29 thg 8, 2010

Đám đông và nhà khoa học


Nhân việc đón rước long trọng GS Ngô Bảo Châu, có lẽ cũng nên suy ngẫm về đôi điều cùng tác giả Lê Đình Phương:
Tôn vinh tri thức, khoa học là việc tốt đẹp muôn đời, tốt hơn xuýt xoa với những giá trị ảo, những bằng cấp học vị nhan nhản được mua bằng tiền. Nhưng Toán học nào có thể thăng hoa trong vòng vây của một đám đông đang vỗ tay ồn ào kia được?
1. Sáng tạo thì luôn đòi hỏi sự cô đơn và tránh xa mọi tạp niệm của đời sống. Giữ lòng thanh tĩnh trong hân hoan là điều kiện phải có cho mọi sáng tạo tinh thần. Nhà khoa học phải đạt đến trạng thái này để bùng nổ hay kết tinh lại năng lực trí tuệ ngoại hạng của mình.
Trạng thái solitude đó (tạm dịch: hoan tịnh) đòi hỏi rất nhiều điều kiện, từ mức độ cá nhân cho đến xã hội, mới có thể đưa đến một sự tĩnh tại, solitude tuyệt đối, nền tảng cho mọi sự thăng hoa và bùng nổ của trí tuệ.
Hiểu theo nghĩa đó, các trường đại học danh tiếng Âu Mỹ, cùng với vị trí địa lý nơi nó tọa lạc, quả là môi trường tuyệt hảo cho mọi sáng tạo. Nơi đó, thư viện là thánh đường, thời khắc nghiên cứu thì đầy ắp niềm vui trí tuệ, lề thói xã hội thì trật tự thong dong... Rất ít bụi trần ai chen được vào sân trường đại học của họ.Cái môi trường giáo dục và xã hội tuyệt đối cần thiết cho thái độ solitude,nền tảng của sáng tạo ấy, chúng ta chưa có được!
2. Trong những ngày này, rất nhiều người Việt Nam như phát sốt lên vì giải thưởng toán học Fields. Cũng như họ, tôi hoàn toàn mù tịt về Bổ đề cơ bản cho chương trình Langlands mà Ngô Bảo Châu đã chứng minh. Lại càng không thể hình dung được thành tựu toán học này sẽ tăng được bao nhiêu phần trăm trong GDP cả nước (?). Chắc là không, nhưng chúng ta vẫn hoan hỉ, tin tức vẫn tràn ngập trên báo chí theo cách người ta ăn mừng một bàn thắng bóng đá (vốn chỉ là một trò chơi), hay một cuộc đăng quang của một cô hoa hậu chân dài nào đó.
Chúng ta ăn mừng một giải thưởng toán học cao cấp, vốn là lĩnh vực am hiểu của một thiểu số rất nhỏ. Chúng ta đòi xuống đường vì Ngô Bảo Châu đã thắng trong một cuộc tranh tài mà 99% người Việt Nam không hề hiểu lấy một phân. Chúng ta vui mừng với tâm thế thèm khát sự vượt trội, với ám ảnh bệnh thành tích từ thuở sưu tập phiếu bé ngoan mỗi tuần. Tôi chắc chúng ta sẽ không hoan hỉ đến thế, nếu không có giải thưởng kia. Chúng ta cần một sự hơn thua, để tự tin xác tín Ngô Bảo Châu là người lỗi lạc. Phải chăng, chúng ta đang mừng chiến thắng với một tâm lý đầy mặc cảm, thua chị kém em đã bị dồn nén quá lâu?
3. Có lẽ, với tâm thế mặc cảm mang lớp áo dân tộc tính đó, báo chí, dân chúng, quan chức... đã quên sự mực thước trong việc tôn vinh nhà khoa học trẻ kia. Sung sướng vì Ngô Bảo Châu là người Việt đã hẳn, nhưng không thể nhận vơ để "lên mặt" về những hoa trái tri thức mà bạn ấy gặt hái được từ nước ngoài. Chúng ta nghiễm nhiên coi thành quả này là của nền giáo dục Việt Nam , vốn có sinh mà không dưỡng. Và từ đó, phóng chiếu rất nhiều can dự, cãi vã vào lộ trình khoa học của nhà toán học trẻ tuổi: chức vụ, huân chương, tặng nhà, bỏ bạc tỉ xây Viện Toán cao cấp... Thậm chí lôi cả đời tư lên mặt báo: nhà toán học "si tình" thì đã sao?
4. Tôn vinh tri thức, khoa học là việc tốt đẹp muôn đời, tốt hơn xuýt xoa với những giá trị ảo, những bằng cấp học vị nhan nhản được mua bằng tiền. Bạn giáo sư kia ắt sẽ rất hạnh phúc trong những ngày này. Công cha nghĩa mẹ ơn thầy chỉ trong một ngày, coi như đã báo đáp xong.
Nhưng phải cảnh giác với cái giá của sự nổi tiếng (theo kiểu Việt Nam ), đang bị khoanh vùng và mang màu sắc quốc gia thiển cận. Cái giá đó sẽ rất đắt, nếu những lời tung hô rộn ràng kia đánh mất thái độ trung dung và tâm thế an nhiên của nhà khoa học. Toán học nào có thể thăng hoa trong vòng vây của một đám đông đang vỗ tay ồn ào kia được?
Chúng ta cũng vậy, đừng để những tình cảm háo thắng náo nhiệt xâm thực vào không gian sáng tạo rất yên tĩnh kia. Vui dăm bữa rồi thôi, hãy để khối óc lỗi lạc kia quay trở lại thánh đường toán học của mình, trong niềm hoan tịnh. Đừng cột vào con người ấy những tước hiệu, gánh nặng vô bổ và cồng kềnh, thừa thãi cho niềm vui toán học, vốn dĩ không dành cho số đông.
Đó là cách tốt đẹp nhất mà chúng ta biểu lộ niềm tự hào của một dân tộc vừa thông minh xuất chúng, vừa... thanh lịch.

   (Theo Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần)

14 thg 8, 2010

Hoa lúa

Cánh mỏng manh. Màu sữa nhạt. Hương đồng vương. Khắp cả đất trời... 


Chọn Quốc hoa còn là chọn về một nét văn hóa hoa tiêu biểu. Bởi cái ý nghĩa văn hóa mà loài hoa đó mang lại chính là những giá trị phi vật thể trường tồn và gắn bó chặt chẽ trong đời sống của một dân tộc như dân tộc Việt Nam ta.
Hoa lúa được xem là một ứng cử viên rất đặc biệt trong cuộc bình chọn này.
Hoa lúa trắng muốt, sáng rực các cánh đồng Việt Nam , nó thanh cao, nhã nhặn, nhún nhường, khiêm tốn vươn lên từ bùn đất và cả nương đồi khô hạn.
Hoa lúa ung dung tươi tắn đầy đủ vẻ đẹp ở mọi môi trường, ứng chịu được khí hậu khắc nghiệt mọi vùng, miền của Tổ quốc.
Hoa lúa là hoa "có tiền có hậu". Ban đầu tinh khôi trắng trong, e ấp kín đáo dịu dàng như thiếu nữ. Rồi trưởng thành toát bông đồng loạt, từ ra hạt sữa tới hạt chắc có cùi có lõi ngọt bùi để nuôi sống con người.
Hoa lúa đẹp trong thơ ca nhưng cũng đẹp trong hiện thực. Bạn đã bao giờ được đằm mình trong hương lúa chưa? Nhất là đi trong hương lúa, câu "hương đồng gió nội" không hẳn chỉ nói về cái sự "trở về" mà nói đúng cái bản chất mộc mạc với hương thơm rất riêng mà không có loài hoa nào có được của hoa lúa.
Một chiều gió nồm Nam bạn đi trong bạt ngàn hương lúa, lòng người bỗng thấy nhẹ nhàng, bỗng thấy khoan khoái. Và cái màu xanh ngút ngắt ấy thân thương biết nhường nào.
Hương lúa không thể lẫn với hương một loài hoa nào khác. Hương lúa như là sự trải mình tất cả chứ không chỉ của riêng hoa. Một mùi hương như của cả thân cả lá, như một sự hết mình, sự hòa điệu với đất trời và với nhân sinh.
Người Việt làm ruộng trồng lúa. Người Việt gắn với nghề nông, đi từ nông mà lên. Ngàn năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời. Cây lúa gắn bó với người đời đời kiếp kiếp. Cây lúa vui với cái vui của cuộc đời, buồn với nỗi buồn của thế sự khi phải "nhổ lúa trồng đay" trong cuộc khai hóa văn minh của phương Tây.
Hoa lúa gắn với nét đẹp của người con gái nông thôn, thùy mị dịu dàng. Cái đẹp đó từ môi trường tạo nên, đằm thắm như hương cau, hương bưởi, hương lúa quê hương. Và cũng thật dễ hiểu, hầu như các thi sỹ viết về hoa lúa lại nghĩ đến vẻ đẹp của các cô gái nông thôn.
Thân em như chẽn lúa đòng đòng
Phất phơ dưới ngọn nắng hồng ban mai.
Gần 100 quốc gia trên thế giới đã công bố Quốc hoa, coi đó là biểu tượng văn hóa của dân tộc mình như: Canada (lá phong), Lào (hoa chămpa), Nhật Bản (hoa anh đào), Hà Lan (hoa tuylíp), Thái (hoa phong lan) ...
Người Nhật tự hào về Quốc hoa của nước họ và muốn níu giữ bước chân người sau những lễ hội hoa anh đào tưng bừng ấy:   
                            “Có những kẻ đến đây
                              Ngợi ca đào nở rộ
                              Chân tình nhất những ai
                              Đến sau mùa hoa nở” (dân ca Nhật)
Người Việt Nam cũng muốn hát khúc dân ca Người ở đừng về từ Làng lúa làng hoa của mình.
                                                     (Tham khảo từ Việt Nam net)


Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang