10 thg 9, 2013

Chú Huệ

Chú Huệ là y sĩ của trại trẻ sơ tán của cơ quan ba tôi. Nếu tôi không có một trận ốm nhớ đời thì có lẽ cái sự đời nó cũng tuồn tuột trôi qua và chú cũng như bao người khác mà tôi sẽ vô tình lướt qua, để đánh mất cơ hội hiểu về một tấm lòng nhân hậu.  Khi tôi viết những dòng này thì chú đã ra người thiên cổ từ lâu lắm rồi. Tôi không có ý định tri ân bằng những dòng chữ theo cái lẽ thường tình. Tôi chỉ muốn khắc ghi trong lòng về một người chú mà tôi kính trọng, biết ơn sâu nặng.
Hồi ấy cơ quan ba tôi tổ chức cho con em đi sơ tán khỏi Hà Nội, tránh cuộc chiến tranh leo thang của Mỹ ra miền Bắc Việt Nam, một sự di dời đầy may rủi!
Vì các cháu thì đông mà lán trại ở tập trung có hạn, nên chị em tôi cùng một số bạn nhỏ nữa được sắp xếp ra ở nhờ nhà dân. Điều này làm tôi thất vọng tràn trề. Bởi tôi đang  háo hức một cuộc sống tập thể. Tôi ngây thơ tưởng tượng những trò trẻ con của những đứa không có bố mẹ bên cạnh nhắc nhở sẽ vô cùng thoải mái, tự do, hệt như tụi nhỏ bây giờ mong muốn được đi cắm trại vậy!
Giữa cái thời buổi sự sống và cái chết mong manh, mà chỉ nghĩ đến được vui chơi! Rõ là khờ đặc cán cuốc!
Chính cái hoàn cảnh bất đắc dĩ  ấy đã cho tôi một vốn sống, một sự trải nghiệm mà tôi ngẫu nhiên biết ơn chiến tranh!Thật là một nghịch lí.
Ở nhà dân, chúng tôi được tự do hơn những đứa ở trại, nhưng lại có những nỗi khó khăn,khổ sở phải âm thầm chịu đựng ,thay vì lũ bạn được các cô chú phụ trách quan tâm giúp đỡ kịp thời.
Tôi nhớ nhất trận ốm nặng hồi sơ tán ấy.
Mấy hôm liền tôi sốt li bì, cứ nằm bẹp một chỗ, ngồi dậy lại ngã dúi dụi xuống giường, chẳng ăn được gì, toàn uống nước. Trong lúc hoảng loạn hay bản năng sinh tồn thôi thúc,tôi bảo em tôi đi báo cho y tế của trại. Em tôi lúc ấy mới học vỡ lòng, lũn cũn chạy quãng đường xa đến hơn cây số lên trại, báo: chị cháu tự nhiên không ngồi được. Khoảng xẩm tối, tôi đang mong em về thì nó xuất hiện theo sau là chú Huệ, vai chú đeo “túi cứu thương”. Chú đặt ống nghe, cặp sốt, bắt mạch cho tôi xong chú hỏi tôi một số câu nữa, ánh mắt chú lo lắng nhìn tôi, rồi chú quyết định cõng tôi lên phòng y tế của trại.  Tôi vắt vẻo trên lưng chú y như hồi nhỏ được ba cõng trên lưng chơi trò” nhong nhong ngựa ông đã về…”. Tôi đi mà thương em ở nhà một mình với chủ nhà, nó nhìn tôi sụt sùi ,còn  tôi cũng rơm rớm nước mắt. Những ngày sau đó nó lủi thủi một mình ở nhà, còn tôi cô đơn trên phòng y tế.
Phòng y tế cũng là gian nhà ở của bố con chú Huệ. Chỗ giường tôi nằm có một ô cửa sổ bằng song tre, gió thổi mát rượi. Hàng ngày em tôi đến thăm, nó rụt rè đứng ngoài cửa sổ nhìn vào,  chiều cao của nó vừa đủ để nhìn thấy tôi. Cứ thấy thoáng có ai là nó sợ ngồi thụp xuống, đợi im lặng lại thò đầu lên nói đủ các chuyện diễn ra trong thời gian tôi vắng nhà. Nó không nói nhớ tôi như thế nào, nhưng ánh mắt nó cho tôi biết nó rất mong tôi về với nó. Được chú chăm sóc, tôi tỉnh dần lên, nhưng vẫn còn yếu nên chưa thể về nhà được.
Sau vài ba hôm điều trị, chú cho tôi ra gian ngoài rộng rãi, bớt không khí thuốc men. Nơi có hai dãy giường tre dài từ đầu nhà đến cuối nhà. Một góc của dãy giường sat tấm phên được bố trí cho người ốm , còn lại là vị trí đã phân cố định cho các cháu theo lứa tuổi, nam, nữ…Một hôm chú đi công tác, tôi bỗng dưng bị đuổi ra khỏi phòng lúc trời tối đen như mực. Tôi sợ quá, ngồi ngoài hè khóc gọi “má ơi con sợ quá!”. Vậy mà bố thằng Dũng, người đuổi tôi ra vẫn mặc kệ tôi (chả là bố nó từ Hà Nội lên thăm con, đêm đó ở lại với nó). Tôi đang bị nỗi sợ hãi hành hạ, muỗi đốt, mệt mỏi…thì may quá nghe tiếng chú Huệ, chú đã về. Chú vào không thấy tôi đâu,  chú đi tìm tôi, ra ngoài thấy tôi ngồi khóc chú dẫn tôi vào, tôi oà lên nức nở.Tôi nhớ chú nói với bố thằng Dũng những tiếng rất to, vẻ mặt đầy bực dọc. Lúc ấy chú y hệt ba tôi vậy. Còn tôi như đứa con tựa vào cha mình, vững chãi.
Chiến tranh tạm dừng trong thời gian họp Hội nghị Pa-Ri, chúng tôi lại trở về Thủ đô sống bên ba má, trong gia đình ấm áp, yêu thương. Tôi vẫn nhớ mãi người lương y với một tình thương làm rung động tình cảm thiêng liêng trong tôi, đã cứu sống tôi không phải từ sự huỷ diệt của đạn bom, mà từ bàn tay tử thần núp dưới sự ốm đau  thiếu điều kiện chăm sóc của mẹ cha – còn nỗi buổi tủi, thiệt thòi nào hơn như thế cho một đứa trẻ? 

Ảnh từ Nét

6 thg 9, 2013

Gái Thỉnh

Thỉnh là tên con bé ở trong xóm hồi tôi sơ tán ở xã Quảng Bị ,huyện Chương Mỹ, Hà Tây. Nó có đặc điểm mà cho đến giờ tôi vẫn không thể hiểu, vì thể nên nhớ mãi về nó
Nhà nó ngay trước ngõ người chủ nhà mà tôi ở khi sơ tán. Nhà chủ tôi rộng rãi, có sân vườn, cổng ngõ, kín đáo bao nhiêu thì nhà nó tuềnh toàng bấy nhiêu. Chỉ cần đứng trước nhà nó là biết hết nội thất bên trong. Nhà nó không có tường rào cổng kiếc gì, nhà làm bằng đất trộn rơm trát làm vách, một dãy ngang mấy gian thẳng đuỗn. Chị em nó toàn chơi trên cái sân đất trước nhà. Tôi không hiểu sao mà trẻ con trong xóm rất it chơi với chị em nó, còn cái “quân sơ tán” tụi tôi thì không kể làm gì. Hồi ấy tôi thấy nó rất kì dị . Nó trạc tuổi tụi tôi hồi đó hoặc lớn hơn một tí, đã qua tuổi học  võ lòng, giờ đang học lớp 1, 2 gì đó. Nó bị sún hai chiếc răng cửa, mà lẽ ra tuổi ấy đã mọc lại. Đầu nó lúc nào cũng bù xù, mặt mũi lem luốc trông rất bẩn mặc dù da nó trắng nhưng bủng beo. Nó mặc những chiếc quần mà tôi nhớ chẳng ra quần ngắn hay dài, lại rộng thùng thình, chắc mẹ nó sửa lại từ quần của mẹ nó. Điều này làm tôi nhớ đến chiếc quần của nhân vật trong truyện của Nguyễn Nhật Ánh, phải mặc quần cũ sửa lại có tam giác Béc mu đa ở sau mông (vì nới rộng lưng), mỗi khi đi học phải đi thật sớm, về thật muộn để tránh ánh mắt chế giễu của lũ bạn học. Ba chị em nó thường hay chơi chuyền, chơi xương cầy, chơi ô ăn quan. Nó rất biết dỗ em và bày các trò cho em nó rất tài. Hầu như không đứa em nào dám ra khỏi khuôn viên sân đất nhà nó, mặc dù mắt các em nó tỏ ra rất thèm thuồng những trò chơi của tụi sơ tán chúng tôi như chơi nhảy ngựa,  chơi ù, bịt mắt bắt dê…
Nhưng đó chưa phải là cái lạ của nó. Mà tôi rất nhớ việc nó thường xuyên ăn nhọ nồi, miệng nó đen xì, trông rất kinh. Mỗi khi nó lên cơn thèm nhọ nồi là nó bê nguyên cái nồi đun bằng củi, rơm có từng lớp nhọ nồi dày, ra ngồi trước hiên cạy lên từng mảng nhai rau ráu như người ta nhai cơm cháy vậy, em nó ngồi nhìn, không dám xin hay vì chúng không thèm món đó? Chúng tôi đi qua  nhìn nó vì lạ lẫm, vì kinh hãi, hay vì tò mò… đều bị nó đáp lại bằng ánh mắt y như của phù thuỷ. Ai cũng lẳng lặng đi, chẳng dám hỏi nó về việc ấy. Bao năm trôi qua, tôi vẫn chưa  lí giải vì sao gái Thỉnh lại ăn nhọ nồi. Có lẽ nó bị thiếu một chất gì đó, nói như kiểu khoa học bây giờ.
Không biết giờ nó có một cuộc sống cân bằng chưa. Gia đình nó đổi thay thế nào rồi. Tôi ước có một ngày trở lại nơi sơ tán ấy để ngắm nhìn cảnh cũ người xưa, biết rằng vạn vật không đứng im, nhưng hình ảnh những con người như gái Thỉnh vẫn lưu lại trong tôi  dấu ấn về một con người, về một cuộc đời thoảng qua mà tôi không quên.


Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang