26 thg 1, 2010

"TÔI THẤY NHỚ CÁI MÙI NỒNG MẶN QUÁ"

(Nhân đọc lại Quê hương- Tế Hanh) Tế Hanh được gọi là nhà thơ của quê hương có lẽ từ những vần thơ tràn đầy cảm xúc sâu lắng mà bình dị về quê hương. Khi xa quê, nỗi nhớ cái làng chài ven biển miền Trung, quê hương được ông bày tỏ qua nhiều hình ảnh rất gần gũi, mà có sức gợi sâu xa trong tâm tưởng người đọc. Đây là một trong những cách thể hiện nỗi nhớ ấy: Nay xa cách lòng tôi luôn tưởng nhớ Màu nước xanh, cá bạc chiếc buồm vôi. Thoáng con thuyền rẽ sóng chạy ra khơi Tôi thấy nhớ cái mùi nồng mặn quá! (Quê hương) “Màu nước xanh”, “ cá bạc”, “chiếc buồm vôi”, “con thuyền rẽ sóng chạy ra khơi” là cái hữu hình, có thể người dân chài khi đi xa cũng nhớ về quê nhà một cách cụ thể, hiển hiện như kiểu “ Anh đi anh nhớ quê nhà/Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương”. Nhưng “ cái mùi nồng mặn” là cái vô hình, thật khó diễn tả. Nếu không có một cảm xúc tinh tế, một lối cụ thể hóa cái trừu tượng thì khó mà nói nên lời như thế. Ở đây Tế Hanh còn diễn tả thành thơ thì thật hiếm! Nếu từng sống ở miền biển sẽ cảm hiểu ý thơ hơn mọi lời giải thích.“Cái mùi nồng mặn”, vừa mang hương vị mặn mòi của biển cả, cái ấm nồng của gió cát… miền duyên hải. Có lẽ chỉ hương vị thoang thoảng mà đầy sức ám ảnh này cũng đủ để định nghĩa về quê hương.Và cũng chỉ riêng nỗi nhớ này thôi cũng đủ làm nôn nao nỗi lòng người xa quê lắm rồi. Trong nhiều cách đặt tên bài thơ, có lẽ câu thơ này cũng rất đáng để chọn lựa! Từ câu thơ đặc tả nỗi nhớ ấy, không thể không liên tưởng đến những câu: “Tôi nhớ không nguôi ánh nắng màu vàng, Tôi quên sao được sắc trời xanh biếc, Tôi nhớ cả những người không quen biết”. (Nhớ con sông quê hương) Vẫn trường liên tưởng: nhớ từ hình ảnh, sắc màu cụ thể đến hình ảnh rất mơ hồ tưởng không thực. “ Tôi nhớ cả những người không quen biết”- câu thơ mà chính tác giả có lần nói “thường bị bạn đọc bỏ qua.”. Ai lại đi nhớ người “không quen biết”? Ấy vậy mà câu thơ đã nói được một tình cảm rất thực chỉ con người mới có. Khi tìm hiểu những bài thơ của Tế Hanh trên chính quê hương(Quảng Ngãi) của tác giả mới thấy hết nỗi ám ảnh đi về suốt hồn thơ ông không gì khác- đó chính là quê hương: “Tôi nói đến trời mây, tôi nói đến Những cánh đồng, nhà máy, những hoa, chim Nhưng vẫn muốn nói nhiều hơn về về xứ biển Như cái cái gì thầm lặng ở trong tim” (Tế Hanh) Thế mới biết không phải cái gì phi thường mới để lại dấu ấn, mà cái rất bình thường, giản dị, nhưng gắn bó thân thiết sẽ theo suốt cuộc đời mỗi con người,dù đi đâu về đâu! Báo cáo vi phạm

4 thg 1, 2010

Mẹ ơi, tỉnh lại đi mẹ ơi!

Mẹ ơi, bắt đầu một năm mới, năm cuối cùng của thập niên đầu thế kỉ XXI -mọi người chúc nhau bao điều tốt đẹp. Con cũng nhận được nhiều lời chúc của bạn bè gần xa, thân sơ...Và con cũng đáp lại lời chúc của mọi người quen biết trong đời thực và trên trang ảo. Nhưng riêng với mẹ thì sao không thể mẹ ơi! Cõi mê nào đem mẹ đi không bao giờ trở về nữa? Mẹ vẫn còn đó mà sao xa vời vợi! Vẫn biết qui luật Sinh-Lão-Bệnh-Tử là của muôn đời, nhưng con không nghĩ rằng nó đến bất ngờ như thế. Bàn tay mẹ ngày nào quạt mát cho con những đêm hè oi ả, những khi Hà Nội mất điện- giờ buông xuôi bất động! Đôi chân mẹ từng đạp xe chở con đi sơ tán khi giặc Mỹ ném bom Hà Nội-giờ chỉ co duỗi thôi cũng khó khăn quá đỗi thế mẹ ơi! Con nhớ có lần suýt nữa mẹ lao xuống ruộng, con vội vàng nhảy xuống níu lại bằng sức lực bản năng trẻ thơ, mẹ khen con nhanh và ngoan nếu không thì hai mẹ con ngã rồi. Chiếc áo len mẹ đan cho con có hình vỏ quả na con rất hãnh diện với bạn khi mùa đông đến. Năm tháng trôi và bao đổi thay, con không còn giữ được đến bây giờ nữa, nhưng con biết ơn mẹ đã sưởi ấm cho con. Mẹ ơi, ngồi canh giấc ngủ triền miên của mẹ, bao kỉ niệm ùa về trong con,con muốn mẹ tỉnh dậy kể cho con nghe câu chuyện cổ tích ngày xưa...xa lắm... Mẹ hãy cố dậy nghe con hát một lần, và chỉ một đoạn này thôi mẹ ơi! Mẹ ơi mẹ ơi dù năm tháng trôi Mẹ như vầng trăng rạng rỡ sáng soi Tỏa mát đời con những khi va vấp ưu phiền Những khi hạnh phúc êm đềm Con chỉ tìm về với mẹ thôi Trong lòng mẹ bát ngát biển khơi
Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang