Hồng Loan
6 thg 3, 2017
ĐỌC "HOA THÙY MIÊN"
ĐỌC “HOA THUỲ MIÊN”
Mỗi lần cầm một quyển sách mới trên tay, lại tiếc nhớ những quyển sách vô cùng yêu quý trong tủ sách của gia đình! Qua mỗi lần dời nhà, những quyển sách đem theo kỉ niệm về những người thân từ chữ kí, ngày tháng và nơi đặt bút kí đã vơi dần đi, mất mát đi vì những điều kiện rất khác nhau. Hoàn toàn không giống sự tiếc nuối của ông giáo (trong truyện của Nam Cao) vì lí do túng quẫn phải bán sách. Cái đau ở đây lại là phải cho sách đi (như kiểu gọt chân cho vừa giày dù quá đớn đau)!
Nhưng thôi, nhắc lại chỉ thêm day dứt, buồn đau, tiếc nuối…
Nói về HOA THUỲ MIÊN, cuốn tiểu thuyết vừa được bà sui gia của chị gái tặng. Bà đã tìm mua nó với lời giới thiệu rất khác nhau của nhiều người. Và mua ở nhà sách mà tuổi trẻ của bà đã lui tới đây rất nhiều lần, nhà sách Tràng Tiền –Hà Nội. Riêng bà chưa đưa ra nhận xét và muốn mình đọc xong sẽ cùng bàn luận. Mình đọc nghiến ngấu xong gọi điện ngay cho bà để cùng bình luận theo quan điểm của mình, thì rất tiếc bà lại đi viện vì chứng ho kinh niên hành hạ. Thôi thì cứ gõ ra đây cho khỏi lú với chuyện đời.
Phạm Hoàng Hải có phải là tác giả quen thuộc của nhiều người không thì mình không biết, nhưng với mình thì đây là tác phẩm đầu tiên mình đọc của cây bút này.
Theo mình, tiểu thuyết này, về nội dung toát lên một triết lí nhân sinh rất rõ ràng qua luật Nhân - Quả tương ứng như một định mệnh muốn tránh cũng không thoát. Về nghệ thuật, cây bút vừa phóng túng, vừa sắc lẹm đến rùng mình, nhất là khi miêu tả hành động gợi cho người ta cảm giác, lẫn cảm xúc ( về mộng tưởng và thực tế, về sự thù hận và tình yêu, về sự cao cả và thấp hèn…) phảng phất bóng dáng của những trang kiếm hiệp xưa ( cũng có nhiều chương, mỗi chương có từng phần thay vì hồi. Ví dụ: Đêm trăng trên hồ sen mộng/ níu giữ một kiếp chung tình). Nhân vật không nhiều, không tầng tầng lớp lớp gây nhiễu mạch theo dõi suy đoán cho người đọc. Nhưng cũng đầy đủ hệ thống hảo hán, ẩn sĩ, tu sĩ, mĩ nữ, đạo sĩ, dị nhân…lại có cả những trinh nữ tinh khiết như các phi tần trong các thâm cung của vua chúa thời đã có triều chính lắm mưu mô, nhiều lạc thú.
Ngôn ngữ truyện không màu mè, hoa mĩ nhưng vốn từ rất thâm hậu sâu xa. Khi cần chất cổ thì âm mưu hiến kế của hảo hớn, ẩn sĩ, đạo sĩ đưa người đọc vào mê cung của rừng ý tưởng uyên thâm. Khi đan xen hiện đại thì các đại gia cứ gọi là phải tìm đọc mà giắt lưng lúc cần chứng tỏ độ cao cường của nội lực không cần thể hiện ra ngoài vẫn khiến đối phương ngả mũ tâm phục, khẩu phục nhất nhất làm theo. Người viết chứng tỏ sự am tường về vốn sống và vốn tưởng tưởng buộc người đọc phải công nhận sự hợp lí của từng chi tiết. ( Theo tác giả tự giới thiệu thì suốt quá trình thảo trên máy, vợ không liếc mắt nhòm ngó, tạo điều kiện cho văn sĩ toàn tâm toàn ý với đứa con , hay người vợ tinh thần này- mà có khi chay tịnh suốt quá trình “thai nghén” tác phẩm cũng nên!).
Theo cá nhân mình không khoái lắm cái cách kết thúc có phần gượng ép của truyện,nó dường như nằm trong tầm đoán thường thường của người đọc ( không biết tác giả chỉnh sửa có bị ảnh hưởng bởi sự góp ý nào khác không- theo lời tác giả tự dẫn). Nhẽ ra, với ngần ấy kungfu, sự phá cách, cha đẻ của đứa con tinh thần này hãy cho con mính một lối thoát khác, hoặc cứ kết thúc mở để người ta hưởng cái lạc thú của sự tưởng tưởng theo cách của mình. Có thể sẽ khiến tác phẩm vừa vặn hơn . Đọc xong hơi tiếc nuối cái cách kết thúc mỗi số phận nhân vật đã trải qua sự vẫy vùng thoát xác đầy khát vọng mà con người cần vươn tới. Mà đó mới chính là “quả” mà họ đáng được hưởng suốt quá trình gieo”nhân”, mới đúng với câu “xưa nay nhân định thắng Thiên cũng nhiều”( câu dẫn trong truyện), chứ không đóng định vào Định mệnh nghiệt ngã!
(09/02/2017)
22 thg 11, 2016
CÂY BÀNG TRƯỚC NGÕ NHÀ TÔI…
Nằm nghe tiếng mưa rơi ở
đất phương Nam, tôi chợt nhớ mùa đông ở đất Bắc. Tôi nhớ da diết tiếng lá xào xạc rơi xen trong bước
chân người rao đêm. Hình ảnh cây bàng trụi lá mùa đông sau khi trút bỏ lá đỏ,
hiển hiện trước mắt tôi.
Cây bàng là một phần tuổi thơ tôi và lũ bạn cùng trang
lứa ở cái ngõ Ngô Sĩ Liên ấy. Tôi không biết nó có từ bao giờ, chỉ biết khi tôi
lớn lên đã thấy Bàng đứng đó, sừng sững uy nghi và cũng bao dung như một bậc
cao niên, chứng kiến những buồn vui của chúng tôi, chứng kiến những trò chơi có
khi làm tổn thương đến thân cành hoa lá của Bàng.
Cây Bàng đứng ở bên kia đường, đối diện cửa sổ nhà
tôi, ngay cạnh nhà cụ giáo Nhân (theo cách gọi của hàng xóm với nhà giáo đáng
kính của xóm). Dáng nó hơi ngả xuống lòng đường. Hồi ấy cũng phải vòng tay của
hai đứa trẻ như tôi mới ôm hết thân nó. Thân Bàng xù xì, nứt nẻ, bị chúng tôi
bóc từng mảng nhiều lần cho “đã” một thú vui vô lí, chắc nó đau đớn lắm, mà
chúng tôi nào đâu có buông tha! Cây Bàng báo hiệu mỗi mùa đã đi qua mà tôi nào
có để ý. Tôi đã sống ở ba miền đất nước, thấy nhiều cây bàng ở các trường học
và trên đường trường tôi đi qua, nhưng tôi chưa thấy cây bàng nào đẹp như cây
Bàng ở ngõ nhà tôi. Hay vì nó gắn với tuổi thơ một đi không trở lại của tôi mà
trong mắt tôi, đúng hơn là trong tâm tưởng tôi nó đẹp tròn trịa như thế!
Cây Bàng này có từng tầng lá rất cân đối như được cắt
tỉa vậy. Mỗi mùa Bàng ra quả là chúng tôi bắt đầu hành hạ nó. Đứa nào trèo được
thì trèo ,đứa nào không trèo được thì lên lan can gác thượng, nằm bò ra, với
tay hái bằng được. Quả xanh thì chúng tôi vặt để lắp ghép thành những con rùa
mai xanh. Mà mỗi đứa sở hữu biết bao nhiêu con rùa cũng không thoả mãn. Mùa bàng
chín thì “thôi rồi Lượm ơi!”, từng tốp hái khi còn ương ương, ăn vừa chua vừa chát. Quả bàng chín ăn
ngon như một đặc sản! Cái hột của nó trông xơ xơ thế nhưng đập ra lấy nhân ăn
thì vừa béo vừa bùi…Theo tôi bàng chẳng vứt đi cái gì. Tôi còn nhớ ,chúng tôi
hay lấy lá bàng xếp thành những cái mũ chuồn như các quan ngày xưa, trông rất
ngộ. Hoa bàng bé xinh thì tụi con gái cố nhét lên tai làm khuyên.
Tôi nhớ mỗi khi má tôi chuẩn bị áo len, áo bông cho
chúng tôi thì tôi cũng thấy cây bàng đỏ rực lên như cố chống chọi với mùa đông
rét mướt. Tôi không để ý lúc nó từ từ chuyển màu như thế nào. Chỉ mỗi khi nhìn lên thì đã thấy nó đỏ rực,
hay xanh mướt tự bao giờ. Hoa bàng cứ mọc trên từng sợi xanh xanh rất giống với
màu con sâu róm, loài sâu mà tôi sợ khủng khiếp.
Bây giờ tôi đã rất xa rồi, xa rồi mùa đông, xa những
cơn gió rít qua khe cửa rét buốt, xa cây bàng nhiều kỉ niệm…Tôi mang theo trong
kí ức về hình ảnh thân thương của cây bàng. Với tôi, cây cỏ không hề vô tri. Nó
nhắc tôi những năm tháng tuổi thơ hồn nhiên, dù ở chân trời góc bể nào, nhìn thấy
bàng tôi lại nhớ đến nao lòng về kí ức quá trong sáng, hồn nhiên của tuổi thơ
tôi. Ôi “ Ta còn em, cây bàng mồ côi mùa
đông…”
12 thg 5, 2016
ĐẢO LÝ SƠN CỦA NGƯỜI VIỆT NAM!
Sau 1 tiếng từ cảng Sa Kỳ lênh đênh trên biển, cập vào đảo, tắm táp qua quýt, phi lên chùa Đục. Đây là một quần thể những hang đục vào đá của các vị thiền sư xưa. Họ ngồi thiền , tu luyện rồi viên tịch ở đó. Giờ được sửa sang xây cất thêm một số hành lang, cảnh quan làm điểm du lịch. Ước gì nó vẫn nguyên vẹn hình hài như thuở ban sơ chắc không khí tâm linh sẽ thiêng liêng hơn!
Rồi xăm xăm xuống núi, ra Thạch cổng Tò Vò để săn hoàng hôn. Hình như ai cũng muốn ghi hình khi đặt chân lên Lý Sơn, nên nơi đây chen chúc, rất lâu mới dành được chút không gian cho mình. Thấy mọi người trèo lên cổng để có tấm hình chinh phục cổng nham thạch ( dấu tích phun trào của núi lửa hàng triệu năm trước!), bảo con trai muốn có kỉ niệm như thế không, nó bảo: ai cũng đua nhau đứng lên đó, sức chịu đựng của nó có hạn, người sau lấy đâu Thạch cổng Tò Vò mà chụp nữa! Nó là đứa hay đi phượt, cảnh đẹp trong ống kính nó không phải là ít, vậy mà nó đưa ra một câu nói làm mình thấy nó chẳng những biết chiêm ngưỡng mà còn biết giữ gìn, bảo vệ cái đẹp. Tự hào về giai nhà quá đi!
Sáng nay đến bảo tàng "Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc hải" xem những hình ảnh, văn tự dưới triều Nguyễn về việc cắt cử hùng binh đi bảo về Hoàng Sa. Sau đó thẳng đến Chùa Hang. Đúng như tên gọi, chùa nằm trong một hang đá, mỗi khi chiêm bái, khấn vái thì đi xuống mấy bậc cấp. Cửa hang ẩm ướt vì những giọt nước thấm qua đá nhỏ xuống nền. Vào chùa Hang không khí mát rượi. Nơi đây có ban thờ chính và nhiều ban thờ nho nhỏ ( cả ban thờ thuỷ tổ thờ cúng đầu tiên của hang này).
Từ chùa Hang, đi lên núi Thới Lới, với độ cao 169m. Lúc đầu phóng xe máy tưởng cũng tà tà , ai dè lên đỉnh, gió thổi dữ dội đúng nghĩa "bạt mạng"! Người và xe xiêu vẹo trước gió kinh hoàng. Cố sống cố chết chụp một tấm ảnh "chinh phục đỉnh cao" bên cột cờ của đảo Lý Sơn có cờ đỏ sao vàng 5 cánh ngạo nghễ phần phật bay trước gió!
Đến khi nhìn xuống hồn bay phách lạc, phải nhờ chở xuống!
Vậy mà hoàn hồn rồi lại muốn ngó nghiêng hồ chứa nước Thới Lới, nguyên là miệng núi lửa xưa. Muốn lên đây phải lên đỉnh núi khác, đường ôm quanh núi, một bên là vực sâu, lại sợ và run! Nhưng đã đi Lý Sơn mà không xem miệng núi lửa lớn nhất Đông Nam Á thì quả là phí một chuyến phượt!
Lại xuống dốc để tới Hang Câu. Đây là một chiếc hang khổng lồ, vòm đá cao lồng lộng. Có lẽ trải qua triệu triệu năm sóng đánh mòn mà tạo nên. Và chắc là người đi câu thường vào trú ở đây mỗi khi đi câu nên nó có cái tên như thế. Nghe kể ngày xưa vua và Tổng thống chế độ cũ thỉnh thoảng cũng đến đây thưởng lãm, hóng gió!
Nhiều con đường trên đảo đều đang ngổn ngang vật liệu xây dựng các công trình, nhà cửa. Lý Sơn như bừng tỉnh sau những năm dài chìm trong giấc ngủ vùi. Nhưng du khách cũng không ngần ngại khám phá kể cả phải len lỏi qua những con ngõ đang trở thành công trường. Muốn lên gác cao nhất của ngọn hải đăng cao 65m phải mướt mồ hôi đi như thế. Đúng là đứng trên ngọn đèn biển mới "thu vào tầm mắt muôn trùng nước non", mới cảm hết được nghĩa của sự dẫn lối cần thiết như thế nào với tàu thuyền lênh đênh giữa biển khơi nghìn trùng sóng vỗ!
Ra Lý Sơn mà chưa qua đảo Bé là mất đi một phần của sự khám phá "ô cửa bí mật"! Cách đảo Lớn đúng 10 phút đi ca nô cao tốc. Ngồi trên ca nô gió lồng lộng, máy chạy trên mặt biển không tròng trành, lênh đênh mà như cày sườn sượt trên mặt phẳng cứng vậy. Cảm giác thật lạ, vừa thích thú vừa sờ sợ mơ hồ thoáng qua!
Cập bến Đảo Bé là lên ô tô điện để dạo quanh Đảo. Nửa vòng phía Đông có những bãi đá nằm trên mặt nước trong vắt, mọi người dừng xuống tha hồ chụp ảnh. Xong lại lên xe ngược vòng phía Tây. Nơi đây từng dãy núi đá thành hang, thàng động vừa đồ sộ cao vời, vừa thoai thoải, gần gũi. Các tảng đá đen- trầm tích núi lửa ( đang được đề nghị công nhận Công viên địa chất toàn cầu!) xếp từng tầng lớp, kiểu dáng rất tuyệt vời, khiến ai đã đến đây không thể không chụp hình kỉ niệm!
Hàng quán mọc lên dân dã với hải sản tươi ngon bổ rẻ, tiếp đón giản dị, chân chất của dân vạn chài mon men làm kinh tế du lịch.
Đảo Bé còn có cái thú là được lặn biển để xem san hô và các loài cá bơi lội tung tăng. Muôn màu sắc, cử động rất cuốn hút các tay lặn không chuyên! Còn gì thú hơn một vùng biển hoang sơ, hấp dẫn hơn như thế!
Mà Biển Lý Sơn còn đặc biệt ở nước có 3 màu: gần bờ nước trong như kính, tiếp theo là màu xanh lá cây và ngoài cùng là màu xanh dương !
Người dân Lý Sơn nổi tiếng với nghề trồng hành, tỏi và vẫn muôn đời thuỷ chung với nghề đi biển. Với cái chất mặn mòi, thô ráp của vùng sóng gió đại dương nhưng người Lý Sơn rất hiền hoà, thân thiện , cởi mở. Họ vừa quăng chài kéo lưới, vừa chống chọi với giặc Tàu một cách khôn khéo, kiên trung, bất khuất. Giờ kiêm thêm dịch vụ, hướng dẫn khách du lịch, người Lý Sơn đang bắt nhịp với tốc độ đổi thay của cuộc sống mới.
Thương lắm người dân chân chất, hiền hậu ở nơi không biết đến cướp bóc, trộm cắp...( cửa nẻo cứ mở vô tư, xe cộ để ngoài sân có khi cả ngoài ngõ không cần khoá!). Họ yêu từng luống tỏi, bờ cát, thuỷ triều lên xuống... Họ từng đi mở mang, bảo vệ bờ cõi biển đảo tít tận Hoàng Sa, vậy mà bọn Tàu cứ đến quấy phá vùng biển chủ quyền của họ, đánh bắt, cướp phá tàu thuyền của họ. Sao mà không căm thù được? Mồ mả ông cha chúng có ai giày xéo, đụng chạm đâu mà nó cứ dòm ngó, lấn chiếm đường sống của họ? Biển trời đã phân định, nhất định chúng sẽ bị trừng phạt đích đáng! Đảo Lý Sơn là của người Lý Sơn, của đất mẹ Việt Nam! Muôn đời bất diệt!
Nếu chưa một lần đặt chân đến đây sẽ vô cùng đáng tiếc khi rời cõi tạm này!
(Ngày 7/5/2016)
Rồi xăm xăm xuống núi, ra Thạch cổng Tò Vò để săn hoàng hôn. Hình như ai cũng muốn ghi hình khi đặt chân lên Lý Sơn, nên nơi đây chen chúc, rất lâu mới dành được chút không gian cho mình. Thấy mọi người trèo lên cổng để có tấm hình chinh phục cổng nham thạch ( dấu tích phun trào của núi lửa hàng triệu năm trước!), bảo con trai muốn có kỉ niệm như thế không, nó bảo: ai cũng đua nhau đứng lên đó, sức chịu đựng của nó có hạn, người sau lấy đâu Thạch cổng Tò Vò mà chụp nữa! Nó là đứa hay đi phượt, cảnh đẹp trong ống kính nó không phải là ít, vậy mà nó đưa ra một câu nói làm mình thấy nó chẳng những biết chiêm ngưỡng mà còn biết giữ gìn, bảo vệ cái đẹp. Tự hào về giai nhà quá đi!
Sáng nay đến bảo tàng "Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc hải" xem những hình ảnh, văn tự dưới triều Nguyễn về việc cắt cử hùng binh đi bảo về Hoàng Sa. Sau đó thẳng đến Chùa Hang. Đúng như tên gọi, chùa nằm trong một hang đá, mỗi khi chiêm bái, khấn vái thì đi xuống mấy bậc cấp. Cửa hang ẩm ướt vì những giọt nước thấm qua đá nhỏ xuống nền. Vào chùa Hang không khí mát rượi. Nơi đây có ban thờ chính và nhiều ban thờ nho nhỏ ( cả ban thờ thuỷ tổ thờ cúng đầu tiên của hang này).
Từ chùa Hang, đi lên núi Thới Lới, với độ cao 169m. Lúc đầu phóng xe máy tưởng cũng tà tà , ai dè lên đỉnh, gió thổi dữ dội đúng nghĩa "bạt mạng"! Người và xe xiêu vẹo trước gió kinh hoàng. Cố sống cố chết chụp một tấm ảnh "chinh phục đỉnh cao" bên cột cờ của đảo Lý Sơn có cờ đỏ sao vàng 5 cánh ngạo nghễ phần phật bay trước gió!
Đến khi nhìn xuống hồn bay phách lạc, phải nhờ chở xuống!
Vậy mà hoàn hồn rồi lại muốn ngó nghiêng hồ chứa nước Thới Lới, nguyên là miệng núi lửa xưa. Muốn lên đây phải lên đỉnh núi khác, đường ôm quanh núi, một bên là vực sâu, lại sợ và run! Nhưng đã đi Lý Sơn mà không xem miệng núi lửa lớn nhất Đông Nam Á thì quả là phí một chuyến phượt!
Lại xuống dốc để tới Hang Câu. Đây là một chiếc hang khổng lồ, vòm đá cao lồng lộng. Có lẽ trải qua triệu triệu năm sóng đánh mòn mà tạo nên. Và chắc là người đi câu thường vào trú ở đây mỗi khi đi câu nên nó có cái tên như thế. Nghe kể ngày xưa vua và Tổng thống chế độ cũ thỉnh thoảng cũng đến đây thưởng lãm, hóng gió!
Nhiều con đường trên đảo đều đang ngổn ngang vật liệu xây dựng các công trình, nhà cửa. Lý Sơn như bừng tỉnh sau những năm dài chìm trong giấc ngủ vùi. Nhưng du khách cũng không ngần ngại khám phá kể cả phải len lỏi qua những con ngõ đang trở thành công trường. Muốn lên gác cao nhất của ngọn hải đăng cao 65m phải mướt mồ hôi đi như thế. Đúng là đứng trên ngọn đèn biển mới "thu vào tầm mắt muôn trùng nước non", mới cảm hết được nghĩa của sự dẫn lối cần thiết như thế nào với tàu thuyền lênh đênh giữa biển khơi nghìn trùng sóng vỗ!
Ra Lý Sơn mà chưa qua đảo Bé là mất đi một phần của sự khám phá "ô cửa bí mật"! Cách đảo Lớn đúng 10 phút đi ca nô cao tốc. Ngồi trên ca nô gió lồng lộng, máy chạy trên mặt biển không tròng trành, lênh đênh mà như cày sườn sượt trên mặt phẳng cứng vậy. Cảm giác thật lạ, vừa thích thú vừa sờ sợ mơ hồ thoáng qua!
Cập bến Đảo Bé là lên ô tô điện để dạo quanh Đảo. Nửa vòng phía Đông có những bãi đá nằm trên mặt nước trong vắt, mọi người dừng xuống tha hồ chụp ảnh. Xong lại lên xe ngược vòng phía Tây. Nơi đây từng dãy núi đá thành hang, thàng động vừa đồ sộ cao vời, vừa thoai thoải, gần gũi. Các tảng đá đen- trầm tích núi lửa ( đang được đề nghị công nhận Công viên địa chất toàn cầu!) xếp từng tầng lớp, kiểu dáng rất tuyệt vời, khiến ai đã đến đây không thể không chụp hình kỉ niệm!
Hàng quán mọc lên dân dã với hải sản tươi ngon bổ rẻ, tiếp đón giản dị, chân chất của dân vạn chài mon men làm kinh tế du lịch.
Đảo Bé còn có cái thú là được lặn biển để xem san hô và các loài cá bơi lội tung tăng. Muôn màu sắc, cử động rất cuốn hút các tay lặn không chuyên! Còn gì thú hơn một vùng biển hoang sơ, hấp dẫn hơn như thế!
Mà Biển Lý Sơn còn đặc biệt ở nước có 3 màu: gần bờ nước trong như kính, tiếp theo là màu xanh lá cây và ngoài cùng là màu xanh dương !
Người dân Lý Sơn nổi tiếng với nghề trồng hành, tỏi và vẫn muôn đời thuỷ chung với nghề đi biển. Với cái chất mặn mòi, thô ráp của vùng sóng gió đại dương nhưng người Lý Sơn rất hiền hoà, thân thiện , cởi mở. Họ vừa quăng chài kéo lưới, vừa chống chọi với giặc Tàu một cách khôn khéo, kiên trung, bất khuất. Giờ kiêm thêm dịch vụ, hướng dẫn khách du lịch, người Lý Sơn đang bắt nhịp với tốc độ đổi thay của cuộc sống mới.
Thương lắm người dân chân chất, hiền hậu ở nơi không biết đến cướp bóc, trộm cắp...( cửa nẻo cứ mở vô tư, xe cộ để ngoài sân có khi cả ngoài ngõ không cần khoá!). Họ yêu từng luống tỏi, bờ cát, thuỷ triều lên xuống... Họ từng đi mở mang, bảo vệ bờ cõi biển đảo tít tận Hoàng Sa, vậy mà bọn Tàu cứ đến quấy phá vùng biển chủ quyền của họ, đánh bắt, cướp phá tàu thuyền của họ. Sao mà không căm thù được? Mồ mả ông cha chúng có ai giày xéo, đụng chạm đâu mà nó cứ dòm ngó, lấn chiếm đường sống của họ? Biển trời đã phân định, nhất định chúng sẽ bị trừng phạt đích đáng! Đảo Lý Sơn là của người Lý Sơn, của đất mẹ Việt Nam! Muôn đời bất diệt!
Nếu chưa một lần đặt chân đến đây sẽ vô cùng đáng tiếc khi rời cõi tạm này!
(Ngày 7/5/2016)
19 thg 2, 2016
TÌM VỀ CHỐN XƯA
Có lẽ trong
cuộc đời của mỗi con người, dấu ấn tuổi thơ bao giờ cũng đậm nét & chiếm
một phần rất lớn trong bộ nhớ không phải là không có giới hạn mà tạo hoá đã ban
cho.
Tôi cũng vậy!
Dù qua bao biến đổi của cuộc sống vốn vận động không ngừng, trong tôi những kỉ
niệm tuổi thơ luôn đau đáu, và ngấm ngầm hẹn ước ngày trở về. Có phải đó là một
tuổi thơ ám ảnh vì đi qua chiến tranh, vì xa ba má khi chưa đủ ấm áp để chống
chọi với giá lạnh của tự lực, tự giải quyết những nỗi đời muôn mặt ở một nơi
hoàn toàn xa lạ kể từ khi tôi chào đời. Kí ức sơ tán trở đi trở lại trong tôi
đến mức tôi muốn chạy về nơi ấy dù chỉ một chốc lát để nhìn thấy hình hài cái ngày xưa đầy ngỡ ngàng, và dần dà đã đi
vào một phần đời của tôi nó như thế nào, có trùng với hồi tưởng
của tôi không.
Và tôi đã
thực hiện bằng được ước mơ của mình.
Những ngày
cuối của năm Ất mùi, 2015 đang trôi, tôi vùng ra đi. Không hiểu sao bao nhiêu
miền quê tôi đã đi qua mấy chục năm trời mà tôi vẫn nhớ như in cái xóm Thịnh
Đa, thôn 1, xã Quảng Bị, huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây đến thế! Có phải vì nơi
ấy tôi đã rời tay ba má tôi để ở lại với những người chưa hề quen biết với một
nỗi bơ vơ, sợ hãi? Không hẳn là thế! Hình như chiến tranh làm cho lứa tuổi của
những người như tôi bấy giờ phải biết chấp nhận thực tế một cách dứt khoát như
người ta lựa chọn giữa sự sống với cái chết vậy thôi. Với lại còn quá nhỏ nên
thấy sự lạ lẫm còn khêu gợi tò mò khám phá hơn là níu giữ cái quen thuộc hàng
ngày. Nên tôi cùng em đã ở lại tỉnh bơ, chỉ đêm mới nhớ cồn cào tổ ấm ở Hà Nội,
nhớ ba má, chị em,..nhớ mùa đông với tiếng rao đêm da diết dội vào chăn ấm.
Bốn mươi năm có lẻ, lần tìm về chốn xưa,
tôi hồi hộp hỏi đường. Gặp ai tôi cũng tả lại nơi tôi từng sống như thể tôi vừa
đi vắng đây thôi. Tôi tìm những người tuổi cao để hỏi . Vậy mà tôi cũng gặp
phải vài sự ú ớ suýt làm tôi thất vọng! May quá có một bác đi lướt qua nghe tôi
hỏi đã chỉ cho tôi một cách tận tình. Thì ra bác là cựu chiến binh, cùng sinh
hoạt Hội CCB với con bà chủ nhà tôi ở - người vắng nhà suốt thời gian tôi sơ
tán, chỉ nghe nhắc đến tên trong thương nhớ của bà.
Tôi cứ đi tìm
con đường lát những tảng đá vuông vức màu xanh lơ với nhưng chỗ mòn lõm mà tôi
đặt chân trần những hôm trời mưa dể nghe cái trơn nhẵn xoa vào lòng bàn chân.
Nhưng nó đã biến mất theo thời gian,. Hay nói cách khác là nó bị bê tông hoá
một cách tàn nhẫn! Vì tôi quá lớn để đặt mình trên con đường làng hay vì người
ta cơi nới nhà cửa mà cái ngõ xóm quê xưa giờ nhỏ hẳn đi? Tôi thấy nó ngoằn
ngoèo y như xóm quê ngoại tôi ở Sa Huỳnh, cư dân sinh sôi mà quỹ đất không đẻ
ra thêm. Tôi định vị cái giếng làng, nơi tôi từng cùng em è cổ ra khiêng nửa
thùng nước mà cứ lặc lè chạm vào cổ chân mãi không về tới nhà. Vậy mà tôi không
tìm thấy lối vào nhà bà Kim (Gọi theo tên con trai trưởng của bà). Tôi cứ đi
tìm cái cổng sát vách làm bằng gạch tổ ong. Rồi may mắn cháu ngoại của bà đã
dẫn tôi đi. Bác Kim, người con trai duy nhất của bà chủ nhà, đi bộ đội suốt
những năm chúng tôi sơ tán về nhà bác, tiếp đón chúng tôi. Hồi ấy vợ của bác- “Mợ
Cả”, cách gọi của chúng tôi hồi ấy, là một người con dâu khoẻ mạnh, chăm chỉ
hiền lành, lúc nào cũng cười với hàm răng nhuộm đen, giờ đã thành người thiên
cổ, tội nghiệp, để lại cho bác năm người con nay đã trưởng thành có gia đình
riêng . Bác Kim tiếp đón chúng tôi ( tôi về cùng mấy người bạn ở Hà Nội) rất
chân thành, đúng chất lính, từ tốn, ân cần. Tôi thấy đôi mắt bác nhìn xa xăm
lắm, phảng phất một nỗi buồn mà tôi cảm nhận nhưng không diễn đạt được. Bác tha
thiết mời chúng tôi ở lại ăn cơm với gia đình. Nhưng chưa sắp xếp được thời
gian, nên tôi xin bác thông cảm để lần khác. Tôi đi tìm lại hơi ấm nơi đây. Ban
thờ gia tiên của nhà bác Kim vẫn trang trọng như ngày mà chúng tôi ở đây. Ngày
ấy, mỗi khi nghe tiếng máy bay gầm rú, tiếng đạn bom réo rít, chúng tôi thường chui
xuống gầm ban thờ nương nhờ sự chở che của ông bà tiên tổ gia chủ với một niềm
tin thành kính. Chiếc phản dành cho chị em tôi vẫn còn đây, chỉ khác vị trí
thôi. Bộ tràng kỉ, mà tối tối chúng tôi ngồi, rồi lấy bèo tây hơ lên ngòn đèn
dầu cho khô dẻo quắt lại, chẳng biết để làm gì. Tối nhớ cô Hồng, em bác Kim bảo
chúng tôi: đứa nào lau bóng đèn cho sáng sau này sẽ đẻ con da trắng. Thế là đứa
nào cũng tranh nhau lau( tất nhiên là sau khi chơi trò hơ bèo đến mức bóng ám
muội khói đen xì), mà giờ đẻ con cũng có trắng như tưởng tượng đâu! Tôi tiếc
những ngưỡng cửa gỗ nhà đã bị thời gian làm cho mục đi cùng những cánh cửa gỗ
mở bằng chốt bản lề gỗ, giờ thay cửa ra vào bằng vật liệu khác. Tôi như thấy
tuổi thơ tôi đã bị khuyết đi một phần! Nhìn ra hiên, chiếc giậu vẫn còn đó, y
như tôi vẫn đang giơ tay hứng những giọt nắng bên thềm lọt qua kẽ giậu năm xưa(
dù biết rằng nó phải được thay mới không ít lần với chừng ấy thời gian!). Tôi
xuống bếp, thấy chiếc chạn tre phủ bồ hóng mà lòng rưng rưng, nhớ đến hình ảnh
bác nồi đồng đánh nhau với chuột cống trong truyện của Tô Hoài. Đâu rồi tro bếp
đun từ rơm, ủ nồi cơm sau khi cạn nước ? Đâu rồi chiếc cối giã gạo bằng chân,
chúng tôi cùng mợ Cả đứng đếm nhịp mỗi khi mùa gặt rộn ràng ngày xưa? Chiếc côi
xay lúa cũng bị các công cụ công nghiệp đào thải giờ ở xó nào, tội nghiệp quá!
Mảnh sân ngày xưa thênh thang là thế, giờ sao nó lọt thỏm vậy? Tất nhiên chum
tương đội nón đứng trên sân sẽ không còn nữa nên tôi không kiếm tìm. Bể nước
mưa ngày ấy nó to làm sao, vang làm sao khi chúng tôi kiễng chân thò cổ vào hát
như đứng trước dàn âm thanh cho cả ngàn người nghe giờ sao cũng nhỏ hẳn đi? Kể
cả cái ao đứng bên này gọi sang bên kia nghe không rõ lời, vậy mà giờ nó cũng
khiêm tốn thu mình là chứng nhân của một thời lịch sử mà không ngạo nghễ như
trong hồi tưởng của tôi. Tôi chạy ra cổng làm bằng gạch tổ ong ,có mái che như
cổng làng, tôi chạnh nhớ những bước chân mình đã ra vào không biết bao nhiêu
lần ,giờ nó vẫn thân thương đón tôi quay về.
“Giá có ước
muốn cho thời gian trở lại..” như lời một bài hát, tôi ước sao mình bé lại như
xưa để thấy cảnh vật êm đềm, lớn lao, kì lạ như lần đầu bắt gặp.
Nhưng “Tâm
bất biến giữa dòng đời vạn biến”, tôi luôn mang theo những kỉ niệm trong trẻo
ấy suốt hành trình cuộc sống mà tôi đã trải qua. Cho dù nó thay đổi theo qui
luật thời gian, thì trong kí ức tôi nó vẫn nguyên vẹn hình khối, sắc màu kỉ
niệm…Hình ảnh những người đi qua phần đời tôi mãi sống động đầy tình cảm bao
dung, thân thiện. Bà Kim ăn trầu và mặc váy đen, chít khăn mỏ quạ, từng chỉ cho tôi cách cào lúa phơi trên sân, cách
đẩy rơm vào bếp liên tục như thế nào để không bị tắt.. Cô Hồng luôn bênh chị em
tôi khi bị chị em đứa cùng trú ở đây bắt nạt. Tính cô rất thẳng thắn. Và cô rất
nhanh nhẹn trong công việc. Những bài học thuộc lòng cô đọc mỗi đêm theo tôi
đến khi tôi làm người giáo viên, tôi đã giảng lại các bài thơ ấy với một cảm
xúc dâng tràn: Bầm ơi, Việt Bắc,...Cô vẫn thấp và rắn rỏi như trong trí nhớ của
tôi. Giờ cô đã lên chức bà và ở nơi khác, cô tranh thủ về gặp tôi ở mái nhà
xưa. Tôi thương mợ Cả lắm. Ngày ấy mợ Cả
đi làm đồng về hay bắt con châu chấu, con muồm muỗm treo trên đòn gánh rồi
nướng cho chúng tôi ăn. Mợ hay quấn xà cạp và đeo lọ vôi để chống đỉa ( tôi sợ
con này lắm) mỗi khi đi cấy hay làm cỏ lúa. Có những mùa gặt phải đập vào đêm
trăng, chúng tôi theo mợ ra sân kho Hợp tác xã, mợ sợ chúng tôi bị xót lúa, cứ
dặn đừng leo vào đống lúa. Có lần mợ cho chúng tôi những bắp ngô mới hái, nướng lên dẻo ngọt vô cùng. Tôi nhớ mợ sinh
bé gái đầu lòng, hỏi chúng tôi thích tên gì. Tuổi nhỏ ngây thơ, chúng tôi nói
mợ đặt tên Thuỷ- Bích Thuỷ. Vậy là mợ đặt tên là Thuỷ. Giờ em đã có gia đình,
nhưng vừa rồi tôi về chưa gặp em. Tôi gặp cô Thị là con của bà Kim giờ đã hơn
tám mươi với cái Thơm, cùng trang lứa với tôi. Hồi ấy chúng tôi hay ra nhà cô
Thị quấy quả, bứt cây hái quả, cô chỉ cười thôi. Có củ khoai, củ sắn, hay bất
cứ thức ăn gì cô cũng cho chúng tôi. Chúng tôi đến nhà cô như về nhà mình, lục
lọi, càn quét kinh hồn, mà cấm có bao giờ thấy cô phàn nàn. Cô còn bảo chúng
tôi cứ ra nhà cô chơi cho vui cửa vui nhà ( cùng với đàn con của cô). Cái Thơm
giờ đã là bà nội Thơm, vẫn hiền lành, hay xấu hổ như xưa. Mỗi lần thấy tụi tôi
ào vào nhà nó, nó toàn nấp sau cái cột nhà nhìn mà không nói câu nào. Chỉ khi
chúng tôi vào bếp lấy rơm nướng cái gì đó, nó mới bảo “khéo cháy nhà đấy, dập
bớt lửa đi!”. Hồi ấy nó bị bệnh đi tiểu ra màu như nước vo gạo. Má tôi đưa ra
bệnh viện Xanh pôn Hà Nội, nơi má tôi làm việc, để chữa trị. Ngày ấy có chuyên
gia Cu Ba hội chẩn và kết luận nó bị “Đái ra dưỡng chấp”. Họ điều trị dứt luôn.
Cả gia đình cô Thị và gia đình tôi đều vui mừng không tả xiết. Giờ nghe đâu nó
đang có dấu hiệu tái phát, tôi tin là khoa học bây giờ sẽ giúp nó chữa lành !
Hình ảnh làng
quê, cảnh vật cuộc sống, con người tôi đã gửi gắm một phần đời của mình sẽ được
lưu lại mãi trong tôi.
Hành trình
trở về chốn xưa của tôi phải đi một quãng đường gần nửa thế kỉ. Rồi hôm nay cũng
sẽ thành kí ức của ngày mai. Tôi trân quý những gì đã qua như một cách hướng đến ngày mai với điểm tựa vững chãi cho tâm hồn, có
gì gọi là quá đa cảm chăng?
( Tháng 2/2016)
( Tháng 2/2016)
29 thg 1, 2016
VỀ ĐẤT PHẬT Ở KINH BẮC
Mong muốn được vãn cảnh những ngôi chùa trăm năm, ngàn năm tuổi đã lâu. Giờ duyên đến lại từ một lần đi ăn giỗ. Bạn mời về lần Chọi quê bạn , vốn ham vui & thú cái cảnh điền viên ở làng quê Bắc bộ, chẳng cần băn khoăn, tôi thao thức suốt đêm chờ sáng lên đường.
Tôi chưa phải là một người trên thông thiên văn, dưới tường địa lý, mỗi thứ biết một tí, đặc biệt về giáo lý Phật pháp. Nhưng không biết vì sao mỗi khi tới chùa chiền, miếu mạo ,đình đền, …lòng tôi lại chùng xuống, bình yên rất lạ! Niềm tin về cội nguồn tiên tổ, về những điều tâm linh không diễn tả được thành lời lại hiện hữu trong tôi khiến chân tôi trở nên nhẹ nhõm cất bước đến nơi thờ phụng với sự kính ngưỡng rất thành tâm.
Tôi nhớ lần (cũng tình cờ được mời) đi Yên Tử . Tôi đọc dòng chữ “Trăm năm một kiếp tu hành/ Chưa về Yên Tử chưa thành quả tu”, tôi miên man nghĩ về cõi thiền. Đã lên tới Chùa Đồng- đỉnh Yên Tử, dù chưa đủ duyên để “thành quả tu”, nhưng tầm mắt tôi đã được mở ra rộng hơn, bao quát hơn rất nhiều so với những gì quẩn quanh của cuộc sống thường ngày nơi đất thấp người đông.
Trước tượng Phật chùa Phật tích |
Linh vật canh Đền (con Nghê) |
Ẩn mình giữa rêu phong của khuôn viên chùa |
Chúng tôi tiếp tục đi thăm đền Đô, còn gọi là đền Cổ Pháp. Từ xa xưa, Cổ Pháp được liệt vào làng “Tam cổ”, “Thứ nhất Cổ Bi, thứ nhì cổ Loa, thứ ba Cổ pháp”. Đất Cổ Pháp là nơi thắng địa bậc nhất Kinh Bắc, vượng khí, linh thiêng. Làng Cổ pháp được cho là nơi phát tích của triều đình nhà Lý kéo dài hơn 200 năm.
Khu vực nội thành có kiến trúc theo kiểu "nội công ngoại quốc". Chính điện thờ vua Lý Thái Tổ. Bên trái điện treo tấm bảng ghi “Chiếu dời đô” của vua Lý Thái Tổ với đúng 214 chữ ứng với 214 năm trị vì của 8 đời vua nhà Lý. Bên phải treo bảng ghi bài thơ nổi tiếng”Nam quốc sơn hà”. Sau cùng Cổ Pháp là nơi đặt ngai thờ, bài vị và tượng của 8 vị vua nhà Lý.
Cổng vào nội thành gọi là Ngũ Long Môn vì hai cánh cổng có trạm khắc hình năm con rồng. Trong nội thành có các nhà thờ xây kiểu chồng diêm 8 mái, 8 đao cong mềm mại. Khu ngoại thất đền Lý Bát Đế gồm thủy đình trên hồ bán nguyệt. Hồ này thông với ao Cả trên và ao Cả dưới. Thuỷ đình đền Lý Bát Đế từng được Ngân hàng Đông Dương thời Pháp thuộc chọn là hình ảnh in trên giấy bạc "năm đồng vàng" và là hình in trên đồng tiền xu 1000 hiện nay.
Ngoài ra, ở khu vực ngoại thành còn có nhà chủ tế, nhà kho, nhà khách và đền vua Bà (thờ Lý Chiêu Hoàng, còn gọi là đền Rồng), v.v…Tôi lại chìm trong chuỗi liên tưởng những rối ren của lịch sử thời nào cũng có, và tôi xót xa cho vua Bà Lý Chiêu Hoàng không được sánh ngang các vị vua trước trong đền nội thành!
Tại đây tôi gặp một người thoạt đầu tưởng chỉ canh giữ Đền, sau mới biết ông là Nhà giáo nhân dân, Anh hùng lao động bởi nhiều đóng góp trong giáo dục và ghi chép, lưu giữ những giá trị di sản văn hoá dân tộc, sáng tác thơ, nhiếp ảnh, tên ông là Nguyễn Đức Thìn. Ông tự cho mình là người tâm giao với Hàn mặc Tử ( vì ông cũng mang căn bệnh khổ đau như thi sĩ họ Hàn) và lấy bút danh là Nhiệt Cảm Sinh. Ông kí sách về Lịch sử đền Đô tặng tôi. Tôi nghĩ về phận người tài sao quá truân chuyên!
Ra về lòng tôi tràn ngập những cảm xúc về các bậc Đế Vương muôn đời của dân tộc. Nếu không có những ngôi Đền này, hậu thế tìm về đâu dâng bái lòng kính ngưỡng biết ơn?
ĐỀN BÀ CHÚA KHO
Đền Bà Chúa Kho nằm trên lưng chừng ngọn núi Kho, tại khu Cổ Mễ, Phường Vũ Ninh, TP Bắc Ninh .
Đền Cổ Mễ thờ Bà Chúa Kho chính là nơi tưởng niệm một người phụ nữ Việt Nam đã khéo tổ chức sản xuất, tích trữ lương thực, trông nom kho tàng quốc gia trong thời kỳ trước và sau chiến thắng Như Nguyệt.
Vào đời nhà Lý, Bà có công giúp triều đình trông coi kho lương thực tại Núi Kho (tỉnh Bắc Ninh) và đã "thác" trong cuộc kháng chiến chống quân Tống vào ngày 12 tháng giêng năm Đinh Tỵ (1077).
Nhà vua thương tiếc phong cho Bà là Phúc Thần. Người dân nhớ thương Bà lập nên đền thờ tại kho lương thực cũ của triều đình ở Núi Kho và gọi Bà với một niềm tôn kính là: Bà Chúa Kho.
Bà Chúa Kho xuất thân từ một gia đình nghèo khó ở làng Quả Cảm gần đó. Sau khi lấy vua Lý, thấy ruộng đất ở đây bị hoang hoá, bà xin vua cho về làng chiêu dân lập ấp, khai khẩn ruộng hoang. Không ai biết tên bà, khi bà qua đời, nhân dân lập đền thờ để ghi lại công ơn bà là đã hết lòng chăm lo cho dân ấm no, trông coi các "lẫm thóc, lẫm tiền" của Nhà nước. Công lao của bà đã được triều đại phong kiến ghi nhận qua việc sắc phong đền thờ bà là "Chủ khố linh từ" (Đền thiêng thờ bà Chúa Kho). Ở thôn Cổ Mễ còn một ngôi đình và ngôi chùa cổ. Chùa Cổ Mễ có từ lâu đời. Ngày nay trong chùa còn ba pho tượng đá khá đẹp mang rõ phong cách điêu khắc thời Mạc. Chùa còn lại đến nay là kiến trúc thế kỷ XIX, làm theo kiểu chữ T chạm khắc công phu.
Đúng là hữu xạ tự nhiên hương! Hơn tất cả những tiếng rao của phương tiện thông tin hiện đại về những gì phù phiếm, giả tạo của những cái gọi là”Thiện nguyện” miễn cưỡng theo phong trào mà không một chút từ tâm của ai ai đó! Công đức vô lượng vô biên của các bậc tiền bối, con cháu sẽ đời đời ghi khắc với tất cả lòng thành, cho dù ngay cả cái tên cúng cơm cũng không được chạm trổ mạ vàng!
Đất Kinh Bắc quả là nơi quy tụ linh khí của Đất trời nước Việt! Còn nhiều điểm nữa tôi chưa đi hết. Nhưng trong quỹ kiến thức và cảm xúc tôi bỗng giàu lên bất ngờ so với quãng thời gian dài tôi để nó vùn vụt trôi mà không có điều kiện tích luỹ.
Có lần tôi đã nghe một giáo sư triết học nói về Nho giáo- Lão giáo- Phật giáo, đại khái một người chân chính trong hệ “Tam giáo đồng nguyên” có thể theo Nho nhập thế hành đạo vào tuổi trẻ, theo Lão để tiêu dao thanh thoát trong lúc thất bại đau khổ và có thể theo Phật để giảm trừ tham, sân, si bớt đi những hệ luỵ gian trần. Ở cái tuổi “Ngũ thập tri thiên mệnh” tìm về chốn cửa Phật âu cũng là hợp quy luật để tĩnh tại tậm hồn, an lạc với quỹ thời gian Thiên định. Và tôi luôn thấy lòng nhẹ nhõm nơi những ngôi Chùa tôi đặt chân tới. Dù biết mình chưa có duyên tu, nhưng ý thức được sự tu tập trong cõi ta bà là cần thiết, có phải cũng là cơ may cho tôi ở kiếp này chăng?
Rời Đất Phật, tôi tin linh khí của Đất Trời sẽ thẩm thấu vào tâm thức tôi, những hình ảnh, kỉ niệm ở đây làm hành trang cho tôi tiếp tục hành trình của sự sống phía trước!
(Tháng 01/2016)
Bước chân an lạc |
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)