31 thg 12, 2012


Chuyện ở tầng 5

Ảnh từ Net
“Bác ơi bác nghe chuyện ở tầng 5 chúng cháu không?”, con bé hỏi, và tôi đã được nghe những mẩu chuyện thú vị của “Những công dân tập thể” thế hệ mới!
Tầng 5 cuả chung cư chúng cháu sống rất vui bác ạ. Mỗi khi đến hè cả tầng lại rủ nhau đi nghỉ mát . Nhưng có một nhà làm tụi cháu luôn khó chịu, ấy là nhà Mr Tắc- Kè. Tôi hỏi “nhà bác ấy làm thầy giáo à?”, nó bảo “không, cứ gọi thế cho trịnh trọng!”
“Tắc Kè” là cách đọc chệch từ “Ích kỉ” chúng cháu thầm gán cho Mr Trí để mỗi khi nói chuyện với nhau mà không sợ đến tai Mr. Bác  ấy nhiều tuổi thứ nhì ở tầng chúng cháu, nhưng con bác còn bé. Nghe đâu bác  bị “evơ”  (tức là ế vợ đấy bác ạ) nên con bác còn bé, bác chiều kinh khủng. Đấy là việc riêng của gia đình bác. Nhưng nó lại thường xuyên ảnh hưởng đến chúng cháu.
Bác đặt tên ở nhà cho con bác ấy là Hến, chúng cháu cũng gọi nó như thế. Con Hến rất hay chãnh choẹ với chúng cháu trong sự bênh vực chằm chằm của bố nó.
Bác biết không, có lần tụi cháu đang nô đùa ở hành lang chung  của tầng, bố nó gọi nó về tắm, nó không chịu về. Bố nó tuyên bố giải tán trò chơi của chúng cháu để  cái Hến tập trung vào việc tắm. Và bảo đứa nào về nhà đứa nấy. Chúng cháu phải đi học cả ngày, giờ mới có tí thời gian gặp nhau. Thế mà bị mắng và đuổi về, chúng cháu ứ chịu, rủ nhau ra một góc khác tiếp tục trò chơi dở dang của mình.
Lần khác, em Hến gọi con bác giúp việc nhà chú Nhân là “thằng da đen nhà quê kia”, bị chúng cháu kịch kiệt phản đổi và sang mách với Mr Tắc Kè về sự xúc phạm người khác, thế mà bác ấy chả hề mắng em Hến, lại còn bảo em còn bé! Chúng cháu nói là mấy bác giúp việc đã khóc khi kể với nhau chuyện này. Bác thử xem thế có được không?
Em Hến luôn gây khó chịu với chúng cháu bác ạ. Một lần mẹ cháu mới mua guốc để ở trước cửa, thế mà em ấy đi xe đạp chẹt qua. Cháu bảo sao em lại làm thế, em  ấy còn trả lời là em thích đi thế cho nó sướng. Sướng sao em không chẹt lên dép của nhà em? Nó im và đạp xe sang nhà khác.  Chúng cháu ghét nó vì cái tính ích kỉ.
Có lần chúng cháu rủ nhau đi thang bộ để chơi các trò chơi mà không cho Hến tham gia. Nó tức về mách bố. Không biết bố nó có nói gì không mà một lúc sau nó chạy ra nói dõng dạc: Nhân danh bố em là tầng trưởng, không cho trẻ con đi thang bộ! Ai cũng lè lưỡi nhại nó, lêu lêu nó, nói đủ các thứ... Thế là nó biết biệt hiệu “Tắc Kè” là gọi bố nó, nó chạy về mách bố. Bố nó tập trung trẻ con tầng 5 lại và bắt xếp hàng xin lỗi . Tôi hỏi “xin lỗi thế nào?”. Nó kể: cả lũ đồng thanh nói “ Chúng cháu xin lỗi bác Trí!”. Mr  phân tích: đứa nào gọi là  bác là “Ích kỉ”, cháu bước ra. Đứa nào gọi bác là “Tắc Kè”, thằng Thóc sợ quá bước lên một bước. Đứa nào không cho em Hến tham gia trò chơi? Con Thỏ Láu cúi đầu nhận tội. Sau một lúc giảng giải, bác ấy doạ sẽ về mách bố mẹ chúng cháu. Nhưng người lớn ở đây ai cũng biết nhà bác như thế nào rồi. Ô tô nhà bác thì đừng có mà mơ chở người khác khi cả tầng cùng nhau đi đâu bị thiếu xe. Mọi người phải tự sắp xếp ,còn xe nhà Mr thì chỉ có người nhà Mr được ngồi!
Con bé kể với cái giọng mỏng tanh và rất tự nhiên. Phải lắng nghe không xen vào những lời nhắc nhở, bình luận thì mới thấu hiểu được nhiều chuyện ở tầng 5 của tụi nhỏ.
Vô tình tôi nhặt được một tấm vé đi tuổi thơ!
                                                                                 (18/12/2012)
-------------------------------------

10 thg 12, 2012

Quê ngoại




Hình ảnh văn hoá Sa Huỳnh


Quê ngoại
                                  Hỡi người biển đẹp vô ngần 
                    Sóng xanh như đến dừng chân Sa Huỳnh
                                                     (Xuân Diệu)

Về thăm quê ngoại Sa Huỳnh
Biển xanh như ngọc, lung linh cát vàng,
Phi lao lặng lẽ mơ màng
Vi vui reo gió ríu ran bốn mùa.
 Dân chài lưới, một vùng quê
Một đời cùng biển đi về sớm hôm.
Nghe trong mỗi ngọn gió Nồm
Mang hơi thở biển đượm muôn mặn mòi.
Cũng là sắc của Đất Trời,
Mà sao màu nắng vàng tươi lạ thường!
Đi qua giông bão đau thương
Lòng người vẫn chốn vô thường, bình yên.
 Sa Huỳnh – văn hoá vẹn nguyên
Lưu danh một thuở linh thiêng đất này!
 Về thăm quê ngoại hôm nay.
Thấy cuộc sống mới  đổi thay đã nhiều.
Sa Huỳnh quê ngoại thương yêu,
Trong xa cách càng thêm yêu quê mình
Ơi quê ngoại tôi -  Sa Huỳnh!  

hongloan.
Một lần đến với Đức Phổ nếu ai đó chưa dừng chân lại với mỏ muối Sa Huỳnh thì thật là một sự đáng tiếc. Sa Huỳnh nằm ở cực nam tỉnh Quảng Ngãi, thuộc huyện Đức Phổ, cách thị xã tỉnh lỵ 60 km. Sa Huỳnh là vựa muối lớn nổi tiếng ở vùng duyên hải miền Trung từ thế kỷ 19 đến nay chẳng thua kém gì muối Cà Ná và muối Hòn Khói.
Địa danh Sa Huỳnh phải viết cho đúng là Sa Hoàng, có nghĩa là cát vàng. Thật vậy, màu cát ở đây không trắng như ở nơi khác mà lại có màu vàng óng ánh thật đẹp. Sở dĩ, phải viết thành Sa Huỳnh, vì chữ “ Hoàng” trùng tên Chúa Nguyễn Hoàng thời Nguyễn sơ.
Các cánh đồng muối ở đây chiếm gần 500 ha và hàng năm sản xuất hàng trăm ngàn tấn muối có chất lượng tốt. Từ làng chài nghèo nàn và hoang sơ, Sa Huỳnh ngày nay đã trở thành một thị tứ nho nhỏ, xinh xinh nằm ẩn mình dưới hàng dương rủ bóng thướt tha và rừng dừa thơ mộng, là nơi mà du khách đã đến một lần thì thông thể quên, không những vì cuộc mưu sinh ở đây dễ dãi mà còn vì tình cảm con người ở đây mộc mạc và thiết tha:
Ngó ra ngoài bãi cát vàng,
Cát bao nhiêu hạt, thương chàng bấy nhiêu
(Theo nguồn internet)


 

Đồng muối Sa Huỳnh

28 thg 11, 2012

Cất vó


Cất vó
      Mỗi lần xem chương trình “Cuộc sống thường ngày” trên VTV1, được lướt qua bao miền quê với cuộc sống giản dị ,thân thuộc, tôi lại ao ước có một chuyến trở về chốn xưa để thử lại cái cảm giác đi cất vó sớm mai.  Hồi ấy, tôi sơ tán về Thạch Thất –Hà Tây. Nhà mà tôi ở nhờ khá thuận lợi về nhiều mặt. Bác chủ nhà tên là Toàn.Thích nhất là bác có đứa con gái trạc tuổi tôi, nên rất tiện cho việc “buôn dưa” vốn là cái thói chẳng hay ho gì của tụi con gái chúng tôi. Đứa con gái ấy tên  Xoan. Tôi thấy tên nó lạ ,nhưng cũng chẳng hỏi làm gì ngoài cái sự hiểu lơ mơ rằng tên nó là tên một loài cây có trong các câu chuyện cổ tích, và là loài cây tôi cũng đã thấy trên các con đường làng, thế thôi.    Xoan là một đứa bạn rất dễ mến. Nó cởi mở và thân thiện. Hình như nó chưa bao giờ khó chịu với những câu hỏi rất ngố của tôi về cuộc sống quá ư lạ lẫm nơi thôn dã. Nó giải thích cho tôi bao nhiêu lần lá mướp với lá bí khác nhau như thế nào, thế mà tôi vẫn không phân biệt được cũng như  cứ nhầm lẫn quả bí xanh với quả bầu. Điều này khiến thằng Tiến, em trai nó (thua nó có 1tuổi) nhiều lần lườm nguýt, khó chịu khi nghe tôi cứ bầu với bí mãi.    Cái Xoan rất hay mắng át em nó khi có thái độ ấy với tôi và với “quân sơ tán” lóng ngóng, vụng về.Tôi với nó có rất nhiều kỉ niệm, không biết bây giờ ở nơi nào đó xa lơ xa lắc kia với ngần ấy thời gian trôi qua, nó có còn nhớ không, vì nó rất vô tư. Nó hay cười và hay quên lắm!     Tôi nhớ nhất cái lần tôi năn nỉ nó cho tôi đi cất vó với nó. Nó đồng ý nhưng sợ ba tôi la (Cơ quan ba tôi  chuyển một bộ phận về Thạch Thất làm việc) nên hai đứa chỉ ra hiệu ngầm với nhau.    Việc này phải chuẩn bị từ  hôm trước. Tối đó, tôi với nó sậm sụi làm thính (rang cám gạo cho thơm làm mồi) bỏ vào một cái lọ thuỷ tinh . Nó làm rất khéo, tôi chỉ đủn rơm vào bếp cháy cho vui mắt, thoả thích là chính. Rồi nó đi chuẩn bị vó.Vó của nhà nó nho nhỏ thôi, làm bằng vải màn hình vuông, cỡ 45x45 cm, hai nan tre vót mỏng uốn cong bắt chéo buộc  bốn góc vải chắc chắn. Nó chọn các chiếc vó lành lặn xếp lại một chỗ, để  sáng dậy chỉ việc xách đi cho nhanh (những chiếc thủng lỗ chỗ thì nó để riêng và tôi nghe nó lẩm bẩm sẽ vá khi rảnh rỗi).     Tôi nhìn nó chuẩn bị dụng cụ mà tưởng như nó là một người lớn hơn tôi rất nhiều, dù nó vẫn vừa làm, vừa trò chuyện vui vẻ. Tôi cũng muốn giúp nó, nhưng chẳng biết cách, nên nó bảo tôi cứ để nó làm cho nhanh. Đêm đó tôi trằn trọc chỉ mong sao trời mau sáng để tôi với nó lên đường.    Tờ mờ sáng tôi nghe nó rón rén, lịch xịch tấm liếp cửa là tôi bật dậy. Nó cho tôi đeo lọ thính bên hông, nhìn là biết ngay là lính mới tò te. Còn nó đeo cái giỏ tre thắt ở cổ , có nắp đậy như cái phễu, trông rất chuyên nghiệp. Mỗi đứa cầm 5 chiếc vó,  đầu đội nón cời …rời nhà đi .     Buổi sớm, sương còn mờ mịt,chưa rõ mặt người mà sao nó thấy ai cũng nhận ra và chào hỏi rất đúng ngôi thứ.Tôi lẽo đẽo theo nó mà không biết nó sẽ dừng ở chỗ nào. Nó đi chân đất rất nhanh, chốc chốc lại bảo tôi sắp đến rồi. Cuối cùng thì cũng đến đoạn mương nó cho là nhiều tôm tép mà không thuộc của riêng nhà ai. Nó bắt đầu thao tác đặt vó, rắc thính lượt đầu cho tôi xem, rồi lượt sau mới cho tôi làm để khỏi khỏi hao mồi. Sau đó tôi với nó ngồi trên bờ mương chờ. Lúc đó tôi lấy bánh lương khô ra mời nó ăn, nó có vẻ thích cái vị mặn mặn ngọt ngọt của thứ bánh ấy. Lần đầu tiên tôi kéo chiếc vó lên bằng một cái cần tre , tôi hồi hộp ghê lắm, nhưng chỉ vài con tép riu, cái Xoan cũng vét vào giỏ và động viên là nhấc hết mười cái là nhiều lắm. Và cứ thế hết lượt này đến lượt khác, chúng tôi say sưa mãi , khi giỏ tép cũng nằng nặng chúng tôi mới về.     Chiến lợi phẩm ấy được nó phân chia rất công bằng. Tôi chế biến món tép với khế theo hướng dẫn của nó, hí hửng chờ ba về khoe. Ba tôi biết chuyện tôi đi cất vó với nó không xin phép (vì tôi nhát ké, không biết bơi, ổng đã bực mình, lại dính vào vụ ăn chia với nhà dân), ổng bắt để riêng bát tép trả lại chủ nhà. Hồi đó tôi trách ba tôi, sau mới thấy sự cảm thông cuộc sống của người dân lao động còn nhiều khó khăn của ba tôi thật là tế nhị ,sâu sắc.     Cái vụ đi cất vó đã trở thành kỉ niệm không bao giờ quên trong tuổi thơ tôi những năm sơ tán vì chiến tranh. Chiến tranh có ác liệt thì niềm vui của tuổi thơ chúng tôi cũng không vì thế mà không xuất hiện trên chặng đường tôi đã đi qua.

 Ảnh minh hoạ

23 thg 11, 2012

Tỉnh



Tỉnh
Hai con mắt mở cay nồng,
Đôi tai quên hết thanh âm không lời,
Giọng quên hết tiếng à…ơi…
Tay thôi quơ phụ hoạ lời vu vơ.
Chân dừng, thôi bước ngẩn ngơ.
Lòng thôi, giây phút mơ hoa…
 trôi vèo!

14 thg 11, 2012

"Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ"*


Tuổi thơ tôi là một xóm nhỏ trong con ngõ nhỏ của Hà Nội – ngõ Ngô Sĩ Liên.

    “Xóm” là cách gọi của tụi nhỏ chúng tôi về khu nhà chung này. Trước kia, nơi ấy là một phòng khám chữa bệnh của một bác sĩ người Pháp. Trên vòm mái cổng cong theo hình bán nguyệt vẫn còn hiện dòng chữ tên ông. Thời gian đã trôi qua nhiều năm, và bao lần quét vôi mà dòng chữ vẫn nguyên vẹn. Sau ngày giải phóng Thủ đô, Nhà nước tiếp quản đã cho các hộ gia đình thuê. Nhà tôi là một trong mười hộ gia đình ở đây.
    
    Đi vào xóm phải qua chiếc cổng có cánh bằng gỗ rất đặc biệt. Hai cánh cổng làm bằng gỗ, khắc chạm hoa văn và  có những khe hở có thể nhìn ra ngoài đường. Đây là một lợi thế cho tụi nhỏ chúng tôi mỗi khi cố thủ trong xóm sau những lần bị tấn công hay gây chiến với xóm ngoài. Mỗi khi đóng cổng thì cài một chiếc then cũng bằng gỗ dài và nặng, cỡ tụi tôi hồi ấy phải mấy đứa mới đẩy được then. Tôi tưởng tượng như người ta đóng cổng thành ngày xưa mỗi khi giao chiến vậy. Bây giờ kiểu cổng ấy chỉ còn thấy trên phim cổ.

    Xóm tôi ở có kiến trúc rất đẹp và hợp lí. Giữa khuôn viên của xóm là một khoảng đất rộng trồng hoa và cây ăn trái. Vị bác sĩ này quả là có khiếu thẩm mĩ và hiểu biết về phong thuỷ nhất định.

Cả không gian lan toả hương bưởi mỗi mùa nở hoa thơm mát. Cây bưởi này sát nhà bà Hai, nên bà đã tự cho mình quyền quản lí làm chúng tôi rất khó tiếp cận. Chỉ khi nào thấy nhà bà đóng cửa đi vắng, thì chúng tôi mới leo lên hái hoa, mặc kệ gai cào khắp mình mẩy. Hầu như tôi chưa bao giờ được ăn bưởi ở xóm tôi, vì nó còn quá non, the quá chừng, nuốt không trôi!

    Và một cây nữa cũng gắn bó nhiều kỉ niệm với chúng tôi. Đó là cây ổi, loại ổi sẻ ngon tuyệt cú mèo! Tôi không thể nào quên những trạc ổi nhẵn bóng vì không ngày nào chúng tôi không leo lên đó ngồi, rồi chia nhau các cành như thể chia lãnh địa để cùng nhau cai quản vậy. Hiếm khi đứa nào hái được quả chín, vì quả mới chỉ rụng rốn vài ngày đã bị bọn con trai vặt trước, ăn chát lè lưỡi mà vẫn tươi cười hí hởn vì nhanh tay hơn bọn con gái chúng tôi.

    Nhưng nhớ nhất vẫn là cây sấu. Khi tôi bắt đầu biết trèo leo, nghịch ngợm thì thấy thân sấu đã to bằng vòng tay ôm của hai đứa như tôi nối lại. Cây sấu chiếm một vị trí trung tâm nhất của khoảnh sân xóm tôi. Khi sấu chưa ra quả, chúng tôi bứt lá non chấm muối, vị chua chua của lá sấu non hồi đó sao ngon lạ ngon kì! Mùa sấu ra hoa, rụng trắng sân, chúng tôi hót về chơi đồ hàng, thật mê li!
    Mùa sấu ra quả, chúng tôi leo ra lan can tầng thượng chẳng có thành rào bảo hiểm gì, đứa nào đứa nấy nằm rạp xuống run lẩy bẩy với tay hái quả. Thôi thì quả non, quả già, quả xanh, quả chín tụi tôi tuốt sạch sẽ theo tầm tay với. Người lớn từng dặn dò, răn đe…chúng tôi “vâng vâng, dạ dạ” cho qua chuyện, bởi trước sự khiêu khích của những chùm sấu lúc lỉu, chẳng đứa nào cưỡng được! Có lẽ vì cái thú hái được quả trong tay và nếm vị ngon từ quả hái bằng chính tay mình khiến chúng tôi không còn biết sợ là gì.
    Ai đã từng ăn sấu dầm hẳn không thể nào quên vị chua giòn, mằn mặn ngòn ngọt của nó. Tôi còn nhớ cách làm món này. Những quả vàng ươm, được gọt sạch vỏ, cắt vòng theo quả sấu nhưng không để đứt rời từng đoạn, vứt bỏ hột rồi dầm trong nước muối pha đường, ớt…nghĩ đến mà thèm chảy nước miếng! Lớn lên tôi được ăn nhiều món tương tự như  khế ,cóc, me dầm.. vẫn không thể nào nào quên cái vị sấu dầm ngày xưa.
    Ôi “Tuổi thơ kia ra đi cao ngạo thế”!

                                                                                       
-------------------
* Mượn nhan đề truyện của Nguyễn Nhật Ánh

10 thg 11, 2012

Lộ đề



Lộ đề
    “Lộ đề” là cách nói của chúng tôi thường được hiểu ngầm về một sự cố nào đó ngoài ý muốn.     Muốn nhắc nhau về chiếc áo cài nút hớ hênh, chỉ cần: “lộ đề kìa!”. Một việc giấu giếm bị phát hiện thì xếp vào “lộ đề”…    Trường hợp "lộ đề"  này không giống như thế.    Hôm ấy vào lớp, tôi thay việc kiểm tra miệng đầu giờ bằng kiểm tra bài soạn ở  nhà. Biết là có sách tham khảo đầy rẫy ở siêu thị, trên các sạp sách đường phố, tôi không muốn trò sao chép những câu trả lời khuôn mẫu của nhà biên soạn nào đó, mà thiếu chính kiến, cảm xúc của cá nhân mình với từng tác phẩm văn học. Lướt lướt qua từng bàn, và tôi chỉ dừng lại ở những bản “foto coppy” của những tay lười biếng, đối phó để xem mức độ xào xáo của chúng tới cỡ nào. Rồi buồn bực, tôi vẫn phải nói cái điều “ biết rồi khổ lắm nói mãi”…Lớp học lặng hẳn, chẳng đứa nào dám ho he, hóc hách, chỉ len lén đưa mắt nhìn nhau rất hàm ý và hình như chúng nó thở cũng khe khẽ hơn thì phải.    Tôi nào đâu có muốn tạo ra cái không khí ấy, mà sự thể đưa đẩy như thế, tôi biết làm sao. Đúng là “ nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò”!    Rồi thời gian không ngưng đọng theo dòng trầm ngâm của mỗi người. Bài mới vẫn phải thực hiện theo đúng chương trình của “ông” Bộ . Tôi mở cặp.    Bỗng “bộp!”, củ khoai luộc vô duyên từ trong cặp tôi rơi ngay trước lớp. Trò nào cũng nhìn thấy mà không đứa nào dám hé môi . Tình huống bất ngờ này tôi còn biết làm gì hơn là bật cười (Củ khoai cô bạn giúi vội vàng hồi nãy,chưa kịp dùng). Cái cười bất đắc dĩ lại có sức lây lan mới chết, nó làm cả lớp cười theo như thể những bình oxy bật nắp chờ mồi lửa là tưng bừng cháy. Một trận cười vang lên tưởng vỡ lớp đến nơi (có đứa còn vỗ vào mặt bàn “bồm bộp” cho đã!). Bao nhiêu bực dọc, đè nén tan biến sạch trơn.    Một trường hợp lộ đề quá hi hữu!    Tôi cảm ơn củ khoai quá đi! Giá mà tôi nuốt trộng hồi nãy thì có lẽ lớp học sẽ diễn ra vô cùng căng thẳng, tẻ nhạt    Tôi nghĩ, đôi khi một tình huống ầu ơ…có thể cứu vãn một không khí nặng nề mà nếu ta cố tìm cách cải thiện cũng chưa chắc gì hoàn hảo hơn!    Có lẽ trong kỉ niệm về tuổi học trò của tụi nó, hình ảnh củ khoai ấy sẽ in đậm một dấu ấn

5 thg 11, 2012

Say


Say
Môi nào chưa nhấp mà say,
Tay nào vụng, lỡ rót vay ưu phiền.
Chân nào bước ngả ,bước xiên,
Lòng nào chuếnh choáng về miền… không ta!


"Giọt rượu nào mãi chua cay trong tình vẫn u mê..."

3 thg 11, 2012

Rừng mơ

"Rừng mơ của Tào Tháo"!    Đã hơn một năm, các Nhà giáo nơi đây vẫn hướng về “Rừng mơ” để giải toả cơn khát phụ cấp thâm niên!    Kể từ cái mốc được hứa hẹn ấy - 1/5/2011, ai cũng xây đắp bao dự định mà mãi đến hôm nay vẫn đành “Nuốt thèm cáo mới bảo rằng: nho xanh!”    Đã có một quyết tâm được hô to về một chầu Karaoke hoành tráng ! Hát cho nhau nghe, dù “Đường xa ướt mưa” vẫn “Một mình” “Một cõi đi về”! Hát giữa “Giấc mơ trưa”  với “Ly café Ban mê”. Hát về “Vết chân tròn trên cát” về anh thương binh “ vẫn đi về trên con đường mòn…vẫn ôm đàn dạy các em thơ bài hát quê hương”, ngân nga giai điệu “khi tóc thầy bạc, tóc em vẫn còn xanh, khi tóc thầy bạc trắng chúng em đã khôn lớn rồi…”…    Đã có một hứa hẹn cùng nhau xuyên Việt, để biết “rừng vàng biển bạc” cạn kiệt tới đâu mà về khuyên học trò  đừng chọn nghề “khai thác” nữa. Và để biết còn bao nhiêu nơi trẻ em phải thay nhau mặc một chiếc áo trắng đến trường mà nhắc trò mình đừng viết, vẽ bậy lên sách giáo khoa, mai mốt còn giúp các bạn miền núi  thiếu thốn có thêm điều kiện trên hành trình đi nhặt từng con chữ.    Đã có bao nhiêu dự định từ cái khoản “trời cho” (trò chơi) ấy!
    Vậy mà thẻ ATM cứ ỳ ra , chỉ có mỗi con số thôi mà cũng không chịu nhảy?
    Nhưng có lẽ cần phải biết chờ đợi, nhâm nhi ước mơ thì cơn say hiện thực mới thoả thích!    Hỡi phụ cấp thâm niên, mi thật là thú vị! Ta giận dỗi  sự chậm trễ của ngươi, nhưng ta không còn cách nào khác là rèn luyện lòng kiên nhẫn để chờ đợi ngươi! Hỡi “Rừng mơ”!



29 thg 10, 2012

Hoa mua Truông Bồn



Truông Bồn
Chiến thắng  và huyền thoại


HOA MUA TRUÔNG BỒN
 (Tưởng niệm liệt sĩ hi sinh ở Truông Bồn 31/10/1968)
 Hoa mua tím ngát Truông BồnMột thời rực lửa, hoa còn nơi đây.Trên bom dội, dưới đạn càyHoa tinh khiết, vẫn nở đầy lối đi!Đoá hoa đau phút biệt li,Đồng đội lần lượt mãi đi chẳng về.Hoa mua vẫn vẹn câu thềDù tan rã cánh, tím tê tái lòng!Truông Bồn lòng đất mênh mông,Hoa mua không bán thuỷ chung đợi chờ.Ngày về, tỉnh một giấc mơHoa mua dâng viếng người xưa không về!
                             29/10/2012

27 thg 10, 2012

Sương khói quê nhà

 "Sương khói quê nhà"
    Quen với văn phong hồn nhiên, trong sáng của Nguyễn Nhật Ánh khi kể  chuyện tuổi thơ, sẽ ngỡ ngàng và thú vị với  tạp văn rất có duyên cho nhiều đối tượng của cây bút này. Đọc “Sương khói quê nhà” như được trò chuyện mặn mà với nguồn đề tài mở và một phong cách đa hệ.
Nguyễn Nhật Ánh (NNA) có một lối vào chuyện rất giỡn chơi.    Một lần đi qua chợ quê, nghe thoảng bay trong gió một làn hương ấm áp quen thuộc và gần gũi, thế là hắn quay xe đi tìm bằng được. Và rồi một rổ thị của bà lão được mua về. Kỉ niệm sống dậy. Hắn kể, ngày bé khi hít hà chán, thị mềm bóc ăn, tách vỏ thị thành nhiều cánh xếp lên tường dán thành những bông hoa. Để cho mỗi mùa thị trên những bức vách và  những cánh cửa của các ngôi nhà trong làng bỗng xuất hiện vô số những bông hoa vàng, rồi người ta cứ để mãi…như một sự trang trí tự nhiên, bình dị rất thôn dã.

    Đoản văn “Bà ơi, bán cho một lon nén”(nén là loại củ nhỏ thuộc họ hành, có màu trắng như tỏi, chữa nhiều bệnh, nhất là cảm mạo), tác giả đã bày tỏ cảm xúc về cái cách mua bán ước chừng gợi lên không gian mua bán cổ xưa. Nó vừa dân dã vừa thân thuộc của làng xóm, chỉ xem chuyện mua bán là cái cớ để đong cho nhau những sẻ chia rất ấm áp tình người. NNA đã cảm được cái tình người trong cử chỉ của bà bán củ nén khi vun cho lon nén đầy thêm một tí, nó không giống cái kiểu kinh doanh lạnh lùng khi người ta bắc lên cân, tính toán sòng phẳng theo mũi kim nhích trên bàn cân.    Và ta cảm động khi nghe “Tuổi thơ tôi có thằng Lợi sứt”. Ai cũng sẽ gặp lại kỉ niệm của mình trong hồi ức rất trẻ con của tác giả. Chỉ là một chú Dế lửa chọi hăng máu riêng Lợi có, mà lũ bạn tìm mọi cách để thầy giáo phát hiện trong giờ học, và tịch thu chú Dế ấy. Cuối cùng ai cũng phải trả giá bằng những giọt nước mắt xót xa khi thầy giáo mải giảng bàì để chiếc cặp to đùng vô ý đè bẹp hộp diêm làm chết chú Dế lửa - niềm tự hào của Lợi và thèm khát của lũ trẻ . Tiếng khóc nức nở của Lợi sứt trong đám tang Dế lửa như bắt đền người lớn đánh cắp cảm xúc tuổi thơ. Day dứt và ám ảnh!

    Trong “Buồn vui nhà văn kí sách”, tác giả ngộ ra một điều: không phải chỉ tác giả đem đến niềm vui cho độc giả, mà chính độc giả giúp nhà văn hiểu được chân giá trị những chữ kí của mình. Bởi thông điệp nắn nót trên từng trang sách chưa chắc đã thẩm thấu lòng người, như  tâm hồn ngây thơ đang đau đớn bên giường bệnh kia, bằng lời chúc “Chú chúc cháu mau chóng bình phục” khi em bé nhận được sách do chính tác giả kí.    Dí dỏm và hài hước trong “Dẫn tình yêu đi xem bóng đá”.Ai chưa yêu dù có vụng về đến mấy cũng sẽ khó mà thất bại khi túm được một kinh nghiệm rất độc chiêu trên con đường chinh phục trái tim. Bởi khi xem, người mà ta khó tỏ tình nhất sẽ bất ngờ ôm chầm lấy ta khi đội nhà sút tung lưới đội bạn để cùng hoan hỉ niềm vui chiến thắng. Hoặc khi đội nhà chẳng may lép vế, người ấy sẽ gục đầu lên bờ vai ta nức nở, tiếc nuối…Ôi khoảng cách! Xem ra bóng đá đúng là có sức mạnh vạn năng, kể cả việc kết nối trái tim!    Rất chỉ lí cái kinh nghiệm hành hạ các đức ông, qua tâm sự “Chở vợ đi shopping”. Sau một hồi kể bao nhiêu là cái kì cục của các quý bà, nào là vào siêu thị xem đã đời rồi mới nảy ra ý định mua gì, trong khi đàn ông biết mình cần mua gì mới vào siêu thị. Thế nên quý ông mới váng đầu, hoa mắt chóng mặt khi lẽo đẽo theo quý bà hết gian hàng này đến gian hàng khác. Và cuối cùng rút ra “chân lí”: Những người vợ thông minh nếu muốn trừng phạt đức ông chồng về tội trăng hoa chẳng hạn, chẳng cần gây gổ hay cấu xé làm gì cho hao hơi tốn sức cứ thỏ thẻ nhờ ông chồng xách giỏ theo mình vô chợ hay vô siêu thị là đủ để hắn nhớ đời”    Tản văn “Sách của con đâu? ” là một cách khuyến cáo các bậc cha mẹ nên hướng con đến với văn hoá đọc bắt đầu từ những việc thay lì xì bằng sách. Ban đầu những mệnh giá 20 hay 50 ngàn VNĐ hay 2 USD mà người ta quan niệm là “lucky money”(tờ bạc may mắn) thay bằng những quyển sách có thể khiến người ta so đo, nhưng  khi đã trở thành nếp thì sẽ rất bổ ích về nhiều mặt.    Và không chỉ có thế…    Nhìn chung tạp văn của NNA rất nhẹ nhàng về nhiều mảng,nhưng cách ứng xử nhân văn của con người về cuộc sống vẫn làm gốc cho những trang viết ở đây. Và vì thế mà lần nào đọc tác phẩm của anh ta cũng muốn đọc một mạch như gặp một người bạn, tay bắt mặt mừng luôn đem đến cho ta cảm giác dễ chịu không muốn rời xa.    Có thể mượn ý thơ của Lê Giang để nói về  tạp văn này: Đời cho ta được nâng niu Nâng niu cho đời ta được…

21 thg 10, 2012

Mẹ ơi đừng chờ !



Nước mắt mẹ không còn để khóc những đứa con!
Mâm cơm mẹ dọn, nguội rồi
  Mẹ ơi hãy cất, đừng ngồi nhớ con!
  Mẹ ơi, xin mẹ  đừng buồn,  
 Ở phương trời ấy con luôn trở về.
 Thôi đừng níu bước sơn khê  
 Sống là gửi, thác mẹ về với con!  
 Con xa Mẹ vì nước non  
 Đau lòng đạo hiếu chưa tròn, Mẹ ơi!
     
                      20/10/2012

18 thg 10, 2012

20/10


Muốn sang
Hắn nghĩ về câu ca dao :
"Muốn sang thì bắc cầu kiều
Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy"
Là một điều mà xưa nay người ta vẫn làm. Nhưng với hắn cái “cầu kiều” kia còn hàm chứa bao lời nhắn nhủ khác cũng quan trọng không kém. Mà với hắn lúc ấy là:
"Muốn sang thì bắc cầu kiều
Muốn yêu con chị phải chiều thằng em."
Thế là hắn bắt đầu chiến dịch đả phá những lời chê ỏng, chê eo của chị hắn về mấy “phò mã” tương lai. Rằng :
"Cao chê ngỏng, thấp chê lùn
Béo chê béo trục béo tròn
Gầy chê xương sống, xương sườn nhô ra."
Chị hắn vì những lời nhắc nhở đầy trách nhiệm của thằng em, có lúc đã “tua” lại trong trí nhớ xem mình có vô tình làm thất vọng ai trong số đó không thì thấy các biển số đã lướt qua không có gì đặc biệt đến nỗi phải ân hận, nên yên tâm làm gương cho thằng em về việc chọn lựa cho mình một nửa bên kia xứng đáng.
Thế rồi thời gian trôi qua, trôi qua…
Chị hắn thập thò, nhận lời hẹn hò với một anh bạn cùng công ty. Hắn được rủ đi làm chỗ dựa tinh thần cho bà chị trong những buổi đầu bị tấn công với tư thế “hai chọi một chẳng chột cũng què”. Hắn nghe chị hắn với cái tên không béo ,không gầy kia trao qua đáp lại mà phán về họ:“Khôn ngoan đến mực nói năng phải lời”, thỉnh thoảng lại chêm vào vài câu tưởng như chẳng ăn nhập của mình nhưng cũng khiến ông anh ( rể tương lai nửa mừng nửa lo!). Chị hắn rất yên tâm vì sự có mặt của hắn trong thời kì phòng ngự chưa chuyển sang cầm cự này. Dần dần hắn thấy ông anh có vẻ được được, hay nói với hắn về những vấn đề thuộc phạm trù chuyên môn. Cái ngành Mỹ thuật mà hắn theo học có rất nhiều điều có thể nói chuyện với ông anh khác họ này. Theo hắn, anh ta là một tay đa hệ! Và đặc biệt là tên này it nói nhưng khi nói thì rất dí dỏm. Hắn kể có lần cùng anh đi siêu thị, có người tưởng anh là dân Nhật vì anh mắt một mí và cũng từng sống làm việc ở Nhật nên hao hao, thế là người kia sổ một tràng tiếng Nhật đại khái anh đến việt Nam lâu chưa, hiện làm ở đâu…cuối cùng anh trả lời : nãy giờ anh nói gì tôi không hiểu!  Người Việt  Nam sính ngoại kia tẽn tò quá bỏ đi một mạch!
Rồi những ngày chị hắn mưa nắng thất thường, hắn phải phải làm “nhịp cầu nối những bờ vui” !
 Rồi cái gì phải đến nó đã đến! Thời điểm tổng phản công bắt đầu. Anh rể nhờ hắn tìm một số bạn đồng trang lứa, cao ráo đẹp giai như hắn bưng quả ( hi hi , hắn lại thuộc thành phần phía bên kia, vì nhà anh ở miền Nam, mà ra miền Trung hỏi vợ!)
Để đến bây giờ hắn sắp lên chức cậu!
Sinh nhật hắn, anh rể đã tặng cho hắn một chiếc tablet sau chuyến anh đi vinh danh tại Singapo về. Hắn ngẫm câu “Muốn yêu con chị phải chiều thằng em” quả là đúng!
20/10 hắn đến chúc mừng chị hắn và luôn thể xem anh hắn có kế hoạch gì đặc biệt!

16 thg 10, 2012

Ma ma Phật Phật!


Cảm giác lửng lơ ấy đôi lúc làm ta nghi ngờ…
Một lòng tốt ư ? Chưa chắc!
Một sự giả dối à? Chưa hẳn!
Thế nhưng ta cứ lấn cấn, cứ bất an!
Vẫn  biết con người là tổng hoà của mọi cảm xúc buồn vui…trạng thái hưng phấn hay tức giận…mọi mối quan hệ gia đình, xã hội ,thân sơ…
Nhưng ta không thể tin khi chữ tín đã mất! Ta không nể phục khi cần khinh khi!
Chẳng lẽ ta cứ giả vờ  vui khi lòng rười rượi buồn?
Ai kiểm chứng giọt nước mắt xuê xoa  khi đồng nghiệp mắc sai lầm nghiêm trọng cần xử lí nghiêm kia là thật hay sự tinh vi trước một đại hội quan trọng sắp diễn ra?
Ai tin cái miệng ngọt ngào kia giúp đỡ kẻ non nớt yếu kém hay đang biến họ thành tay sai, tai mắt di động?
Ai nói những kế hoạch chi li tới từng milimet kia không bị chi phối bởi lợi nhuận mà với họ chỉ là muối bỏ bể  nhưng với kẻ khốn khó thì đó cũng đang còn là mối bận tâm?
Xưa dạy “Đi với Bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy”. Nhưng giờ ma cũng khoác cà sa, nên ta chỉ còn lẩm nhẩm ma ma Phật Phật!

10 thg 10, 2012

Vện & Luc Ky


Câu chuyện ba tôi kể về con chó nhà ông bà nội tôi ám ảnh suốt tuổi thơ tôi cho đến tận bây giờ, khi mà ba đã đi theo Nội tôi về miền Cực lạc .
         
Hồi ấy nhà ông bà nội tôi nuôi một con chó, có lẽ để cho cuộc sống đỡ buồn tẻ hơn là để giữ nhà, vì hồi ấy nhà có gì đâu mà giữ. Vện (thường được gọi là Zện) là cái tên của nó. Vện biết chủ
khó khăn nên nó ăn bất cứ món gì mà chủ cho. Điều này làm tôi nhớ đến con mèo quý của vua đã được trạng Quỳnh huấn luyện chỉ biết ăn rau. Còn Vện không cần luyện cũng chỉ thích nghi với củ quả ,rau mắm, làm gì có món gì khác đâu mà chờ đợi, mà kén chọn.
 Vện rất yêu quý mọi người trong gia đình, đặc biệt là bà nội tôi. Mỗi khi thấy bà tôi về là nó chạy ra ngõ mừng quấn quit, vẫy đuôi, liếm trên đôi tay còn lấm lem bùn đất và nhễ nhại mồ hôi của bà. Bà tôi cởi nón ra là vuốt trên mình nó, nựng những lời yêu thương, khiến đôi mắt nó long lanh những giọt lệ biết ơn và nằm xuống vì có lẽ sợ nội tôi mệt. Nội tôi tất bật với khói rơm ,bếp núc…Vện lẽo đẽo theo chân.
    Nội tôi ngả lưng trên chõng tre, Vện phủ phục bên dưới. Hễ thấy loáng thoáng bóng người lạ, nó không sủa inh ỏi mà cứ “sực.. sực..” trong mũi trong họng nửa như khó chịu,nửa như đánh thức mà lại không muốn làm cả nhà giật mình. Nghe kể mà thương con Vện ý tứ, nghĩa tình quá.
    Thế rồi hoàn cảnh ngặt nghèo sao đó mà Nội tôi phảỉ bán nó đi. Có lẽ, lão Hạc của Nam cao khi phải bán con Vàng thì cũng không thể đau khổ, dằn vặt hơn nỗi lòng của Nội tôi lúc bán con Vện!. Vện phải về với chủ mới. Đó là một người từ làng xa đến mua cau, thấy nhà Nội tôi có con chó tinh khôn từng hỏi mua, nhưng lúc ấy Nội tôi không bán.
    Vện buộc phải rời xa nhà nội về nhà chủ mới ở làng khác, cách rất xa làng cũ mà nó đã sống.
    Vậy mà kì lạ làm sao, sau mấy ngày cả nhà đều thương nhớ nó thì nó bỗng trở về thăm . Rồi sau đó ngày nào nó cũng về, ban ngày quanh quẩn nhà Nội, đôi mắt nó buồn rười rượi. Cứ khi mặt trời  lặn thì nó lủi thủi men theo đường đồng về nhà chủ mới để canh ban đêm.  Thấy Vện cứ đi đi về về , Nội tôi sợ mất lòng người chủ mới của nó, Nội rủ rỉ khuyên nó đừng về nữa vì nhà đã bán nó rồi, kẻo mất lòng người ta… Vện giúi đầu vào lòng Nội tôi, tru lên nức nở , nước mắt đầm đìa ướt cả vạt lông trên mặt và rời Nội tôi đi mãi mãi. Từ hôm ấy, ngày nào Nội tôi cũng  ra ngõ ngóng trông nhưng không thấy bóng hình nó nữa…
    Sau này tôi nghe kể rất nhiều về những con chó có nghĩa ở khắp nơi trên thế giới. Nhưng con Vện trong hồi ức của ba tôi đã truyền sang tôi những tình cảm mà mỗi khi nhắc đến là tôi lại thấy nhoi nhói trong lòng.
    Có phải vì sự thông minh, nhạy cảm, trung thành của linh vật này mà những người cầm tinh nó bao giờ cũng được người đời tin vào những phẩm chất rất đáng quý trọng chăng?

(Còn nữa...)

5 thg 10, 2012

Dòng sông phố


Những cơn mưa đầu mùa, tuy chưa dai dẳng nhưng cũng đủ để gợi nhớ.
Nhớ đường Nguyễn Khuyến, gần ngôi nhà nhỏ thân yêu ở Ngô Sĩ Liên – Hà Nội. Ngày xưa mỗi 
 khi trời mưa to là nước lênh láng, dâng ngập con đường đến trường Lý Thường Kiệt. Lũ trẻ vui như hộị. Chúng rủ nhau lội từ Cửa Nam đến văn Miếu . Rồi lại từ Văn Miếu về Cửa Nam. Ôi sao con đường không dài thêm quãng nữa cho thoả sự vẫy vùng, khát thèm của  tuổi thơ!
    Dòng sông nào đi qua tuổi thơ không để lại nỗi nhớ, dù đó là dòng sông phố sau những cơn mưa? Khắc khoải trở về dòng sông tuổi thơ!
    Đã bao năm trôi qua, vậy mà bây giờ lại có thêm nhiều phố “Nguyễn khuyến” để “Hà Nội mùa này phố cũng như sông…”. Để những đám cưới, chú rể cõng cô dâu, còn xe thì tự do trôi trên phố và những bàn tiệc không người đến dự vì lấy đâu ra thuyền mà lách trên dòng sông phố!
    Sông phố oằn mình chở nặng những chuyến xe phun khạc làm không gian nhuốm bụi đặc sệt với khói xăng dầu tạo nên một tạp khí đến nghẹt thở. Dòng sông quá tải tưởng chừng như sắp vỡ oà bởi không chỉ các con xe đời mới, các kiểu xe cổ điển của dân sành điệu, bởi xe đạp không cần đạp vẫn lao như tên bắn, bởi những quanh gánh cứ chen chúc với những gì thuộc về văn minh đô thị, bởi người đi bộ không có vỉa hè để cất bước nên đã liều đem tính mạng mình tỷ thí với xe hơi siêu tốc.
    Một Titanic trên đại dương va phải đá ngầm chỉ có thể giết chết trong chốc lát hàng nghìn người rồi vĩnh viễn nằm dưới biển khơi như một đống sắt vụn. Còn trên sông phố, dòng chảy lặc lè ,quá mệt mỏi, ô nhiễm kia đã nuốt bao mạng người mỗi ngày, mỗi tháng, mỗi năm? Và sẽ còn là vương quốc
  thuỷ quái khi giao thông mỗi ngày một bế tắc!
    Sẽ có thêm nhiều sông phố cho những người lội bộ. Nhưng ai dám chắc nó sẽ không bị những chợ đêm trôi nổi, vật vờ khiến bước chân con người vướng víu mỗi khi muốn thả hồn trong đêm yên tĩnh … chuẩn bị cho một ngày mưu sinh vất vả hôm sau?
“Sông cũng như người ấy. Có khi buồn vui có khi hờn ghen, chỉ tình yêu tuổi thơ mới thấy. Ôi những con thuyền giấy, những năm tuổi thơ đã đi về đâu? Để mình tôi nhớ nhung bây giờ…


30 thg 9, 2012

...sóng thời gian


Nếu một mai
biển thôi không vỗ sóng,
bờ cát dài nằm dưới nắng
buồn tênh!

Hàng thông xanh
thôi reo gió
mát lành!

Dã tràng
thôi nhọc nhằn,
xe cát biển đông!

Bước chân em
còn in dấu tháng năm

Anh sẽ làm
sóng thời gian
vỗ mãi...
Sg, tháng 5/2012

20 thg 9, 2012

Hỏi trăng mấy mùa...



"Ai mua trăng tôi bán trăng cho"*
Thi nhân rao bán để mua hẹn hò.

Chạnh lòng nhớ tuổi thơ xưa
Chạy theo trăng đến ngẩn ngơ quên đường!

Thời gian đã mấy dặm trường,
Quay đầu nhìn lại tuyết sương đã đầy!

Trăng vẫn đấy, người vẫn đây
Ôi, sự vật đã vần xoay quá nhiều!

Mai này dừng bước phiêu diêu
Hỏi trăng lặn mọc đã bao nhiêu mùa?...

                      (Viết nhân mùa trăng thu 2012)

                                               
                                             
                                      "Mảnh trăng mồ côi mùa đông..."
----------------------------
*Thơ Hàn Mặc Tử

15 thg 9, 2012

"Con nhà người ta..."


    
Làm sao cho bằng con người ta nhỉ?
    Con nhà người ta để phân biệt với con nhà mình. Ai là người hay nói như thế nhất ngoài các bà mẹ? Khi thấy con mình thua kém hoặc chưa kịp bằng con nhà người ta là bắt đầu bài ca bất tận, nào là con nhà người ta khôn từ trong trứng khôn đi, con nhà mình ăn không nên đọi nói không nên lời, con nhà người ta biết thu biết véncon nhà mình cứ đem của nhà đi phân đi phát.  Con nhà người ta có đôi có cặp con nhà mình giờ vẫn lông bông, lang bang…Khiến những đứa con tự hỏi: không biết con nhà người ta có hình thù, tài năng xuất chúng gì mà cái gì nó cũng đẹp, cũng giỏi ?    Ôi, cái con nhà người ta!    Mà dân gian đâu chỉ có loại con ấy, ngồi buồn kể ra thì vô số.    Con trời con Phật (con cầu tự) là con sinh ra trong sự chờ đón nâng niu của cha mẹ, nó trái với con giời ơi đất hỡi, là con không được thừa nhận khi sự hiện hữu của nó trên đời là có thật, dù cũng một kiếp người.    Con anh con tôi và con chúng ta, đó là bức tranh rổ rá cạp lại mà vẫn không có lạt nào buộc chung.    Con cái nhà ai, nghe mà giật mình, có thể đó là lời khen, sự thèm khát mong muốn có được một đứa như thế nhưng cũng có thể là lời trách móc vì con đó không được dạy dỗ tử tế.    Con gái con đứa, nghe là biết con bé này không vô duyên, thì cũng đểnh đoảng chẳng có gì ý tứ. Còn nếu, con đành hanh là con gái mà lanh chanh, làm cái gì cũng muốn tỏ vẻ ta đây mà kết quả chẳng ra gì.    Con giai con diếc, thằng con trai nào bị mắng thế là dứt khoát không ẻo lả thì cũng ấp a ấp úng, lúng búng như ngậm hột thị, chẳng ra dáng Làm trai cho đáng nên trai.    Con dâu con diếc, chắc hẳn muốn nói loại con dâu đổi ngôi, ngược với kiểu quan hệmẹ chồng nàng dâu ngày xưa. Và cũng không hẳn Con gái là cái bòn, vì thực tế con gái bao giờ cũng chăm chút từng li từng tí, (hoặc dấm dúi) cho cha mẹ ruột của mình nhiều nhất, chả thế mà có câu: Có phước gả con chồng gần/ Có bát canh cần nó cũng mang cho.    Con ông cháu cha, loại con cháu này mới xuất hiện từ cơ chế bao cấp nhưng có sức mạnh vạn năng. Con nhà mình không dám so sánh!    Có ai thống kê hết các kiểu Con trong hàm ý của người Việt ?
Chỉ thấy người ta cứ nói là cố gắng đừng tách chữ CON ra khỏi chữ NGƯỜI!

Con cần bàn tay mẹ

9 thg 9, 2012

Cafe Blog



    “Mẹ ơi gửi cá bống kho tiêu cho con!”. Nghe con gọi điện thoại mà thương quá. Con đi xa nhà, xa quê hương nếm bao món lạ nơi xứ người nhưng vẫn không quên những món ăn giản dị của quê mình.
        Sông Trà quê hương, bắt nguồn từ dãy Trường Sơn đổ ra biển với chiều dài 39km, không cuồn cuộn chảy bốn mùa như sông Hồng nơi mẹ đã từng sống. Mùa khô lòng sông có chỗ trơ thân cát hiến mình cho những người dân kiếm sống qua mùa giáp hạt bằng nghề xúc cát. Còn mùa mưa sông cũng dâng lên cùng những con lũ thượng nguồn đổ về. Nơi đây cá tôm không nhiều về chủng loại cũng như số lượng nhưng con nào ăn cũng ngon, đặc biệt là cá bống được gọi là “Trà giang sa ngư”. Đã có câu: Anh đi anh nhớ quê nhà     Nhớ con cá bống sông Trà kho tiêu

 
    Cá bống kho tiêu vừa dai vừa đậm đà

        Thật ra cá bống không chỉ ở đây mới có. Nhưng cá bống quê mình nhỏ con thôi, rất dai thịt nên kho khô keo lại ăn rất ngon. Bà con, bạn bè ở xa về nếm thử là ghiền luôn, ai cũng mua làm quà “độc&lạ”
Còn một loại cá nữa chỉ sông Trà mới có, đó là cá thài bai. Nó cũng giống hệt cá bống chỉ khác là sống lưng có vệt đỏ sẫm và chỉ nhỉnh hơn cộng tăm một chút xíu thôi. Cá này thường có vào dịp tết, trời se lạnh, mưa liu riu. Người ta hay chế biến cá này bằng cách hấp để xúc hoặc cuốn bánh tráng, hay chiên lên ăn với cơm dẻo. Nhưng con cứ thích mẹ kho khô cong lên như cá bống. Thịt cá này rất thơm và ngọt lạ.

               Cá thài bai và nguyên liệu cho món hấp
    Đôi khi ở nơi xa muốn vội vã trở về vội vã ra đi vì nỗi nhớ cồn cào ,da diết cái món ăn dân dã ấy, chỉ muốn nếm một chút thôi, cho nó tan trên đầu lưỡi vị ngọt ngào quê hương...

*************************************************
Sáng, vừa mở cổng quét phía ngoài hàng rào vì lá sung rụng nhiều quá. Chẳng biết cây sung có làm cho nhà sung sướng không, chứ ngày nào cũng khom lưng quét oải quá! Tự nhiên chị hàng xóm ,vẻ mặt rất quan trọng sang xin ý kiến về một việc có vẻ rất quan trọng.    Chị kể con chị đi học xa nhà, ở trọ cùng bạn đồng hương. Lâu nay thằng bạn ấy không về thăm nhà, mẹ nó cứ hỏi thăm mãi. Con chị đã nói dối thay. Rồi nó kể thật cho chị rằng thằng ấy bị em gái miền tây bỏ bùa mê, thôi học cả năm nay rồi nhưng vẫn đều đều nhận tiền của cha mẹ gửi hàng tháng. Chị hàng xóm nghe mà như sét đánh ngang tai, như thể con chị chứ không phải con của bà mẹ nào đó bị con mình lừa. Con chị thì không dám nói và dặn chị không được nói, nhưng chị bứt rứt không ngủ được, đợi sáng sang đây bày tỏ nỗi niềm.        Tội nghiệp các bà mẹ thương con, chắt chiu từng đồng tiền tỉnh lẻ để nuôi con ăn học nơi thành phố lớn. Vậy mà nó chuyển mục đích sử dụng, từ tiêu pha sang tiêu khiển, một cách không thương tiếc. Giờ phải nói thế nào đây với người mẹ tội nghiệp kia qua bà mẹ tội nghiệp này. Phải  bắt đầu mở lời thế nào để bà mẹ ấy không bị sốc? Để bà tìm cách cứu con? Để tình bạn của hai đứa cùng thân phận ở trọ không trở nên oán hận? Để xã hội này bớt đi một kẻ sẽ có nguy cơ trở thành tầm gửi, sống gấp và bao hệ luỵ khác?
     Vẫn biết Trong thế giới này chúng ta không chỉ xót xa vì những hành động và lời nói của người xấu mà còn cả vì sự im lặng đáng sợ của người tốt.
Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang