31 thg 12, 2012


Chuyện ở tầng 5

Ảnh từ Net
“Bác ơi bác nghe chuyện ở tầng 5 chúng cháu không?”, con bé hỏi, và tôi đã được nghe những mẩu chuyện thú vị của “Những công dân tập thể” thế hệ mới!
Tầng 5 cuả chung cư chúng cháu sống rất vui bác ạ. Mỗi khi đến hè cả tầng lại rủ nhau đi nghỉ mát . Nhưng có một nhà làm tụi cháu luôn khó chịu, ấy là nhà Mr Tắc- Kè. Tôi hỏi “nhà bác ấy làm thầy giáo à?”, nó bảo “không, cứ gọi thế cho trịnh trọng!”
“Tắc Kè” là cách đọc chệch từ “Ích kỉ” chúng cháu thầm gán cho Mr Trí để mỗi khi nói chuyện với nhau mà không sợ đến tai Mr. Bác  ấy nhiều tuổi thứ nhì ở tầng chúng cháu, nhưng con bác còn bé. Nghe đâu bác  bị “evơ”  (tức là ế vợ đấy bác ạ) nên con bác còn bé, bác chiều kinh khủng. Đấy là việc riêng của gia đình bác. Nhưng nó lại thường xuyên ảnh hưởng đến chúng cháu.
Bác đặt tên ở nhà cho con bác ấy là Hến, chúng cháu cũng gọi nó như thế. Con Hến rất hay chãnh choẹ với chúng cháu trong sự bênh vực chằm chằm của bố nó.
Bác biết không, có lần tụi cháu đang nô đùa ở hành lang chung  của tầng, bố nó gọi nó về tắm, nó không chịu về. Bố nó tuyên bố giải tán trò chơi của chúng cháu để  cái Hến tập trung vào việc tắm. Và bảo đứa nào về nhà đứa nấy. Chúng cháu phải đi học cả ngày, giờ mới có tí thời gian gặp nhau. Thế mà bị mắng và đuổi về, chúng cháu ứ chịu, rủ nhau ra một góc khác tiếp tục trò chơi dở dang của mình.
Lần khác, em Hến gọi con bác giúp việc nhà chú Nhân là “thằng da đen nhà quê kia”, bị chúng cháu kịch kiệt phản đổi và sang mách với Mr Tắc Kè về sự xúc phạm người khác, thế mà bác ấy chả hề mắng em Hến, lại còn bảo em còn bé! Chúng cháu nói là mấy bác giúp việc đã khóc khi kể với nhau chuyện này. Bác thử xem thế có được không?
Em Hến luôn gây khó chịu với chúng cháu bác ạ. Một lần mẹ cháu mới mua guốc để ở trước cửa, thế mà em ấy đi xe đạp chẹt qua. Cháu bảo sao em lại làm thế, em  ấy còn trả lời là em thích đi thế cho nó sướng. Sướng sao em không chẹt lên dép của nhà em? Nó im và đạp xe sang nhà khác.  Chúng cháu ghét nó vì cái tính ích kỉ.
Có lần chúng cháu rủ nhau đi thang bộ để chơi các trò chơi mà không cho Hến tham gia. Nó tức về mách bố. Không biết bố nó có nói gì không mà một lúc sau nó chạy ra nói dõng dạc: Nhân danh bố em là tầng trưởng, không cho trẻ con đi thang bộ! Ai cũng lè lưỡi nhại nó, lêu lêu nó, nói đủ các thứ... Thế là nó biết biệt hiệu “Tắc Kè” là gọi bố nó, nó chạy về mách bố. Bố nó tập trung trẻ con tầng 5 lại và bắt xếp hàng xin lỗi . Tôi hỏi “xin lỗi thế nào?”. Nó kể: cả lũ đồng thanh nói “ Chúng cháu xin lỗi bác Trí!”. Mr  phân tích: đứa nào gọi là  bác là “Ích kỉ”, cháu bước ra. Đứa nào gọi bác là “Tắc Kè”, thằng Thóc sợ quá bước lên một bước. Đứa nào không cho em Hến tham gia trò chơi? Con Thỏ Láu cúi đầu nhận tội. Sau một lúc giảng giải, bác ấy doạ sẽ về mách bố mẹ chúng cháu. Nhưng người lớn ở đây ai cũng biết nhà bác như thế nào rồi. Ô tô nhà bác thì đừng có mà mơ chở người khác khi cả tầng cùng nhau đi đâu bị thiếu xe. Mọi người phải tự sắp xếp ,còn xe nhà Mr thì chỉ có người nhà Mr được ngồi!
Con bé kể với cái giọng mỏng tanh và rất tự nhiên. Phải lắng nghe không xen vào những lời nhắc nhở, bình luận thì mới thấu hiểu được nhiều chuyện ở tầng 5 của tụi nhỏ.
Vô tình tôi nhặt được một tấm vé đi tuổi thơ!
                                                                                 (18/12/2012)
-------------------------------------

10 thg 12, 2012

Quê ngoại




Hình ảnh văn hoá Sa Huỳnh


Quê ngoại
                                  Hỡi người biển đẹp vô ngần 
                    Sóng xanh như đến dừng chân Sa Huỳnh
                                                     (Xuân Diệu)

Về thăm quê ngoại Sa Huỳnh
Biển xanh như ngọc, lung linh cát vàng,
Phi lao lặng lẽ mơ màng
Vi vui reo gió ríu ran bốn mùa.
 Dân chài lưới, một vùng quê
Một đời cùng biển đi về sớm hôm.
Nghe trong mỗi ngọn gió Nồm
Mang hơi thở biển đượm muôn mặn mòi.
Cũng là sắc của Đất Trời,
Mà sao màu nắng vàng tươi lạ thường!
Đi qua giông bão đau thương
Lòng người vẫn chốn vô thường, bình yên.
 Sa Huỳnh – văn hoá vẹn nguyên
Lưu danh một thuở linh thiêng đất này!
 Về thăm quê ngoại hôm nay.
Thấy cuộc sống mới  đổi thay đã nhiều.
Sa Huỳnh quê ngoại thương yêu,
Trong xa cách càng thêm yêu quê mình
Ơi quê ngoại tôi -  Sa Huỳnh!  

hongloan.
Một lần đến với Đức Phổ nếu ai đó chưa dừng chân lại với mỏ muối Sa Huỳnh thì thật là một sự đáng tiếc. Sa Huỳnh nằm ở cực nam tỉnh Quảng Ngãi, thuộc huyện Đức Phổ, cách thị xã tỉnh lỵ 60 km. Sa Huỳnh là vựa muối lớn nổi tiếng ở vùng duyên hải miền Trung từ thế kỷ 19 đến nay chẳng thua kém gì muối Cà Ná và muối Hòn Khói.
Địa danh Sa Huỳnh phải viết cho đúng là Sa Hoàng, có nghĩa là cát vàng. Thật vậy, màu cát ở đây không trắng như ở nơi khác mà lại có màu vàng óng ánh thật đẹp. Sở dĩ, phải viết thành Sa Huỳnh, vì chữ “ Hoàng” trùng tên Chúa Nguyễn Hoàng thời Nguyễn sơ.
Các cánh đồng muối ở đây chiếm gần 500 ha và hàng năm sản xuất hàng trăm ngàn tấn muối có chất lượng tốt. Từ làng chài nghèo nàn và hoang sơ, Sa Huỳnh ngày nay đã trở thành một thị tứ nho nhỏ, xinh xinh nằm ẩn mình dưới hàng dương rủ bóng thướt tha và rừng dừa thơ mộng, là nơi mà du khách đã đến một lần thì thông thể quên, không những vì cuộc mưu sinh ở đây dễ dãi mà còn vì tình cảm con người ở đây mộc mạc và thiết tha:
Ngó ra ngoài bãi cát vàng,
Cát bao nhiêu hạt, thương chàng bấy nhiêu
(Theo nguồn internet)


 

Đồng muối Sa Huỳnh
Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang