Lên
Đà Lạt lần này ấn tượng nhất về điểm du lịch “Làng Cù lần”
Tên
làng nghe rất ngộ, đơn giản chỉ vì nơi ấy có con Cù lần!
Tiếng
là “Làng” nhưng cư dân ở đó đã lùi xa nơi này, vào rất sâu trong núi rồi. Hỏi
bác lái xe vì sao vậy, bác cho biết trước đây người K’Ho sinh sống như bao buôn
làng khác. Thế rồi người Kinh phát hiện ra một vùng núi đồi, thung lũng quá
tuyệt vời nên đã mua lại của họ. Và đó là lí do không còn thấy bóng dáng người
bản xứ ẩn hiện nơi đây. Giá như có hình ảnh người K’Ho giữa thung lũng có cái
tên “Cù lần” này thì có lẽ bức tranh toàn cảnh về Làng sẽ hoàn hảo với vẻ đẹp
mang hơi thở sự sống ấm áp, gần gũi hơn!
Ấy
là cầu toàn thế chứ đắm đuối trong khu du lịch sinh thái nằm dưới chân đỉnh núi
LangBiAng này, con người gần như trở về nguồn cội hoang dã, trong vắt bầu khí
quyển này, chẳng còn thiết đến trò chuyện viển vông. Thả hồn vào gió núi đại
ngàn, vào cái man mác của hồ trong thung, vào dòng suối Bạc chảy đủ để xe chạy
qua lòng suối mà vẫn róc rách, rì rầm cùng tiếng chim chóc hót thi thoảng nhưng
thanh âm thì vẫn rất rõ và rất nét.
Đến
làng Cù lần sẽ thấy dấu đi đường có mũi tên chỉ xuống. Không biết vì làng dưới
thung lũng hay vì đó là biểu tượng về con Cù lần cứ thấy người là cúi mặt
xuống, lấy tay che?
Đến
cổng làng người ta có thể đi bộ vòng vèo xuống núi bằng đường đã trải nhựa.
Nhưng có lẽ thú vị hơn là đi bằng cách vượt đèo băng suối nguy hiểm. Ngồi trên
xe chạy địa hình để thử cảm giác mạnh mới thấy mình liều đến mức nào. Đường dốc
ngược, lại ngắn toàn đất đá, xóc nảy dựng người. Mỗi khi xe lên, xuống tưởng
như tuột khỏi dốc đến nơi, ai cũng nín thở, niệm thần chú vì trót “khôn ba năm
dại một giờ” (mà thật ra chỉ 40 phút!). Chưa kể lúc xe chạy qua suối, đá ngầm
gập ghềnh dưới nước, hai bánh xe bên này nằm dưới suối, hai bánh bên kia nằm
trên bờ chênh vênh, sẵn sàng lật ngửa bất cứ lúc nào!
Sau
thử thách choáng váng, dừng trước thảm cỏ xanh mượt, thoáng đãng mới thấy sự
bình yên đến vô cùng. Chắc trước đây dân làng thường tụ tập nhảy lửa, hát hò,
sinh hoạt cộng đồng. Giờ người ta cũng duy trì dấu vết ấy bằng đống tro tàn có
củi chất xung quanh. Trên nền cỏ, một mái nhà rông tượng trưng có bậc thang
bằng gỗ đẽo thô sơ, một bộ cồng chiêng, những khúc gỗ kê làm chỗ ngồi nghỉ ngắm
cảnh, chụp ảnh cho du khách. Hình ảnh những tượng gỗ, hàng dệt thổ cẩm, đan
lát, vòng đá…được trưng bày bán trong chợ chồm hổm, một cái chợ giống như bao
chợ khác của cao nguyên đậm màu sắc văn hoá miền núi.
Bước
chân đến đây, lòng người nhẹ nhõm bởi không khí trong lành, mát mẻ. Cây cỏ hoa
lá tự nhiên. Ai cũng cố nhìn mặt con Cù lần. Nó sắp tuyệt chủng đến nơi rồi.
Tội nghiệp loài vật hiền lành, có đôi mắt đẹp bởi sự trong veo, ngơ ngác theo
kiểu cù lần của nó! Cả làng còn sót bốn con. Cù lần che mắt lại để không nhìn
thấy sự nguy hiểm mà đối với cù lần không thấy sự nguy hiểm là không có nguy
hiểm gì cả, ai muốn làm gì thì làm!
 |
Vừa thức giấc chưa kịp che mắt |
Cuối
cùng thì sự cố tình của những vị khách lì lợm nhất cũng đã chụp trộm được đôi
mắt ngạc nhiên của nó. Trông nó mới đáng yêu làm sao!
Giá
như người đời cứ cù lần đi hẳn khoé mắt sẽ không còn dấu chân chim, hay không
còn hiển thị những ánh nhìn chất chứa những nội tâm trăn trở, toan tính!
Vì
sao Cù lần tuyệt chủng? Loài người có chịu trách nhiệm về hậu quả đó không?
Không
biết ít năm nữa trở lại Làng Cù lần, cảnh trí có còn nguyên sơ, thơ mộng và
những con Cù lần sót lại này có bình yên trong giấc ngủ vùi nữa không?
Cù
lần ơi , may mà có mi để người ta biết thế nào là cù lần!
Làng
Cù lần – dấu vết hiếm hoi của một cuộc sống bình yên, hiền hoà giữa đại ngàn mà
mỗi ngọn núi, thung lũng, con suối, loài cây đều gắn với một huyền thoại bí ẩn. Làng sống mãi trong tâm
thức người Việt, cho dù mọi sự đổi thay theo thời gian.
 |
Những mái nhà ẩn hiện ở làng Cù lần |