18 thg 3, 2015

XIN CHÚT NỢ NẦN!

Cho xin một chút nợ nần
Để trải giây phút khất lần mai sau!

Xin nợ : Cố hiểu lòng nhau
Để xem miễn cưỡng nhuốm màu phai phôi!

Xin nợ cảm xúc đơn côi
Để thấy hạnh phúc bên đời mong manh!

Nợ chút một, ngỡ trả nhanh
Ai hay trọn kiếp vẫn thành nợ thôi!

(18/3/2015)

15 thg 3, 2015

GIẢ SỬ !

Giả sử với chính sử nó khác nhau như thật với giả, như cái đã xảy ra với cái  không thể xảy ra vậy!
Giả sử nó là cái thằng cho bạn mượn xe, và bạn nó là thằng đánh mất xe của nó.
Thì sao?`   
Nó có trách bạn nó chỉ vì lười dắt xe để bên trong ,mà lại tiện tay dắt xe để ngoài của nó để đi mua thức ăn cho nhanh trong cái đêm đói bụng bất ngờ đó không?
Nó có đau cái đau của thằng bạn đang còn “viêm màng túi kinh niên” kia,bỗng dưng trở thành con nợ bất đắc dĩ không?       
Chiếc xe mà mẹ nó đã mua cho nó giờ bị mất, nó có gọi điện cho mẹ nó để thông báo là chính nó bị mất chứ không phải do bạn nó đánh mất không? (Vì nó với bạn nó đã xem lại camerra quay chậm của cửa hàng thấy thằng trộm bẻ khoá trong vài giây, khi cùng nhau đi trình báo công an mà. Nó biết chắc là đòn trộm ấy bạn nó chưa đủ võ để đỡ!))
Nó có khó xử khi giằng co giữa một bên là vật chất có hình khối và định giá rõ ràng ,với một bên là cái tình bạn vô hình,sâu nặng không thể nào cân đong ,định giá được?
Khi cái thằng bạn (chưa làm ra tiền!) không có cách  nào khác là bấu víu ba mẹ để giải quyết khối tài sản quá lớn vào lúc này, thì nó có đồng ý rằng sẽ nhận chiếc xe của ba mẹ bạn nó đền cho nó không?
Nó có đứng né sang một bên, cho phụ huynh nó lên tiếng khi phụ huynh bạn nó chỉ lặng lẽ đưa xe cho con đi đền với cái tội “con dại cái mang” mà không cần một lời trao đổi không?
Nó có hình dung sau cuộc “trả vay” sòng phẳng kia, ai mới bị mất không?
Có lẽ những trải nghiệm chưa đủ để nó trả lời từng ấy câu hỏi
Bởi vì, nó không phải là thằng được đền, mà nó chính là thằng phải đền

Cái thằng “đốt đền” của cha mẹ nó ấy mà!

(Chuyện xảy ra vào những ngày giáp Tết Ất mùi, những ngày cuối của năm 2014)

2 thg 3, 2015

CHUYỆN THẰNG BÉ CON

Đang yên đang lành, nó phải đi hoang. Chính xác là nó không được yên thân ở căn hộ chung cư C4 nhà nó. Nơi nó biết từ khi biết thế giới xung quanh .
Đầu tiên, nó phải về nhà ông ngoại với bà ngoại ghẻ (vợ kế của ông ngoại nó) trong sự chờ đợi mẹ nó đi làm thủ tục giấy má gi gỉ gì gi gì đấy, với lời hứa sẽ đưa nó đi học cùng ba mẹ nó ở đâu bên nước Đức mà nó chỉ nghe loáng thoáng qua miệng mấy người nhớn. Nó tưởng mẹ nó đi một tí là về đón nó như khi nó kiên nhẫn ngồi trong lớp Chồi chờ mẹ đến đón về. Ai ngờ hai ba bốn… “tí” mà chẳng thấy mẹ đâu. Nó sốt ruột, nó nhớ mẹ, nhớ ba, nhớ em Hoàng Long nó, nhớ ông bà nội nó. Mẹ nó gọi về qua skype giải thích lí do cho nó, nó giục ghê lắm, mẹ nó buồn nhớ nó quá. Bất chấp hành trình xuyên châu lục, bay về ôm nó vào lòng, hôn hít anh em nó, tiếp tục gõ cửa các văn phòng để giục giải quyết thủ tục cho anh em nó…
Thế rồi những lời hứa dai hơn đỉa của những ai đó làm nó vẫn chưa bay cùng mẹ được. Nó lại phải xa nhà lần nữa. Lần này nó phải đi xa hơn. Ra quê ngoại của mẹ nó. Trên chuyến tàu hỏả nó quên hết mọi buồn nhớ đã qua, và không hình dung chặng tiếp theo thế nào. Nó chỉ biết bên mẹ là bình yên lắm rồi!
Về miền Trung, nó nếm cái rét chưa từng có của phương Nam. Nhưng nó thích nghi khá tốt. Cũng là dịp tập dợt để nó sẽ đón cái lạnh run người ở châu Âu sau này.
Nó là một thằng bé kì quặc,
Khuôn mặt của nó rất ưa nhìn, ấn tượng nhất là đôi mắt to và lông mi dài. Hai cái má phinh phính có lúm đồng tiền của nó hay bị người lớn tiện tay ngắt véo cho sướng. Miệng nó nói suốt ngày, môi mỏng dính, cho dù các chữ “ng” bị phát âm thành “ nh” nhưng nó không vì thế mà ngại giao tiếp. Mỗi khi khoái khẩu nó khen “món này nhon quá!” , trước khi ngủ nó không quên “Chúc bà nhủ nhon!”
Sự kì quặc của nó ở chỗ: Nó có cái lịch lãm của một người quảng giao, luôn nói lời “cảm ơn” với ai làm hộ nó việc gì đó, hoặc nhờ ai là nó kèm theo câu “làm giúp cháu” ( Ông ơi đóng giúp cháu cảnh cổng nhé, cháu cảm ơn ông!). Thế nhưng khi nó mắc lỗi thì nó cứ đần ra không mở miệng “xin lỗi” dù được nhắc tới mấy lần. Hay tại vì nó sợ lỗi? Một căn bệnh thâm căn cố đế của thế hệ người ưa thành thích, sợ bị quy chụp lầm lỗi? Nó rất sạch sẽ, gội đầu phải có dầu thơm. Thế nhưng mỗi khi nói đến chuyện gội đầu là nó đánh trống lảng hoặc hẹn hôm sau. Quần áo của nó dính tí nước là đòi thay bằng được, nhưng ngại tắm!
Nó cẩn thận đến nỗi dặn ông đi sang đường đổ rác chú ý kẻo xe, tai nạn giao thông! Dặn bà thái hành coi chừng cay mắt! Có khách đến nhà là lăng xăng lấy ghế mời khách ngồi, lấy bánh kẹo, hạt đậu nành rang mời ( tiện thể bốc một nắm vì lúc bình thường, nó đồng ý không ăn , sợ ngứa cổ lại ho hen!). Có lần đang ngồi vắt vẻo trên ghế cao, vậy mà khách có ý tìm dụng cụ xắn bánh chưng rán, là nó tụt nhanh như sóc xuống ghế đi lấy. Nó rất thích được cụng ly với mọi người, để thấy mình cũng là một thành viên trong gia đình. Nó nhấp một tí tì ti rượu nếp với sự thèm thuồng vô tận. Nhưng nó chưa phân biệt say rượu khác với say xe. Nó hỏi mẹ nó bay sang Đức có “mệt” không chứ nhất định không hỏi có bị “say” không, vì nó nghĩ mẹ nó có uống rượu nếp đâu mà say!
Nó nghe các bài hát, ca dao rồi tự thuộc, như thể nó cất vào một ngăn riêng trong não bộ. Nếu cứ dạy kiểu cho nó thuộc lòng thì nó đọc lộn tùng phèo trật tự các từ, khiến người dạy đánh giá nhầm về nó.
Nó tuân thủ mọi kĩ năng cơ bản: đèn đỏ phải dừng, ai không dừng là “xấu xí, lông lá, đen thủi, đen thui” (như con vật giả dê mẹ trong truyện cố tích). Ra đường phải đeo khẩu trang, đội mũ, thay dép, mặc áo khoác…Khi bà có việc phải đi thì nó không quên dặn “bà đi nhanh rồi về, nhưng đi từ từ thôi cho an toàn”
Nó rất thích trò chơi đóng vai. Nó là “bà” (em của bà ngoại nó) còn  bà đóng vai là nó. Khi được yêu cầu kể chuyện, nó nhập vai từ chối rất khéo: cháu hư nên hôm nay bà không kể chuyện cho cháu nghe, bà cũng không gãi lưng, hát hiếc gì, tự “nhủ” đi! (bà nó nghĩ: gậy ông lại đập lưng ông!). Khi muốn ăn mà chưa đúng lúc, nó tự an ủi: phải nhủ nhoan, dậy mới được ăn xúc xích! Muốn đi chơi xích lô ngoài quảng trường, nó bảo : Hôm nay không gió, chiều sẽ được đi đạp xích lô!
Nó rất thích xem phim hoạt hình và quảng cáo. Bị hạn chế xem ti vi, nó buồn rười rượi. Thỉnh thoảng nó nghĩ ra cái trò nhắc nhở quý khách xuống tàu, nhớ đừng để quên đồ đạc trên tàu! Nó luôn miệng cùng với luôn tay, luôn chân! Rồi đêm đêm nó kêu “khó nhủ quá!”. Hỏi “Vì sao khó nhủ?” nó bảo: Nhức chân, mỏi tay”. Nhưng hôm sau nó lại bắt đầu một ngày mới bằng những hoạt động y chang ngày đã qua!
Nó đang bị án treo cái tội “muốn ăn gắp bỏ cho người”. Rằng thì là: ý nó muốn gì đó, nó cứ hay mượn lời người quan trọng nói: Mẹ Chi bảo là không được gội đầu. Ông bà nội nó bảo không được gọi mẹ nó là “Zen” (như từ trước tới giờ nhà ngoại vẫn gọi) mà phải gọi đúng tên “Chi”. Ba Trà bảo gọi điện cho ba Trà, ba Trà đang chờ (mặc dù lúc đó ba nó đang khò khò  vì nửa đêm bên kia)
Mỗi khi mắc lỗi nó không chịu ghi sổ “hư” mà bảo là nó chỉ“ chưa ngoan” thôi, mẹ nó bảo thế.
Nó hay hóng hớt điện thoại của mọi người. Nó thuộc tất cả các chữ cái, nên liếc một cái là biết ai đang gọi cho ai. Vì cái tội này mà nó bị cắt phần nghe chuyện cổ tích mấy đêm. Nó chưa biết ghép vần tiếng Việt nhưng phát âm rất chuẩn các từ: skype, viber, faceTime nhờ hay sử dụng các phương tiện này.
Nó hay hỏi đi hỏi lại một câu hỏi cho dù đã biết câu trả lời, đến nỗi nó ngủ thì ai cũng nhẹ hẳn người vì không bị nó lục vấn như ong vo ve bên tai
Nói tóm lại, nó là cuốn truyện hấp dẫn, đôi lúc làm cho ta bực mình, nhưng ta cứ muốn ôm khư khư chẳng muốn rời!
Tên nó là Hoàng Quân. Ôi cái thằng bé kì quặc!

(Ngày 2/3/2015)
Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang