28 thg 11, 2012

Cất vó


Cất vó
      Mỗi lần xem chương trình “Cuộc sống thường ngày” trên VTV1, được lướt qua bao miền quê với cuộc sống giản dị ,thân thuộc, tôi lại ao ước có một chuyến trở về chốn xưa để thử lại cái cảm giác đi cất vó sớm mai.  Hồi ấy, tôi sơ tán về Thạch Thất –Hà Tây. Nhà mà tôi ở nhờ khá thuận lợi về nhiều mặt. Bác chủ nhà tên là Toàn.Thích nhất là bác có đứa con gái trạc tuổi tôi, nên rất tiện cho việc “buôn dưa” vốn là cái thói chẳng hay ho gì của tụi con gái chúng tôi. Đứa con gái ấy tên  Xoan. Tôi thấy tên nó lạ ,nhưng cũng chẳng hỏi làm gì ngoài cái sự hiểu lơ mơ rằng tên nó là tên một loài cây có trong các câu chuyện cổ tích, và là loài cây tôi cũng đã thấy trên các con đường làng, thế thôi.    Xoan là một đứa bạn rất dễ mến. Nó cởi mở và thân thiện. Hình như nó chưa bao giờ khó chịu với những câu hỏi rất ngố của tôi về cuộc sống quá ư lạ lẫm nơi thôn dã. Nó giải thích cho tôi bao nhiêu lần lá mướp với lá bí khác nhau như thế nào, thế mà tôi vẫn không phân biệt được cũng như  cứ nhầm lẫn quả bí xanh với quả bầu. Điều này khiến thằng Tiến, em trai nó (thua nó có 1tuổi) nhiều lần lườm nguýt, khó chịu khi nghe tôi cứ bầu với bí mãi.    Cái Xoan rất hay mắng át em nó khi có thái độ ấy với tôi và với “quân sơ tán” lóng ngóng, vụng về.Tôi với nó có rất nhiều kỉ niệm, không biết bây giờ ở nơi nào đó xa lơ xa lắc kia với ngần ấy thời gian trôi qua, nó có còn nhớ không, vì nó rất vô tư. Nó hay cười và hay quên lắm!     Tôi nhớ nhất cái lần tôi năn nỉ nó cho tôi đi cất vó với nó. Nó đồng ý nhưng sợ ba tôi la (Cơ quan ba tôi  chuyển một bộ phận về Thạch Thất làm việc) nên hai đứa chỉ ra hiệu ngầm với nhau.    Việc này phải chuẩn bị từ  hôm trước. Tối đó, tôi với nó sậm sụi làm thính (rang cám gạo cho thơm làm mồi) bỏ vào một cái lọ thuỷ tinh . Nó làm rất khéo, tôi chỉ đủn rơm vào bếp cháy cho vui mắt, thoả thích là chính. Rồi nó đi chuẩn bị vó.Vó của nhà nó nho nhỏ thôi, làm bằng vải màn hình vuông, cỡ 45x45 cm, hai nan tre vót mỏng uốn cong bắt chéo buộc  bốn góc vải chắc chắn. Nó chọn các chiếc vó lành lặn xếp lại một chỗ, để  sáng dậy chỉ việc xách đi cho nhanh (những chiếc thủng lỗ chỗ thì nó để riêng và tôi nghe nó lẩm bẩm sẽ vá khi rảnh rỗi).     Tôi nhìn nó chuẩn bị dụng cụ mà tưởng như nó là một người lớn hơn tôi rất nhiều, dù nó vẫn vừa làm, vừa trò chuyện vui vẻ. Tôi cũng muốn giúp nó, nhưng chẳng biết cách, nên nó bảo tôi cứ để nó làm cho nhanh. Đêm đó tôi trằn trọc chỉ mong sao trời mau sáng để tôi với nó lên đường.    Tờ mờ sáng tôi nghe nó rón rén, lịch xịch tấm liếp cửa là tôi bật dậy. Nó cho tôi đeo lọ thính bên hông, nhìn là biết ngay là lính mới tò te. Còn nó đeo cái giỏ tre thắt ở cổ , có nắp đậy như cái phễu, trông rất chuyên nghiệp. Mỗi đứa cầm 5 chiếc vó,  đầu đội nón cời …rời nhà đi .     Buổi sớm, sương còn mờ mịt,chưa rõ mặt người mà sao nó thấy ai cũng nhận ra và chào hỏi rất đúng ngôi thứ.Tôi lẽo đẽo theo nó mà không biết nó sẽ dừng ở chỗ nào. Nó đi chân đất rất nhanh, chốc chốc lại bảo tôi sắp đến rồi. Cuối cùng thì cũng đến đoạn mương nó cho là nhiều tôm tép mà không thuộc của riêng nhà ai. Nó bắt đầu thao tác đặt vó, rắc thính lượt đầu cho tôi xem, rồi lượt sau mới cho tôi làm để khỏi khỏi hao mồi. Sau đó tôi với nó ngồi trên bờ mương chờ. Lúc đó tôi lấy bánh lương khô ra mời nó ăn, nó có vẻ thích cái vị mặn mặn ngọt ngọt của thứ bánh ấy. Lần đầu tiên tôi kéo chiếc vó lên bằng một cái cần tre , tôi hồi hộp ghê lắm, nhưng chỉ vài con tép riu, cái Xoan cũng vét vào giỏ và động viên là nhấc hết mười cái là nhiều lắm. Và cứ thế hết lượt này đến lượt khác, chúng tôi say sưa mãi , khi giỏ tép cũng nằng nặng chúng tôi mới về.     Chiến lợi phẩm ấy được nó phân chia rất công bằng. Tôi chế biến món tép với khế theo hướng dẫn của nó, hí hửng chờ ba về khoe. Ba tôi biết chuyện tôi đi cất vó với nó không xin phép (vì tôi nhát ké, không biết bơi, ổng đã bực mình, lại dính vào vụ ăn chia với nhà dân), ổng bắt để riêng bát tép trả lại chủ nhà. Hồi đó tôi trách ba tôi, sau mới thấy sự cảm thông cuộc sống của người dân lao động còn nhiều khó khăn của ba tôi thật là tế nhị ,sâu sắc.     Cái vụ đi cất vó đã trở thành kỉ niệm không bao giờ quên trong tuổi thơ tôi những năm sơ tán vì chiến tranh. Chiến tranh có ác liệt thì niềm vui của tuổi thơ chúng tôi cũng không vì thế mà không xuất hiện trên chặng đường tôi đã đi qua.

 Ảnh minh hoạ

23 thg 11, 2012

Tỉnh



Tỉnh
Hai con mắt mở cay nồng,
Đôi tai quên hết thanh âm không lời,
Giọng quên hết tiếng à…ơi…
Tay thôi quơ phụ hoạ lời vu vơ.
Chân dừng, thôi bước ngẩn ngơ.
Lòng thôi, giây phút mơ hoa…
 trôi vèo!

14 thg 11, 2012

"Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ"*


Tuổi thơ tôi là một xóm nhỏ trong con ngõ nhỏ của Hà Nội – ngõ Ngô Sĩ Liên.

    “Xóm” là cách gọi của tụi nhỏ chúng tôi về khu nhà chung này. Trước kia, nơi ấy là một phòng khám chữa bệnh của một bác sĩ người Pháp. Trên vòm mái cổng cong theo hình bán nguyệt vẫn còn hiện dòng chữ tên ông. Thời gian đã trôi qua nhiều năm, và bao lần quét vôi mà dòng chữ vẫn nguyên vẹn. Sau ngày giải phóng Thủ đô, Nhà nước tiếp quản đã cho các hộ gia đình thuê. Nhà tôi là một trong mười hộ gia đình ở đây.
    
    Đi vào xóm phải qua chiếc cổng có cánh bằng gỗ rất đặc biệt. Hai cánh cổng làm bằng gỗ, khắc chạm hoa văn và  có những khe hở có thể nhìn ra ngoài đường. Đây là một lợi thế cho tụi nhỏ chúng tôi mỗi khi cố thủ trong xóm sau những lần bị tấn công hay gây chiến với xóm ngoài. Mỗi khi đóng cổng thì cài một chiếc then cũng bằng gỗ dài và nặng, cỡ tụi tôi hồi ấy phải mấy đứa mới đẩy được then. Tôi tưởng tượng như người ta đóng cổng thành ngày xưa mỗi khi giao chiến vậy. Bây giờ kiểu cổng ấy chỉ còn thấy trên phim cổ.

    Xóm tôi ở có kiến trúc rất đẹp và hợp lí. Giữa khuôn viên của xóm là một khoảng đất rộng trồng hoa và cây ăn trái. Vị bác sĩ này quả là có khiếu thẩm mĩ và hiểu biết về phong thuỷ nhất định.

Cả không gian lan toả hương bưởi mỗi mùa nở hoa thơm mát. Cây bưởi này sát nhà bà Hai, nên bà đã tự cho mình quyền quản lí làm chúng tôi rất khó tiếp cận. Chỉ khi nào thấy nhà bà đóng cửa đi vắng, thì chúng tôi mới leo lên hái hoa, mặc kệ gai cào khắp mình mẩy. Hầu như tôi chưa bao giờ được ăn bưởi ở xóm tôi, vì nó còn quá non, the quá chừng, nuốt không trôi!

    Và một cây nữa cũng gắn bó nhiều kỉ niệm với chúng tôi. Đó là cây ổi, loại ổi sẻ ngon tuyệt cú mèo! Tôi không thể nào quên những trạc ổi nhẵn bóng vì không ngày nào chúng tôi không leo lên đó ngồi, rồi chia nhau các cành như thể chia lãnh địa để cùng nhau cai quản vậy. Hiếm khi đứa nào hái được quả chín, vì quả mới chỉ rụng rốn vài ngày đã bị bọn con trai vặt trước, ăn chát lè lưỡi mà vẫn tươi cười hí hởn vì nhanh tay hơn bọn con gái chúng tôi.

    Nhưng nhớ nhất vẫn là cây sấu. Khi tôi bắt đầu biết trèo leo, nghịch ngợm thì thấy thân sấu đã to bằng vòng tay ôm của hai đứa như tôi nối lại. Cây sấu chiếm một vị trí trung tâm nhất của khoảnh sân xóm tôi. Khi sấu chưa ra quả, chúng tôi bứt lá non chấm muối, vị chua chua của lá sấu non hồi đó sao ngon lạ ngon kì! Mùa sấu ra hoa, rụng trắng sân, chúng tôi hót về chơi đồ hàng, thật mê li!
    Mùa sấu ra quả, chúng tôi leo ra lan can tầng thượng chẳng có thành rào bảo hiểm gì, đứa nào đứa nấy nằm rạp xuống run lẩy bẩy với tay hái quả. Thôi thì quả non, quả già, quả xanh, quả chín tụi tôi tuốt sạch sẽ theo tầm tay với. Người lớn từng dặn dò, răn đe…chúng tôi “vâng vâng, dạ dạ” cho qua chuyện, bởi trước sự khiêu khích của những chùm sấu lúc lỉu, chẳng đứa nào cưỡng được! Có lẽ vì cái thú hái được quả trong tay và nếm vị ngon từ quả hái bằng chính tay mình khiến chúng tôi không còn biết sợ là gì.
    Ai đã từng ăn sấu dầm hẳn không thể nào quên vị chua giòn, mằn mặn ngòn ngọt của nó. Tôi còn nhớ cách làm món này. Những quả vàng ươm, được gọt sạch vỏ, cắt vòng theo quả sấu nhưng không để đứt rời từng đoạn, vứt bỏ hột rồi dầm trong nước muối pha đường, ớt…nghĩ đến mà thèm chảy nước miếng! Lớn lên tôi được ăn nhiều món tương tự như  khế ,cóc, me dầm.. vẫn không thể nào nào quên cái vị sấu dầm ngày xưa.
    Ôi “Tuổi thơ kia ra đi cao ngạo thế”!

                                                                                       
-------------------
* Mượn nhan đề truyện của Nguyễn Nhật Ánh

10 thg 11, 2012

Lộ đề



Lộ đề
    “Lộ đề” là cách nói của chúng tôi thường được hiểu ngầm về một sự cố nào đó ngoài ý muốn.     Muốn nhắc nhau về chiếc áo cài nút hớ hênh, chỉ cần: “lộ đề kìa!”. Một việc giấu giếm bị phát hiện thì xếp vào “lộ đề”…    Trường hợp "lộ đề"  này không giống như thế.    Hôm ấy vào lớp, tôi thay việc kiểm tra miệng đầu giờ bằng kiểm tra bài soạn ở  nhà. Biết là có sách tham khảo đầy rẫy ở siêu thị, trên các sạp sách đường phố, tôi không muốn trò sao chép những câu trả lời khuôn mẫu của nhà biên soạn nào đó, mà thiếu chính kiến, cảm xúc của cá nhân mình với từng tác phẩm văn học. Lướt lướt qua từng bàn, và tôi chỉ dừng lại ở những bản “foto coppy” của những tay lười biếng, đối phó để xem mức độ xào xáo của chúng tới cỡ nào. Rồi buồn bực, tôi vẫn phải nói cái điều “ biết rồi khổ lắm nói mãi”…Lớp học lặng hẳn, chẳng đứa nào dám ho he, hóc hách, chỉ len lén đưa mắt nhìn nhau rất hàm ý và hình như chúng nó thở cũng khe khẽ hơn thì phải.    Tôi nào đâu có muốn tạo ra cái không khí ấy, mà sự thể đưa đẩy như thế, tôi biết làm sao. Đúng là “ nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò”!    Rồi thời gian không ngưng đọng theo dòng trầm ngâm của mỗi người. Bài mới vẫn phải thực hiện theo đúng chương trình của “ông” Bộ . Tôi mở cặp.    Bỗng “bộp!”, củ khoai luộc vô duyên từ trong cặp tôi rơi ngay trước lớp. Trò nào cũng nhìn thấy mà không đứa nào dám hé môi . Tình huống bất ngờ này tôi còn biết làm gì hơn là bật cười (Củ khoai cô bạn giúi vội vàng hồi nãy,chưa kịp dùng). Cái cười bất đắc dĩ lại có sức lây lan mới chết, nó làm cả lớp cười theo như thể những bình oxy bật nắp chờ mồi lửa là tưng bừng cháy. Một trận cười vang lên tưởng vỡ lớp đến nơi (có đứa còn vỗ vào mặt bàn “bồm bộp” cho đã!). Bao nhiêu bực dọc, đè nén tan biến sạch trơn.    Một trường hợp lộ đề quá hi hữu!    Tôi cảm ơn củ khoai quá đi! Giá mà tôi nuốt trộng hồi nãy thì có lẽ lớp học sẽ diễn ra vô cùng căng thẳng, tẻ nhạt    Tôi nghĩ, đôi khi một tình huống ầu ơ…có thể cứu vãn một không khí nặng nề mà nếu ta cố tìm cách cải thiện cũng chưa chắc gì hoàn hảo hơn!    Có lẽ trong kỉ niệm về tuổi học trò của tụi nó, hình ảnh củ khoai ấy sẽ in đậm một dấu ấn

5 thg 11, 2012

Say


Say
Môi nào chưa nhấp mà say,
Tay nào vụng, lỡ rót vay ưu phiền.
Chân nào bước ngả ,bước xiên,
Lòng nào chuếnh choáng về miền… không ta!


"Giọt rượu nào mãi chua cay trong tình vẫn u mê..."

3 thg 11, 2012

Rừng mơ

"Rừng mơ của Tào Tháo"!    Đã hơn một năm, các Nhà giáo nơi đây vẫn hướng về “Rừng mơ” để giải toả cơn khát phụ cấp thâm niên!    Kể từ cái mốc được hứa hẹn ấy - 1/5/2011, ai cũng xây đắp bao dự định mà mãi đến hôm nay vẫn đành “Nuốt thèm cáo mới bảo rằng: nho xanh!”    Đã có một quyết tâm được hô to về một chầu Karaoke hoành tráng ! Hát cho nhau nghe, dù “Đường xa ướt mưa” vẫn “Một mình” “Một cõi đi về”! Hát giữa “Giấc mơ trưa”  với “Ly café Ban mê”. Hát về “Vết chân tròn trên cát” về anh thương binh “ vẫn đi về trên con đường mòn…vẫn ôm đàn dạy các em thơ bài hát quê hương”, ngân nga giai điệu “khi tóc thầy bạc, tóc em vẫn còn xanh, khi tóc thầy bạc trắng chúng em đã khôn lớn rồi…”…    Đã có một hứa hẹn cùng nhau xuyên Việt, để biết “rừng vàng biển bạc” cạn kiệt tới đâu mà về khuyên học trò  đừng chọn nghề “khai thác” nữa. Và để biết còn bao nhiêu nơi trẻ em phải thay nhau mặc một chiếc áo trắng đến trường mà nhắc trò mình đừng viết, vẽ bậy lên sách giáo khoa, mai mốt còn giúp các bạn miền núi  thiếu thốn có thêm điều kiện trên hành trình đi nhặt từng con chữ.    Đã có bao nhiêu dự định từ cái khoản “trời cho” (trò chơi) ấy!
    Vậy mà thẻ ATM cứ ỳ ra , chỉ có mỗi con số thôi mà cũng không chịu nhảy?
    Nhưng có lẽ cần phải biết chờ đợi, nhâm nhi ước mơ thì cơn say hiện thực mới thoả thích!    Hỡi phụ cấp thâm niên, mi thật là thú vị! Ta giận dỗi  sự chậm trễ của ngươi, nhưng ta không còn cách nào khác là rèn luyện lòng kiên nhẫn để chờ đợi ngươi! Hỡi “Rừng mơ”!



Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang