu không có sự hưởng ứng tích cực của học sinh. Bộ phim “Nước mắt bào thai” do 3 học sinh Trường THPT Nguyễn Huệ -TP Huế là một việc có ý nghĩa như vậy! Xuất phát từ ý nghĩ “Tất cả đều là mẹ tại sao lại tước đoạt quyền lợi của nhau” mà các em đã làm nên bộ phim này.Chỉ riêng ý tưởng thôi, các em đã thể hiện được tính nhân văn cao cả của người học rồi! Bộ phim được giải nhì Liên hoan phim toàn quốc dành cho học sinh Việt Nam lần thứ 3.Thời lượng chiếu chỉ 3 phút thôi. Bộ phim nói về việc bạn thân của những người nông dân Việt Nam từ bao đời- Những con trâu ,con bò mang thai đang bị giết hại. Để làm gì? “Phụ nữ mang thai đều mong muốn con sinh ra phải khỏe mạnh nên họ rất muốn ăn bào thai”( Lời tác giả bộ phim)! Hình ảnh chiếu dạo mới êm đềm làm sao! Trời vẫn xanh cao vời vợi và yên bình. Cánh đồng vẫn bát ngát rập rờn sóng lúa.Những chú mục đồng vẫn vắt vẻo trên lưng trâu…Những thân trâu chưa đến kì mang thai vẫn bình thản gặm cỏ sau một ngày kéo cày vất vả…không hề biết đến nguy cơ đang rình rập nó. Rất gần đó thôi, trong lò mổ “Ghê rợn nhất là giai đoạn sát sinh con mẹ. Người hành hình dùng một cái búa to, lấy hết sức đập vào đầu trâu. Không phải một mà cả 4, 5 hay đến chục lần mới ngã xuống. Sau đó, họ lấy bào thai ra trong nhịp thở thoi thóp còn đọng lại trên những thớ thịt trâu mẹ. Ngay hôm sau, bào thai non được bán tại các chợ. Khâu cuối là những nồi hầm thịt trâu non được dành đặc biệt cho sản phụ”. Các em đã chuyển tải thông điệp gì, hẳn không cần phải nói thành lời! Có phải chỉ cần bảo vệ trân cầm, dị thú trong sách đỏ? Những loài vật gần gũi, gắn bó hãy vui lòng để con người xử sự như thời Trung cổ ?!

3 thg 11, 2009

Có khi nào

Bùi Minh Quốc. Có khi nào trên đường đời tấp nập Ta vô tình đã đi lướt qua nhau Bước lơ đãng chẳng ngờ đang để mất Một tâm hồn ta đã đợi từ lâu.
Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang