21 thg 12, 2014

KHÓC MẸ

Mẹ về với cõi thiên thu
Mồ côi, còn lại lời ru đẫm buồn
Mẹ ơi chớp bể mưa nguồn
Từ đây vắng mẹ biết còn cậy ai?

CHO CON GỌI LẦN CUỐI "MÁ ƠI...!"

Mới đêm qua còn ngồi bên má, nghe từng nhịp thở nhọc nhằn của má, con nhớ ngày xưa còn bé ở bên má…
Cái lần con sốt xuất huyết bị hạ nhiệt đột ngột, trong lúc con chơi vơi giằng co với thần chết, con nghe má gọi, má khóc, con quay đầu chạy về núp bên má. Con lại nhớ má chở con đi sơ tán bằng xe đạp nam, qua chỗ bùn trơn ,xe đạp chuẩn bị lao xuống ruộng, con nhảy xuống nắm đuôi xe kéo lại ,má cười khen con nhanh trí. Con lại nhớ con bị chốc đầu má chữa lành vết thương cho con…
Vậy mà con bất lực ngồi nhìn tử thần giành giật má mà không có cách nào níu giữ. Phải chấp nhận qui luật đến rồi đi trong cõi vô thường, con thật bất lực quá, má ơi!
Hôm nay con ngồi bên má chứng kiến giây phút má trút nhịp thở cuối mà lặng đi. Con đã tự nhủ không khóc để má thanh thản trút bỏ xác phàm về cõi Phật, Vậy mà nước mắt cứ trào ra. Con biết từ đây xa cách ngàn trùng, không bao giờ còn được gọi “má ơi” một lần nào nữa.
Con không còn dịp chờ trời ấm áp hơn để gội đầu cho má nữa rồi!
Đêm nay con lại ngồi bên má, nhưng không còn những nhịp thở khó khăn, đau đớn không còn hành hạ má nữa. Nét mặt má giờ thanh thản lạ thường, má đang đi về cõi Phật, đi về nơi ba đang chờ đón

Cho con gọi má một lần nữa thôi “Má ơi…!”

11 thg 11, 2014

NHÀ ƠI...

Phải tạm biệt mãi mãi ngôi nhà dấu yêu lòng quặn thắt, buồn thương đến vô cùng!
Cho dù việc di dời nằm trong kế hoạch lớn của đại gia đình, vậy mà ngậm ngùi, tiếc nuối mãi khôn nguôi!
Nhà ta chỉ là ngôi nhà trệt đơn giản, có mảnh sân phía trước để cây cảnh chẳng giống cây nhà ai, và không gian trống có nắng, có gió phía sau.
Đứng trên mảnh sân vuông thân thuộc ngày nào, đưa những nhát chổi quét dọn những ngày cuối, lòng lặng đi. Giá mà khóc lên được, gào lên được thì lòng có vơi bớt được sự trĩu nặng về sự phụ bạc của mình với ngôi nhà yêu quý này không?
Trên cái sân này, mình đã trồng hai hàng cau vuông góc theo hàng rào, bảo là khi nào cau có trái thì con trai sẽ cưới vợ. Cau đã sinh hạ mấy mùa quả tròn đều từng buồng, từng buồng, như ý chủ nhà, thế mà thằng con trai còn mắc nợ đèn sách, lần lữa chưa đáp lại tình trầu cau. Để bây giờ Hoa cau rụng trắng sân nhà ai ,mà hương cau ngan ngát bên vườn trầu…
Cây Thiết mộc lan tết này sẽ dâng hương thơm cho chủ nhân mới mà đâu biết làn hương dịu dàng của nó còn vấn vít mãi hồn người chủ cũ đã biền biệt xa!
Những chiếc chuông gió bằng tre nứa rung lên như suối đàn T’rưng mỗi khi gió lùa, có biết chăng chủ của mi không còn được nghe tiếng mi ngân nga những cung bậc trầm bổng nữa? Đừng trách họ tệ  bạc nghen chuông, bởi họ có thể gỡ mi đi theo, nhưng hình như họ không nỡ tách mi ra khỏi ngôi nhà mà mi đã che chắn cho nó suốt những năm qua theo quan niệm phong thuỷ của người phương Đông! Hãy tiếp tục sứ mệnh cao cả của mi, âu cũng là cái phước mà chủ cũ muốn gieo lại cho người mới đến, chuông à.
Cảm ơn những chiếc cửa mở ra đóng vào khi ta ra đi và trở về. Một tay cầm bị hỏng mà chỉ có chủ của mi mới biết cách vặn xoay, ta không muốn sửa vì mi cũng quá đỗi thân quen. Nếu chủ mới có thay thế thì đó là ý của họ chứ ta chẳng nỡ rời xa dù chỉ một chi tiết nhỏ trong ngôi nhà này!
Có một bậc cấp cao hơn so với bước chân quen thường bước, từ nhà trước ra nhà sau. Cái bậc rất đặc biệt ấy, chỉ nhà ta mới có, giờ cũng phải tạm biệt rồi, hãy làm quen với những bước chân mới lạ và nhắc họ đi đứng cẩn thận nhen bậc cấp yêu quí.
Chiếc kệ gỗ ba tầng vẫn đứng đó để ngăn hờ chiếc giường nằm xem ti vi với bếp núc (chủ mới “sao y bản chính” cách bài trí nhà ta nơi này!). Gian bếp rộng thênh thang vừa là nhà ăn, nơi cả nhà sum họp mỗi bữa cơm và trò chuyện, thư giãn. Hồi xây dựng gian này, cả nhà đều muốn nó thật rộng(hơn 60m2), không ngăn vách để cả nhà luôn nhìn thấy nhau. Đây là nơi ấm áp, đoàn tụ cả gia đình mỗi khi xa nhau trở về. Một không gian đầy kỉ niệm giờ đã đi vào giấc mơ của từng người trong nhà ta rồi!
Cái phòng tắm mà lũ bạn của con trai đến phải la toáng lên: Trời! hôm nào tụi mình vào đây nhảy hiphop cũng được đấy! Nó rộng và thoáng, ai đến cũng có chung một cảm giác thoải mái. Sẽ chẳng nơi nào ta chuyển đến có cái phòng tắm “đã đời” như thế! Ôi giá như chuyển dịch được nó theo !
Phía góc đằng sau cuối nhà là một hồ cá do chính tay con trai cầm bay xây. Dân mỹ thuật đi làm kỹ thuật, vụng về nhưng được phết! Nó đã nuôi những con chép vàng, chép Koi Nhật Bản uốn lượn đẹp như tranh. Khi rời nhà, nó lặng lẽ ngồi bên hồ cá rất nhiều lần trong ngày và nhiều ngày trong tuần. Nó để lại mấy cặp cho chủ mới để hi vọng có dịp trở về vẫn thấy lại cảnh xưa, còn đâu nó đem tặng bạn nó, bạn ba nó –những người mê chơi, biết chăm sóc cá cảnh mà nó tin tưởng. Hình như nó đã gửi một phần tâm tư vào nơi ấy!
Vẫn biết cuộc sống là vô thường, ngay cả kiếp người cũng chỉ là kiếp ở trọ trần gian mà thôi!Vậy mà sao ngôi nhà cũ cứ mãi là chốn đi về bất biển trong lòng ta. Nó cứ lặng lẽ thuỷ chung như thế, mà sao ta nỡ rời xa nó?
Nhà ơi, ta mang theo một lời xin lỗi vì biết không bao giờ nói hết lời tạ từ với Nhà yêu dấu. Cho ta mượn lời thơ của thi sĩ Chế Lan Viên để nói lời sau cuối với Nhà của ta nhé:
“Khi ta ở chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi đất bỗng hoá tâm hồn”

3 thg 11, 2014

LUNG LINH TUỔI THƠ

Ai cũng từng đi qua sân ga tuổi thơ. Và đó là nơi khởi đầu hành trình của một đời người. Mỗi khi quay đầu nhìn lại nơi xuất phát ấy, người ta không thể không nhớ những dấu chân đầu tiên!
Những trang đời cứ lần lượt hiện ra theo dòng hồi tưởng của một người đã đi qua hơn nửa thế kỉ thời gian. Những mảnh hồi ức gian khổ mà hồn nhiên, trong trẻo như những mẩu chuyện cổ tích hiện đại làm người ta vừa nâng niu, trân quý, khâm phục, vừa thấm lòng nhẹ nhàng, man mác. Có lẽ với tác giả, đó là những năm tháng đẹp đẽ nhất của đời người mà chị đã trải qua, nên chị đã nắn nót đặt cho nó một cái tên trong veo, lấp lánh như pha lê: “Lung linh tuổi thơ”!
Ở đây, ta như gặp lại tuổi thơ của mình qua những cảm nhận rất hồn nhiên về thế giới xung quanh. Từ những bức phù điêu khắc hình tượng thiện ác, những công viên, cửa hàng bách hoá, khu tập thể thời bao cấp…một thời của Thủ đô, đến những cánh đồng quê thơm mùi lúa mới, những con trâu cõng những đứa trẻ trên lưng thong dong mỗi buổi chiều về nơi sơ tán, …tất cả đều hiện trên từng trang kí ức rất giàu cảm xúc của một đứa trẻ nhạy cảm, giàu tình yêu thương, nhân ái.
Nhưng có lẽ ấn tượng sâu đậm hơn cả là những trang viết kể về những năm sơ tán thời chống Mỹ.
Với trẻ con không có nỗi buồn nào lớn hơn là phải xa cha mẹ. Vậy mà chiến tranh còn bắt chúng phải gánh thêm nỗi khốn khó, lo toan cuộc sống và sự tự cứu lấy mình khỏi bom rơi, đạn lạc. Từ việc tự chăm sóc bản thân của đứa trẻ chưa đầy mười tuổi, gắn với việc lo lắng chăm nom em. Biết bao nỗi khổ không lời, nào ghẻ lở, thiếu thốn vật chất lẫn tinh thần. Vậy mà ta vẫn cảm nhận được vẻ đẹp của đồng quê, với những làng nghề nơi chị từng sơ tán thật yên bình. Ta biết nghề đan lát tre nứa nó cầu kì thế nào từ cách chuốt những sợi nan, nghề nuôi tằm vất vả ra sao chứ không kinh hãi như ban đầu thấy tằm như những con sâu. Những con ngỗng vươn cổ dài rượt đuổi người lạ cũng trở nên đáng yêu khi đã thân quen thế nào, những con lợn sục mõm vào máng ăn mới lạ lẫm với những đứa trẻ thị thành chỉ biết nhìn thịt lợn đã thành “miếng” ra sao. Từ hình ảnh ảnh cây cọ vùng trung du đến những cây sắn, cây mướp, giàn bầu…qua miêu tả của tác giả mà thấy thêm yêu làng quê Việt Nam hơn.
Đứa trẻ ấy cứ hồn nhiên lớn lên, tích luỹ vốn sống từ thực tế. Một bà chị 9 tuổi đầu, tay hòm chìa khoá (treo lủng lẳng trên cổ) làm sao để phân chia thức ăn ít ỏi cho đủ từng bữa, chế biến thực phẩm thế nào cho lợi nhất mà vẫn ngon miệng. Ta không khỏi buồn cười khi món trứng rán vì cho quá nhiều bột mà thành bột cõng trứng, những món ăn chế biến từ gà mắc dịch chán ngấy hết bữa này sang bữa khác. Ta cảm thương đứa trẻ đêm đêm soi đèn dầu bắt muỗi cho em mà có hôm suýt gây cháy nhà. Chiếc gàu tát nước đêm trăng trong ca dao lại hiện ra trong tay đứa trẻ cố sức múc từ giếng lên tiềm ẩn đầy rủi ro, để tắm giặt hàng ngày, khi bị rơi gàu thì lo sợ tìm cách vớt bằng được.
Người đọc sẽ nhớ mãi hình ảnh đứa bé cầm cuốc đào hầm cá nhân để làm nơi trú ẩn mà xót thương. Giữa trưa nắng chang chang mà cái hố vẫn nông choèn, tay thì trầy, người mệt lả mà vẫn gắng hết sức, chiến tranh thật tàn nhẫn, bởi sự bóc lột sức lực tận cùng cả những đứa trẻ ở cái tuổi ăn chưa no lo chưa tới như thế!
Và niềm vui ngày trở về nhà của người kể khi cuộc chiến tạm ngưng tiếng súng, như lan truyền sang người đọc bằng cái khí thế rất mãnh liệt, đó là một cuốc đi bộ 30km!
Chiến tranh là nỗi ám ảnh đối với con người. Vậy mà qua giọng kể của tác giả Thái Phi, chiến tranh đã biến thành cơ hội để những đứa trẻ rèn luyện lòng can đảm, ý chí vượt khó, nghị lực phi thường và lòng dũng cảm.
Dòng hồi tưởng cứ trôi êm đềm suốt gần trăm trang giấy như con sông đang lặng lẽ đổ về biển lớn. Nếu đời người là một đại dương, thì tại sao lại không cần những con sông miệt mài này trôi chảy? Một dòng chảy lung linh lay động tâm hồn con người về một thời đã qua, một thời cơ cực đau thương mà trong sáng tuyệt đẹp về sự hoàn thiện nhân cách con người từ thực tiễn cuộc sống nhiều cung bậc !
“Lung linh tuổi thơ” không chỉ thắp lên ngọn lửa kí ức tưởng đã xa rồi, mà nó còn gợi cho thế hệ trẻ về kĩ năng sống, về tình yêu thương chia sẻ, tính cộng đồng, về lí tưởng… Ánh sáng ấy mãi mãi lung linh trong trái tim người đọc!
Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc tác phẩm LUNG LINH TUỔI THƠ của tác giả Nguyễn Thái Phi!
                                                                   Ngày 01/8/2014
                                                                      Hồng Loan

21 thg 9, 2014

TÁO KHUYẾT

Ảnh từ nguồn Net
Chẳng quan trọng sản phẩm điện tử có thương hiệu nổi tiếng, mơ ước của nhiều người, đặc biệt là giới trẻ, chỉ biết khi cầm chiếc Iphone 4s, loay hoay với những tính năng quá vượt trội mà thấy mình như cách hàng thế kỉ ánh sáng công nghệ. Nhưng cái trò đời, từ bóng tối bước ra ánh sáng thì dễ thích nghi hơn là ngược lại. Và như một đứa trẻ mân mê thứ đồ chơi mới, khổ chủ suốt ngày khám phá.
Đầu tiên là nghe hướng dẫn kèm theo thực hành. Lúc sư phụ thuyết pháp thấy cũng chả có gì khó khăn, thực hành trơn tuồn tuột, ấy vậy mà khi sư phụ ngoảnh mặt là cứ rối beng hết cả. Đã từng là sư phụ của sư phụ ấy, giờ trong lĩnh vực này chịu làm đệ tử để nghe giáo huấn. Ngày xửa  ngày xưa cầm tay đệ tử uốn chữ, giờ đệ tử cầm tay sư phụ dạy lướt web. Ôi đúng là sự vật biến đổi không ngừng! Sao tay sư phụ ( nay) mềm mại và chính xác đến thế, còn tay sư phụ (xưa) vụng về, lệch nhịp đến vậy?
Với mục đích hàng ngày nhìn thấy nhau, nghe tiếng nói của nhau, con đã trang bị và tập huấn cho U phương tiện này. Phải công nhận nó tiện ích thật, đúng là Thế giới di động! Tối tối lại bắt sóng từ thế hệ thứ 3 (qua Face Time). Chúng nó bi bô, nhảy múa, kể chuyện đi nhà trẻ, hát hò, khoe các món mới xuất hiện trong ngày,…thấy không gian như xích lại thật gần. Đời như trẻ lại mỗi ngày.
Nhớ khi xưa còn bé, bọn trẻ con thường chơi trò “alo” qua hai hộp bao diêm nối với nhau bằng sợi chỉ. Vậy mà những lời thì thầm cũng truyền đi rất rõ. Cái thời mà con người gặp gỡ tay bắt mặt mừng ấy cứ xa dần, xa dần khi buộc phải chấp nhận quy luật của sự đào thải tất yếu.
Dù có tiếc nuối những dòng chữ nắn nót, gửi gắm bao tình cảm trên những trang thư tay, thì vẫn không cưỡng lại được những câu từ gõ khô cứng trên bàn phím của những bức thư điện tử hay tin nhắn vội.
Cơ mà cũng chẳng có gì là hoàn hảo tuyệt đối. Quá táo khuyết –logo của một sản phẩm tân tiến nhất cho đến thời điểm này, dường như cũng thừa nhận cần phải tiếp tục hoàn thiện, kiếm tìm mảnh khuyết cho trái táo đó thôi.
Tình yêu cũng không thể không bất biến, thế nên hỏi mà làm gì : "Sao anh lại ngỏ lời /vào một đêm trăng khuyết/ Để bây giờ thầm tiếc/ Một vầng trăng chưa tròn”?
Dạo này, hay loay hoay với những cái vớ vẩn thật. Nhưng mà ngay cả con người – một tuyệt tác của tạo hoá cũng đã hoàn thiện đâu?
Đó cũng chỉ là mảnh táo bị thất lạc đâu đó trong trái táo phận người mà thôi!

5 thg 9, 2014

TRÒN TRĨNH?

Biển gào khản đặc tháng năm,
Gió còn mải miết xa xăm theo mùa.
Nắng vàng ươm mật, cát mơ.
Ngàn năm một mảnh trăng chờ rằm lên!
Hồng hoang từ thuở khai thiên,
Bao giờ tròn trĩnh một viên mãn tình?

(5/9/2014)

(Ảnh từ nguồn Net)

26 thg 8, 2014

CAFE PHỐ

Nhâm nhi café trong một cuộc sống bộn bề có rất nhiều lí do. Và cách để thưởng thức hương vị của nó cũng là một đề tài thú vị của nhiều dân ghiền café
Nhấp một ngụm café để nó lan toả vị thơm ngon, đắng đượm tận cùng cảm giác hoà với cảm xúc không chỉ là việc chuyên môn của các giác quan. Mà đó còn là nghệ thuật thưởng thức hương vị cuộc sống của mỗi người.
Đã có nhiều không gian để người ta lựa chọn ngồi nhấm nháp cái chất kích thích ma mị này. Đó là những “Café quán” được thiết kế âm dương hài hoà, từ cỏ cây hoa lá, đến từng viên gạch lắp đặt nên bức tường, hay ô cửa sổ đón đầy vượng khí. Cũng có khi là những khuôn viên khép kín với nội thất cầu kì, hiện đại, mang phong cách phương Tây, hoặc bí ẩn như miền cổ tích hoang sơ…Và địa thế quán sao cho nhiều người đặt chân đến thành lối mòn! Với những cái tên mê hoặc bước chân người thích sự lâng lâng, phiêu bồng: Du miên, Miền đồng thảo, Cánh đồng bất tận…
Nhưng không hiểu sao “Café phố” lại dẫn dụ nhiều người tìm đến như thế.
Cafe góc phố Sài Gòn (Nguồn Net)
Đơn giản, những quán cóc liêu xiêu này chỉ là những chiếc bàn ghế mộc đúng nghĩa “mộc”. Nhưng cái “quái thú” ở đây là người ta được sống đúng những giây phút thăng hoa cho mình và có thể cùng bạn tâm giao. Café ở đây thường đậm đà bởi nó nguyên chất, nó không vì sự chi phối của mặt bằng mà pha chế tuỳ tiện đến bất nhẫn của kẻ trước khi vì lợi nhuận kinh doanh cũng đam mê hương vị này, đã dùng cả cau già, ngô cháy, đậu nành rang khét lẹt…thành mớ tả pí lù đội lốt café  fin lừa “thượng đế”. Sau nữa nó bình đẳng hoá người có cùng thú ghiền như nhau dù chẳng may họ thiếu sự ngang bằng ở sân chơi khác. Ai cũng thấy dễ ngồi, dể thả lỏng tinh thần ra khỏi sự quăng quật của cuộc mưu sinh nhọc nhằn cả trí óc lẫn chân tay, họ như đang thiền khỏi cái sự tham sân si của trần thế. Ở café phố, người ta nâng ly café trên tay, nhìn dòng đời hối hả ngược xuôi bằng xương bằng thịt chứ không phải là ngắm cảnh nhân tạo qua ô kính. Cái nắng, cái gió của đất trời như cũng khẳng định sự sống có thật  đang diễn ra. Cả vị chủ quán rang xay hạt café trước mặt họ kia cũng làm cho mọi sự đang trôi  rất tuần tự nhưng không chụp giựt với thời gian, không gian dối ít nhất là trên từng ngụm café mà người ta nhẹ hớp. Cùng chung một lối kinh doanh tưng tửng của những quán café cóc có bàn, có ghế nho nhỏ ấy là “café bệt”. Người ta tối giản chỗ ngồi bằng cách ngồi bệt trên góc phố, vỉa hè và cầm ly café trên tay cho đỡ tốn diện tích và cái chính là xích lại gần nhau hơn. Café Hàn Thuyên ở Sài Gòn là vị trí đắc địa ai từng đến một lần sẽ biết độ dân dã của nó thú tới cỡ nào.
Cafe bệt trước Dinh Độc Lập (Nguồn Net)
          Vẩn vơ với một ý nghĩ  nếu một ngày nào đó phố bỗng dưng chỉ còn toàn cao ốc im lìm kín bưng, người người miệt mài với những bước chân vội vã thì không biết những câu chuyện bên ly café sẽ nương náu ở đâu?
          Và rồi người ta lại bắt đầu tiếc nuối : ngày xửa ngày xưa café phố đã từng xuất hiện ở đây…Cái con phố đẫm hương thơm ngào ngạt của một loại thức nhấm không làm người ta say mà cứ tỉnh rùi rụi trước mọi biến động của dòng đời thuở ấy!


21 thg 8, 2014

LAN MAN VỀ HẦM

Đã từng đi qua những đường hầm xuyên qua núi, qua đèo, ngầm dưới lòng sông, trong tôi luôn có cảm giác về sự chinh phục của con người trước thiên nhiên, đôi khi hơi rờn rợn về những bất trắc. Trong kí ức tôi lại hiện lên những căn hầm vững chãi chở che, ôm giữ tuổi thơ tôi một thời đạn bom.
Căn hầm đầu tiên mà tôi có khái niệm chính là gầm cầu thang nơi một số hộ gia đình chúng tôi ở. Toà nhà đó vốn là một phòng khám tư của bác sĩ người Pháp, xây dựng rất kiên cố ở một con phố nhỏ(sau ga Hàng Cỏ) Hà Nội. Tôi còn nhớ lần đầu tiên nghe đài “báo động”, chị em tôi được ba má dẫn xuống đây. Và tôi đã biết bí mật của toà nhà này có một chỗ nấp rất kín(có thể chơi “trốn tìm” được). Tôi không hiểu ý đồ kiến trúc của chủ nhà trước khoét sâu xuống lòng đất làm gì một không gian vuông vức như thế, để cho người đến sau lắp ghép vào đây những giờ phút ngoài kịch bản này? Cuộc sống có những bất ngờ như sắp đặt trước vậy!
Dù căn hầm ấy có đúc bê tông cốt sắt thì cũng chỉ tránh đạn lạc và những mảnh bom vỡ, chứ không tránh được bom nếu dội trúng! Và chúng tôi cứ chạy ra, chạy vào mỗi khi nghe đài “Báo động” rồi lại “ Báo yên”…
Sau đó, chiến tranh ngày càng ác liệt, từng khu phố, từng gia đình đào hầm trong nhà và trên những lối đi. Hầm nhà tôi chỉ là một hình hộp chữ nhật, toàn nước, tối thui.Tôi rất sợ mỗi khi phải xuống đây. Mùi ẩm mốc, nước và những côn trùng đe doạ. Hầm công cộng thì xây bằng gạch nửa nổi. nửa chìm trên đường nhựa. Nó ngoắt nghoéo và cũng tối tăm, tuy người ta có làm vài lỗ thông hơi và để ánh sáng le lói lọt vào. Ban đầu ai cũng chạy ra hầm đông người, chắc là vì tâm lí chết chùm còn hơn sống lẻ. Sau thì nó bị biến tướng thành chỗ mất an ninh, vệ sinh…chẳng ai dám xuống (có lẽ sau mỗi thời gian “tạm ngừng bắn”!). Cùng thời gian đó, tôi còn nhớ những chiếc hầm cá nhân, mà người ta gọi là “tăng xê”. Hầm ấy được làm bằng mấy chiếc Pi xi- măng đúc rất xù xì chồng dựng đứng trong lòng đất, có nắp đậy  đủ cho một người ẩn nấp. Dọc vỉa hè cứ cách mấy mét lại có một chiếc. Vì còn bé không thể nhấc nổi chiếc nắp xi-măng để tự đậy lên, nên tôi chưa bao giờ xuống loại hầm đó, dù có gặp “báo động” giữa đường. Mỗi chiếc hầm ấy như một cái giếng sau mỗi trận mưa, tiềm ẩn bao rủi ro ngoài bom đạn !
Tôi nhớ nhất những chiếc hầm nơi sơ tán. Trại trẻ chúng tôi dựng bằng tranh tre nứa lá, nhưng hầm thì rất kiên cố. Những chiếc pi đúc bằng xi măng cốt sắt dày và nhẵn thín cả mặt trong và ngoài. Khác với hầm cá nhân, những chiếc pi này được đặt nằm ngang nối tiếp nhau, chạy xung quanh trại. Hầm này có nhiều cửa lên xuống, rất sạch sẽ, khô ráo vì được tụi trẻ trực nhật theo sự phân công. Đôi khi chúng tôi xuống hầm chơi cả khi không có báo động,chiến tranh trở thành trò đùa với lũ trẻ dại khờ như thế.
Và một loại hầm khá phổ biến nữa là hầm chữ “A”. Hầm này làm bằng tre đặc, dựng kiểu chữ “A”, những thân tre nâng đỡ  các thanh ngang cũng bằng tre chẻ ra đan vào nhau, phía trên nóc được đắp đất. Nấp trong hầm này rất mát. Tôi nghĩ người Việt Nam khi dựng loại hầm này, có lẽ vừa tận dụng cây nhà lá vườn, vừa tính đến khả năng chịu lực cao. Đa số nhà dân, trường làng đều làm hầm chữ “A”. Khi chị em tôi ra ở nhà dân, hay đi học trường làng, chúng tôi chủ yếu xuống hầm này. Mỗi khi máy bay địch gầm rít ầm ĩ trên đầu, chúng tôi cứ hồn nhiên yên tâm chờ dứt tiếng đạn bom là lên tiếp tục vào lớp học hoặc cuộc chơi dở dang, như chưa hề có chuyện gì xảy ra.
Chiến tranh đã lùi xa mấy mươi năm có lẻ, rất nhiều người Việt Nam vẫn sẽ không quên những căn hầm hộ mệnh, những căn hầm mẹ Việt Nam "giấu cả sư đoàn dưới đất", những địa đạo lòng dân trên khắp mọi miền Đất nước...
Mọi sự cứ vận động đổi thay theo quy luật của nó, những đường hầm cứ lần lượt được xây dựng, xe điện ngầm rồi sẽ nối không gian, thời gian trên đất nước đã từng có nhiều căn hầm xuyên lòng đất kỉ lục. Nó có nối được lòng người trăm mối về một điểm chung hay không, còn là nghệ thuật của người thiết kế kiến trúc thượng tầng, khi hạ tầng đang bắt đầu lắp đặt thi công!
Chắc chắn đó không thể là hầm của những kẻ “đi đêm có ngày gặp ma”!
Hầm cây xanh ngút mắt


16 thg 8, 2014

ĐỔI NGÔI

Ngước thấy sao đổi ngôi,
Có bao lời khấn vội
Phúc – lộc hãy sinh sôi !

Nằm dưới ngàn sao trời
Sao thốt chẳng nên lời
Những cuộc đời bất hạnh?

7 thg 8, 2014

RƯỢU SỚT BA,

Rượu nồng đem sớt làm ba,

Một phần thì chuốc ta bà chúng sinh,
nâng ly cười khóc linh đình.

Phần thì tự rót cho mình đắng cay.

Cạn ly còn một chút này
thả về mây gió, tháng ngày thiên di...
Hầm rượu vang 89 năm tuổi ở Bà Nà

18 thg 7, 2014

NHỮNG ĐÔI GIÀY VÀ CHẶNG ĐƯỜNG ĐÃ QUA

Khó ai có thể đếm hết những đôi giày, đôi dép đã cùng bước chân mình suốt những chặng đường đời đã qua. Làm cái việc vô bổ này chắc bị cho là rỗi hơi!
Ấy vậy mà đôi khi tôi vẫn nhớ “người bạn đường” thuỷ chung của mình.
Có lẽ mình thuộc loại âm lịch chăng?
Nghe kể lại thì năm tôi gần một tuổi, chưa biết đi, nên chân chưa mang được loại giày dép gì. Má tôi đan cho đôi bít tất len, có đế hơi dày để thỉnh thoảng “tênh tênh” tập đứng cho tôi. Đôi “tất giày” đó chứng kiến thảm hoạ đầu tiên khi tôi chưa kịp cất bước đầu tiên. Chị Cả tôi kể lại, lúc đó trời miền Bắc đang độ rét tháng ba, chị bế tôi ngồi trước lò than cùng chị bạn hàng xóm sưởi ấm. Rồi họ mải tán gẫu với nhau, không để ý tới đôi chân cứ đạp lung tung của tôi đã đá vào nồi canh đang sôi trên bếp. Thấy tôi khóc ré lên vì nồi cánh úp lên bàn chân, chị tôi vội cởi bít tất tưởng là cho tôi bớt nóng, không ngờ làm tuột mảng da bàn chân. Vết sẹo đó sau này bao nhiêu lần tôi hỏi và được kế lại thuộc làu như một câu chuyện cổ tích riêng của đời tôi vậy. Đó có thể xem là đôi giày đầu tiên của hành trình cất bước của tôi!
Vào những năm tôi vài ba tuổi…, tôi không nhớ mình đã đi loại giày dép gì. Chỉ nhớ đôi guốc đầu tiên mà tôi chính thức đặt chân lên là khi tôi đi học lớp mẫu giáo. Đôi guốc đó với tôi là một giấc mơ! Nó đẹp đến nỗi bây giờ tôi vẫn còn cảm giác thích thú. Guốc làm bằng gỗ, sơn màu hồng, có vẽ hoa hoè hoa sói gì đó, quai bằng nilon trong. Những chiếc đinh đóng quai guốc đều có mũ rất đẹp mắt, giữ cho quai lâu bị đứt. Mỗi khi tôi bước đi, guốc khuơ cộp cộp xuống nền gạch, tôi thấy mình oai chẳng khác gì Dế mèn vỗ đôi cánh hủn hoẳn của mình trước khi gáy!
Rồi thời gian trôi đi cùng mưa nắng, guốc bị mục, đinh mũ cũng chẳng giữ được quai, tôi buồn lắm.Tôi tự đóng lại guốc của mình rất nhiều lần (trước khi được má mua cho đôi khác) bằng cách cầm guốc gõ xuống đất cho nó bấu víu trở lại. Sau đó thì các đôi guốc dép khác tôi không nhớ rõ là nó đã gắn với mình như thế nào trong quãng thời gian từ đó cho đến hết lớp Vỡ lòng.
Đến khi tôi vào cấp 1, tôi nhớ đến đôi dép cao su đầy rắc rối của tôi. Hồi ấy giặc Mỹ bắt đầu cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc. Hầu hết trẻ con đi sơ tán về miền quê, tránh xa những trọng điểm dội bom của Mỹ như : khu công nghiệp, nhà máy, bến xe, bệnh viện, trường học…những khu đông dân. Trước đó tôi nghĩ chỉ có các chú bộ đội mới đi dép cao su khi hành quân. Ấy thế mà dép cao su, cắt từ những chiếc lốp ô tô không còn sử dụng được cũng giúp chúng tôi nhanh chân hơn ra hầm trú ẩn, đi học trường làng xa mấy cây số trên con đường đất, nắng thì bụi, mưa thì bùn. Và cái chính là nó hợp túi tiền eo hẹp của các bậc phụ huynh lúc bấy giờ.
Mỗi đứa đi dép cao su đều thủ một chiếc rút dép. Rút dép được làm bằng thanh lá thép (mà thường bằng sắt )mỏng uốn gập lại, khi nào dép tuột quai thì luồn từ đế dép lên rút quai lại, để tiếp tục đi. Trẻ con hồi ấy chẳng còn cách nào khác là phải tự lực cánh sinh tất tần tật.
Có những đôi dép cao su quá mòn vì được chế từ những chiếc lốp đã trơ sợi vải bố nên rất hay tuột quai. Nỗi khổ của những đứa đi dép tuột quai thì chỉ có thể chia sẻ cùng nhau chứ diễn tả đến mấy, người ngoài cuộc cũng khó hình dung. Tôi rất sợ những hôm trời mưa, đường quê lầy lội, bùn đặc sệt rất trơn, ngã một phát là rắc rối to nếu không đúng ngày giặt của trại trẻ chúng tôi. Bùn dẻo đến nỗi dính chặt dép cao su, cứ cố nhấc chân là bung hết quai. Rồi quai cứ cụt dần dần, chiếc rút dép cũng rỉ gãy theo thời gian. Dép cao su quai ngắn lại, đi rất chật, nên hay tuột, mà tuột là không có gì để rút. Rất nhiều đứa chúng tôi đã lấy vỏ ngoài của thân cây mía để rút dép, mà vỏ cây mía yếu ợt, có lúc phải lấy răng mà cắn vào vỏ mía để rút quai lên. Đến cái loại dép tưởng bền nhất thời ấy mà cũng mòn, cũng hết hạn sử dụng thì thử hỏi chân mình đã qua bao chặng gian nan?
Có một loại dép mà cho đến giờ tôi vẫn không hiểu sao mình có thể dùng được. Đó là dép chuối. Dép của tôi đứt không thể nào cứu vãn nổi đã mấy hôm rồi mà vẫn chưa tới ngày ba má tôi lên thăm. Tôi rất sợ đi chân đất dẫm phải giun (và tất cả những con vật trơn trơn cùng họ giun tôi đều nổi gai ốc đầy mình). Dép tôi tự tạo làm bằng bẹ thận cây chuối, quai làm bằng dây lá chuối khô, tôi chỉ có thể dùng một lần trong ngày là để rửa chân buổi tối trước khi đi ngủ. Cả ngày tôi phải đi dép tuột quai liên tục, đế cùn xơ sợi gai, cũng chỉ để đối phó với việc “giữ gìn vệ sinh cá nhân”, cáu hết cả mình!
Chiến tranh để lại trong tôi nhiều vết hằn, dép cao su mòn tuột quai - tuy không gây thương tổn – nhưng nó làm tôi “lên bờ xuống ruộng” cả theo nghĩa đen và nghĩa bóng trên một chặng đường đời khốn khổ của tuổi thơ tôi!
Cuộc đời đã đi qua bao nhiêu nơi, làm cũ mòn bao nhiêu đôi giày tôi không còn nhớ, không đếm hết. Chỉ biết đến giờ này tôi thường tiện chân trên những đôi “giày lười” bằng da mềm, không phải thắt dây, không gây trầy xước, phù hợp trên mọi địa hình.
Tôi nghĩ khi người ta muốn chinh phục đỉnh cao thì trước hết cần biết cách bám mặt đất thật chắc. Và đó cũng là lí do tôi luôn chăm sóc đôi chân mình bằng những đôi giày an toàn để khỏi vịn vào người khác trên từng chặng đường tôi đã đi qua, đang đi và sẽ đi !

Sỏi đá chưa quên chân người





24 thg 6, 2014

MẸ BÂY GIỜ,

Mẹ giờ ngơ ngác bơ vơ,
Bạn cùng thời đã qua bờ xa xôi.
Bạn đời xa mấy thu rồi.
Trớ trêu chiếc lá – mẹ - rơi nửa chừng,
Mong manh cơn gió vô thường.
Lặng yên mẹ trút ưu phiền vào "quên"!
Đời hữu hạn, có vô biên?
Mẹ mong về với ba, trên non ngàn!
(24/6/2014)

18 thg 6, 2014

LÀNG CÙ LẦN

Lên Đà Lạt lần này ấn tượng nhất về điểm du lịch “Làng Cù lần”
Tên làng nghe rất ngộ, đơn giản chỉ vì nơi ấy có con Cù lần!
Tiếng là “Làng” nhưng cư dân ở đó đã lùi xa nơi này, vào rất sâu trong núi rồi. Hỏi bác lái xe vì sao vậy, bác cho biết trước đây người K’Ho sinh sống như bao buôn làng khác. Thế rồi người Kinh phát hiện ra một vùng núi đồi, thung lũng quá tuyệt vời nên đã mua lại của họ. Và đó là lí do không còn thấy bóng dáng người bản xứ ẩn hiện nơi đây. Giá như có hình ảnh người K’Ho giữa thung lũng có cái tên “Cù lần” này thì có lẽ bức tranh toàn cảnh về Làng sẽ hoàn hảo với vẻ đẹp mang hơi thở sự sống ấm áp, gần gũi hơn!
Ấy là cầu toàn thế chứ đắm đuối trong khu du lịch sinh thái nằm dưới chân đỉnh núi LangBiAng này, con người gần như trở về nguồn cội hoang dã, trong vắt bầu khí quyển này, chẳng còn thiết đến trò chuyện viển vông. Thả hồn vào gió núi đại ngàn, vào cái man mác của hồ trong thung, vào dòng suối Bạc chảy đủ để xe chạy qua lòng suối mà vẫn róc rách, rì rầm cùng tiếng chim chóc hót thi thoảng nhưng thanh âm thì vẫn rất rõ và rất nét.
Đến làng Cù lần sẽ thấy dấu đi đường có mũi tên chỉ xuống. Không biết vì làng dưới thung lũng hay vì đó là biểu tượng về con Cù lần cứ thấy người là cúi mặt xuống, lấy tay che?
Đến cổng làng người ta có thể đi bộ vòng vèo xuống núi bằng đường đã trải nhựa. Nhưng có lẽ thú vị hơn là đi bằng cách vượt đèo băng suối nguy hiểm. Ngồi trên xe chạy địa hình để thử cảm giác mạnh mới thấy mình liều đến mức nào. Đường dốc ngược, lại ngắn toàn đất đá, xóc nảy dựng người. Mỗi khi xe lên, xuống tưởng như tuột khỏi dốc đến nơi, ai cũng nín thở, niệm thần chú vì trót “khôn ba năm dại một giờ” (mà thật ra chỉ 40 phút!). Chưa kể lúc xe chạy qua suối, đá ngầm gập ghềnh dưới nước, hai bánh xe bên này nằm dưới suối, hai bánh bên kia nằm trên bờ chênh vênh, sẵn sàng lật ngửa bất cứ lúc nào! 
Sau thử thách choáng váng, dừng trước thảm cỏ xanh mượt, thoáng đãng mới thấy sự bình yên đến vô cùng. Chắc trước đây dân làng thường tụ tập nhảy lửa, hát hò, sinh hoạt cộng đồng. Giờ người ta cũng duy trì dấu vết ấy bằng đống tro tàn có củi chất xung quanh. Trên nền cỏ, một mái nhà rông tượng trưng có bậc thang bằng gỗ đẽo thô sơ, một bộ cồng chiêng, những khúc gỗ kê làm chỗ ngồi nghỉ ngắm cảnh, chụp ảnh cho du khách. Hình ảnh những tượng gỗ, hàng dệt thổ cẩm, đan lát, vòng đá…được trưng bày bán trong chợ chồm hổm, một cái chợ giống như bao chợ khác của cao nguyên đậm màu sắc văn hoá miền núi.
Bước chân đến đây, lòng người nhẹ nhõm bởi không khí trong lành, mát mẻ. Cây cỏ hoa lá tự nhiên. Ai cũng cố nhìn mặt con Cù lần. Nó sắp tuyệt chủng đến nơi rồi. Tội nghiệp loài vật hiền lành, có đôi mắt đẹp bởi sự trong veo, ngơ ngác theo kiểu cù lần của nó! Cả làng còn sót bốn con. Cù lần che mắt lại để không nhìn thấy sự nguy hiểm mà đối với cù lần không thấy sự nguy hiểm là không có nguy hiểm gì cả, ai muốn làm gì thì làm!
Vừa thức giấc chưa kịp che mắt
Cuối cùng thì sự cố tình của những vị khách lì lợm nhất cũng đã chụp trộm được đôi mắt ngạc nhiên của nó. Trông nó mới đáng yêu làm sao!
Giá như người đời cứ cù lần đi hẳn khoé mắt sẽ không còn dấu chân chim, hay không còn hiển thị những ánh nhìn chất chứa những nội tâm trăn trở, toan tính!
Vì sao Cù lần tuyệt chủng? Loài người có chịu trách nhiệm về hậu quả đó không?
Không biết ít năm nữa trở lại Làng Cù lần, cảnh trí có còn nguyên sơ, thơ mộng và những con Cù lần sót lại này có bình yên trong giấc ngủ vùi nữa không?
Cù lần ơi , may mà có mi để người ta biết thế nào là cù lần!

Làng Cù lần – dấu vết hiếm hoi của một cuộc sống bình yên, hiền hoà giữa đại ngàn mà mỗi ngọn núi, thung lũng, con suối, loài cây đều gắn với một  huyền thoại bí ẩn. Làng sống mãi trong tâm thức người Việt, cho dù mọi sự đổi thay theo thời gian.
Những mái nhà ẩn hiện ở làng Cù lần

23 thg 5, 2014

NGỦ ĐI CON!

Ngủ đi con, mẹ vẫn ru
Lời của non nước nghìn thu vọng về.

Ngủ đi con, giấc trưa hè,
Biển như chưa có bốn bề bão giông!

Ngủ đi con, giấc mơ hồng
Trong vòng tay mẹ đỡ nâng dịu dàng.

Quê hương, hai tiếng: Việt Nam!
Con ơi hãy nhớ, trong vàn tiếng ru…
                                      (23/5/2014)


(Hình ảnh từ Google)

20 thg 5, 2014

DI CHÚC CỦA HOÀNG ĐẾ TRẦN NHÂN TÔNG


Các người chớ quên, chính nước lớn mới làm những điều bậy bạ, trái đạo ,vì rằng họ cho mình cái quyền nói một đường làm một nẻo. Cho nên cái hoạ lâu đời của ta là hoạ Trung Hoa. Chớ coi thường chuyện vụn vặt xảy ra trên biên ải.
Các việc trên, khiến ta nghĩ đến chuyện khác lớn hơn. Tức là họ không tôn trọng biên giới qui ước. Cứ luôn luôn đặt ra những cái cớ để tranh chấp. Không thôn tính được ta, thì gặm nhấm ta.Họ gặm nhấm đất đai của ta, lâu dần họ sẽ biến giang san của từ cái tổ đại bàng thành cái tổ chim chích.Vậy nên các người phải nhớ lời ta dặn:
"Một tấc đất của tiền nhân để lại, cũng không được để lọt vào tay kẻ khác". Ta cũng để lời nhắn nhủ đó như một lời di chúc cho muôn đời con cháu

7 thg 5, 2014

Bao giờ về lại bến xưa?

Bao giờ về bến sông xưa
Ngút xanh bờ bãi ngát mùa ngô non.
Nước sông ngầu đỏ đục phèn,
Người đưa chân khoả còn vương lấm bùn.
Những bè phà nứa dập dờn,
Người xuôi, kẻ ngược, sông tuôn sóng trào.
Nhà tiếp nhà nối trên cao,
Lối lên lại lẫn lối vào bãi dâu.
Triền đê cách quãng hồ sâu
Chiều chiều lũ trẻ rủ nhau thả diều.
Vùng quê yên ả tiếng tiêu.

Tuổi thơ còn đậm dấu yêu sông Hồng !

Thèm được trở về làng Vẽ - Đông Ngạc (thuộc Từ Liêm cuả ngoại ô Hà Nội xưa) chỉ để chạy ngược chạy xuôi trên bãi ngô xanh um mà không biết cách nào trở về nhà người thân. Cứ nhô đầu lên bờ lại thấy lạ huơ lạ hoắc, lại cắm đầu lao xuống, lúc trời sắp tối, hoảng hốt tưởng sẽ mất tích trong bãi ngô rợn ngợp ấy. May sao có người đi quẩy nước sông về đánh phèn dùng cho buổi sớm mai, dẫn về giúp.
Thèm được lội trên cát bỏng rồi ra khoả chân xuống nước sông đặc quánh phù sa.
Thèm được đánh đu trên bè nứa dập dềnh trên sông có người níu tay để thử cảm giác sắp bị rơi xuống lòng sông mênh mang.
Thèm được tắm hồ vô tư cùng những đứa trẻ thôn quê mỗi chiều mẹ nó giặt giũ, rửa rau bên cạnh chiếc cầu vắt trên một đoạn hồ rộng, nằm cách quãng giữa sông với con đê dài ngàn năm.
Thèm được đứng trên đê thả diều với bọn con trai để mỗi khi diều vướng dây điện lại cầu cứu chúng nó gỡ hộ.
Thèm được qua con đê để đi vào làng lát gạch và ngõ ngoằn nghoèo (để đỡ nhớ Hà Nội trong những ngày sơ tán đầu tiên), giờ mới biết làng Đông Ngạc là một di tích làng cổ của Hà Nội đã được xếp hạng!
Thèm được đan những sợi mây để làm các đồ mỹ nghệ mà bây giờ mới thấy được giá trị của nó.
....
"Ôi nỗi nhớ muôn đời vẫn thế/ như dòng sông Hồng cuộn đỏ mãi trong tôi..."

26 thg 4, 2014

GIẤC MƠ YÊN TỬ.

Chùa Yên Tử

“Trăm năm tích đức tu hành
Chưa về Yên Tử chưa thành quả tu”
Lời đề trên mái chùa đầu tiên cho chuyến hành hương về Yên Tử quả là một đúc kết đầy trải nghiệm.
Mình chưa có căn tu để thành kẻ xuất gia. Và cũng chưa hội đủ các điều kiện để quy y, nên vẫn chỉ là một kẻ hành hương mộ đạo tìm về cửa Phật để được đắm trong cõi thiền mà vỡ sự vô minh. Tuy nhiên, căn duyên cũng cho mình một cơ hội để về Yên Tử khi chính mình cũng bất ngờ!
Ban đầu chỉ tưởng là được tốc hành đến Hạ Long để xem nó khác với Hạ Long trên cạn (Tràng An, Tam cốc, Bích động) ở Ninh Bình ra sao, không ngờ đoàn hành hương đã đưa mình đến nơi mình ao ước từ lâu mà hoàn toàn bất ngờ khi nó thành hiện thực nhanh như thế. Yên Tử thuộc tỉnh Quảng Ninh, một tỉnh lẻ mà thiên thời địa lợi cho tới bốn thành phố (Uông Bí, Hạ Long, Cẩm Phả, Móng Cái)
Lăng mộ Phật hoàng
Đi trong một ngày râm mát quả là may mắn dù trời đầy mây trĩu thành những giọt mưa bay. Hai chặng cáp treo không thấm gì với những đoạn leo bộ còn lại, dù là bước trên các bậc tam cấp bằng đá. Lòng cứ tự hỏi các ẩn sĩ xưa sao có thể tìm nơi hẻo lánh, cheo leo này mà tu tập? Rồi tự động viên mình khi há miệng thở, mồ hôi vã ra đầm đìa, đôi chân rã rời lúc khí trời đã hạ nhiệt rất nhiều so với mặt đất dưới kia. Càng khâm phục vua Trần Nhân Tông đã rời bỏ ngai vàng về ẩn mình nơi rừng xanh núi thẳm này, với pháp danh Huệ Quang cùng hai vị sư tổ Pháp Loa, Huyền Quang khai lập ra Thiền phái Trúc Lâm. Mới biết ở đời chịu đựng nghèo khổ, cơ cực còn dễ hơn từ bỏ chốn Đế vương trọng vọng bậc nhất thiên hạ, để xuất gia - Thiên tử trở thành thiền sư!

Người xưa chọn Yên Tử quả là vị trí đắc địa cho việc tu hành. Đến nơi đây, người trần tự điều chỉnh âm lượng lời ăn tiếng nói, điều chỉnh từng bước đi, hành vi ứng xử …Không gian tràn ngập một không khí tâm linh giác ngộ! Nghe Kinh nhà Phật, tự nhiên thấy nhớ giọng ba ru con cháu ngày xưa, mặc dù Người không phải là tín đồ đạo giáo nào. Hay Người ở miền cực lạc vẫn dõi theo từng bước chân con đang hành hương? Những lời răn dạy lòng yêu thương con người, lễ nghĩa, hiếu thảo, vị tha,… ngày xưa sao trùng với những lời kinh tụng đang rền khắp không gian Yên tử. Phải chăng giáo lí nhà Phật cũng từ đạo đức căn bản, truyền thống của con người  mà ra?
Vẻ đẹp mái chùa Yên Tử
Quần thể chùa chiền nơi đây toạ lạc ở những vách núi- chùa Một Mái, ở các đỉnh núi- Hoa yên, An Kì Sinh, chùa Đồng. Chùa nào cũng thật cổ kính thâm nghiêm, mái chùa uốn lượn kì công, các góc mái chùa vuốt cong hình rồng phượng không bút nào tả xiết nghệ thuật kiến trúc độc đáo nơi này. Chùa, tháp ẩn hiện trong mây trời mờ mờ ảo ảo, thực thực hư hư y như cảnh thầy trò Đường tăng đi thỉnh kinh nơi tiên giới. Trên
Tượng Phật hoàng trên đỉnh An kì Sinh
đỉnh An kì sinh, núi bằng phẳng cách đỉnh chùa Đồng ba, bốn chặng núi uốn lượn, tượng đồng Phật hoàng Trần Nhân Tông cao 13m, nặng 138 tấn uy nghi đường bệ trên đài sen mới khánh thành. Khuôn mặt Người bình thản, nhân từ ánh nhìn bao dung, vừa gần gũi với cõi trần vừa cao vời trang trọng của một bậc thánh hiền. Đứng trước tượng Phật hoàng, lòng người khấn bái thấy ấm áp như được thấu cảm, chở che.
Có lẽ lên được chùa Đồng là vượt qua thử thách không nhỏ với người thành tâm hướng về cửa Phật. Núi quanh co, dốc ngược, mặt người đi sau chỉ thấy lờ mờ dấu chân người đi trước, đá thấm nước vì mây, vì mưa lất phất, không bám chắc dễ trượt chân( nhưng theo lời kể dân gian thì chưa ai bị tai nạn dẫn đến tử vong dù dốc núi  quanh co, hiểm trở, có chăng cũng chỉ xây xát nhẹ ngoài da). Âm thanh “mênh mênh mang mang Phù vân Yên Tử/ Vi vi vu vu Trúc lâm thiền tự…” như lẩn khuất ẩn hiện đâu đây trong gió, trong mây, trong cây, trong đá…
Chùa Đồng và tháp chuông
Chùa Đồng, một ngôi chùa đúc bằng đồng đặt trên đỉnh cao nhất của Yên tử, người ta nói nơi đây cách Trời ba thước quả không sai. Có một điều kì lạ nữa là khi những người thợ đúc đồng gặp sét đánh mà vẫn không hề hấn gì trong khi mọi vật bị cháy đen, mặt đất xỉn màu? Đứng trên đỉnh Yên tử, toàn cảnh chùa chiền, một vùng rừng núi bao la thu vào tầm mắt, đẹp như chốn thần tiên. Mây là là bay, gió không ngừng cuồn cuộn, mọi vật níu giữ hình như chỉ bằng niềm tin!
Chùa  Đồng đã ghi nhận bao nhiêu lời nguyện cầu, của bao nhiêu đức tin trần thế trước mây trời, nước non ? Chỉ thấy một sự toạ lạc vững chãi, khói hương nghi ngút âm dương giao hoà thiêng liêng giữa đại ngàn, núi cao vực thẳm, như vực con người đứng dậy ngang tầm vũ trụ  mà tâm tĩnh đến vô ngần!
Thế là, dù chưa “thành quả tu”, mình cũng mãn nguyện được về Yên Tử, sống trong những giây phút thiền tâm linh thiêng, được chiêm bái lăng mộ một vị vua có một không hai trong lịch sử lìa bỏ ngôi báu lên rừng thiêng núi thẳm dạy chúng tăng, một xác phàm đã hoá Phật để thỉnh cầu cho Quốc thái, dân an, Đất nước hưng thịnh, bền lâu muôn thuở.
Đất thiêng Yên Tử , nơi linh khí đất trời hội tụ, ít nhất một lần trong cõi tạm người trần nên đặt chân tới, để ngộ ra rằng Phật có trong tâm mỗi người, hãy biết thiền đúng cách! 
                                                                                  (Ngày 17/4/2014)

*Những ảnh trên sử dụng từ nguồn internet, ảnh tự chụp không được rõ nét vì trời mây mù dày đặc, chỉ lưu hành nội bộ.

7 thg 4, 2014

ĐÃ TƯỞNG

Đã tưởng mây hết rong chơi
về ôm ấp núi, một đời phù vân.

Đã tưởng rêu cũ mướt xanh,
bám trên ghềnh đá mà thành lụa nhung.

Đã tưởng sỏi, đá lăn cùng
sỏi mòn thành cuội, đá chung hình hài.

Đã tưởng biển vẫn rộng dài,
bờ còn ru vỗ sóng hoài ngàn năm.

Đã tưởng ngày sẽ xa xăm,
con tàu viễn khách đã nằm sân ga.

Đã tưởng tan hết phong ba,
Người hoan hỉ tấu khúc ca an lành.

Đã tưởng ở trọ đường trần,
Nào ai lạc bước mà thành viễn du.

Thôi, lại về với… khúc ru
cho mơ kết nụ một ngu ngơ dài

2 thg 4, 2014

Không em,

(Cuộc sống đôi khi cũng cần một phép thử)

Không em, anh trút men say
Chiếc thùng không đáy , nào hay biết gì! 

Không em, anh bước chân đi
Đường trần nghiêng ngả cả khi thăng bằng!

Không em, lay lắt mưa giăng
Ngước nhìn trời, thấy sao, trăng ban ngày!

Không em, khoé mắt cay cay
Khép hờ tưởng tượng bàn tay em chùi.

Không em, ước một điều thôi
Em về, anh hết mồ côi bóng hình!


Ảnh từ Net

26 thg 3, 2014

Gắn bó, một người thợ!

Người thợ này đã gắn bó với nó lâu lắm rồi, thời gian trôi chảy dễ đến mấy chục năm nay. Người thợ ấy chuyên dùng kéo, tông –đơ  để tác nghiệp. Đó là người thợ cắt tóc với cái tên không đụng hàng: Ngoãn !
Một lần tình cờ mẹ nó ngồi chờ rửa xe máy cạnh tiệm cắt tóc, mẹ nó chẳng biết làm gì hơn là ngó vào xem người thợ đẩy tông-đơ cải thiện tình hình quá rối ở những quả đầu của các quý ông, thấy hay hay, thế là mẹ nó rắp tâm hôm nào đưa thằng con bé xíu của mình ra ngồi thử chiếc ghế kia, và cái chính là thử tài của người thợ với vị khách trẻ con luôn ngọ nguậy xem thế nào.
Trước khi nó được dắt đi cắt tóc ở tiệm, nó toàn bị cắt tóc bằng bàn tay nghiệp dư của mẹ nó. Nó cũng chẳng biết xấu hay đẹp, chỉ biết mẹ nó rất hay thay đổi kiểu tóc cho nó, nhưng hình như mẹ nó hay để tóc nó hơi dài hơn so với giới tính mà nó cần thể hiện.  Nó cũng hơi tức tức nhưng thấy nó mẹ nó vui vui nó cũng đành bằng lòng, với lại nó cũng không biết nếu không đồng ý thì nó phải diễn tả thế nào khi mẹ nó đâu có phải thợ cắt tóc. Mãi cho đến khi nó bắt đầu vào lớp một. Chính xác là khi mẹ nó phát hiện khả năng của người thợ cắt tóc kia có thể tạo quả đầu cho nó vừa ý mẹ. Thế là nó lên đời!
Thấy mẹ dẫn nó vào tiệm, người thợ mời ngồi chờ. Mẹ nó (chắc là cả nó nữa) băn khoăn không biết nó sẽ ngồi như thế nào trong chiếc ghế to tướng kia. Thế rồi khi vị khách trước vừa được phủi tóc đứng dậy, người thợ liền lấy một chiếc ghế nhựa chồng lên chiếc ghế to kia để nó ngồi, rồi nhấc nó vào vị trí. Lần đầu tiên được choàng khăn để hứng tóc rơi một cách bài bản, nó sờ sợ gọi “mẹ ơi ra đây với con”. Thế là mẹ nó phải đứng cạnh nó, nắm bàn tay nhỏ xíu rụt rè của cậu con trai lần đầu được đi cắt tóc chính hiệu!
Mẹ nó thấy thợ dùng tông- đơ ủi vài đường cơ bản ( không quá sát da đầu như ý mẹ nó diễn tả) thì mái tóc của nó đã có đường nét rõ ràng, sau đó anh ta dùng kéo tỉa, dùng dao cạo ấn định ranh giới từng vùng rất chuẩn. Thao tác của thợ này nhanh đến nỗi nó chưa kịp giở trò ngứa ngáy, ngọ nguậy thì đã được bế xuống đất, phủi tóc. Nó bẽn lẽn nhìn vào gương thấy mình rất ra dáng nam nhi, còn mẹ nó thì nhìn nó rất hài lòng (chắc hơi thẹn vì những bộ tóc trước đây mẹ đã làm giảm đi của nó suốt thời nhà trẻ, mẫu giáo vẻ đẹp đáng lẽ nó phải có!)
Rồi nó mạnh dạn trèo lên xe để mẹ nó chở về trong niềm lâng lâng khó tả!
Nó nghĩ từ rày trở đi mình sẽ được đi cắt tóc ngoài tiệm hẳn hoi giống mấy thằng bạn ở mẫu giáo. Và cứ mỗi dạo tóc dài ra, nó lại được mẹ đưa đi cắt định kì. Rồi mẹ giới thiệu cho ba nó đến cắt và bàn giao việc đưa nó đi cắt cùng, sau khi đã tìm được kiểu đầu hợp với khuôn mặt bầu bĩnh (hồi ấy nó rất bụ bẫm) lại có chiếc răng khểnh đáng yêu của nó.
Thời gian cứ vùn vụt trôi. Khi nó không cần phải ngồi ghế phụ nữa thì cũng là lúc thợ Ngoãn rời tiệm đến một ngã năm. Nó vẫn cùng ba nó (cũng có khi ba nó bận thì mẹ nó) lần đến địa chỉ mới để được cắt quả đầu như ý từ người thợ này. Mãi cho đến khi nó qua bậc tiểu học mấy năm, có thể tự mình đi cắt tóc thì tiệm Ngoãn lại một lần nữa rời địa điểm. Cuộc mưu sinh tưởng chẳng mấy xê dịch ấy cũng lắm thăng trầm vì thợ này không tìm được mặt bằng ổn định để hành nghề, thuận tiện cho khách quen. Nó không cảm thấy phiền hà mà vẫn thích tìm về người thợ cũ vì sự hiểu ý không cần lời giữa nó với người thợ ấy. Thế mới biết sự thuỷ chung chẳng phải khái niệm gì to tát, đôi khi chỉ là sự gắn bó rất tự nguyện, với một sự thoải mái, nhẹ tênh.
Đã hai mươi năm trôi qua, vật đổi sao dời, nó cũng đã thay đổi rất nhiều. Chiếc ghế lớn nhất của tiệm giờ phải hạ thấp hết cỡ (vì tầm vóc của nó trên mét tám! ) thợ Ngoãn mới thao tác cắt tỉa được cho nó. Nó vào đại học, xa nhà nhưng mỗi lần gần về quê vào dịp hè, lễ, tết…nó đều dành tóc về cho thợ Ngoãn chăm sóc. Thợ Ngoãn rất vui khi gặp nó và lần nào cũng tươi cười nói với khách rằng: đây là khách theo tui từ hồi còn ngồi ghế phụ tới giờ. Lòng nó cũng rộn ràng trước ân tình của anh, người đã nâng niu mái tóc cho nó vừa ý suốt thuở ấu thơ cho đến bây giờ, khi nó đã biết điệu đà với bạn (chủ yếu bạn gái) của nó!  
Người thợ này nay đã bước sang tuổi trung niên vẫn gắn bó với nghề có lẽ bởi nghề đã chọn anh. Cứ xem ánh nhìn vui khi khách vừa ý, hay thao tác nhanh, chính xác, cập nhật thời trang của anh là thấy người thợ này rất yêu nghề, tận tâm với nghề .
Chỉ riêng đại gia đình nó, thợ Ngoãn đã là người gắn bó với số lượng mà nhiều thợ khác ao ước: Nó, rồi ba nó. Ba nó rủ rỉ cậu nó, cậu nó lại dẫn con trai cậu nó. Hồi ông ngoại nó còn, ông nó cũng cắt tóc tiệm Ngoãn. Và bây giờ anh rể nó từ TP HCM về nhà nó cũng khoái được thợ Ngoãn lia kéo cắt cắt tỉa tỉa mỗi khi về thăm quê vợ. Ba thế hệ, mỗi người mỗi ý lại được một thợ chiều mới hay. Mái tóc thợ Ngoãn cắt không lẫn với bất cứ tay thợ nào khác, đúng là Chuẩn không cần chỉnh !
Ở đời đôi khi gắn bó chưa hẳn phải ăn cùng mâm, ở cùng nhà, mà có khi chỉ là không rời xa nhau bởi một chữ “tín”!

Đúng là Một nghề cho chín hơn chin mười nghề! Sự gắn bó với nghề của người thợ này đơn giản chỉ là kiếm sống, kiếm sống bằng nghệ thuật là đẹp đầu tóc cho con người. Bởi vì đời vẫn quen cách đánh giá Hàm răng mái tóc là góc con người.

19 thg 3, 2014

Thương thay thân phận con người!

Thương thay thân phận con người 
Đu dây vượt lũ, nhét nhồi trong bao
 Dồi lên dập xuống lộn nhào 
Kiếp người ơi, sao quá đau dương trần! 

 Mỏi mệt rồi, những bàn chân
 Mong nhanh thoát cuộc lội thân nhọc nhằn!

 Ai về nhắn với ai rằng: 
Hãy thôi toan tính đường trần thiệt hơn!

 

5 thg 3, 2014

Món quà vô giá.

Mới ngày nào con chập chững những bước đi đầu tiên vào lúc 9tháng rưỡi tuổi. Đến khi 10 tháng con đã biết ra cổng chờ mẹ đi dạy về...4 tuổi con đã thuộc rất nhiều ca dao và thơ Trần Đăng Khoa mà chỉ qua nghe đọc. Mẹ nhớ tất cả những kỉ niệm về con, con gái ạ.
Thời gian như  thoi đưa, con lớn lên, xa nhà họchành, làm việc và có một mái ấm gia đình bé xinh. Giờ con đã là mẹ của cặp song sinh yêu quý. Hạnh phúc đôi khi rất giản dị phải không con.


Clip này con làm cách đây 3 tháng, nhân dịp thôi nôi các cháu. Mẹ coi đó như món quà 8/3 của gia đình mình.
Mẹ tin là các cháu lớn lên trong tình yêu thương sẽ thành những người nhân hậu.
Mẹ chúc con gái và các cháu gái luôn xinh đẹp, khoẻ vui trong một gia đình đầy ắp tiếng cười!
Ảnh chụp nhân dịp thôi nôi


Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang