Mở lời phê ai đó, đặt bút phê điều gì đó có khi nào người ta nghĩ đến những tác dụng phụ?Có lần Tú Xương “Đùa ông phủ”:“Chữ y chữ chiểu không phê đếnÔng chỉ quen phê một chữ tiền!”Tú xương đùa cay còn hơn ớt, đau còn hơn hoạn!Phê ra tiền ra bạc người ta nắn nón lắm, điều kiện cũng phức tạp lắm! Phê bình kẻ trọc đầu cũng dễ hơn người có tóc, xưa nay thế. Nghe văn hoá phê mà thấy cũng phê phê!Nhưng thôi chuyện đó dài dòng, không bàn ở đây.Có một loại lời phê theo người ta đi suốt cuộc đời mà người phê đôi khi rất vô tình!Ấy là lời phê của người làm thầy ở đâu đó với người học trò nào đó!Học trò ơi, em sẽ nghĩ gì khi nhận được lời phê một bài tập làm văn mà sau hai tiết học (90 phút) em đã vắt óc sáng tạo ra: “Chữ quá xấu – văn lủng củng và tối nghĩa – cảm xúc khô khan!”. Chắc em sẽ cảm thấy mình chỉ là người bỏ đi mất thôi! Chắc em sẽ nghĩ giá như thầy cô cho em cơ hội “Cần viết chữ cẩn thận hơn” thì em còn hi vọng sửa chữa . Còn “Văn lủng củng” thì chắc em không biết làm sao cho nó liền mạch, trơn tru. “Lủng cũng” về cách dùng từ hay đặt câu, lối diễn đạt? Lại còn “Tối nghĩa” thì chắc là tâm hồn em có vấn đề chăng? Chắc em cũng không khỏi băn khoăn: cảm xúc của em cũng có đấy chứ, nhưng có lẽ nó chưa chạm đến ngưỡng cần có, ít ra là bắt đúng nhịp đập của trái tim thầy cô thôi, em biết làm sao cho nó ướt át? Hay là việc khơi gợi cảm xúc chưa có, phát huy những điểm mạnh đã có khó hơn là vùi dập, làm thui chột cảm xúc, khả năng diễn đạt ?Thầy cô ơi, thầy cô có biết em cần một sự đồng hành, đồng cảm, đồng tâm…không?Lời phê sau một cấp học từ cuốn học bạ lại càng bất ngờ cho em hơn: “Hay nói chuyện – học được nhưng lười”! Em lại tự hỏi: phải chăng “Hay nói chuyện” là bản chất bao trùm lên người ta trong suốt một năm sao? Thế nào là “học được” khi điểm trung bình của em từ 7,5 trở lên? Còn “lười” ư, có thể lần nào đó em sơ xảy bị điểm dưới trung bình rồi cứ thế em phải chịu nhận lời phê phũ phàng cho cả một năm học là “lười” ?Và nếu em có nhận được lời phê “Ngoan – hiền – chăm ”, thì ba từ đó cũng chỉ cho em biết em là một đứa biết nghe lời một cách thụ động mà em không biết em có sở trường sở đoản gì để phát huy, hay khắc phục? Thương em với thầy cô ơi, em không muốn được khen như được mút một chiếc kẹo bằng đường hoá chất! Em muốn ăn chiếc kẹo bột từ đường mía thôi! Em cũng muốn trở thành người có khả năng hùng biện như những người cùng trang lứa trên ti vi ấy, nhưng em không biết học ở đâu mà không phải từ những giờ học Ngữ văn là chủ yếu? Nghe đâu bạn em đi học “Kĩ năng mềm”(về cách sống) 4 buổi mất 6 triệu đồng. Như thế thì suốt đời em chỉ biết kĩ năng cứng thôi, vì nhà em làm gì có điều kiện mà “mềm”!Vẫn biết “Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho ngào”! Nhưng có phải bao giờ thương cho ngọt cho ngào cũng là sai không, khi mà ghét cho roi cho vọt giờ là sự thất bại trong giáo dục?
Lời Bình
Bài viết làm ai cũng phải suy nghĩ nhưng nói ra thì vô kể
Nói chung, đa số là thế bạn ơi, GV bây giờ có khi còn chả chấm bài mà giao cho con cái hay học sinh chứ đừng nói tời " phê", biết đâu cũng nhờ người khác phê dùng thì sao, miễn là có kí tên được rồi
hì hì, chán thật
Đọc bài viết của chị mà em nhớ đến lời phê của một cô giáo đã phê cho bài văn bình luận của em trong 1 bài kiểm tra học kỳ II cách đây đúng 30 năm-1982, lúc đó em học lớp 9, lớp cuối khoá chuẩn bị thi chuyển lên cấp 3, tức là thi vào lớp 10. Lời phê đó em nhớ như in đến tận bây giờ: "Được, nhưng chưa đủ" - 6 điểm.
Lời phê này nhiều cách suy luận khác nhau, lúc đó em chỉ nghĩ đơn giản là: chưa đủ thì mình phải cố gắng cho đủ, biết rằng sẽ không bao giờ đủ cả. Đến giờ đây em vẫn chưa phân tích nổi câu phê bình này chị Loan ạ.
Qua bài viết này, em lại thấy được hình ảnh của một giáo viên dạy học với một cái TÂM- Cô giáo Hồng Loan !
Thế nhưng, có 1 điều em thấy phải thông cảm cho nhiều thầy cô bây giờ, đó là đời sống giáo viên nhìn chung còn thấp, lương ko cao lắm mà giờ nghĩa vụ lại nhiều, dạy nhiều lớp, lớp lại đông học sinh, thầy cô còn phải dạy thêm để tự cải thiện cuộc sống nữa chứ (cũng là chính đáng vì đó là cuộc sống thực tế mà). Vì vậy, để theo dõi kĩ từng em, ngồi phê tỉ mỉ từng sổ học bạ, thì khó quá! Nếu như 1 lớp học chừng 20 em, mỗi giáo viên vừa phải giờ nghĩa vụ thôi, lương lại bảo đảm cuộc sống hoặc khá giả, thì em tin rằng, mỗi giáo viên sẽ tự động có trách nhiệm hơn, chỉ chu hơn trong việc giáo dục học sinh và phê học bạ cho học sinh...Ko biết em nghĩ vậy có đúng ko? Kinh tế ảnh hưởng rất lớn đến giáo dục mà...
Chị vui nha! Em đi 1 vòng blog rồi về đây!
Mùa thu còn mãi ai ơi
bay bay theo gió mây trời mênh mông
nắng thu còn ngập trong lòng
ta yêu thu lắm ta ..
......
Bây giờ, mấy bài tập làm văn hồi cấp 1-2, em vẫn thường lấy ra đọc lại và vẫn thích đọc "Lời phê của thầy cô "
Dại uốn lưng tôm ấy dại khôn
Đọc bài chị viết, em tự nhiên nhớ lại một tình huống em đã từng chứng kiến trước đây, khi em còn học cấp 3. Cô giáo dạy Hóa chúng em rất giỏi. Một lần trả bài, đứa bạn ngồi cạnh em căng mắt nhìn dòng phê của cô rồi nó cầm tờ bài kiểm tra đó lên hỏi: "Cô ơi em không đọc được lời phê của cô. " Cô giáo cau mày và ngay lập tức cho nó (cộng cả chúng em nữa) một bài thuyết giáo dài gần hết tiết học. Đại loại là các chị học chuyên văn nhiều chữ nghĩa, các chị không thèm học các môn tự nhiên thì thôi, các chị lại còn dám mỉa mai tôi....
Cả lớp ngẩn tò te, không hiểu sao cô tức giận thế.
Đến giờ ra chơi mới xúm lại đứa bạn truy vấn. Nó giơ tờ bài kiểm tra lên cho chúng em đọc dòng phê của cô giáo. Dịch mãi mới ra thế này: CHỮ VIẾT RẤT KHÓ ĐỌC.
Từ đó giữa cô giáo và lớp em có một khoảng cách. Nhiều đứa ấm ức vì bị mắng oan. Vì công bằng mà nói: chữ cô giáo quả là...khó đọc thật chị ạ
Phê bình không đúng cách thì trở thành chê bai, miệt thị, hủy diệt niềm tin, xúc phạm người khác.
Không phải ngẫu nhiên mà "ngôn" là một trong "tứ đức" theo tiêu chuẩn của các cụ xưa.
"Lời nói chẳng mất tiền mua
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhâu"
Ấy là trong cuộc sống nói chung đã vậy rồi, huống chi là trên lớp, nơi thầy cô là người khai sáng, người thắp niềm tin cho trò!
Miếng ngon nhớ lâu, điều đau nhớ đời!
Chớ bao giờ lạm dụng cái "thuốc đắng dã tật" để rồi gây nên những vết thương lòng cho học trò của chúng ta!