29 thg 11, 2013

Ơ hay !

Ơ hay,
trời 
đã lập đông,
Dùng dằng 
nắng quái
vẫn không muốn dừng!


Ơ hay
vũ trụ 
xoay vòng!
Cớ sao
ta cứ bận lòng...
mùa trôi?

Ảnh từ Google

15 thg 11, 2013

Y Thị

Y thị là người có may mắn từng được ngồi trên ghế nóng một số nhiệm kì. Và chính cái thời “một phút huy hoàng rồi chợt tắt” ấy đã cho Y thị cơ hội được nói mạnh miệng. Thị nói rất rát về những người làm thêm bằng chính trí lực và sức lực của họ theo nhu cầu có thực của xã hội. Kẻ sĩ bị phân tích, mổ sẻ đau dữ lắm, phản ứng dữ lắm. Rồi Thị cứ nói, họ cứ làm và thời gian cứ trôi!
Đến ngày ghế của Y thị nguội, hay nói cách khác, chiếc ghế nóng của Thị đã thuộc về người khác, theo quy luật đào thải của thời gian và tuổi tác.
Thị bắt đầu có điều kiện nhìn lại những sản phẩm của riêng Thị.
Cái đứa con gái đầu của Thị, xét về hình thức thì, giời đã lấy mất nước da trắng của Thị để bắt nó phải nhận màu da không lấy gì làm sáng sủa. Cái mũi gãy của nó là bản sao cuả Thị không chối cãi được, May mà giời cho nó một chút gọi là để kiêu hãnh với đời là cái dáng, trông cũng tạm ổn. Nó kinh qua mấy trường mà cuối cùng chẳng biết chuyên môn chính là gì, chỉ biết nó về làm nghề em-mờ-xi (MC) cùng đồng nghiệp “thổi kèn đám ma, bê hoa đám cưới”. Phận nó long đong, với đời chồng đầu thì như bố với con, uýnh nhau bất phân thắng bại. Sau khi lôi nhau ra toà mới mạnh ai nấy đi. Đời chồng thứ hai (không biết là áp chót hay là đời chót rồi) thì như thể tình chị em, bờ vai dựa dẫm của nó quá mong manh!
Để giữ sĩ diện cho Thị và tiếng tăm một thời còn sót lại, Thị đuổi nó ra khỏi khuôn viên nhà Thị một thời gian rất dài. Nó hết chỗ bám víu, lại về ăn vạ Thị. Thị từ chối hết cả việc của dân phố, không có lí do gì, mặt mũi nào mà để nó ngồi ì trước cổng được, thế là Thị phải mở cổng và mở hầu bao tích cóp những năm quan trường miễn cưỡng rước nó vào!
Còn thằng con trai của Thị, cũng mức trung bình về các thể loại hình thức, đức hạnh. Học đại học ra trường, làm phó phòng ở Sở nọ. Nó cũng có vợ cao ráo, công ăn chuyện làm ổn định, có con trai để nối dõi tông đường như nó là cháu đích tôn của ông nội nó vậy. Thế mà tự dưng đổ đốn, đến mức vợ nó phải chịu vạ lây khi mọi người bàn tán về clip chồng mây mưa say sưa với loại “thuê bao trả trước”. Thị im lặng trước mọi sự rì rầm của láng giềng, của mọi người biết Thị và Thị biết họ, nhất là những người Thị từng lên án về cuộc sống khó khăn phải đổi chất xám để đong gạo chứ họ không loạn chuẩn như con Thị.

Vậy thì kết cục đời Thị đã được và mất gì hỡi dân gian với cái lời muôn năm không cũ “ quan nhất thời dân vạn đại” ?

Ảnh từ Net

4 thg 11, 2013

Những phận đời mòn mỏi

Một lần bất đắc dĩ phải ngồi trên vỉa hè đường phố Sài Gòn về đêm, do xe máy trục trặc, tôi chứng kiến những mảnh đời sậm sụi, cặm cụi, mong manh…mà thấy cõi tạm này sao quá cập kênh, bất ổn.
Lúc chạy trên xa lộ Hà Nội, tôi cố tránh xa những chiếc xe lớn, nhất là xe container. Nhưng âm thanh chuyển động của nó cứ dội vào tim tôi, không phải nó chỉ làm tôi hoảng sợ, mà còn làm tôi lo lắng về những điều gì đó rất xa xăm ,mơ hồ. Cũng âm thanh ấy trong những đêm không ngủ được, tôi đã từng nghe ở thành phố nhỏ quê tôi, khi hàng đoàn xe nối nhau chạy trên đường cao tốc. Tôi cảm thấy những chiếc xe nặng nề ấy sao nó buồn bã, câm lặng chuyển mình trong không gian quá hoang vắng, rợn người đến thế. Âm thanh rõ mồn một rồi xa dần, xa dần…Không biết những người lái xe chọn nghề hay nghề chọn họ trong cuộc mưu sinh tiềm ẩn đầy rủi ro như vậy?
Thoát khỏi xa lộ, hoà vào dòng xe đang hối hả trên các con đường rộng mấy cũng thấy chật. Mẹ con tôi phải tìm chỗ sửa xe, lạy trời, gặp thằng nhỏ sửa xe mà mừng như sắp thoát khỏi cướp đường đang rình rập đâu đây. Thằng nhỏ đó vừa qua tuổi thiếu niên là cùng. Trông nó lem luốc, vì xăng dầu, bụi bặm, nhưng nó rất thạo việc. Đêm hôm khuya khoắt lẽ ra nó đang phải ở nhà học bài thì lại ở đây chờ khách lỡ đường để thêm một chút cho miếng cơm manh áo ngày mai.


Trong lúc ngồi chờ thằng bé sửa xe sát chỗ cô gái bán bún hay mì gì đó. Tôi thấy bàn ghế của cô chẳng có ai ghé vào. Cô ngồi dựa lưng vào chiếc ghế nhựa rách phải buộc chằng chịt những sợi nilon rất tạm bợ, để xem báo dưới ánh đèn đường. Tờ báo đã nhàu nát lắm rồi, vẫn ba cái tin có chữ “…giết người”. Chạy lăng xăng quanh chiếc xe hàng của cô là một cậu thanh niên, chẳng biết là gì của cô, chỉ thấy thỉnh thoảng cậu lại lướt qua cái thớt thái thịt sẵn (hình như thịt khô thì phải) nhón một miếng bỏ vào miệng nhai cho vui. Chợt nghĩ tuổi của họ còn trẻ quá, chẳng nhẽ họ cứ sống mòn vậy sao? Có bao nhiêu người sinh sống như thế trong thành phố hoa lệ này, trên đất nước này?   


Nếu tiền tỷ mồ hôi nước mắt của những người lao động đóng góp để xây dựng Đất nước không bị thất thoát do quản lý yếu kém, do tham nhũng, chạy ghế…thì đời sống vật chất, tinh thần của những kiếp người tội nghiệp kia và còn hơn thế nữa đâu đến nỗi chỉ là một sự tồn tại mỏi mòn?



Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang