18 thg 7, 2014

NHỮNG ĐÔI GIÀY VÀ CHẶNG ĐƯỜNG ĐÃ QUA

Khó ai có thể đếm hết những đôi giày, đôi dép đã cùng bước chân mình suốt những chặng đường đời đã qua. Làm cái việc vô bổ này chắc bị cho là rỗi hơi!
Ấy vậy mà đôi khi tôi vẫn nhớ “người bạn đường” thuỷ chung của mình.
Có lẽ mình thuộc loại âm lịch chăng?
Nghe kể lại thì năm tôi gần một tuổi, chưa biết đi, nên chân chưa mang được loại giày dép gì. Má tôi đan cho đôi bít tất len, có đế hơi dày để thỉnh thoảng “tênh tênh” tập đứng cho tôi. Đôi “tất giày” đó chứng kiến thảm hoạ đầu tiên khi tôi chưa kịp cất bước đầu tiên. Chị Cả tôi kể lại, lúc đó trời miền Bắc đang độ rét tháng ba, chị bế tôi ngồi trước lò than cùng chị bạn hàng xóm sưởi ấm. Rồi họ mải tán gẫu với nhau, không để ý tới đôi chân cứ đạp lung tung của tôi đã đá vào nồi canh đang sôi trên bếp. Thấy tôi khóc ré lên vì nồi cánh úp lên bàn chân, chị tôi vội cởi bít tất tưởng là cho tôi bớt nóng, không ngờ làm tuột mảng da bàn chân. Vết sẹo đó sau này bao nhiêu lần tôi hỏi và được kế lại thuộc làu như một câu chuyện cổ tích riêng của đời tôi vậy. Đó có thể xem là đôi giày đầu tiên của hành trình cất bước của tôi!
Vào những năm tôi vài ba tuổi…, tôi không nhớ mình đã đi loại giày dép gì. Chỉ nhớ đôi guốc đầu tiên mà tôi chính thức đặt chân lên là khi tôi đi học lớp mẫu giáo. Đôi guốc đó với tôi là một giấc mơ! Nó đẹp đến nỗi bây giờ tôi vẫn còn cảm giác thích thú. Guốc làm bằng gỗ, sơn màu hồng, có vẽ hoa hoè hoa sói gì đó, quai bằng nilon trong. Những chiếc đinh đóng quai guốc đều có mũ rất đẹp mắt, giữ cho quai lâu bị đứt. Mỗi khi tôi bước đi, guốc khuơ cộp cộp xuống nền gạch, tôi thấy mình oai chẳng khác gì Dế mèn vỗ đôi cánh hủn hoẳn của mình trước khi gáy!
Rồi thời gian trôi đi cùng mưa nắng, guốc bị mục, đinh mũ cũng chẳng giữ được quai, tôi buồn lắm.Tôi tự đóng lại guốc của mình rất nhiều lần (trước khi được má mua cho đôi khác) bằng cách cầm guốc gõ xuống đất cho nó bấu víu trở lại. Sau đó thì các đôi guốc dép khác tôi không nhớ rõ là nó đã gắn với mình như thế nào trong quãng thời gian từ đó cho đến hết lớp Vỡ lòng.
Đến khi tôi vào cấp 1, tôi nhớ đến đôi dép cao su đầy rắc rối của tôi. Hồi ấy giặc Mỹ bắt đầu cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc. Hầu hết trẻ con đi sơ tán về miền quê, tránh xa những trọng điểm dội bom của Mỹ như : khu công nghiệp, nhà máy, bến xe, bệnh viện, trường học…những khu đông dân. Trước đó tôi nghĩ chỉ có các chú bộ đội mới đi dép cao su khi hành quân. Ấy thế mà dép cao su, cắt từ những chiếc lốp ô tô không còn sử dụng được cũng giúp chúng tôi nhanh chân hơn ra hầm trú ẩn, đi học trường làng xa mấy cây số trên con đường đất, nắng thì bụi, mưa thì bùn. Và cái chính là nó hợp túi tiền eo hẹp của các bậc phụ huynh lúc bấy giờ.
Mỗi đứa đi dép cao su đều thủ một chiếc rút dép. Rút dép được làm bằng thanh lá thép (mà thường bằng sắt )mỏng uốn gập lại, khi nào dép tuột quai thì luồn từ đế dép lên rút quai lại, để tiếp tục đi. Trẻ con hồi ấy chẳng còn cách nào khác là phải tự lực cánh sinh tất tần tật.
Có những đôi dép cao su quá mòn vì được chế từ những chiếc lốp đã trơ sợi vải bố nên rất hay tuột quai. Nỗi khổ của những đứa đi dép tuột quai thì chỉ có thể chia sẻ cùng nhau chứ diễn tả đến mấy, người ngoài cuộc cũng khó hình dung. Tôi rất sợ những hôm trời mưa, đường quê lầy lội, bùn đặc sệt rất trơn, ngã một phát là rắc rối to nếu không đúng ngày giặt của trại trẻ chúng tôi. Bùn dẻo đến nỗi dính chặt dép cao su, cứ cố nhấc chân là bung hết quai. Rồi quai cứ cụt dần dần, chiếc rút dép cũng rỉ gãy theo thời gian. Dép cao su quai ngắn lại, đi rất chật, nên hay tuột, mà tuột là không có gì để rút. Rất nhiều đứa chúng tôi đã lấy vỏ ngoài của thân cây mía để rút dép, mà vỏ cây mía yếu ợt, có lúc phải lấy răng mà cắn vào vỏ mía để rút quai lên. Đến cái loại dép tưởng bền nhất thời ấy mà cũng mòn, cũng hết hạn sử dụng thì thử hỏi chân mình đã qua bao chặng gian nan?
Có một loại dép mà cho đến giờ tôi vẫn không hiểu sao mình có thể dùng được. Đó là dép chuối. Dép của tôi đứt không thể nào cứu vãn nổi đã mấy hôm rồi mà vẫn chưa tới ngày ba má tôi lên thăm. Tôi rất sợ đi chân đất dẫm phải giun (và tất cả những con vật trơn trơn cùng họ giun tôi đều nổi gai ốc đầy mình). Dép tôi tự tạo làm bằng bẹ thận cây chuối, quai làm bằng dây lá chuối khô, tôi chỉ có thể dùng một lần trong ngày là để rửa chân buổi tối trước khi đi ngủ. Cả ngày tôi phải đi dép tuột quai liên tục, đế cùn xơ sợi gai, cũng chỉ để đối phó với việc “giữ gìn vệ sinh cá nhân”, cáu hết cả mình!
Chiến tranh để lại trong tôi nhiều vết hằn, dép cao su mòn tuột quai - tuy không gây thương tổn – nhưng nó làm tôi “lên bờ xuống ruộng” cả theo nghĩa đen và nghĩa bóng trên một chặng đường đời khốn khổ của tuổi thơ tôi!
Cuộc đời đã đi qua bao nhiêu nơi, làm cũ mòn bao nhiêu đôi giày tôi không còn nhớ, không đếm hết. Chỉ biết đến giờ này tôi thường tiện chân trên những đôi “giày lười” bằng da mềm, không phải thắt dây, không gây trầy xước, phù hợp trên mọi địa hình.
Tôi nghĩ khi người ta muốn chinh phục đỉnh cao thì trước hết cần biết cách bám mặt đất thật chắc. Và đó cũng là lí do tôi luôn chăm sóc đôi chân mình bằng những đôi giày an toàn để khỏi vịn vào người khác trên từng chặng đường tôi đã đi qua, đang đi và sẽ đi !

Sỏi đá chưa quên chân người





Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang