25 thg 8, 2013

Góc khuất

Cứ mỗi độ thi đại học kết thúc với những kết quả không mấy ngạc nhiên của  các sĩ tử, là y như rằng, người ta lại xôn xao, người ta lại xì xào về những tân thủ khoa.
Năm nay, thủ khoa  ĐH Y Hà Nội  cũng lại được mọi người biết đến với điểm số cao nhất so với các thí sinh khác - đương nhiên rồi, và còn vì hoàn cảnh cực kì đặc biệt mà báo giới có dịp tác nghiệp từ cận cảnh tới viễn cảnh rất lấy làm chuyên nghiệp, kịp thời và cái gọi là cụ thể ,chính xác đến từng milimet !
Ấy là khi điểm số đã chính thức công khai trên báo thì người ta không đi tìm cái điều cần tìm: bằng cách học nào thí sinh đó đạt thủ khoa? Cảm xúc và những dự định, ước mơ của họ về ngành mà họ đã chọn thế nào?.v.v..mà lại khai thác yếu tố, tất nhiên sẽ tác động đến tình thương (thương hại !) của người đời về gia cảnh càng nghèo khó, bi luỵ của người mới chỉ đặt dấu chân trên đường đời còn rất dài và rất xa. Tất nhiên không phải là không có mặt tích cực ,rằng thì là :hoàn cảnh thế ấy mà người học vẫn vượt qua để vinh danh thủ khoa, cho dù thủ khoa cũng chỉ là kết quả bước đầu – đầu vào của một tương lai phải khẳng định ở đầu ra và khả năng thực hiện những gì suốt mấy năm dùi mài kinh sử kia!
Các phóng viên, biên tập viên, …chĩa ống kính vào cái pi ximăng chưa sử dụng (có thể dùng làm cống mà họ cứ gọi là cống!) để phỏng vấn bố của tân thủ khoa, rồi thâm nhập vào sàn nhổ lông vịt lúc nửa đêm về sáng để quay cái cảnh mẹ thủ khoa vừa vặt lông vịt vừa rơi nước mắt buồn tủi để minh chứng cho hoàn cảnh tội nghiệp mà chàng thanh niên sức dài vai rộng bấu víu để học với kết quả đáng biểu dương nọ!

Với một góc nhìn khác, người đời cảm thấy có điều gì bất nhẫn khi cứ phơi lên mặt báo, mặt tivi cái khốn khó của cuộc mưu sinh tội nghiệp kia. Chẳng nhẽ tân thủ khoa sẽ không tủi hổ vì mọi người kể cả bạn đồng môn sẽ mục sở thị và ngẫm về cái việc bố cậu phải ngủ trong cống, mẹ cậu ngày ngày phải úp mặt vào chậu nước sôi nhổ lông vịt để cậu có  kết quả ấy, mà cậu không mảy may tự trách mình sao không vừa học vừa làm giúp bố mẹ giảm bớt nỗi nhọc nhằn của miếng cơm manh áo? Từ ngày xửa ngày xưa Nguyễn Hiền quét lá đa vẫn học mót chữ nghiã, bắt đom đóm để thay đèn vẫn trở thành trạng đó thôi!
Và cũng với góc nhìn khác, người đời thấy hình như báo chí chỉ quen săn tin thủ khoa vào đại học mà quên theo dõi đầu ra của họ thế nào khi họ trở thành (hoặc không thành) những kĩ sư, cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ ! Thế mới có “tiến sĩ giấy” ở Bộ nọ  (khi mới cầm tờ giấy “chứng nhận có khả năng học tiến sĩ” đã vội xưng mình là TS!)
Thử hỏi thủ khoa là một cột mốc trên bước đường học thuật hay chỉ là bước đi trên cuộc trường chinh vạn dặm để chiếm lĩnh kiến thức vô tận của nhân loại?
Nghe đâu, thế giới xung quanh, người ta không dạy con người ta mải mê, thoả mãn cái danh thủ khoa (nhất là cứ phải nghèo khổ đỗ đầu, chứ mà nhà có tí của ăn của để không thành thiếu gia thì đương nhiên phải học giỏi vì cần gì vượt qua cửa ải nào!) mà họ nặng đầu tư cái thủ cấp, sao cho vào trường nào là tuỳ chọn, thời gian kết thúc là tuỳ khả năng. Nhưng dứt khoát đầu ra thì chặt chẽ, kiến thức có được phải đủ làm người trí thức đúng nghĩa!
Ôi,cái người đời, sao cứ lạm bàn chuyện chẳng liên quan tới mình, khen một tí chết ai, chê bai có ngày bị ném đá bươu đầu mẻ trán như chơi!

16 thg 8, 2013

Tiếng chuông.

Tiếng chuông báo hiệu cũng có nhiều nhịp điệu khác nhau. Và không thể nói là nó không đem đến cho ta những cảm giác khác nhau!

Tiếng chuông của gã bán nước (nước khoáng!) là thứ âm thanh gây sốc. Chỉ có một lần gã xuất hiện sớm bất ngờ so với những lần trước đó, khi mà khổ chủ đang bận tay bế cháu này, chân đưa nôi đứa kia, miệng bận à.. ơi…, thế mà gã giật chuông liên hồi còn hơn cả người ta báo cháy nhà! Rồi từ lần sau gã cứ xuất hiện là giật cháy chuông mặc cho người nhà lạch cạnh mở khoá ngay. Vẻ mặt của gã rất là “hình sự”, mồ hôi mồ kê nhễ nhại, hình như bao nhiêu cực nhọc, bực dọc, cáu tiết ở đâu gã trút lên căn nhà không chịu đón gã kịp thời lần nọ, cho dù những lần sau họ chờ lão từ khi bắt đầu gọi điện đến cửa hàng. Người đâu lịch sự có thừa!

Hay, tiếng chuông của bạn con bé cháu nghe rón rén y như người có lỗi sợ người khác phát hiện. Và cũng không sai, vì mỗi lần có tiếng chuông nhát gừng, rụt rè của nó là con bé cháu đi với nó để rồi về trễ với những lí do rất không chính đáng!

Còn tiếng chuông chỉ rung lên một lần đủ nghe, đích thị là của anh công nhân điện, nước đến ghi số, nhà mở cửa thì ghi, không mở thì anh ta đi, nhét vào khe cửa tờ giấy hẹn, không cần bấm lần hai!

Tiếng chuông có vẻ giục giã nhưng cũng đủ để người nhà đoán đó là tiếng chuông thu một khoản tiền nào đó  như truyền hình cáp, internet, điện thoại bàn, các quỹ vận động của phố phường, tiền rác…

Và tiếng chuông của khách, thì thật đa dạng. Người bình tĩnh thì bấm một lần xong im lặng chờ, rồi mới bấm tiếp. Người nôn nóng thì vừa dứt tay này, tay kia đã bấm sợ người nhà không biết mình đang bị bỏ rơi trước cửa!

Nhiều cách thể hiện qua tiếng chuông vốn chỉ có một loại âm thanh . Người ta hay xét đoán người khác theo kiểu “trông mặt mà bắt hình dong”, đã có ai xét đoán người qua tiếng chuông ?

Tiếng chuông để thức tỉnh, để gợi nỗi hoài nhớ xa xăm “làm sao về được mùa đông để nghe chuông chiều xa vắng”…chẳng ai lại thích tiếng chuông gây khó chịu, bực mình. Cho nên có khi vì lịch sự người ta lắp chuông, song cũng vì tôn trọng sự lịch sự người ta lại ngắt chuông. Điều đó cũng dễ hiểu! 


Ảnh từ Nét, chỉ để minh hoạ

11 thg 8, 2013

Quy tắc bàn tay trái.

Lâu lắm, hôm nay chị chàng mới gặp lại người bạn, đồng nghiệp năm xưa. Cả hai cùng cười khi nhắc lại kỉ niệm cái ngày cùng đi coi thi chung một Hội đồng với nhau.

Hồi ấy chưa có điều kiện giấy mực như bây giờ, internet thì chưa có khái niệm! Mỗi lần đi coi thi, giám thị phải quay lưng (và những bộ phận không tiện kể) bất đắc dĩ vào thí sinh suốt từ lúc chép đề cho đến lúc chấm hết. Tay mỏi rã rời, mồ hôi vã đầm đìa (vì có những đề gồm A, a ,b, c…lê thê) và đã có biết bao tai nạn nghề nghiệp xảy ra với những trường hợp chép đề môn thi không thuộc chuyên môn của người coi thi, hình như đó là cách mà người quản lí cho rằng sẽ tránh được việc ngứa tay, ngứa miệng của những người không để “thấy chết mà không cứu”!

6 thg 8, 2013

Nghe em kể chuyện giọng miền Tây.

Em vừa chuyển từ nơi giúp việc ở một biệt thự về đây. Hình như chưa hết kinh ngạc về nơi ấy, nên em kể mãi không hết chuyện, bằng  một chất giọng miền Tây nghe rất ngộ.
Rằng nơi ấy trả lương cao hơn đây. Còn công việc thì “em dám chắc không có nơi nào như dzậy”. Chẳng có thứ tự, nhớ đâu kể đó. Nào là nhà ấy “đồ ăn thức uống chất trong kho nhiều tới mức hết hạn bỏ đi , thấy mà tiếc đứt guộc”(các âm “r” đều phát âm thành “g”). Đồ đạc toàn “thứ dữ” :  các tượng thờ, tượng trưng bày toàn bằng đá cẩm thạch láng như người ta vừa xối nước, xe hơi ba chiếc không kiếm đâu ra chút bụi, xe tay ga loại sang nhất ngó mà lạ thấy mồ (hổng nhớ tên vì toàn tiếng Tây) đồ nấu bếp nếu không hỏi thì không biết cách dùng. Nhà gắn camera, chuông báo động khắp nơi. Có hôm trời chuyển, lá cây xào xạc, cành gãy…làm chuông báo động hú khắp biệt thự, đèn bật sáng từ các tầng lầu đến sân vườn, mấy người giúp việc lo ra nhìn ngó xem có ai, vì sao. Nếu sợ không ra  sẽ bị bà chủ mắng , mà ra thì sợ mấy thằng bò ngáo (loại du côn) nó làm thịt, “trời ơi sợ hết hồn, người làm việc hồi nào tới giờ toàn thế mạng không à. Từ đó tụi em tính kế thối lui vì sợ quá trời, quá đất !”
Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang