26 thg 1, 2016

ĂN GIỖ Ở LÀNG QUÊ BẮC BỘ

Đầu tiên là ham vui nhận lời đi về quê bạn ( mà cách nay mấy chục năm đã từng về) để ăn giỗ bác của bạn. Đó là một làng quê Kinh Bắc mang đậm nét văn hoá dân gian Bắc bộ.
Làng Chọi là một trong ba mươi sáu làng quan họ cổ của Bắc Ninh. Ở đây đúng là " một làn nắng cũng mang điệu dân ca". Từ cung cách chào hỏi, đi đứng của người làng đều mang dáng vẻ rất riêng của liền anh, liền chị duyên dáng, tao nhã. Đến cổng làng, đình miếu, nhà cửa và các đồ vật cũng như cách bài trí đều mang nét dân gian cổ xưa của làng quê nhiều phong tục đặc trưng của Bắc bộ
Lâu lắm rồi mới lại được sống trong không khí rộn ràng của một đại gia đình đầm ấm cùng lo biện sửa mâm cỗ cúng. Ban thờ sắp xếp thứ bậc rõ ràng, nghi ngút khói hương, các món ăn được bày rất bắt mắt. Những món cổ truyền như canh sườn khoai sọ, vịt xáo măng, miến gà...
Vẫn bố trí chiếu trên gồm các vị cao niên, ngồi trên sập gụ hai bên ban thờ. Phía trước dần ra sau là thứ tự các bàn 6 người theo thứ tự vai vế trong họ, trong gia đình từ lớn đến nhỏ dần.
Sau khi ăn giỗ mỗi người ra về sẽ được một gói đem về gọi là "lộc". Có lẽ câu " vừa được ăn, vừa được nói, vừa được gói đem về" xuất phát từ những lần đi ăn cỗ như thế này chăng?
............
Ăn giỗ ở làng Đại Áng
Làng Đại Áng thuộc huyện Thanh Trì Hà Nội. Chỉ cách hơn nửa tiếng đi ô tô , nhưng hình ảnh về một làng quê xưa còn nguyên dấu tích dân gian Việt Nam.
Vào làng cũng đi qua cổng chính( còn có hai công phụ hai bên). Mái cổng uốn lượn, lợp ngói cổ đã rêu phong, dù đã được trùng tu qua thời gian. Làng Đại Áng có hai giếng làng, một hình vuông và một hình tròn. Trước cả hai giếng đều xây bằng đá ong và có bậc cấp để đi xuống. Giờ người ta đã thay bằng gạch thẻ, trông nó sạch sẽ quá mức, như thể cô thôn nữ đang duyên dáng tự nhiên bôi son trét phấn thành ra nửa thôn quê, nửa thị thành! Thật tiếc! Giữa làng có ngôi chùa cổ, các tượng Phật không nhiều nhưng cũng được tạc giống ở các chùa khác ở Bắc bộ. Trong chùa có một toà tháp toạ lạc trên mai cụ rùa, nằm trong một hồ vuông cổ.
Chùa thông sang một ngôi đình. Đúng ngày hội đình, dân làng trong áo dài khăn đóng đủ màu, (chủ yếu là màu vàng và màu hồng) cỗ bàn la liệt. Mọi người đi lại tấp nập, nét mặt tỏ ra bận rộn một cách vui vẻ, hào hứng.
Về nhà bác của em dâu( lại là bác!) ăn giỗ. Ngôi nhà này vẫn còn nguyên vẹn kiến trúc cổ. Vào nhà bước qua ngưỡng cửa, cánh cửa gỗ đóng mở bằng chốt gỗ.Ban thờ được bố trí từng tầng bậc theo tôn ti tổ tiên ông bà ...
Mỗi mâm giỗ ở đây cũng chỉ có sáu người. Đặc biệt là có món thịt cầy, được chế biến nhiều kiểu, trông qua rất bắt mắt. Nhưng với lí do riêng, tôi không ăn thịt cầy, nên được bố trí ngồi mâm với những người không dùng món này. Tôi được nghe nhiều câu chuyện đời , chuyện làng trong bữa ăn ấm áp tình thân ấy. Nhấm nhi từng món, tôi hồi tưởng ngày bé đi sơ tán tôi cũng từng ăn giỗ như thế. Hoá ra mình rất có duyên ẩm thực!
Rất hay ở chỗ là ra về lại được nhận "lộc" từ gia chủ. Một việc làm rất giàu tình cảm gắn bó chia sẻ của bà con họ hàng!
Vậy là chuyến đi của tôi về làng quê Bắc bộ thú vị nhiều hơn tôi tưởng. Tôi trân quý những làng quê và những gương mặt thân thiện đã cho tôi những kỉ niệm đẹp về Đất nước, con người Việt yêu dấu.
Cảm ơn bạn bè, bà con đã tạo điều kiện cho tôi có những giây phút tuyệt vời!

(Tháng 12/2015)

3 nhận xét:

  1. Bài này nè , mấy cái hình có giếng làng mô rùi . Cổng làng và giếng làng mới gợi nhớ làng quê miền Bắc bộ

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đăng bên FB, chỉ lưu lại đây thôi.
      Hình hiếc tải lên mất thì giờ quá. Thôi tưởng tượng giùm đi!

      Xóa
  2. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa
:)) w-) :-j :D ;) :p :-( :) :( :X =(( :-o :-/ :-* :| :-T :] x( o% b-( :-L @X =)) :-? :-h I-) :bh :8) :b) :-s :-r :O) :m)

Bạn có thể dùng thẻ sau để:
- Post hình : [img] link hình [/img]
- Post video: [youtube] link youtube [/youtube]

Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang