21 thg 12, 2010

Đợi anh về


 Xi-Mô-Nốp
        Em ơi đợi anh về 
       Đợi anh hoài em nhé 
       Mưa có rơi dầm dề 
       Ngày có dài lê thê 
       Em ơi em cứ đợi. 
       
       Dù tuyết rơi gió thổi 
       Dù nắng cháy em ơi 
       Bạn cũ có quên rồi 
       Đợi anh về em nhé! 
       
       Tin anh dù vắng vẻ 
       Lòng ai dù tái tê 
       Chẳng mong chi ngày về 
       Thì em ơi cứ đợi! 
       
       Em ơi em cứ đợi 
       Dù ai thương nhớ ai 
       Chẳng mong có ngày mai 
       Dù mẹ già con dại 
       Hết mong anh trở lại 
       Dù bạn viếng hồn anh 
       Yên nghỉ nấm mồ xanh 
       Nâng chén tình dốc cạn 
       Thì em ơi mặc bạn 
       
       Đợi anh hoài em nghe 
       Tin rằng anh sắp về! 
       Đợi anh anh lại về. 
       Trông chết cười ngạo nghễ. 
       
       Ai ngày xưa rơi lệ 
       Hẳn cho sự tình cờ 
       Nào có biết bao giờ 
       Bởi vì em ước vọng 
       Bời vì em trông ngóng 
       Tan giặc bước đường quê 
       Anh của em lại về. 
       
       Vì sao anh chẳng chết? 
       Nào bao giờ ai biết 
       Có gì đâu em ơi 
       Chỉ vì không ai người
       Biết như em chờ đợi!
                               Tố Hữu- dịch

Đợi anh về


 Xi-Mô-Nốp
        Em ơi đợi anh về 
       Đợi anh hoài em nhé 
       Mưa có rơi dầm dề 
       Ngày có dài lê thê 
       Em ơi em cứ đợi. 
       
       Dù tuyết rơi gió thổi 
       Dù nắng cháy em ơi 
       Bạn cũ có quên rồi 
       Đợi anh về em nhé! 
       
       Tin anh dù vắng vẻ 
       Lòng ai dù tái tê 
       Chẳng mong chi ngày về 
       Thì em ơi cứ đợi! 
       
       Em ơi em cứ đợi 
       Dù ai thương nhớ ai 
       Chẳng mong có ngày mai 
       Dù mẹ già con dại 
       Hết mong anh trở lại 
       Dù bạn viếng hồn anh 
       Yên nghỉ nấm mồ xanh 
       Nâng chén tình dốc cạn 
       Thì em ơi mặc bạn 
       
       Đợi anh hoài em nghe 
       Tin rằng anh sắp về! 
       Đợi anh anh lại về. 
       Trông chết cười ngạo nghễ. 
       
       Ai ngày xưa rơi lệ 
       Hẳn cho sự tình cờ 
       Nào có biết bao giờ 
       Bởi vì em ước vọng 
       Bời vì em trông ngóng 
       Tan giặc bước đường quê 
       Anh của em lại về. 
       
       Vì sao anh chẳng chết? 
       Nào bao giờ ai biết 
       Có gì đâu em ơi 
       Chỉ vì không ai người
       Biết như em chờ đợi!
                               Tố Hữu- dịch

30 thg 11, 2010

Thật là điếc con ráy!

"Em hãy nói lời xin lỗi  đi!"- nhạc sĩ Tuấn Khanh - thành viên hội đồng nghệ thuật cuộc thi Sao mai điểm hẹnyêu cầu ba thí sinh Đinh Mạnh Ninh,Yến Ngọc, Minh Chuyên trước khi nghe công bố danh sách của hội đồng nghệ thuật chọn đi tiếp vào vòng trong.
Minh Chuyên trả lời lần đầu chưa thể hiện sự "thành khẩn", bị vị này nhắc: em phải xin lỗi khán giả một cách rõ ràng!
Minh Chuyên khúm núm một cách tội nghiệp "Nếu phải xin lỗi một ngàn lần, hai ngàn lần khán giả để được có cơ hội đi tiếp vào vòng trong thì Minh Chuyên sẵn sàng xin lỗi"
. Có phải vì thế mà hội đồng mủi lòng chăng?!
Thí sinh Đinh mạnh Ninh, trước đó khẳng định : "Đến với cuộc thi lần này đoạt giải hay không, không phải là cái đích mà chính là để giao lưu học hỏi".Giờ nghe hội đồng nghệ thuật mở đường, đã vào vai một học trò mắc lỗi, nói lời xin lỗi, xin lỗi thầy cô, xin lỗi cha mẹ, xin lỗi khán giả...mặc dù họ không biết Ninh mắc lỗi gì?
 Hay là lỗi hát chưa hay,diễn chưa chuyên nghiệp? Nếu đã chuyên nghiệp thì đâu cần đi thi để bị đánh giá như một thí sinh tập tành bước vào sân chơi nghệ thuật?
Còn Yến Ngọc, vừa mới được khen là một trong hai thí sinh (cùng Hồ Hoài Thu) có lợi thế về "thanh sắc", trang phục lịch lãm hợp vóc dáng...giờ cũng bị bắt "xin lỗi". Có lẽ Yến Ngọc đã chọn cách "xin lỗi" thông minh và tự trọng hơn cả: "Yến Ngọc muốn nhắn gửi đến khán giả một lời rằng các bạn hãy lựa chọn những người bạn thực sự yêu mến và thực sự có năng lực"
Không hiểu vì sao chỉ có một mình Yến Ngọc lại bị loại?
Những câu trả lời bị động của thí sinh thực sự không làm người nghe" điếc con ráy". Mà vì:
Họ bất ngờ nghe Tuấn Khanh - một thành viên ngồi ghế hội đồng nghệ thuật lại có thể tùy tiện đưa ra ý kiến cá nhân là bắt các thí sinh phải nói lời xin lỗi!
 Những tài năng trẻ đâu phải tội đồ? Hơn nữa suốt quá trình cuộc thi diễn ra, hầu như vị thành viên này chưa làm hết chức năng của mình là đánh giá khách quan, chính xác từng thí sinh để  giúp họ phát huy và khắc phục điểm mạnh, điểm yếu của mình. Với thí sinh nào vị này cũng vuốt ve, luẩn quẩn, lòng vòng, chê chẳng ra chê, khen chẳng ra khen để rồi thí sinh xuất hiện ở vòng có tính quyết định này thật chẳng giống ai (trường hợp Minh Chuyên!)
Nghe những nhận xét của Tuấn Khanh thấy "con ráy" bùng nhùng. Nhưng "điếc con ráy" là khi nghe thêm lời bình của một thành viên khác.
Ấy là Mỹ tâm.
Cô ca sĩ cũng được một số công chúng trẻ biết tên, xuất hiện trong vai một thành viên hội đồng nghệ thuật. Với trang phục chưa hẳn đã thẩm mĩ bằng một số thí sinh dự thi.Thành viên này lúc thì quay sang phải đập vai Hồ Hoài Anh, một nhạc sĩ trẻ rất thanh lịch để bổ sung những câu chẳng ăn nhập vào nhận xét  của Hoài Anh, lúc lại quay sang trái ngả nghiêng tìm sự diễu cợt chung mặc dù Tuấn Khanh chỉ lươn ươn cửa giữa! Còn khi thể hiện chính kiến của mình, bằng giọng ồm ồm thì...là băm, là bổ, là ngoài lề.."áo này ai thiết kế cho em, mái tóc này ai chải cho em, khuôn mặt này ai trang điểm cho em...(để làm gì? để chị biết địa chỉ chị tìm đến chăng?)
Cố nghe hội đồng nghệ thuật bình luận một vòng thi, tưởng trình độ thẩm mĩ được nâng lên nào ngờ điếc con ráy*!


*Cách nói của Nguyễn Nhật Ánh khi phải nghe điều điếc tai

11 thg 11, 2010

Bộ gõ.


 Đó không phải là một loại nhạc cụ để hòa âm, phối khí trong âm nhạc dân tộc. Cũng không phải là một dụng cụ mà mỗi khi người ta cầu kinh niệm Phật thỉnh thoảng lại điểm vào vài nhịp gọi là gõ! Càng không phải là một thứ đồ chơi như người ta tưởng tượng.
          Vậy đó là cái gì?
          Đơn giản nó chỉ là bộ phản bằng gỗ gõ!
          Nó đơn giản chỉ vì từ núi rừng đại ngàn nó đã về góp mặt trong muôn loài thân gỗ khác trong khuôn viên các đại gia dưới dạng những họa tiết trang trí nội thất vừa xa lạ vừa thân thiện, vừa cổ kính vừa hiện đại…Cái ấm áp sang trọng mà nó đem đến cho người ta cảm giác, thật khó có chất liệu nào so sánh!
 Y không phải đại gia, nhưng Y cũng thầm ao ước có bộ gõ ấy. Niềm ao ước thiết tha, nhưng mong manh và xa vời! Thế rồi năm tháng trôi qua, những lí do chính đáng và không chính đáng cũng trôi qua. Mong muốn của Y tình cờ được thực hiện. Nó không phải sản phẩm của lâm tặc phá rừng, cũng không phải của cung phụng, bởi Y là một người không biết cung phụng cũng không phải để người khác cung phụng.
Những bạn bè yêu quý Y, trân trọng nhân cách sống của Y đã tặng Y: Một bộ phản gõ!
Y, thay vì nói lời cảm ơn thông thường, thì chỉ ngắm nghía và tấm tắc trước vẻ mộc nguyên sơ của nó, khiến kẻ trao tặng vui lòng còn hơn nhận những lời cảm ơn có cánh!
Y kê kê, sửa sửa, rồi Y ngồi lên nhún nhún, rồi Y nằm ngả nằm nghiêng…Tấm phản gỗ gõ ấy mới trơn tru làm sao, mát lạnh làm sao!
Có thấy Y sung sướng khi toại nguyện mới thấy hết niềm hạnh phúc đơn sơ, bình dị của Y!
Ôi, chỉ một bộ gõ thôi!

7 thg 11, 2010

Làm sao về được mùa đông...


Lại một mùa mưa ẩm ướt đang đi qua.Mưa dầm dề đến kinh người.Thật không còn muốn bước chân ra phố vì bất cứ công việc gì. Mọi kế hoạch đều tiêu tan.
Bỗng nhớ cái khô hanh nứt nẻ, cước cả chân tay của mùa đông xứ Bắc! Nhớ những đợt gió bấc tràn về tê tái, mặc bao nhiêu áo cũng vẫn còn rét! Thèm cái rét cắt da cắt thịt đến thế!
Nhớ cái ngõ nhỏ của Hà Nội mỗi khi đông về vắng ngắt bóng người. Nhớ tiếng rao đêm lanh lảnh dội về...
Ôi nỗi nhớ muôn đời vẫn thế!
Thôi đành ru lòng mình vậy,vờ như mùa đông đã về... 


22 thg 10, 2010

"Nổi chìm kiếp sông lênh đênh"


(Về chuyến xe định mệnh)
Thương quá những phận đời lênh đênh! Họ đã lênh đênh trong cuộc mưu sinh đầy vất vả, ngược xuôi.Đến cả một chuyến trở về thăm quê của họ cũng chìm nổi, đớn đau quá đỗi như thế sao?
Em bé ơi, em có biết gì đâu mà dòng thác lũ chẳng buông tha em? Người con hiếu thảo ơi chẳng bao giờ còn đưa mẹ già đi đến nơi chữa bệnh được nữa! Người mẹ yêu thương con vô bờ bến ơi, có biết chăng sự níu giữ con trong vòng tay của mẹ cũng chẳng thể nào cứu nổi con không? Người lái xe có biết chăng dòng lũ đã quá nghiệt ngã với cả những người vô tội không? Những bạn trẻ tuổi mười tám, đôi mươi đầy hoài bão và ước mơ ơi ,tại sao các bạn phải bất lực trước thiên tai bất ngờ như thế?...
Thương quá những con người yêu tha thiết cuộc sống ,cho dù cơ cực vẫn vươn lên bằng sức mình vậy mà phải ra đi tức tưởi!
Cầu mong cho linh hồn các anh, các chị, các em..không còn vương vấn cái lam lũ, nhọc nhằn nơi cõi trần, hãy thanh thản ra đi!
Xin dâng một nén tâm nhang tưởng niệm!

12 thg 9, 2010

Thêm một...

Thêm một chiếc lá rụng,
Thế là thành mùa thu.
Thêm một tiếng chim gù,
Thành ban mai tinh khiết.

Dĩ nhiên là tôi biết,
Thêm một - lắm điều hay.
Nhưng mà tôi cũng biết,
Thêm một - phiền toái thay!

Thêm một lời dại dột,
Tức thì em bỏ đi.
Nhưng thêm chút lầm lì,
Thế nào em cũng khóc.

Thêm một người thứ ba,
Chuyện tình đâm dang dở.
Cứ thêm một lời hứa,
Lại một lần khả nghi.

Nhận thêm một thiệp cưới,
Thấy mình lẻ loi hơn.
Thêm một đêm trăng tròn,
Lại thấy mình đang khuyết.

Dĩ nhiên là tôi biết,
Thêm một lắm điều hay.
Trần Hòa Bình

29 thg 8, 2010

Đám đông và nhà khoa học


Nhân việc đón rước long trọng GS Ngô Bảo Châu, có lẽ cũng nên suy ngẫm về đôi điều cùng tác giả Lê Đình Phương:
Tôn vinh tri thức, khoa học là việc tốt đẹp muôn đời, tốt hơn xuýt xoa với những giá trị ảo, những bằng cấp học vị nhan nhản được mua bằng tiền. Nhưng Toán học nào có thể thăng hoa trong vòng vây của một đám đông đang vỗ tay ồn ào kia được?
1. Sáng tạo thì luôn đòi hỏi sự cô đơn và tránh xa mọi tạp niệm của đời sống. Giữ lòng thanh tĩnh trong hân hoan là điều kiện phải có cho mọi sáng tạo tinh thần. Nhà khoa học phải đạt đến trạng thái này để bùng nổ hay kết tinh lại năng lực trí tuệ ngoại hạng của mình.
Trạng thái solitude đó (tạm dịch: hoan tịnh) đòi hỏi rất nhiều điều kiện, từ mức độ cá nhân cho đến xã hội, mới có thể đưa đến một sự tĩnh tại, solitude tuyệt đối, nền tảng cho mọi sự thăng hoa và bùng nổ của trí tuệ.
Hiểu theo nghĩa đó, các trường đại học danh tiếng Âu Mỹ, cùng với vị trí địa lý nơi nó tọa lạc, quả là môi trường tuyệt hảo cho mọi sáng tạo. Nơi đó, thư viện là thánh đường, thời khắc nghiên cứu thì đầy ắp niềm vui trí tuệ, lề thói xã hội thì trật tự thong dong... Rất ít bụi trần ai chen được vào sân trường đại học của họ.Cái môi trường giáo dục và xã hội tuyệt đối cần thiết cho thái độ solitude,nền tảng của sáng tạo ấy, chúng ta chưa có được!
2. Trong những ngày này, rất nhiều người Việt Nam như phát sốt lên vì giải thưởng toán học Fields. Cũng như họ, tôi hoàn toàn mù tịt về Bổ đề cơ bản cho chương trình Langlands mà Ngô Bảo Châu đã chứng minh. Lại càng không thể hình dung được thành tựu toán học này sẽ tăng được bao nhiêu phần trăm trong GDP cả nước (?). Chắc là không, nhưng chúng ta vẫn hoan hỉ, tin tức vẫn tràn ngập trên báo chí theo cách người ta ăn mừng một bàn thắng bóng đá (vốn chỉ là một trò chơi), hay một cuộc đăng quang của một cô hoa hậu chân dài nào đó.
Chúng ta ăn mừng một giải thưởng toán học cao cấp, vốn là lĩnh vực am hiểu của một thiểu số rất nhỏ. Chúng ta đòi xuống đường vì Ngô Bảo Châu đã thắng trong một cuộc tranh tài mà 99% người Việt Nam không hề hiểu lấy một phân. Chúng ta vui mừng với tâm thế thèm khát sự vượt trội, với ám ảnh bệnh thành tích từ thuở sưu tập phiếu bé ngoan mỗi tuần. Tôi chắc chúng ta sẽ không hoan hỉ đến thế, nếu không có giải thưởng kia. Chúng ta cần một sự hơn thua, để tự tin xác tín Ngô Bảo Châu là người lỗi lạc. Phải chăng, chúng ta đang mừng chiến thắng với một tâm lý đầy mặc cảm, thua chị kém em đã bị dồn nén quá lâu?
3. Có lẽ, với tâm thế mặc cảm mang lớp áo dân tộc tính đó, báo chí, dân chúng, quan chức... đã quên sự mực thước trong việc tôn vinh nhà khoa học trẻ kia. Sung sướng vì Ngô Bảo Châu là người Việt đã hẳn, nhưng không thể nhận vơ để "lên mặt" về những hoa trái tri thức mà bạn ấy gặt hái được từ nước ngoài. Chúng ta nghiễm nhiên coi thành quả này là của nền giáo dục Việt Nam , vốn có sinh mà không dưỡng. Và từ đó, phóng chiếu rất nhiều can dự, cãi vã vào lộ trình khoa học của nhà toán học trẻ tuổi: chức vụ, huân chương, tặng nhà, bỏ bạc tỉ xây Viện Toán cao cấp... Thậm chí lôi cả đời tư lên mặt báo: nhà toán học "si tình" thì đã sao?
4. Tôn vinh tri thức, khoa học là việc tốt đẹp muôn đời, tốt hơn xuýt xoa với những giá trị ảo, những bằng cấp học vị nhan nhản được mua bằng tiền. Bạn giáo sư kia ắt sẽ rất hạnh phúc trong những ngày này. Công cha nghĩa mẹ ơn thầy chỉ trong một ngày, coi như đã báo đáp xong.
Nhưng phải cảnh giác với cái giá của sự nổi tiếng (theo kiểu Việt Nam ), đang bị khoanh vùng và mang màu sắc quốc gia thiển cận. Cái giá đó sẽ rất đắt, nếu những lời tung hô rộn ràng kia đánh mất thái độ trung dung và tâm thế an nhiên của nhà khoa học. Toán học nào có thể thăng hoa trong vòng vây của một đám đông đang vỗ tay ồn ào kia được?
Chúng ta cũng vậy, đừng để những tình cảm háo thắng náo nhiệt xâm thực vào không gian sáng tạo rất yên tĩnh kia. Vui dăm bữa rồi thôi, hãy để khối óc lỗi lạc kia quay trở lại thánh đường toán học của mình, trong niềm hoan tịnh. Đừng cột vào con người ấy những tước hiệu, gánh nặng vô bổ và cồng kềnh, thừa thãi cho niềm vui toán học, vốn dĩ không dành cho số đông.
Đó là cách tốt đẹp nhất mà chúng ta biểu lộ niềm tự hào của một dân tộc vừa thông minh xuất chúng, vừa... thanh lịch.

   (Theo Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần)

14 thg 8, 2010

Hoa lúa

Cánh mỏng manh. Màu sữa nhạt. Hương đồng vương. Khắp cả đất trời... 


Chọn Quốc hoa còn là chọn về một nét văn hóa hoa tiêu biểu. Bởi cái ý nghĩa văn hóa mà loài hoa đó mang lại chính là những giá trị phi vật thể trường tồn và gắn bó chặt chẽ trong đời sống của một dân tộc như dân tộc Việt Nam ta.
Hoa lúa được xem là một ứng cử viên rất đặc biệt trong cuộc bình chọn này.
Hoa lúa trắng muốt, sáng rực các cánh đồng Việt Nam , nó thanh cao, nhã nhặn, nhún nhường, khiêm tốn vươn lên từ bùn đất và cả nương đồi khô hạn.
Hoa lúa ung dung tươi tắn đầy đủ vẻ đẹp ở mọi môi trường, ứng chịu được khí hậu khắc nghiệt mọi vùng, miền của Tổ quốc.
Hoa lúa là hoa "có tiền có hậu". Ban đầu tinh khôi trắng trong, e ấp kín đáo dịu dàng như thiếu nữ. Rồi trưởng thành toát bông đồng loạt, từ ra hạt sữa tới hạt chắc có cùi có lõi ngọt bùi để nuôi sống con người.
Hoa lúa đẹp trong thơ ca nhưng cũng đẹp trong hiện thực. Bạn đã bao giờ được đằm mình trong hương lúa chưa? Nhất là đi trong hương lúa, câu "hương đồng gió nội" không hẳn chỉ nói về cái sự "trở về" mà nói đúng cái bản chất mộc mạc với hương thơm rất riêng mà không có loài hoa nào có được của hoa lúa.
Một chiều gió nồm Nam bạn đi trong bạt ngàn hương lúa, lòng người bỗng thấy nhẹ nhàng, bỗng thấy khoan khoái. Và cái màu xanh ngút ngắt ấy thân thương biết nhường nào.
Hương lúa không thể lẫn với hương một loài hoa nào khác. Hương lúa như là sự trải mình tất cả chứ không chỉ của riêng hoa. Một mùi hương như của cả thân cả lá, như một sự hết mình, sự hòa điệu với đất trời và với nhân sinh.
Người Việt làm ruộng trồng lúa. Người Việt gắn với nghề nông, đi từ nông mà lên. Ngàn năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời. Cây lúa gắn bó với người đời đời kiếp kiếp. Cây lúa vui với cái vui của cuộc đời, buồn với nỗi buồn của thế sự khi phải "nhổ lúa trồng đay" trong cuộc khai hóa văn minh của phương Tây.
Hoa lúa gắn với nét đẹp của người con gái nông thôn, thùy mị dịu dàng. Cái đẹp đó từ môi trường tạo nên, đằm thắm như hương cau, hương bưởi, hương lúa quê hương. Và cũng thật dễ hiểu, hầu như các thi sỹ viết về hoa lúa lại nghĩ đến vẻ đẹp của các cô gái nông thôn.
Thân em như chẽn lúa đòng đòng
Phất phơ dưới ngọn nắng hồng ban mai.
Gần 100 quốc gia trên thế giới đã công bố Quốc hoa, coi đó là biểu tượng văn hóa của dân tộc mình như: Canada (lá phong), Lào (hoa chămpa), Nhật Bản (hoa anh đào), Hà Lan (hoa tuylíp), Thái (hoa phong lan) ...
Người Nhật tự hào về Quốc hoa của nước họ và muốn níu giữ bước chân người sau những lễ hội hoa anh đào tưng bừng ấy:   
                            “Có những kẻ đến đây
                              Ngợi ca đào nở rộ
                              Chân tình nhất những ai
                              Đến sau mùa hoa nở” (dân ca Nhật)
Người Việt Nam cũng muốn hát khúc dân ca Người ở đừng về từ Làng lúa làng hoa của mình.
                                                     (Tham khảo từ Việt Nam net)


25 thg 7, 2010

Có một câu ca dao...


Ca dao là tiếng nói tình cảm, là lời thổ lộ tâm tình của mỗi cá nhân. Đôi khi tâm tình của người thổ lộ đồng điệu với người được nghe thổ lộ. Nhưng cũng có khi sự lệch pha hoặc trái ngược cảm xúc dẫn đến sự cảm nhận không giống nhau. Điều đó chắc cũng không có gì lạ.
Câu ca dao : Gái thương chồng đương đông buổi chợ
                     Trai thương vợ nắng quái chiều hôm.
Có thể được hiểu là: Người vợ  ngay cả lúc công việc vất vả, bận rộn vẫn luôn nhớ thương đến người chồng. Với người vợ này, người chồng luôn hiện hữu trong mỗi việc làm, trong mọi thời gian  không gian sống của họ.Ở họ chắc chắn là Chồng ta áo rách ta thương/chồng người áo gấm xông hương mặc người ! Tình thương của họ thật nồng nàn, xum tụ như sự đầy đủ, tấp nập của buổi chợ đông. Đó là một tình cảm giản dị mà sâu sắc đáng trân trọng biết bao!
Cũng trong câu ao dao ấy, người chồng thật vô tư đến hờ hững.Tình thương của người chồng chỉ như nắng quái chiều hôm-vừa nhạt nhòa vừa hời hợt. Hoặc là lúc nắng quái chiều hôm mới giật mình nhớ ra là mình có vợ để mà thương!
Có người lại hiểu là: Người vợ  ngay cả trong cuộc mưu sinh vất vả, buôn bán ngược ngược xuôi vẫn nghĩ đến chồng. Còn người chồng cũng thương vợ không kém, ngay cả lúc nắng quái chiều hôm vẫn còn vất vả lao động cùng vợ vun đắp cuộc sống.
  Không biết còn ai có cách hiểu nào khác không nhỉ?

18 thg 6, 2010

Bonsai một nghệ thuật sống.


Không phải đến tận bây giờ nó mới biết điều này.Nó đã biết thú vui tao nhã này từ lâu. Chả vậy mà nó thường tìm đến Cafe vườn mỗi khi muốn thư giãn.
Ở đó không gian thoáng đãng, không quá vắng để rơi vào cô tịch, không quá đông để bị cái cảm giác ồn ào, xô bồ làm mất đi cảm hứng thoát ly những gì quen thuộc của cuộc sống thường nhật.
Và tất nhiên, ở đó phải là nơi hội tụ của cây cảnh với nhiều dáng vẻ khác nhau mới níu kéo bước chân và sự đam mê của nó.
Nó thích ngắm những thế bonsai công phu.
Nó đi tìm để hiểu nghệ thuật không lời này:
"Ở bonsai, sự thưởng lãm thường nằm ở vẻ đẹp của toàn cây và sự hòa điệu của cây với chậu cành.Bonsai được coi là nghệ thuật sống vì nó đang liên quan đến thực vật còn đang sống. Nó là một hình thức nghệ thuật cũng như nghệ thuật hội họa và nghệ thuật điêu khắc. Người nghệ sĩ đem vẻ đẹp của thắng cảnh lên khung vải, phương tiện của họ là màu sắc và sự khéo léo tinh xảo của bàn tay. Người nghệ sĩ bonsai cũng vậy, họ tái tạo thiên nhiên bằng cách thu nhỏ lại nhưng chất liệu là cây thật, và cũng dùng bàn tay khéo léo cộng với sự tưởng tượng phong phú. Kết quả là cả hai đều có tác phẩm từ sự sáng tạo mà ra.
Nhưng tác phẩm của họa sĩ dừng lại tại đó.Tác phẩm của nghệ sĩ bonsai vẫn chưa bao giờ hoàn tất, vì nó là tác phẩm sống và vẫn sinh trưởng.Vì thế tác phẩm bonsai còn phải qua bao nhiêu thăng trầm, thử thách, có thể tốt đẹp hơn hay xấu hơn, về lâu về dài, miễn là nó còn sống.Tác phẩm bonsai cũng vô giá vì nó là một trong các bộ môn ưa thích của các nhà sưu tập."
                                                                                                                (Theo caycanhvietnam.com)
Chính từ cái nhìn mở: Tác phẩm của nghệ sĩ bonsai vẫn chưa bao giờ hoàn tất vì nó là tác phẩm sống và vẫn sinh trưởng, nên nó lạm nghĩ: Nó cũng có thể trở thành một nghệ sĩ bonsai!
Thế là nó tấp tểnh bước vào sân chơi này.
Đầu tiên nó nghĩ đến một không gian có thể chứa chất ý tưởng rất xa vời của nó. Xong rồi nó lại tự an ủi, cái vuông sân nhà nó nào có phải chốn mà khách mời của VTV đên đâu! Nó sắm cây cảnh theo ý tưởng  chỉ để nó được tự do thưởng lãm. Lòng đầy tự tin,nó bắt tay vào cuộc. Nó tự trách lâu nay để những chậu cây kiểng phát triển một cách rất tự do, thậm chí cây nào nhiều rễ chính, rễ phụ lửng lơ hay vươn khỏi chậu, có nguy cơ lấn sân, nó chặt nó cắt cho gọn...Giờ nó mới thấy tiếc! Nó nâng niu từng sợi rễ mỏng như sợi tóc vừa mới buông lơi chút xíu. Nó chăm chút từng chồi non mới nhú, dõi theo dáng từng thân cây để uốn lượn, cắt tỉa như một tay sành điệu vẫn làm...Ôi đúng là "nghề chơi cũng lắm công phu"!
(Phần sau là: phối đá và tạo dáng cho cây)

6 thg 6, 2010

CHIẾC LÁ ĐẦU TIÊN

HOÀNG NHUẬN CẦM
Em thấy không, tất cả đã xa rồi
Trong tiếng thở của thời gian rất khẽ
Tuổi thơ kia ra đi cao ngạo thế
Hoa súng tím vào trong mắt lắm mê say
 Chùm phượng hồng yêu dấu ấy rời tay
Tiếng ve trong veo xé đôi hồ nước
Con ve tiên tri vô tâm báo trước
Có lẽ một người cũng bắt đầu yêu
 Muốn nói bao nhiêu, muốn khóc bao nhiêu
Lời hát đầu xin hát về trường cũ
Một lớp học bâng khuâng màu xanh rủ
Sân trường đêm - rụng xuống trái bàng đêm
 Nỗi nhớ đầu anh nhớ về em
Nỗi nhớ trong tim em nhớ về với mẹ
Ôi nỗi nhớ có bao giờ nhớ thế
Bạn có nhớ trường, nhớ lớp, nhớ tên tôi
 "Có một nàng Bạch Tuyết, các bạn ơi,
Với lại bảy chú lùn rất quấy"
"Mười chú chứ, nhìn xem trong lớp ấy"
(Ôi những trận cười trong sáng đó lao xao)
 Những chuyện năm nao những chuyện năm nào
Cứ xúc động, cứ xôn xao biết mấy
Mùa hoa mơ rồi đến mùa phượng cháy
Trên trán thầy tóc chớ bạc thêm
 Thôi hết thời bím tóc trắng ngủ quên
Hết thời cầm dao khắc lăng nhăng lên bàn ghế cũ
Quả đã ngọt trên mấy cành đu đủ
Hoa đã vàng, hoa mướp của ta ơi
 Em đã yêu anh, anh đã xa rời
Cây bàng hẹn hò chìa tay vẫy mãi
Anh nhớ quá! Mà chỉ lo ngoảnh lại
Không thấy trên sân trường - chiếc lá buổi đầu tiên.
   

16 thg 5, 2010

Hiểu đời - Tâm sự tuổi già


Tháng ngày hối hả, đời người ngắn ngủi, thoáng chốc đã già. Chẳng dám nói hiểu hết mọi lẽ nhân sinh, nhưng chỉ có hiểu cuộc đời thì mới sống thanh thản, sống thoải mái.
           Qua một ngày, mất một ngày. Qua một ngày, vui một ngày. Vui một ngày lợi một ngày...
           Hạnh phúc do mình tạo ra. Vui sướng là mục tiêu cuối cùng của đời người, niềm vui ẩn chứa trong những sự việc vụn vặt nhất trong đời sống,mình phải tự tìm lấy. Hạnh phúc và vui sướng là cảm giác và cảm nhận, điều quan trọng là ở tâm trạng.
           Tiền không phải là tất cả nhưng không phải không là gì. Đừng có coi trọng đồng tiền, càng không nên quá so đo, nếu hiểu ra thì sẽ thấy nó là thứ ngoại thân, khi ra đời chẳng ai mang nó đến, khi chết chẳng ai mang nó theo. Nếu có người cần bạn giúp, rộng lòng mở hầu bao, đó là một niềm vui lớn. Nếu dùng tiền mua được sức khoẻ và niềm vui thì tại sao không bỏ tiền ra mà mua? Nếu dùng tiền mà mua được sự an nhàn tự tại thì đáng lắm chứ! Người khôn biết kiếm tiền, biết tiêu tiền. Làm chủ đồng tiền, đừng làm tôi tớ cho nó.
           "Quãng đời còn lại càng ngắn ngủi thì càng phải làm cho nó phong phú". Người già phải thay đổi cũ kỹ đi, hãy chia tay với "ông sư khổ hạnh" hãy làm "con chim bay lượn". Cần ăn thì ăn, cần mặc thì mặc, cần chơi thì chơi, luôn luôn nâng cao chất lượng cuộc sống, hưởng thụ những thành quả công nghệ cao, đó mới là ý nghĩa sống của TUỔI GIÀ.
          Tiền bạc rồi sẽ là của con, địa vị là tạm thời, vẻ vang là quá khứ, sức khoẻ là của mình.
          Cha mẹ yêu con là vô hạn; con yêu cha mẹ là có hạn. Con ốm cha mẹ buồn lo; cha mẹ ốm con nhòm một cái, hỏi vài câu là thấy đủ rồi. Con tiêu tiền của cha mẹ thoải mái; cha mẹ tiêu tiền của con chẳng dễ chút nào. Nhà cha mẹ là nhà của con; nhà của con không phải là nhà cha mẹ.
          Khác nhau là thế, người hiểu đời coi việc lo liệu cho con là nghĩa vụ, là niềm vui, không mong báo đáp.Chờ báo đáp là tự làm khổ mình.
          Ốm đau trông cậy vào ai ? Trông cậy con ư ? Nếu ốm dai dẳng có đứa con có hiếu nào ở bên giường đâu "cứu bệnh sàng tiền vô hiếu tử". Trông vào bạn đời ư ? Người ta cũng yếu, có khi lo cho bản thân còn chưa xong, có muốn đỡ đần cũng không làm nổi. Trông cậy vào đồng tiền ư ? chỉ còn cách đấy.
         Cái được người ta chẳng hay để ý; cái không được thì nghĩ nó to lắm, nó đẹp lắm. Thực ra sự sung sướng và hạnh phúc trong đời tuỳ thuộc vào sự thưởng thức nó ra sao. Người ta hiểu đời rất quý trọng và biết thưởng thức những gì cho mình đã có, và không ngừng phát hiện thêm ý nghĩa của nó, làm cho cuộc sống vui hơn, giàu ý nghĩa hơn.
         Cần có tấm lòng rộng mở, yêu cuộc sống và thưởng thức cuộc sống, trông lên chẳng bằng ai, trông xuống chẳng ai bằng mình "Tỷ thượng bất túc, tỷ hạ hữu dư", biết đủ thì lúc nào cũng vui "tri túc thường lạc".
        Tập cho mình nhiều đam mê, vui với chúng không biết mệt mỏi, tự tìm niềm vui. Tốt bụng với mọi người, vui vì làm việc thiện, lấy việc giúp người làm niềm vui. 
         Con người ta vốn chẳng phân biệt giàu nghèo sang hèn, tận tâm vì công việc là coi như cống hiến, có thể yên lòng, không hổ thẹn với lương tâm là được. Huống hồ người ta cũng nghĩ cả rồi, ai cũng thế cả, cuối cùng là trở về với tự nhiên. Thực ra nghề cao chẳng bằng tuổi thọ cao, tuổi thọ cao chẳng bằng niềm vui thanh cao. 
          Quá nửa đời dành khá nhiều cho sự nghiệp, cho gia đình, cho con cái, bây giờ thời gian còn lại chẳng bao nhiêu nên dành cho mình, quan tâm bản thân, sống thế nào cho vui thì sống, việc gì muốn làm thì làm, ai nói sao mặc kệ vì mình đâu phải sống để người khác thích hay không thích, nên sống thật với mình.
         Sống trên đời không thể vạn sự như ý, có khiếm khuyết là lẽ thường tình ở đời, nếu cứ chăm chăm cầu toàn thì sẽ bị cái cầu toàn làm khổ sở. Chẳng thà thản nhiên đối mặt với hiện thực, thế nào cũng xong.
        Tuổi già tâm không già, thế là già mà không già; tuổi không già tâm già, thế là không già lại thành già. Nhưng xử lý một vấn đề thì nên nghe già.
         Sống phải năng hoạt động nhưng đừng quá mức, ăn uống quá thanh đạm thì không đủ chất bổ, quá nhiều thịt cá thì không hấp thụ được. Quá nhàn rỗi thì buồn tẻ, quá ồn ào thì khó chịu... mọi thứ đều nên "VỪA PHẢI".
         Người ngu gây bệnh (hút thuốc, say rượu, tham ăn, tham uống...). Người dốt chờ bệnh (ốm đau mới đi khám chữa bệnh...) . Người khôn phòng bệnh, chăm sóc bản thân, chăm sóc cuộc sống. Khát mới uống, đói mới ăn, mệt mới nghỉ, thèm ngủ mới ngủ, ốm mới chữa bệnh....ĐỀU LÀ MUỘN.
          Chất lượng sống người già cao hay thấp chủ yếu tuỳ thuộc vào cách tư duy:Tư duy hướng lợi là bất cứ việc gì đều xét theo yếu tố có lợi, dùng tư duy hướng lợi để thiết kế cuộc sống tuổi già sẽ làm cho tuổi già đầy sức sống và tự tin, cuộc sống có hương, có vị.Tư duy hướng hại là tư duy tiêu cực,sống qua ngày với tâm lý bi quan,sống như vậy sẽ chóng già chóng chết.
        "Chơi "là một trong những nhu cầu cơ bản của tuổi già, hãy dùng trái tim con trẻ để tìm cho mình một trò chơi yêu thích nhất, trong khi chơi hãy thử nghiệm niềm vui chiến thắng, thua không cay, chơi là đùa. Về tâm lý và sinh lý, người già cũng cần kích thích và hưng phấn để tạo ra một tuần hoàn lành mạnh.
           "Hoàn toàn khoẻ mạnh" đó là nói thân thể khoẻ mạnh, tâm lý khoẻ mạnh và đạo đức khoẻ mạnh.Tâm lý khoẻ mạnh là biết chịu đựng, biết tự chủ, biết giao tiếp; Đạo đức khoẻ mạnh là có tình yêu thương, sẵn lòng giúp người, có lòng khoan dung, người chăm làm điều thiện sẽ sống lâu...
           Con người là con người xã hội, không thể sống biệt lập, bưng tai bịt mắt, nên chủ động tham gia hoạt động công ích, hoàn thiện bản thân trong xã hội, thể hiện giá trị của mình đó là cách sống lành mạnh.
          Cuộc sống tuổi già nên đa tầng, đa nguyên, nhiều màu sắc. Có một hai bạn tốt thì chưa đủ, nên có cả một nhóm bạn già, tình đẹp làm thêm cuộc sống tuổi già, làm cho cuộc sống của bạn nhiều hương vị, nhiều màu sắc.
Con người ta chịu đựng, hoà giải và xua tan nỗi đau đều chỉ có thể dựa vào chính mình. Thời gian là vị thầy thuốc giỏi nhất, quan trọng là khi đau buồn bạn chọn cách sống như thế nào.
         Tại sao khi về già người ta hay hoài cửu "hay nhớ lại chuyện xưa?" Đến những năm cuối đời, người ta đã đi đến cuối con đường sự nghiệp, vinh quang xưa kia đã trở thành mây khói xa vời, đã đứng ở sân ga cuối. Tâm linh cần trong phòng, tinh thần cần thăng hoa, người ta muốn tìm lại những tình cảm chân thành. Về lại chốn xưa, gặp lại người thân, cùng nhắc lại những ước mơ thủa nhỏ, cùng bạn sống. Quý trọng và được đắm mình trong những tình cảm chân thành là một niềm vui lớn của tuổi già.
          Nếu bạn đã cố hết sức, mà vẫn không thay đổi tình trạng không hài lòng thì mặc kệ nó. Đó cũng là một sự giải thoát. Chẳng việc gì cố mà được, quả ngắt vội không bao giờ ngọt.
"SINH - LÃO - BỆNH - TỬ" là quy luật ở đời, không chống lại được. Khi thần chết gọi thì thanh thản mà đi. Cốt sao sống ngay thẳng không hổ thẹn với lương tâm và cuối cùng đặt cho mình dấu chấm hết thật TRÒN.
                                                    Chu Dung Cơ (Cựu Thủ tướng Trung quốc

25 thg 4, 2010

Lễ cầu siêu cho anh linh liệt sĩ.

Đêm nay Hội Phật giáo tỉnh tổ chức lễ cầu siêu cho những anh hùng liệt sĩ hi sinh vì Tổ quốc tại nghĩa trang thành phố. 
Tuy không phải là phật tử,nhưng sự tri ân đối với những người con vì Tổ quốc mà dâng hiến cả cuộc đời, không ít người đã tới nghĩa trang ,tưởng niệm.
Những bài kinh cầu nguyện ,có lẽ chưa khi nào ý nghĩa hơn lần này. Họ thành tâm khấn cầu cho anh linh các liệt sĩ siêu thoát. Các anh đã hóa thân vào núi sông, vào mây trời xanh cao vời vợi...Trên mái tranh nghèo quê mẹ "có bóng anh về ôm ấp rặng dừa xanh"!
Nghĩa trang đêm nay rực rỡ nến, hoa và khói hương nghi ngút.
Các anh có về không, hỡi những chàng trai mãi mãi tuổi hai mươi? Cả bầu trời đầy trăng sao, cả dòng sông lấp lánh đuốc đèn... soi đường cho các anh! Sao Anh không về nữa! 
Xin một lần nữa dâng nén nhang biết ơn vô hạn lên các anh ,những người con vô cùng yêu quý của Đất mẹ Việt Nam!

17 thg 4, 2010

"Hãy nói yêu thôi, đừng nói yêu mãi mãi!”

Ngoài sự “thiết tha tự nguyện” ra, chẳng có gì ràng buộc được trái tim con người, nên đừng tin chắc rằng ai đó sẽ mãi không đổi thay. Cũng không thể buộc ai đó không được đổi thay. Trên đời không có thứ vũ khí hay quyền lực tuyệt đối nào có thể níu giữ trái tim một khi nó đã quyết tâm rẽ lối. Cho dù đó là nhan sắc, một tình yêu sâu đậm, những kỷ niệm sâu sắc đắm say. Càng không phải là sự yếu đuối, sự khéo léo sắc sảo hay vẻ thông minh dịu dàng, sự giàu có hay thương hại…Những thứ đó có thể níu kéo một thân xác, một trí óc…nhưng không thể níu kéo một trái tim. 

Trái tim vốn là một tạo vật mong manh và thiếu kiên định. Vì vậy, hãy tin vào điều thiện, lòng tốt, vào nhân cách và năng lực…nhưng đừng tin vào sự bất biến của nhận thức và tình cảm nơi con người. Hãy tin là mình được yêu trong khoảnh khắc này, nhưng đừng chắc rằng mình sẽ được yêu mãi mãi. Nếu chịu chừa chỗ cho sự đổi thay, ta sẽ tránh được không ít tổn thương sâu sắc. 

Tôi không cho niềm tin là món quà vô giá mà ta dành cho người khác. Bởi đôi khi, sự tin tưởng hoá ra là một việc rất… đơn phương và vô trách nhiệm. Nó có nghĩa bắt người kia vào rọ, không tính đến khả năng thay đổi của trái tim con người. Tin tưởng là trút gánh nặng sang vai người khác, bất kể người ta có chịu nhận nó hay không. Việc nhận định hay quyết định vấn đề không còn dựa vào sự thận trọng, tỉnh táo, sáng suốt hay sự nhạy cảm, bao dung của ta mà hoàn toàn giao phó cho người khác. Và nếu khi họ thay đổi, ta thường nhân danh sự tin tưởng tuyệt đối mà mình đã tự nguyện gửi gắm để cho phép mình cái quyền được ghép tội họ. 

Nhưng, bất cứ ai cũng có thể có lúc đổi thay.

Sự thay đổi của người khác, nhất là ở người ta vô cùng yêu quý, chắc chắn khiến ta tổn thương. Nhưng hãy nhớ rằng người quân tử khi đã hết tình cảm thì thường tỏ ra lạnh nhạt. Như ẩn sĩ Urabe Kenkô trong tập Đồ Nhiên Thảo đã viết: “Khi người sáng chiều hết sức thân quen, không có gì ngăn cách bỗng một hôm lại làm mặt lạ và có cử chỉ khác thường, chắc hẳn sẽ có kẻ bảo: “Sao xưa thế kia mà bây giờ lại thế khác?” Theo ta, thái độ lạnh lùng đó chứng tỏ người ấy hết sức đàng hoàng và thành thật.” 

Cuối cùng đó mới chính là cốt lõi của tình yêu, tình bạn và những mối quan hệ thân sơ khác. Sự thành thật, chứ không phải là lời hứa vĩnh viễn thủy chung. Bạn có thể yêu hay ghét. Thích hay không còn thích nữa. Chỉ cần thành thật, bạn sẽ luôn luôn thanh thản.
Hãy nói yêu thôi, đừng nói yêu mãi mãi!
                                           (Theo hoathuytinh.com) 

31 thg 3, 2010

Trăng khuyết

 Hôm nay nó quyết định lắp ghép một mảnh trăng sần sùi và góc cạnh với những mong sẽ có một vầng trăng tròn hoàn hảo!
Lẽ ra nó sẽ có một cuộc đời tươi đẹp. Bởi nó là một thằng con trai được ở vào vị trí quan trọng trong gia đình và dòng họ nhà nó. Ai cũng thừa nhận rằng nó có một sức khỏe rất tốt, một năng khiếu rất đáng nâng niu và phát triển.
Nó nghĩ gì?
Cha mẹ ư? Không cần !
Cô, chú, bác hả? Nghĩa lý gì!
Dì, cậu...là ai? Việc gì phải quan tâm!
Nó đâu biết phía sau tiệc vui mà nó tự thiết kế chưa tàn, nỗi buồn thăm thẳm đang chờ nó, nhức nhối những người sinh ra nó, cả những người sinh ra cha mẹ nó, anh chị em của cha mẹ nó...
Tại sao nó không chịu hiểu rằng cái gì đi ngược qui luật thì tất sẽ quăn queo, vỡ vụn?
Tại sao nó không nghĩ rằng kinh nghiệm của đời cũng là kinh nghiệm của nó, khi nó chưa kịp tích lũy?
Tại sao nó cứ cố cãi lại cái triết lý đơn giản: Trứng khôn hơn vịt bằng cái lý sự rất cùn rằng : vịt đẻ ra trứng?
Sao nó không hiểu  nước mắt chảy xuôi mà để cho dòng chảy không xuôi chiều đánh lừa con mắt nhìn của nó?
Nó không biết rằng : Có lớn mà chưa có khôn thì làm sao có thể là một thằng đàn ông đem bờ vai non nớt gánh vác sức nặng quá khả năng?
Trăng khuyết cứ đòi tròn khi chưa đến rằm thì mãi mãi vẫn chỉ là trăng khuyết- nó có biết không vành trăng khuyết?!
Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang