25 thg 9, 2011

Đôi mắt Dũng.

Vào thăm Dũng một ngày cuối tháng 7/2011 trong bệnh viện 198. Dũng bị "K" gan lại phát hiện vào lúc bệnh đã ở giai đoạn cuối. Bạn vẫn nhận ra mình và nói chuyện một cách khó nhọc. Đôi mắt Dũng tối và sâu thăm thẳm. Đôi mắt như muốn nói nhiều hơn những thanh âm đang phát ra. Hình như tất cả sức lực còn lại, níu kéo một cách vật vã đều thể hiện trong đôi mắt ấy! Không thể nào diễn tả hết về đôi mắt Dũng những ngày cuối cùng ấy, đôi mắt người sắp giã biệt có sức ám ảnh đến vô cùng. Biết là động viên Dũng lúc ấy chỉ là một sự sáo rỗng,  im lặng đã nhiều hơn lời nói suốt buổi thăm. Dũng lo lắng không biết có kéo dài sang tháng 9 để tổ chức đám cưới cho con gái được không. Nghe mà xót xa cho bạn quá.Tất cả đều quá muộn! Đến lúc chia tay Dũng vẫn đưa tay ra bắt , cái bắt tay cuối cùng nhòe đi trong nước mắt. Linh cảm cái ngày đau đớn không còn xa nữa.
Chỉ 3 ngày sau nhận được tin báo của bạn bè. Dũng đã ra đi. Dù biết ngày ấy sẽ rất gần, nhưng cái tin ấy làm mình buồn thương vô hạn. Không dự lễ tang Dũng được. Đúng là triệu người quen có mấy người thân, khi lìa trần có mấy người đưa?
Vĩnh biệt Dũng!
1/8/2011

18 thg 9, 2011

Đồ Rê Mí...ước mơ của tuổi thơ!

Đang xem dở chương trình chung kết Đồ Rê Mí, tự nhiên truyền hình cáp mất hẳn tín hiệu. Mở xem VTV online, trực tuyến... cũng không được. Chẳng có cách nào mà theo dõi tiếp. Đành ngẫm lại vài hình ảnh vừa xem xong.
Nhìn chung thấy các bé thật hồn nhiên và tươi mới xong các tiết mục hát múa. Trang phục rất kỳ công. Xuân Bắc dẫn chương trình cố chọn cách nói nhí nhảnh còn bé Anh Thư đồng hành thì lại cố làm cho già dặn để ra vẻ chuyên nghiệp. Ca sĩ Thủy Tiên- người công bố giải "triển vọng nhất" bằng một giọng thầm thì nếu không muốn nói là quá yếu đến độ nghe không rõ lời ! Mở màn có vẻ mất đà quá. Chêm vào đó là nhận xét của Châu Anh, một giảng viên âm nhạc với những lời phát biểu có tính chuyên môn cao. Chỉ tiếc, vì sao một người như thế ấy lại dễ dàng dùng từ rất không cần thiết khi đánh giá về bé Phi Hùng, gọi em là "hot boy".Sự đánh giá đó đã phù hợp với một bé trai còn thơm mùi sữa mẹ chưa, và còn những bé khác sẽ nghĩ gì nếu không được cô gọị là "hot boy" như bé Dũng - thí sinh hát rất ấn tượng về bài "Lỳ và Sáo", trông em rất mạnh mẽ và sáng sủa? Bao nhiêu mỹ từ thuần Việt đáng yêu chẳng lẽ không đủ để bình luận về bé Hùng ? Dùng từ do buột mồm hay vì sành điệu,vì đáp ứng thị hiếu? Có thể khán giả khó tính khe khắt với Châu Anh sau thời gian dài tu luyện ở  nước ngoài ít nhiều bị "quen" tiếng tây chăng?
Dạy cho trẻ yêu Tổ quốc bắt đầu từ yêu tiếng mẹ đẻ, vậy mà một sân chơi đầy tính giáo dục này có cả em bé chưa biết chữ, hình như cô quên mất điều đó!

4 thg 9, 2011

Một vị khách mời của VTV3

Chương trình khách mời của VTV3 sáng chủ nhật này thật thú vị bởi một vị khách mời rất hóm - nhà thơ Trần Đăng Khoa!
Vị khách này có cái vẻ bề ngoài quê quê lại được bù đắp bởi cách nói chuyện rất có duyên, tự tin đến độ bình thản. Có lúc gã dường như là chủ nhà hơn là khách mời. Lại Văn Sâm thường ngày hoạt ngôn là thế giờ cũng phải im lặng nhường bước. Chỉ nguyên câu chào mở đầu của TĐK, nếu không vì thời gian có lẽ thần khẩu của gã còn khiến người nghe cảm tưởng mạch diễn thuyết mới chỉ bắt đầu chứ chẳng chơi. Gã làm ai cũng bổi hổi bồi hồi nhớ lại cái thời đi học trong chiến tranh, bom đạn...gã đọc những bài thơ nổi tiếng từ hồi còn bé tẹo tèo teo của gã, phải nói là rất hay lúc bấy giờ và cả bây giờ. Ngày ấy gã đã có những câu thơ như lời bình luận sâu sắc về người thầy giáo là thương binh"Chúng em nhận ra bàn chân thầy giáo/Như nhận ra cái chưa hoàn hảo/ Của cả cuộc đời mình"(Bàn chân thầy giáo). Gã kể chuyện nhà văn Nguyễn Khải làm bài cho con với nội dung bình luận tác phẩm của chính Nguyễn Khải, bị cô giáo phê" Em chưa hiểu ý nhà văn!" và cho con "3"! Chẳng biết gã có rút kinh nghiệm, nếu con gã nhờ bình bài thơ"Hạt gạo làng ta" của gã trong chương trình phổ thông không biết?!
Nhà thơ này đối thoại rất nhạy, khi LVS nhỡ chủ quan buông ra một câu đại loại"...không cần cải cách giáo dục". TĐK liền đưa ra quan điểm của mình như một sự phản pháo: Cải cách giáo dục bản thân nó không có lỗi, mà lỗi ở người biên soạn và cải cách như thế nào, ai tham gia (mà không thể thiếu vai trò của người trực tiếp giảng dạy)...những điều mà nếu không quan tâm đến giáo dục sẽ không có ý kiến sát vấn đề và thiết thực như thế. Nhà thơ họ Trần này đúc kết bằng một câu khá tròn trĩnh nội dung rằng: "Nên đơn giản hóa vấn đề phức tạp hơn là phức tạp hóa vấn đề đơn giản". Đúng là như thế! Trong giảng dạy đôi khi người ta quan trọng hóa nội dung bài học mà quên đi : dạy cho người ta hiểu biết không bằng dạy cho người ta vui thích vì điều hiểu biết. Theo đó cũng đã có đánh giá: Người thầy dốt dạy  những điều mình biết, người thầy bình thường truyền những gì trò cần, người thầy giỏi tạo cho trò cảm hứng và niềm tin.
Trần Đăng Khoa gửi lời cảm ơn đến tất cả các thầy giáo, cô giáo ở các cấp học đã dạy dỗ mình để thành người như hôm nay. Có lẽ đó cũng là lời tri ân của những ai đã và đang làm học trò ở tất cả các thế hệ. "Mai sau lớn lên người làm sao có thể nào quên ngày xưa thầy dạy dỗ khi em tuổi còn thơ...
Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang