29 thg 1, 2016

VỀ ĐẤT PHẬT Ở KINH BẮC


Mong muốn được vãn cảnh những ngôi chùa trăm năm, ngàn năm tuổi đã lâu. Giờ duyên đến lại từ một lần đi ăn giỗ. Bạn mời về lần Chọi quê bạn , vốn ham vui & thú cái cảnh điền viên ở làng quê Bắc bộ, chẳng cần băn khoăn, tôi thao thức suốt đêm chờ sáng lên đường.
Tôi chưa phải là một người trên thông thiên văn, dưới tường địa lý, mỗi thứ biết một tí, đặc biệt về giáo lý Phật pháp. Nhưng không biết vì sao mỗi khi tới chùa chiền, miếu mạo ,đình đền, …lòng tôi lại chùng xuống, bình yên rất lạ! Niềm tin về cội nguồn tiên tổ, về những điều tâm linh không diễn tả được thành lời lại hiện hữu trong tôi khiến chân tôi trở nên nhẹ nhõm cất bước đến nơi thờ phụng với sự kính ngưỡng rất thành tâm.
Tôi nhớ lần (cũng tình cờ được mời) đi Yên Tử . Tôi đọc dòng chữ “Trăm năm một kiếp tu hành/ Chưa về Yên Tử chưa thành quả tu”, tôi miên man nghĩ về cõi thiền. Đã lên tới Chùa Đồng- đỉnh Yên Tử, dù chưa đủ duyên để “thành quả tu”, nhưng tầm mắt tôi đã được mở ra rộng hơn, bao quát hơn rất nhiều so với những gì quẩn quanh của cuộc sống thường ngày nơi đất thấp người đông.


Trước tượng Phật chùa Phật tích
Lần này tôi về đất Phật Kinh Bắc, tôi được đi chiêm bái chùa Phật Tích, một ngôi chùa cổ hàng ngàn năm tuổi của nước Việt. Tôi yêu quý từ những linh vật canh chùa: Nào Nghê, Rùa ,Voi,..đến những bậc cấp rêu phong trước mưa nắng, gió bão, của thời gian. Tôi ngắm nghía các ngưỡng cửa lắp các cánh gỗ được chạm khắc hoa văn tinh xảo, mà bản lề chỉ là những lõi gỗ nhỏ chắc chắn.


Linh vật canh Đền (con Nghê)
Tôi mê mẩn ngắm mái chùa với những vuốt cong mềm mại của thân rồng uốn lượn. Lòng tôi nôn nao nhớ những buổi chiều nơi sơ tán, nhớ ba má, tôi hay nhìn lên nền trời mỗi lúc một tối in hình những nét cong của mái chùa như thế. Tôi thích cả độ võng xuống của thanh đà chạy ngang trên mái chùa. Tôi chẳng cần biết vì sao mái ngói như những vẩy cá xếp so le từng hàng gắn kết thế nào để không bị tụt xuống. Trong sâu thẳm chốn tâm linh tôi, chùa thâm nghiêm cổ kính che chở cho những niềm tin bất diệt của con người trong khổ nạn và cả khi hạnh phúc, bình an!


Ẩn mình giữa rêu phong của khuôn viên chùa
Kì lạ là vào trong chùa bao giờ cũng thấy dịu mát, dù bên ngoài thời tiết có điên đảo cỡ nào! Các ban thờ được sắp xếp theo thứ bậc trang trọng. Các vật phẩm thờ được bày biện rất bài bản theo truyền thống dân tộc rất chuẩn chỉ. Đặc biệt là các pho tượng sơn son thiếp vàng, đường nét mềm mại, khác hẳn các tượng đá gọt đẽo tinh vi hiện đại bằng máy móc thời công nghệ. Các vị La Hán, mỗi người một vẻ, dù tôi đã thấy ở nhiều chùa, nhưng sao dáng vẻ của các vị ở đây khiến tôi thấy gần với cõi trần đến thế! Tôi chắp tay khấn vái những lời từ tâm mà có lẽ rất vụng về so với những người quanh tôi. Bởi tôi thấy họ lạy rất khéo, lời khấn rì rầm của họ vẳng bên tai tôi cũng rất vần điệu mượt mà. Tự nhiên tôi mơ hồ nhớ đến câu “Kinh nhà Phật dù hay đến đâu mà sư ngọng đọc ,vẫn sai!”. Thôi miễn mình lòng thành, Phật từ bi sẽ chứng dám!
Chúng tôi tiếp tục đi thăm đền Đô, còn gọi là đền Cổ Pháp. Từ xa xưa, Cổ Pháp được liệt vào làng “Tam cổ”, “Thứ nhất Cổ Bi, thứ nhì cổ Loa, thứ ba Cổ pháp”. Đất Cổ Pháp là nơi thắng địa bậc nhất Kinh Bắc, vượng khí, linh thiêng. Làng Cổ pháp được cho là nơi phát tích của triều đình nhà Lý kéo dài hơn 200 năm.
Khu vực nội thành có kiến trúc theo kiểu "nội công ngoại quốc". Chính điện thờ vua Lý Thái Tổ. Bên trái điện treo tấm bảng ghi “Chiếu dời đô” của vua Lý Thái Tổ với đúng 214 chữ ứng với 214 năm trị vì của 8 đời vua nhà Lý. Bên phải treo bảng ghi bài thơ nổi tiếng”Nam quốc sơn hà”. Sau cùng Cổ Pháp là nơi đặt ngai thờ, bài vị và tượng của 8 vị vua nhà Lý.
Cổng vào nội thành gọi là Ngũ Long Môn vì hai cánh cổng có trạm khắc hình năm con rồng. Trong nội thành có các nhà thờ xây kiểu chồng diêm 8 mái, 8 đao cong mềm mại. Khu ngoại thất đền Lý Bát Đế gồm thủy đình trên hồ bán nguyệt. Hồ này thông với ao Cả trên và ao Cả dưới. Thuỷ đình đền Lý Bát Đế từng được Ngân hàng Đông Dương thời Pháp thuộc chọn là hình ảnh in trên giấy bạc "năm đồng vàng" và là hình in trên đồng tiền xu 1000 hiện nay.
Ngoài ra, ở khu vực ngoại thành còn có nhà chủ tế, nhà kho, nhà khách và đền vua Bà (thờ Lý Chiêu Hoàng, còn gọi là đền Rồng), v.v…Tôi lại chìm trong chuỗi liên tưởng những rối ren của lịch sử thời nào cũng có, và tôi xót xa cho vua Bà Lý Chiêu Hoàng không được sánh ngang các vị vua trước trong đền nội thành!
Tại đây tôi gặp một người thoạt đầu tưởng chỉ canh giữ Đền, sau mới biết ông là Nhà giáo nhân dân, Anh hùng lao động bởi nhiều đóng góp trong giáo dục và ghi chép, lưu giữ những giá trị di sản văn hoá dân tộc, sáng tác thơ, nhiếp ảnh, tên ông là Nguyễn Đức Thìn. Ông tự cho mình là người tâm giao với Hàn mặc Tử ( vì ông cũng mang căn bệnh khổ đau như thi sĩ họ Hàn) và lấy bút danh là Nhiệt Cảm Sinh. Ông kí sách về Lịch sử đền Đô tặng tôi. Tôi nghĩ về phận người tài sao quá truân chuyên!
Ra về lòng tôi tràn ngập những cảm xúc về các bậc Đế Vương muôn đời của dân tộc. Nếu không có những ngôi Đền này, hậu thế tìm về đâu dâng bái lòng kính ngưỡng biết ơn?

ĐỀN BÀ CHÚA KHO
Đền Bà Chúa Kho nằm trên lưng chừng ngọn núi Kho, tại khu Cổ Mễ, Phường Vũ Ninh, TP Bắc Ninh .
Đền Cổ Mễ thờ Bà Chúa Kho chính là nơi tưởng niệm một người phụ nữ Việt Nam đã khéo tổ chức sản xuất, tích trữ lương thực, trông nom kho tàng quốc gia trong thời kỳ trước và sau chiến thắng Như Nguyệt.
Vào đời nhà Lý, Bà có công giúp triều đình trông coi kho lương thực tại Núi Kho (tỉnh Bắc Ninh) và đã "thác" trong cuộc kháng chiến chống quân Tống vào ngày 12 tháng giêng năm Đinh Tỵ (1077).
Nhà vua thương tiếc phong cho Bà là Phúc Thần. Người dân nhớ thương Bà lập nên đền thờ tại kho lương thực cũ của triều đình ở Núi Kho và gọi Bà với một niềm tôn kính là: Bà Chúa Kho.
Bà Chúa Kho xuất thân từ một gia đình nghèo khó ở làng Quả Cảm gần đó. Sau khi lấy vua Lý, thấy ruộng đất ở đây bị hoang hoá, bà xin vua cho về làng chiêu dân lập ấp, khai khẩn ruộng hoang. Không ai biết tên bà, khi bà qua đời, nhân dân lập đền thờ để ghi lại công ơn bà là đã hết lòng chăm lo cho dân ấm no, trông coi các "lẫm thóc, lẫm tiền" của Nhà nước. Công lao của bà đã được triều đại phong kiến ghi nhận qua việc sắc phong đền thờ bà là "Chủ khố linh từ" (Đền thiêng thờ bà Chúa Kho). Ở thôn Cổ Mễ còn một ngôi đình và ngôi chùa cổ. Chùa Cổ Mễ có từ lâu đời. Ngày nay trong chùa còn ba pho tượng đá khá đẹp mang rõ phong cách điêu khắc thời Mạc. Chùa còn lại đến nay là kiến trúc thế kỷ XIX, làm theo kiểu chữ T chạm khắc công phu.
Đúng là hữu xạ tự nhiên hương! Hơn tất cả những tiếng rao của phương tiện thông tin hiện đại về những gì phù phiếm, giả tạo của những cái gọi là”Thiện nguyện” miễn cưỡng theo phong trào mà không một chút từ tâm của ai ai đó! Công đức vô lượng vô biên của các bậc tiền bối, con cháu sẽ đời đời ghi khắc với tất cả lòng thành, cho dù ngay cả cái tên cúng cơm cũng không được chạm trổ mạ vàng!
Đất Kinh Bắc quả là nơi quy tụ linh khí của Đất trời nước Việt! Còn nhiều điểm nữa tôi chưa đi hết. Nhưng trong quỹ kiến thức và cảm xúc tôi bỗng giàu lên bất ngờ so với quãng thời gian dài tôi để nó vùn vụt trôi mà không có điều kiện tích luỹ.
Có lần tôi đã nghe một giáo sư triết học nói về Nho giáo- Lão giáo- Phật giáo, đại khái một người chân chính trong hệ “Tam giáo đồng nguyên” có thể theo Nho nhập thế hành đạo vào tuổi trẻ, theo Lão để tiêu dao thanh thoát trong lúc thất bại đau khổ và có thể theo Phật để giảm trừ tham, sân, si bớt đi những hệ luỵ gian trần. Ở cái tuổi “Ngũ thập tri thiên mệnh” tìm về chốn cửa Phật âu cũng là hợp quy luật để tĩnh tại tậm hồn, an lạc với quỹ thời gian Thiên định. Và tôi luôn thấy lòng nhẹ nhõm nơi những ngôi Chùa tôi đặt chân tới. Dù biết mình chưa có duyên tu, nhưng ý thức được sự tu tập trong cõi ta bà là cần thiết, có phải cũng là cơ may cho tôi ở kiếp này chăng?
Rời Đất Phật, tôi tin linh khí của Đất Trời sẽ thẩm thấu vào tâm thức tôi, những hình ảnh, kỉ niệm ở đây làm hành trang cho tôi tiếp tục hành trình của sự sống phía trước!
(Tháng 01/2016)
Bước chân an lạc



26 thg 1, 2016

ĂN GIỖ Ở LÀNG QUÊ BẮC BỘ

Đầu tiên là ham vui nhận lời đi về quê bạn ( mà cách nay mấy chục năm đã từng về) để ăn giỗ bác của bạn. Đó là một làng quê Kinh Bắc mang đậm nét văn hoá dân gian Bắc bộ.
Làng Chọi là một trong ba mươi sáu làng quan họ cổ của Bắc Ninh. Ở đây đúng là " một làn nắng cũng mang điệu dân ca". Từ cung cách chào hỏi, đi đứng của người làng đều mang dáng vẻ rất riêng của liền anh, liền chị duyên dáng, tao nhã. Đến cổng làng, đình miếu, nhà cửa và các đồ vật cũng như cách bài trí đều mang nét dân gian cổ xưa của làng quê nhiều phong tục đặc trưng của Bắc bộ
Lâu lắm rồi mới lại được sống trong không khí rộn ràng của một đại gia đình đầm ấm cùng lo biện sửa mâm cỗ cúng. Ban thờ sắp xếp thứ bậc rõ ràng, nghi ngút khói hương, các món ăn được bày rất bắt mắt. Những món cổ truyền như canh sườn khoai sọ, vịt xáo măng, miến gà...
Vẫn bố trí chiếu trên gồm các vị cao niên, ngồi trên sập gụ hai bên ban thờ. Phía trước dần ra sau là thứ tự các bàn 6 người theo thứ tự vai vế trong họ, trong gia đình từ lớn đến nhỏ dần.
Sau khi ăn giỗ mỗi người ra về sẽ được một gói đem về gọi là "lộc". Có lẽ câu " vừa được ăn, vừa được nói, vừa được gói đem về" xuất phát từ những lần đi ăn cỗ như thế này chăng?
............
Ăn giỗ ở làng Đại Áng
Làng Đại Áng thuộc huyện Thanh Trì Hà Nội. Chỉ cách hơn nửa tiếng đi ô tô , nhưng hình ảnh về một làng quê xưa còn nguyên dấu tích dân gian Việt Nam.
Vào làng cũng đi qua cổng chính( còn có hai công phụ hai bên). Mái cổng uốn lượn, lợp ngói cổ đã rêu phong, dù đã được trùng tu qua thời gian. Làng Đại Áng có hai giếng làng, một hình vuông và một hình tròn. Trước cả hai giếng đều xây bằng đá ong và có bậc cấp để đi xuống. Giờ người ta đã thay bằng gạch thẻ, trông nó sạch sẽ quá mức, như thể cô thôn nữ đang duyên dáng tự nhiên bôi son trét phấn thành ra nửa thôn quê, nửa thị thành! Thật tiếc! Giữa làng có ngôi chùa cổ, các tượng Phật không nhiều nhưng cũng được tạc giống ở các chùa khác ở Bắc bộ. Trong chùa có một toà tháp toạ lạc trên mai cụ rùa, nằm trong một hồ vuông cổ.
Chùa thông sang một ngôi đình. Đúng ngày hội đình, dân làng trong áo dài khăn đóng đủ màu, (chủ yếu là màu vàng và màu hồng) cỗ bàn la liệt. Mọi người đi lại tấp nập, nét mặt tỏ ra bận rộn một cách vui vẻ, hào hứng.
Về nhà bác của em dâu( lại là bác!) ăn giỗ. Ngôi nhà này vẫn còn nguyên vẹn kiến trúc cổ. Vào nhà bước qua ngưỡng cửa, cánh cửa gỗ đóng mở bằng chốt gỗ.Ban thờ được bố trí từng tầng bậc theo tôn ti tổ tiên ông bà ...
Mỗi mâm giỗ ở đây cũng chỉ có sáu người. Đặc biệt là có món thịt cầy, được chế biến nhiều kiểu, trông qua rất bắt mắt. Nhưng với lí do riêng, tôi không ăn thịt cầy, nên được bố trí ngồi mâm với những người không dùng món này. Tôi được nghe nhiều câu chuyện đời , chuyện làng trong bữa ăn ấm áp tình thân ấy. Nhấm nhi từng món, tôi hồi tưởng ngày bé đi sơ tán tôi cũng từng ăn giỗ như thế. Hoá ra mình rất có duyên ẩm thực!
Rất hay ở chỗ là ra về lại được nhận "lộc" từ gia chủ. Một việc làm rất giàu tình cảm gắn bó chia sẻ của bà con họ hàng!
Vậy là chuyến đi của tôi về làng quê Bắc bộ thú vị nhiều hơn tôi tưởng. Tôi trân quý những làng quê và những gương mặt thân thiện đã cho tôi những kỉ niệm đẹp về Đất nước, con người Việt yêu dấu.
Cảm ơn bạn bè, bà con đã tạo điều kiện cho tôi có những giây phút tuyệt vời!

(Tháng 12/2015)

Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang