28 thg 10, 2015

LÂU LÂU VỚ ĐƯỢC SÁCH

Dạo này thời gian ( kể từ ngày xếp bút nghiên!) toàn bị tiêu tốn vô bổ, mạng miếc, cà phê cà pháo, rồi những việc chẳng ra đâu vào đâu. ...Sách xiếc bị lãng quên. Vừa rồi buộc phải ngồi một chỗ ( không goai phai goai phủng) để giám sát công việc của thợ lắp sàn gỗ (ấy vậy mà vẫn bỏ sót chi tiết), dắt theo tập tản văn, tưởng chỉ dành cho tuổi xì - tin, tặc lưỡi định giết thời gian. Bất ngờ suy nghĩ miên man…
Thoáng qua bìa sách với cái tên  “Tạm biệt, em ổn!”- Tác giả Tờ-Pi, tưởng lại một mối tình non trẻ tan vỡ, nhân vật cố gượng dậy sau một cú sốc nào đó. Hay một thuyết minh cho trào lưu đơn thân sau ‘Hợp đồng dài hạn” gặp sự cố,..Không ngờ gặp một phong cách bụi (vàng), một vốn sống vượt qua ngưỡng tuổi người cầm bút. Như tác giả khẳng định “Tôi không phải là nhà văn, tôi chỉ là một người kể chuyện, những câu chuyện của tôi” “Rất đời! Rất người!”.
Tập sách có sức hút kì lạ, cứ như  ta đang trò chuyện rất ăn ý với một người mà lâu lâu mới gặp được. Không vòng vèo, màu mè uốn éo, đi thẳng vào những câu chuyện “rất đời” bằng cách nhìn thấu, nhìn hiểu và nhìn cảm. Chứ không phải cái giọng “đời” giễu nhại, am tường, vô cảm!
“Đời” trước hết ở giọng kể, không né tránh, cầu toàn, gọt giũa câu chữ. Đôi khi lời ăn tiếng nói được bê nguyên vào trang viết, cách luyến láy như ta vẫn thường nói chuyện với nhau hàng ngày  , kiểu như: “Có vài ba bậc phụ huynh ở quê ngơ ngơ ngác ngác áo dài óng ánh vỗ tay cười ngượng ngiụ trước đám bâu nhâu như lũ khỉ ở Hoa Quả Sơn” ( Một  đám cưới)
“Đời” ở công việc, luôn phải va chạm với những hạng người bị xếp vào “xã hội đen”(dân cửu vạn, bảo kê, buôn lậu,…) để điều tra, để phá án,…nhưng lại luôn nhìn họ với con mắt cảm thông, sự chia sẻ ngấm ngầm, sự dằn vặt trước những mảnh đời vất vưởng, bụi bờ bị lãng quên, bị xô đẩy, bị dày xéo,..Có những lúc rơi vào cảnh nghiệt ngã, chính những người có tiền án tiền sự lại sẵn sàng giúp đỡ người đang thực thi nhiệm vụ vì an ninh cuộc sống ,..vượt qua hoạn nạn, trong khi những người thường ngày tỏ ra tử tế lại ngoảnh mặt làm ngơ, thế nên tác giả mới có lời rằng“ bạn chỉ cần một lần nhìn họ không bẩn, không bựa thì chắc chắn họ còn tử tế hơn vạn lần những kẻ có học đạo mạo bạn gặp ngoài kia”.  Có đôi khi kể về một số phận được cứu rỗi, Pi mỉm cười vì thấy mình ít ra đã quảng phao đúng lúc cho một linh hồn chỉ còn lại mảnh xác vật vờ trôi nổi qua ngày trên dương gian. Ấy là một thằng nọ sống bằng nghề ăn mày, Pi hỏi nó biết hát không, hát mà xin tiền. Thế rồi từ một thằng ăn mày, hắn đã xây dựng một gia đình lao động tử tế, sinh con đẻ cái, với ước mơ cho con đến trường để sống một cuộc đời khác đời cha mẹ chúng. Không phải tự nhiên, sau mảnh đời lê lết,lầm lỗi của họ tác giả lại cất lên câu hát “Ta tiếc cho em trong cuộc đời làm người/ Ta xót xa thay…Em là một cánh hoa rơi”(Trịnh Lâm Ngân)
“Đời” ở những câu chuyện về bà bán bún gà (máy bay bà già, có một giai kém hơn chục tuổi - phi công trẻ- đeo đuổi) vẫn chăm chỉ làm ăn, tạo cơ ngơi cho con cái, bị chúng nó phá phách, nghiện ngập. Chuyện về các hot- gơ chỉ dựa vào vốn tự có để lấy ngắn nuôi dài, lại còn khinh bạc nhìn đời, dè bỉu hạnh phúc chân chính của những người xung quanh mình qua những món vật chất tầm thường ( mà cứ ngỡ là tất cả sự sống!),…ở họ vẫn trọng người nghĩa khí, không cậy quyền cậy thế, biết lắng nghe, chỉ dẫn, hướng thiện cho họ
”Đời” ở những mảnh tình rất mặn nồng khi chưa qua thử thách và nhạt thếch khi gặp chướng ngại vật dù giản đơn mà không đủ sức vượt qua, hay chỉ muốn theo một lối mòn khuôn mẫu có sẵn. Nhưng thứ tình mong manh khiến Tờ -Pi thà cô đơn còn hơn phải chịu sống nhục.
Tản văn hầu như viết bằng giọng tỉnh rụi, câu rất ngắn, đôi khi cộc , khô khốc lại thấm đẫm tình người. Tình yêu thương những người phụ nữ bị đối xử bất công. Họ chiều chồng, thương con, phụng dưỡng cha mẹ, lại bị mẹ chồng coi chẳng ra gì ( lúc nào cũng ca ngợi trắng trợn những con dâu hụt trước mặt đứa sinh cháu nội đích tôn cho mình), chồng thì mải mê gái gú, hoặc đạo đức giả, bóng sáng diễn giỏi trước đông người, miệng còn leo lẻo “ sống là nghệ thuật”, nghệ thuật của kẻ xôi thịt!
Những tiếng thở ra sau mỗi cảnh ngộ lâm li của nhân vật ( bị thất tình, lừa tình hay tình lừa …) mà tác giả tiếp xúc đều khiến người đọc bùi ngùi theo.
Cái cụm từ “Người ta” thiên hạ quen dùng, có mấy ai phản biện: Mày cứ ngông thế người ta đánh giá! Mình sống làm sao đừng để người ta đồn thổi chơi bời này kia! Sợ người ta bảo hư không lấy được chồng! Mặc thế này ra đường sợ người ta bảo già mà đú không?...Rồi kết: “ Người ta không  nuôi mình, không cho mình xu nào để sống, cũng chả làm mình vui, mình sướng, mình hạnh phúc được thì sao phải “xoắn” người ta nhỉ?
Theo Tờ -pi “ gia đình là tất cả”! Trong nhiều câu chuyện kể về đời, về người, ở những thời điểm gấp gáp vội vã, nguy hiểm hay bình an, hình ảnh cha mẹ tuy chỉ thấp thoáng nhưng vô cùng gần gũi, yêu thương. Đó là những quả dưa leo sạch bu gửi cho để đắp mặt vì suốt ngày phơi mặt ngoài đường, đó là những câu hỏi của cha về người giai  chở con vừa thấy trước ngõ cười toe toét đã mất tăm mất dạng. Cha mẹ hiện lên qua cách xử lí những tình huống nghiệp vụ chuyện sâu với tư cách đồng nghiệp , đồng hành. Họ cũng là bậc tiền bối đáng kính mà nếu kẻ vô ơn quen thói chửi đổng, sẽ bị dằn mặt, cảnh cáo.

Nói chung,  đọc “Tạm biệt, em ổn!”, thấy rất ổn! (Trừ  “người ta” nào đó thấy không ổn, thì đấy là việc của họ!)
Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang