20 thg 8, 2011

Lên chùa Linh Cốc gặp một vị sư

hùa Linh Cốc có đường lên động Linh Cốc .Vì vậy ai vãn cảnh chùa mới được vào động. Nơi đây có một vị sư bà, giọng nói ồm ồm, kiểu cách đón tiếp không giống những người tu hành mà ta đã gặp. Sau khi chỉ cho khách nơi khấn vái với lời dặn “ngồi vái  chứ không được đứng vái”, sư đi ra sân cắt việc cho các các sư cô làm. Sư quát tháo mắng mỏ rất dữ. Lúc ấy có một con chú chó vô phúc lẽo đẽo theo chân sư, bị sư quay phắt lại mắng: “Này tao vả cho một cái bật ngửa bây giờ!”. Chó tưởng chủ giỡn cứ nghênh mặt nhìn như trêu tức làm sư dọa đánh, nó mới cụp đuôi bỏ đi, trông đến tội nghiệp. Thấy sư cáu bẳn quát mắng, ai nấy đều im lặng, chỉ mong sư mau chóng chỉ đường lên động để khỏi nghe sư “khủng bố tinh thần”. Một người được phép của sư dẫn đoàn khách lên động, cả đoàn mừng rơn. Động Linh cốc là một động khô có rất nhiều hình thù đặc biệt. 
Có chỗ y như hình ảnh thầy trò Đường Tăng trên đường thỉnh kinh. 
Có chỗ như Tôn Ngộ Không đang hái đào. Có chỗ giống như nàng tiên đang nằm ngủ. Có chỗ gõ vào phát ra âm thanh như tiếng trống, tiếng mõ…Cuối đường ra có một cánh cửa sắt nhỏ, phải chui mới ra được. Người nhà chùa đứng đó thu tiền chẳng thất thoát đi đâu, cần gì làm cửa sắt chốt khóa cả một hang động tự nhiên đẹp như thế.Vẫn biết cảnh thì đẹp, lòng người thì mê say, nhưng cả người phàm trần lẫn thoát tục đều không chỉ sống bằng tinh thần. Chỉ tiếc là trong cuộc mưu sinh còn lắm gian nan,  người ta quên đi lối ứng xử xứng tầm thiên nhiên nhường ấy!

7 thg 8, 2011

Đặc sản vùng miền


Ninh Bình nổi tiếng nhất có lẽ là món thịt dê. Thấy quán nào cũng có món “Dê núi”. Ở đây dê chính hiệu chứ không phải “Treo đầu dê bán thịt chó”. Vào một quán mà dân sành ăn mới tìm đến, luần quần trong hẻm núi để thưởng thức các món dê hảo hạng. Buồn cười nhất là thấy trong thực đơn có món “Giả cầy” làm bằng thịt dê. Có thịt chó thì thèm thịt dê, giờ có thịt dê lại phải vờ làm thịt chó! Người ta cứ hay thích những cái khác thường chứ chưa hẳn những thứ ấy ngon theo đúng khẩu vị.
          Món khác cũng được quảng cáo dọc đường, đó là “Gà đi bộ”. Gà này  thịt săn và đậm đà lắm. Không biết đời nó đi bao nhiêu km để khi lên thớt mới vừa độ gật đầu của dân ghiền chính hiệu!
          Đường lên Tam  đảo đầy những quán ăn với các món “Gà đồi”, “Lợn cắp nách”, “Lợn lửng”…Gà đồi thì hẳn là gà sống ở đồi núi, thịt thơm, ngon hơn gà nuôi kiểu công nghiệp là cái chắc. “Lợn cắp nách” là lợn vừa vừa có thể cắp nách, được tổng động viên vào món quay theo yêu cầu của số đông thực khách giảm cân, giảm mỡ máu…Còn lợn lửng là lợn gì thì  chưa kịp biết.
          Trên đường đi Đền Hùng lại thấy các bảng treo “ Gà núi, cá suối, trâu rừng”.Thôi thì bao nhiêu cầm thú trên rừng, dưới nước dùng vào việc làm lạ miệng người đời thì đều được huy động tối đa. Mà có khi người ta đem gia cầm, gia súc thả vào rừng cho nó tự do kiếm sống một thời gian để mang hương vị của thiên nhiên hoang dã, rồi cứ khuyếch đại những cái tên nghe có vẻ hấp dẫn để đánh lừa lẫn nhau cho vui vẻ một chuyến đi.
          Ở Xuân Hòa, ngoại ô Hà nội có một làng chuyên nấu các món ăn từ thịt trâu. Quán “Trâu phi xuyên” rất nổi tiếng ở làng này. Trên căn gác gỗ kiểu nhà sàn, chủ quán tạo một phong cách ẩm thực khác đời. Thực khách ngồi trên chiếu, đồ nhậu bày trên các bàn tre thấp. Thoạt đầu bước lên gác có cảm tưởng dân đào vàng mỏi mệt tìm chỗ ngả ngớn, trông cũng hơi sờ sợ. Mùi thịt nướng, vương vất khói và những tiếng bật nắp tưng bừng một không khí nhậu dân dã. Thôi thì núi non hiểm trở đã trèo, sông sâu, suối cả cũng đã qua, giờ về đồng bằng xá chi một căn gác nhậu mang dáng vẻ  hoang dã giả cổ này. Cả hội xếp bằng ngồi xuống. Có  nhiều món được chế biến rất ngon. Nhớ nhất là món “Nầm sữa chiên”. Món này vừa béo vừa thơm,vừa giòn. Không biết họ lấy đâu ra mà lắm “Nầm” thế không biết? Nó có vị ngon rất đặc trưng, khó có thể giả được.
          Chuyến du lịch không chỉ mở rộng tầm nhìn mà các giác quan đều được vận hành, thật là quá đã!


2 thg 8, 2011

Chưa đi chưa biết Ninh Bình

Nơi đây là chốn hội tụ của núi non muôn hình nghìn vẻ, hang động huyền bí…những tuyệt tác của thiên nhiên. Nơi thanh tịnh để các hiền triết xưa ẩn mình tu luyện, chùa chiền cũng vào loại bậc nhất nước Nam . Lại cũng là địa thế lợi hại từng ngăn chặn binh đao khói lửa của chiến tranh. Vì thế mà những tên núi tên đất đã đi vào lịch sử. Đây rừng Cúc Phương –rừng Quốc gia nguyên sinh còn là tài nguyên kiến thức để con người khai thác. Kia núi Tam Điệp còn in dấu chân các binh sĩ Tây Sơn một thời trận mạc, Tam Cốc - Bích động, Tràng An quả là kì tích của tạo hóa. Chùa Bích Động, chùa Linh Cốc…Đặc biệt là chùa Bái Đính đưa con người về với cõi thiền dù cuộc sống trần thế còn nhiều bề bộn, rối ren. Kinh đô Hoa Lư xưa vẫn im lìm một cố đô cổ, bằng phẳng, nghiêm ngắn giữa chốn núi rừng trùng điệp, hẻo lánh. Đền thờ vua Đinh có kiến trúc từa tựa Văn miếu của Thăng Long.
          Núi non Ninh Bình không nằm gối lên nhau như dải Trường Sơn mà đứng tách riêng từng quả núi một cạnh nhau và toàn là núi đá có những vết cắt rất đều nhau, khiến ta liên tưởng đến những lát cắt của bánh sanwits. Núi Thúy còn nhiều bài thơ khắc trên vách đá cheo leo rất độc đáo, nơi anh Giáp Văn Cương từ đó nhảy xuống sông Vân để nhất quyết không để giặc bắt

Một bài thơ khắc trên núi Dục Thúy
Tam cốc- Bích động như đưa con người vào cõi mơ.Trên là núi, dưới là hang động. Hang dài và rộng, nước trong và mát lạnh, những hình tạc của tạo hóa mới hoàn hảo làm sao. Nhũ đá có chỗ như nàng tiên nằm xõa tóc, chỗ lại như một khối đá kim cương khổng lồ lấp lánh

Thạch nhũ như một khối kim cương lấp lánh
 lại có chỗ như một cánh đồng sen treo ngược, một giàn thiên lý nở đầy hoa, chỗ hệt con đại bàng sải rộng đôi cánh.

Thạch nhũ quần tụ như những bông sen treo ngược

Một quả phật thủ bằng thạch nhũ

Hình một chú khỉ tinh nghịch đang ôm qủa đào tiên

Những giọt nước tích tụ y như một sợi tơ hồng từ trên trời luồn xuống khe đá bám vào vách động mảnh mai mà rất vững chắc.
          Động xuyên thủy dưới núi Bích Động có cửa cha ,cửa mẹ. Mỗi cửa đó giống người ngồi trông coi nhắc nhở đàn con ngày ngày qua lại nơi thâm sơn cùng cốc này đừng quên cẩn thận.
Ánh sáng cuối hang như một dấu chấm kết thúc bản giao hưởng của thiên nhiên!
Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang