30 thg 11, 2010

Thật là điếc con ráy!

"Em hãy nói lời xin lỗi  đi!"- nhạc sĩ Tuấn Khanh - thành viên hội đồng nghệ thuật cuộc thi Sao mai điểm hẹnyêu cầu ba thí sinh Đinh Mạnh Ninh,Yến Ngọc, Minh Chuyên trước khi nghe công bố danh sách của hội đồng nghệ thuật chọn đi tiếp vào vòng trong.
Minh Chuyên trả lời lần đầu chưa thể hiện sự "thành khẩn", bị vị này nhắc: em phải xin lỗi khán giả một cách rõ ràng!
Minh Chuyên khúm núm một cách tội nghiệp "Nếu phải xin lỗi một ngàn lần, hai ngàn lần khán giả để được có cơ hội đi tiếp vào vòng trong thì Minh Chuyên sẵn sàng xin lỗi"
. Có phải vì thế mà hội đồng mủi lòng chăng?!
Thí sinh Đinh mạnh Ninh, trước đó khẳng định : "Đến với cuộc thi lần này đoạt giải hay không, không phải là cái đích mà chính là để giao lưu học hỏi".Giờ nghe hội đồng nghệ thuật mở đường, đã vào vai một học trò mắc lỗi, nói lời xin lỗi, xin lỗi thầy cô, xin lỗi cha mẹ, xin lỗi khán giả...mặc dù họ không biết Ninh mắc lỗi gì?
 Hay là lỗi hát chưa hay,diễn chưa chuyên nghiệp? Nếu đã chuyên nghiệp thì đâu cần đi thi để bị đánh giá như một thí sinh tập tành bước vào sân chơi nghệ thuật?
Còn Yến Ngọc, vừa mới được khen là một trong hai thí sinh (cùng Hồ Hoài Thu) có lợi thế về "thanh sắc", trang phục lịch lãm hợp vóc dáng...giờ cũng bị bắt "xin lỗi". Có lẽ Yến Ngọc đã chọn cách "xin lỗi" thông minh và tự trọng hơn cả: "Yến Ngọc muốn nhắn gửi đến khán giả một lời rằng các bạn hãy lựa chọn những người bạn thực sự yêu mến và thực sự có năng lực"
Không hiểu vì sao chỉ có một mình Yến Ngọc lại bị loại?
Những câu trả lời bị động của thí sinh thực sự không làm người nghe" điếc con ráy". Mà vì:
Họ bất ngờ nghe Tuấn Khanh - một thành viên ngồi ghế hội đồng nghệ thuật lại có thể tùy tiện đưa ra ý kiến cá nhân là bắt các thí sinh phải nói lời xin lỗi!
 Những tài năng trẻ đâu phải tội đồ? Hơn nữa suốt quá trình cuộc thi diễn ra, hầu như vị thành viên này chưa làm hết chức năng của mình là đánh giá khách quan, chính xác từng thí sinh để  giúp họ phát huy và khắc phục điểm mạnh, điểm yếu của mình. Với thí sinh nào vị này cũng vuốt ve, luẩn quẩn, lòng vòng, chê chẳng ra chê, khen chẳng ra khen để rồi thí sinh xuất hiện ở vòng có tính quyết định này thật chẳng giống ai (trường hợp Minh Chuyên!)
Nghe những nhận xét của Tuấn Khanh thấy "con ráy" bùng nhùng. Nhưng "điếc con ráy" là khi nghe thêm lời bình của một thành viên khác.
Ấy là Mỹ tâm.
Cô ca sĩ cũng được một số công chúng trẻ biết tên, xuất hiện trong vai một thành viên hội đồng nghệ thuật. Với trang phục chưa hẳn đã thẩm mĩ bằng một số thí sinh dự thi.Thành viên này lúc thì quay sang phải đập vai Hồ Hoài Anh, một nhạc sĩ trẻ rất thanh lịch để bổ sung những câu chẳng ăn nhập vào nhận xét  của Hoài Anh, lúc lại quay sang trái ngả nghiêng tìm sự diễu cợt chung mặc dù Tuấn Khanh chỉ lươn ươn cửa giữa! Còn khi thể hiện chính kiến của mình, bằng giọng ồm ồm thì...là băm, là bổ, là ngoài lề.."áo này ai thiết kế cho em, mái tóc này ai chải cho em, khuôn mặt này ai trang điểm cho em...(để làm gì? để chị biết địa chỉ chị tìm đến chăng?)
Cố nghe hội đồng nghệ thuật bình luận một vòng thi, tưởng trình độ thẩm mĩ được nâng lên nào ngờ điếc con ráy*!


*Cách nói của Nguyễn Nhật Ánh khi phải nghe điều điếc tai

11 thg 11, 2010

Bộ gõ.


 Đó không phải là một loại nhạc cụ để hòa âm, phối khí trong âm nhạc dân tộc. Cũng không phải là một dụng cụ mà mỗi khi người ta cầu kinh niệm Phật thỉnh thoảng lại điểm vào vài nhịp gọi là gõ! Càng không phải là một thứ đồ chơi như người ta tưởng tượng.
          Vậy đó là cái gì?
          Đơn giản nó chỉ là bộ phản bằng gỗ gõ!
          Nó đơn giản chỉ vì từ núi rừng đại ngàn nó đã về góp mặt trong muôn loài thân gỗ khác trong khuôn viên các đại gia dưới dạng những họa tiết trang trí nội thất vừa xa lạ vừa thân thiện, vừa cổ kính vừa hiện đại…Cái ấm áp sang trọng mà nó đem đến cho người ta cảm giác, thật khó có chất liệu nào so sánh!
 Y không phải đại gia, nhưng Y cũng thầm ao ước có bộ gõ ấy. Niềm ao ước thiết tha, nhưng mong manh và xa vời! Thế rồi năm tháng trôi qua, những lí do chính đáng và không chính đáng cũng trôi qua. Mong muốn của Y tình cờ được thực hiện. Nó không phải sản phẩm của lâm tặc phá rừng, cũng không phải của cung phụng, bởi Y là một người không biết cung phụng cũng không phải để người khác cung phụng.
Những bạn bè yêu quý Y, trân trọng nhân cách sống của Y đã tặng Y: Một bộ phản gõ!
Y, thay vì nói lời cảm ơn thông thường, thì chỉ ngắm nghía và tấm tắc trước vẻ mộc nguyên sơ của nó, khiến kẻ trao tặng vui lòng còn hơn nhận những lời cảm ơn có cánh!
Y kê kê, sửa sửa, rồi Y ngồi lên nhún nhún, rồi Y nằm ngả nằm nghiêng…Tấm phản gỗ gõ ấy mới trơn tru làm sao, mát lạnh làm sao!
Có thấy Y sung sướng khi toại nguyện mới thấy hết niềm hạnh phúc đơn sơ, bình dị của Y!
Ôi, chỉ một bộ gõ thôi!

7 thg 11, 2010

Làm sao về được mùa đông...


Lại một mùa mưa ẩm ướt đang đi qua.Mưa dầm dề đến kinh người.Thật không còn muốn bước chân ra phố vì bất cứ công việc gì. Mọi kế hoạch đều tiêu tan.
Bỗng nhớ cái khô hanh nứt nẻ, cước cả chân tay của mùa đông xứ Bắc! Nhớ những đợt gió bấc tràn về tê tái, mặc bao nhiêu áo cũng vẫn còn rét! Thèm cái rét cắt da cắt thịt đến thế!
Nhớ cái ngõ nhỏ của Hà Nội mỗi khi đông về vắng ngắt bóng người. Nhớ tiếng rao đêm lanh lảnh dội về...
Ôi nỗi nhớ muôn đời vẫn thế!
Thôi đành ru lòng mình vậy,vờ như mùa đông đã về... 


Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang