26 thg 8, 2014

CAFE PHỐ

Nhâm nhi café trong một cuộc sống bộn bề có rất nhiều lí do. Và cách để thưởng thức hương vị của nó cũng là một đề tài thú vị của nhiều dân ghiền café
Nhấp một ngụm café để nó lan toả vị thơm ngon, đắng đượm tận cùng cảm giác hoà với cảm xúc không chỉ là việc chuyên môn của các giác quan. Mà đó còn là nghệ thuật thưởng thức hương vị cuộc sống của mỗi người.
Đã có nhiều không gian để người ta lựa chọn ngồi nhấm nháp cái chất kích thích ma mị này. Đó là những “Café quán” được thiết kế âm dương hài hoà, từ cỏ cây hoa lá, đến từng viên gạch lắp đặt nên bức tường, hay ô cửa sổ đón đầy vượng khí. Cũng có khi là những khuôn viên khép kín với nội thất cầu kì, hiện đại, mang phong cách phương Tây, hoặc bí ẩn như miền cổ tích hoang sơ…Và địa thế quán sao cho nhiều người đặt chân đến thành lối mòn! Với những cái tên mê hoặc bước chân người thích sự lâng lâng, phiêu bồng: Du miên, Miền đồng thảo, Cánh đồng bất tận…
Nhưng không hiểu sao “Café phố” lại dẫn dụ nhiều người tìm đến như thế.
Cafe góc phố Sài Gòn (Nguồn Net)
Đơn giản, những quán cóc liêu xiêu này chỉ là những chiếc bàn ghế mộc đúng nghĩa “mộc”. Nhưng cái “quái thú” ở đây là người ta được sống đúng những giây phút thăng hoa cho mình và có thể cùng bạn tâm giao. Café ở đây thường đậm đà bởi nó nguyên chất, nó không vì sự chi phối của mặt bằng mà pha chế tuỳ tiện đến bất nhẫn của kẻ trước khi vì lợi nhuận kinh doanh cũng đam mê hương vị này, đã dùng cả cau già, ngô cháy, đậu nành rang khét lẹt…thành mớ tả pí lù đội lốt café  fin lừa “thượng đế”. Sau nữa nó bình đẳng hoá người có cùng thú ghiền như nhau dù chẳng may họ thiếu sự ngang bằng ở sân chơi khác. Ai cũng thấy dễ ngồi, dể thả lỏng tinh thần ra khỏi sự quăng quật của cuộc mưu sinh nhọc nhằn cả trí óc lẫn chân tay, họ như đang thiền khỏi cái sự tham sân si của trần thế. Ở café phố, người ta nâng ly café trên tay, nhìn dòng đời hối hả ngược xuôi bằng xương bằng thịt chứ không phải là ngắm cảnh nhân tạo qua ô kính. Cái nắng, cái gió của đất trời như cũng khẳng định sự sống có thật  đang diễn ra. Cả vị chủ quán rang xay hạt café trước mặt họ kia cũng làm cho mọi sự đang trôi  rất tuần tự nhưng không chụp giựt với thời gian, không gian dối ít nhất là trên từng ngụm café mà người ta nhẹ hớp. Cùng chung một lối kinh doanh tưng tửng của những quán café cóc có bàn, có ghế nho nhỏ ấy là “café bệt”. Người ta tối giản chỗ ngồi bằng cách ngồi bệt trên góc phố, vỉa hè và cầm ly café trên tay cho đỡ tốn diện tích và cái chính là xích lại gần nhau hơn. Café Hàn Thuyên ở Sài Gòn là vị trí đắc địa ai từng đến một lần sẽ biết độ dân dã của nó thú tới cỡ nào.
Cafe bệt trước Dinh Độc Lập (Nguồn Net)
          Vẩn vơ với một ý nghĩ  nếu một ngày nào đó phố bỗng dưng chỉ còn toàn cao ốc im lìm kín bưng, người người miệt mài với những bước chân vội vã thì không biết những câu chuyện bên ly café sẽ nương náu ở đâu?
          Và rồi người ta lại bắt đầu tiếc nuối : ngày xửa ngày xưa café phố đã từng xuất hiện ở đây…Cái con phố đẫm hương thơm ngào ngạt của một loại thức nhấm không làm người ta say mà cứ tỉnh rùi rụi trước mọi biến động của dòng đời thuở ấy!


21 thg 8, 2014

LAN MAN VỀ HẦM

Đã từng đi qua những đường hầm xuyên qua núi, qua đèo, ngầm dưới lòng sông, trong tôi luôn có cảm giác về sự chinh phục của con người trước thiên nhiên, đôi khi hơi rờn rợn về những bất trắc. Trong kí ức tôi lại hiện lên những căn hầm vững chãi chở che, ôm giữ tuổi thơ tôi một thời đạn bom.
Căn hầm đầu tiên mà tôi có khái niệm chính là gầm cầu thang nơi một số hộ gia đình chúng tôi ở. Toà nhà đó vốn là một phòng khám tư của bác sĩ người Pháp, xây dựng rất kiên cố ở một con phố nhỏ(sau ga Hàng Cỏ) Hà Nội. Tôi còn nhớ lần đầu tiên nghe đài “báo động”, chị em tôi được ba má dẫn xuống đây. Và tôi đã biết bí mật của toà nhà này có một chỗ nấp rất kín(có thể chơi “trốn tìm” được). Tôi không hiểu ý đồ kiến trúc của chủ nhà trước khoét sâu xuống lòng đất làm gì một không gian vuông vức như thế, để cho người đến sau lắp ghép vào đây những giờ phút ngoài kịch bản này? Cuộc sống có những bất ngờ như sắp đặt trước vậy!
Dù căn hầm ấy có đúc bê tông cốt sắt thì cũng chỉ tránh đạn lạc và những mảnh bom vỡ, chứ không tránh được bom nếu dội trúng! Và chúng tôi cứ chạy ra, chạy vào mỗi khi nghe đài “Báo động” rồi lại “ Báo yên”…
Sau đó, chiến tranh ngày càng ác liệt, từng khu phố, từng gia đình đào hầm trong nhà và trên những lối đi. Hầm nhà tôi chỉ là một hình hộp chữ nhật, toàn nước, tối thui.Tôi rất sợ mỗi khi phải xuống đây. Mùi ẩm mốc, nước và những côn trùng đe doạ. Hầm công cộng thì xây bằng gạch nửa nổi. nửa chìm trên đường nhựa. Nó ngoắt nghoéo và cũng tối tăm, tuy người ta có làm vài lỗ thông hơi và để ánh sáng le lói lọt vào. Ban đầu ai cũng chạy ra hầm đông người, chắc là vì tâm lí chết chùm còn hơn sống lẻ. Sau thì nó bị biến tướng thành chỗ mất an ninh, vệ sinh…chẳng ai dám xuống (có lẽ sau mỗi thời gian “tạm ngừng bắn”!). Cùng thời gian đó, tôi còn nhớ những chiếc hầm cá nhân, mà người ta gọi là “tăng xê”. Hầm ấy được làm bằng mấy chiếc Pi xi- măng đúc rất xù xì chồng dựng đứng trong lòng đất, có nắp đậy  đủ cho một người ẩn nấp. Dọc vỉa hè cứ cách mấy mét lại có một chiếc. Vì còn bé không thể nhấc nổi chiếc nắp xi-măng để tự đậy lên, nên tôi chưa bao giờ xuống loại hầm đó, dù có gặp “báo động” giữa đường. Mỗi chiếc hầm ấy như một cái giếng sau mỗi trận mưa, tiềm ẩn bao rủi ro ngoài bom đạn !
Tôi nhớ nhất những chiếc hầm nơi sơ tán. Trại trẻ chúng tôi dựng bằng tranh tre nứa lá, nhưng hầm thì rất kiên cố. Những chiếc pi đúc bằng xi măng cốt sắt dày và nhẵn thín cả mặt trong và ngoài. Khác với hầm cá nhân, những chiếc pi này được đặt nằm ngang nối tiếp nhau, chạy xung quanh trại. Hầm này có nhiều cửa lên xuống, rất sạch sẽ, khô ráo vì được tụi trẻ trực nhật theo sự phân công. Đôi khi chúng tôi xuống hầm chơi cả khi không có báo động,chiến tranh trở thành trò đùa với lũ trẻ dại khờ như thế.
Và một loại hầm khá phổ biến nữa là hầm chữ “A”. Hầm này làm bằng tre đặc, dựng kiểu chữ “A”, những thân tre nâng đỡ  các thanh ngang cũng bằng tre chẻ ra đan vào nhau, phía trên nóc được đắp đất. Nấp trong hầm này rất mát. Tôi nghĩ người Việt Nam khi dựng loại hầm này, có lẽ vừa tận dụng cây nhà lá vườn, vừa tính đến khả năng chịu lực cao. Đa số nhà dân, trường làng đều làm hầm chữ “A”. Khi chị em tôi ra ở nhà dân, hay đi học trường làng, chúng tôi chủ yếu xuống hầm này. Mỗi khi máy bay địch gầm rít ầm ĩ trên đầu, chúng tôi cứ hồn nhiên yên tâm chờ dứt tiếng đạn bom là lên tiếp tục vào lớp học hoặc cuộc chơi dở dang, như chưa hề có chuyện gì xảy ra.
Chiến tranh đã lùi xa mấy mươi năm có lẻ, rất nhiều người Việt Nam vẫn sẽ không quên những căn hầm hộ mệnh, những căn hầm mẹ Việt Nam "giấu cả sư đoàn dưới đất", những địa đạo lòng dân trên khắp mọi miền Đất nước...
Mọi sự cứ vận động đổi thay theo quy luật của nó, những đường hầm cứ lần lượt được xây dựng, xe điện ngầm rồi sẽ nối không gian, thời gian trên đất nước đã từng có nhiều căn hầm xuyên lòng đất kỉ lục. Nó có nối được lòng người trăm mối về một điểm chung hay không, còn là nghệ thuật của người thiết kế kiến trúc thượng tầng, khi hạ tầng đang bắt đầu lắp đặt thi công!
Chắc chắn đó không thể là hầm của những kẻ “đi đêm có ngày gặp ma”!
Hầm cây xanh ngút mắt


16 thg 8, 2014

ĐỔI NGÔI

Ngước thấy sao đổi ngôi,
Có bao lời khấn vội
Phúc – lộc hãy sinh sôi !

Nằm dưới ngàn sao trời
Sao thốt chẳng nên lời
Những cuộc đời bất hạnh?

7 thg 8, 2014

RƯỢU SỚT BA,

Rượu nồng đem sớt làm ba,

Một phần thì chuốc ta bà chúng sinh,
nâng ly cười khóc linh đình.

Phần thì tự rót cho mình đắng cay.

Cạn ly còn một chút này
thả về mây gió, tháng ngày thiên di...
Hầm rượu vang 89 năm tuổi ở Bà Nà

Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang