28 thg 10, 2015

LÂU LÂU VỚ ĐƯỢC SÁCH

Dạo này thời gian ( kể từ ngày xếp bút nghiên!) toàn bị tiêu tốn vô bổ, mạng miếc, cà phê cà pháo, rồi những việc chẳng ra đâu vào đâu. ...Sách xiếc bị lãng quên. Vừa rồi buộc phải ngồi một chỗ ( không goai phai goai phủng) để giám sát công việc của thợ lắp sàn gỗ (ấy vậy mà vẫn bỏ sót chi tiết), dắt theo tập tản văn, tưởng chỉ dành cho tuổi xì - tin, tặc lưỡi định giết thời gian. Bất ngờ suy nghĩ miên man…
Thoáng qua bìa sách với cái tên  “Tạm biệt, em ổn!”- Tác giả Tờ-Pi, tưởng lại một mối tình non trẻ tan vỡ, nhân vật cố gượng dậy sau một cú sốc nào đó. Hay một thuyết minh cho trào lưu đơn thân sau ‘Hợp đồng dài hạn” gặp sự cố,..Không ngờ gặp một phong cách bụi (vàng), một vốn sống vượt qua ngưỡng tuổi người cầm bút. Như tác giả khẳng định “Tôi không phải là nhà văn, tôi chỉ là một người kể chuyện, những câu chuyện của tôi” “Rất đời! Rất người!”.
Tập sách có sức hút kì lạ, cứ như  ta đang trò chuyện rất ăn ý với một người mà lâu lâu mới gặp được. Không vòng vèo, màu mè uốn éo, đi thẳng vào những câu chuyện “rất đời” bằng cách nhìn thấu, nhìn hiểu và nhìn cảm. Chứ không phải cái giọng “đời” giễu nhại, am tường, vô cảm!
“Đời” trước hết ở giọng kể, không né tránh, cầu toàn, gọt giũa câu chữ. Đôi khi lời ăn tiếng nói được bê nguyên vào trang viết, cách luyến láy như ta vẫn thường nói chuyện với nhau hàng ngày  , kiểu như: “Có vài ba bậc phụ huynh ở quê ngơ ngơ ngác ngác áo dài óng ánh vỗ tay cười ngượng ngiụ trước đám bâu nhâu như lũ khỉ ở Hoa Quả Sơn” ( Một  đám cưới)
“Đời” ở công việc, luôn phải va chạm với những hạng người bị xếp vào “xã hội đen”(dân cửu vạn, bảo kê, buôn lậu,…) để điều tra, để phá án,…nhưng lại luôn nhìn họ với con mắt cảm thông, sự chia sẻ ngấm ngầm, sự dằn vặt trước những mảnh đời vất vưởng, bụi bờ bị lãng quên, bị xô đẩy, bị dày xéo,..Có những lúc rơi vào cảnh nghiệt ngã, chính những người có tiền án tiền sự lại sẵn sàng giúp đỡ người đang thực thi nhiệm vụ vì an ninh cuộc sống ,..vượt qua hoạn nạn, trong khi những người thường ngày tỏ ra tử tế lại ngoảnh mặt làm ngơ, thế nên tác giả mới có lời rằng“ bạn chỉ cần một lần nhìn họ không bẩn, không bựa thì chắc chắn họ còn tử tế hơn vạn lần những kẻ có học đạo mạo bạn gặp ngoài kia”.  Có đôi khi kể về một số phận được cứu rỗi, Pi mỉm cười vì thấy mình ít ra đã quảng phao đúng lúc cho một linh hồn chỉ còn lại mảnh xác vật vờ trôi nổi qua ngày trên dương gian. Ấy là một thằng nọ sống bằng nghề ăn mày, Pi hỏi nó biết hát không, hát mà xin tiền. Thế rồi từ một thằng ăn mày, hắn đã xây dựng một gia đình lao động tử tế, sinh con đẻ cái, với ước mơ cho con đến trường để sống một cuộc đời khác đời cha mẹ chúng. Không phải tự nhiên, sau mảnh đời lê lết,lầm lỗi của họ tác giả lại cất lên câu hát “Ta tiếc cho em trong cuộc đời làm người/ Ta xót xa thay…Em là một cánh hoa rơi”(Trịnh Lâm Ngân)
“Đời” ở những câu chuyện về bà bán bún gà (máy bay bà già, có một giai kém hơn chục tuổi - phi công trẻ- đeo đuổi) vẫn chăm chỉ làm ăn, tạo cơ ngơi cho con cái, bị chúng nó phá phách, nghiện ngập. Chuyện về các hot- gơ chỉ dựa vào vốn tự có để lấy ngắn nuôi dài, lại còn khinh bạc nhìn đời, dè bỉu hạnh phúc chân chính của những người xung quanh mình qua những món vật chất tầm thường ( mà cứ ngỡ là tất cả sự sống!),…ở họ vẫn trọng người nghĩa khí, không cậy quyền cậy thế, biết lắng nghe, chỉ dẫn, hướng thiện cho họ
”Đời” ở những mảnh tình rất mặn nồng khi chưa qua thử thách và nhạt thếch khi gặp chướng ngại vật dù giản đơn mà không đủ sức vượt qua, hay chỉ muốn theo một lối mòn khuôn mẫu có sẵn. Nhưng thứ tình mong manh khiến Tờ -Pi thà cô đơn còn hơn phải chịu sống nhục.
Tản văn hầu như viết bằng giọng tỉnh rụi, câu rất ngắn, đôi khi cộc , khô khốc lại thấm đẫm tình người. Tình yêu thương những người phụ nữ bị đối xử bất công. Họ chiều chồng, thương con, phụng dưỡng cha mẹ, lại bị mẹ chồng coi chẳng ra gì ( lúc nào cũng ca ngợi trắng trợn những con dâu hụt trước mặt đứa sinh cháu nội đích tôn cho mình), chồng thì mải mê gái gú, hoặc đạo đức giả, bóng sáng diễn giỏi trước đông người, miệng còn leo lẻo “ sống là nghệ thuật”, nghệ thuật của kẻ xôi thịt!
Những tiếng thở ra sau mỗi cảnh ngộ lâm li của nhân vật ( bị thất tình, lừa tình hay tình lừa …) mà tác giả tiếp xúc đều khiến người đọc bùi ngùi theo.
Cái cụm từ “Người ta” thiên hạ quen dùng, có mấy ai phản biện: Mày cứ ngông thế người ta đánh giá! Mình sống làm sao đừng để người ta đồn thổi chơi bời này kia! Sợ người ta bảo hư không lấy được chồng! Mặc thế này ra đường sợ người ta bảo già mà đú không?...Rồi kết: “ Người ta không  nuôi mình, không cho mình xu nào để sống, cũng chả làm mình vui, mình sướng, mình hạnh phúc được thì sao phải “xoắn” người ta nhỉ?
Theo Tờ -pi “ gia đình là tất cả”! Trong nhiều câu chuyện kể về đời, về người, ở những thời điểm gấp gáp vội vã, nguy hiểm hay bình an, hình ảnh cha mẹ tuy chỉ thấp thoáng nhưng vô cùng gần gũi, yêu thương. Đó là những quả dưa leo sạch bu gửi cho để đắp mặt vì suốt ngày phơi mặt ngoài đường, đó là những câu hỏi của cha về người giai  chở con vừa thấy trước ngõ cười toe toét đã mất tăm mất dạng. Cha mẹ hiện lên qua cách xử lí những tình huống nghiệp vụ chuyện sâu với tư cách đồng nghiệp , đồng hành. Họ cũng là bậc tiền bối đáng kính mà nếu kẻ vô ơn quen thói chửi đổng, sẽ bị dằn mặt, cảnh cáo.

Nói chung,  đọc “Tạm biệt, em ổn!”, thấy rất ổn! (Trừ  “người ta” nào đó thấy không ổn, thì đấy là việc của họ!)

11 thg 9, 2015

THÂN PHẬN MUA VUI.

Từ thế kỉ trước, Thế Lữ đã nói giùm con hổ nỗi niềm khi bị nhốt ở vườn bách thú. Sự thấu cảm của nhà thơ vẫn vẹn nguyên tính nhân văn ở thế kỉ này và có lẽ sẽ làm người ta trăn trở lâu hơn nữa:
Gậm một khối căm hờn trong cũi sắt
Ta nằm dài trông ngày tháng dần qua
Khinh lũ người kia ngạo mạn ngẩn ngơ
Giương mắt bé giễu oai linh rừng thẳm
Nay sa cơ bị nhục nhằn tù hãm
Để làm trò lạ mắt thứ đồ chơi
Trong cuộc sống bộn bề, gấp gáp, có mấy ai hiểu vì sao con hổ trắng kia lại cắn đứt tay chị nọ ở một khu du lịch nào đó. Hay người ta vội vàng giam nó chặt chẽ thêm ở nơi vốn đã mất tự do, rồi đi tìm cách khoả lấp nhưng bất cẩn của con người bằng biên bản thế nào có lợi nhất trong việc trốn tránh trách nhiệm và được đền bù cao nhất?
Một con voi ở nước kia bỗng dưng quật chết người quản tượng, quăng quật đến trọng thương ba du khách đang cưỡi nó. Có ai biết một năm 365 ngày, con voi làm việc không ngừng nghỉ, kéo gỗ trong đường rừng, thồ người qua sông, làm trò vui cho du khách…? Vì sao đôi mắt nó lúc nào cũng ngấn nước mắt?
Vừa rồi ra Đảo khỉ Nha Trang, nhìn những chú khỉ còm cõi nhọc nhằn, miễn cưỡng
Khỉ nhọc nhằn với những cuộc đua xe mỗi ngày
làm xiếc mà thấy tội nghiệp cho một loài vật vốn được đánh giá là loài linh trưởng. Chúng gầy đến không thể gầy hơn, vậy mà vẫn phải nhào lộn trên dây, trồng cây chuối, đua xe đạp, điều khiển chó chạy đua (giữa trưa nắng chang chang)…Những con khỉ không có công ăn chuyện làm, lảng vảng đến chỗ đông người bị mấy người quản trò giương súng cao su doạ bắn, vội chay bán sống bán chết, xong vẫn liều mạng quay lại cướp thức ăn trên tay du khách . Con người đang khai thác cạn kiệt tiềm năng từ thiên nhiên mà không hề đền bù xứng đáng để có thể sử dụng lâu dài tiềm lực đó. Ai
Khỉ mẹ ôm con cho bú, mắt buồn rười rượi
thấy mẹ khỉ gầy còm ôm con cho bú, đôi mắt nhìn xa xăm vô vọng mà không thấy lòng nhoi nhói?
Con người có đặc quyền cai quản thiên nhiên, trị vì mọi sinh vật trên trái đất. Nhưng mọi sự đều có giới hạn, thiên nhiên không phải là vô tận nếu con người chỉ biết khai thác. Vì thế đặc quyền sẽ không tồn tại vĩnh cửu. Con người có biết chăng?

Thân phận mua vui luôn mang nặng nỗi buồn!

8 thg 8, 2015

Chân dung hắn

Lẽ ra những ngôn ngữ này được diễn tả bằng những gam màu, những đường nét của một cây cọ thì chân dung hắn sẽ được hiển thị chính xác hơn. Nhưng vì không có khiếu vẽ, đành mượn chữ để phác hoạ chân dung hắn.
Trước hết về ngoại hình, thấy chiều cao của hắn cũng thường thường bậc trung, thấp hơn con trai( trên mét tám) của hắn cỡ một tấc. Nhưng mỗi khi hắn sải bước bộ thì khó ai theo kịp. Hắn còn gỡ gạc được từ nước da trắng so với màu da ngăm ngăm (giống mẹ) của con hắn, mặc gió sương, mưa nắng phủ đời trai, da hắn cứ hồng hào kệ mùa đông rét mướt. Vai hắn ngang, như sinh ra để đeo quân hàm ! Khuôn mặt hắn hình như không để lại ấn tượng khi gặp lần đầu. Vì thế hắn suýt bị đánh trượt khi bất ngờ gặp người mà hắn đi tìm, từ khi con tim hắn nhắn nhủ. Hắn thì nhớ như in người ta, còn người ta thì quên bẵng hắn. Thế mới đau cho một chàng sĩ quan đeo lon trúng uý khi còn trẻ măng- đô- lin!
Hắn rất ít nói, còn khi nói thì giọng hiền khô! Hình như hắn biểu cảm bằng đôi mắt, chính xác là ánh nhìn . Nó nghiêm ngắn và nhanh nhạy, nó cũng đong đầy cảm xúc bởi cái màu nâu nâu, trong trong (mà không phải đen láy) của mắt hắn. Nói chung, nhìn vào đôi mắt hắn, người ta đối diện với một sự trung thực, tử tế.
Đôi tay con nhà võ của hắn mà lại như thể của kẻ văn sĩ vậy. Mười ngón tay thon (đúng nghĩa gốc) là mười hoa tay, mà là hoa tay xoáy hình mắt công hẳn hoi. Lợi thế này của hắn không có cách gì phô ra khi hắn đi tìm một nửa cuộc đời. Bởi vì, lịch sử tình yêu chưa thấy ai gặp nhau lại lật tay xem có hoa tay hay không!Theo tướng số thì những người sở hữu những mười hoa tay như thế, rất thích hợp với vai thủ lĩnh cầm quân. Và hắn cũng tự nhiên theo cái nghiệp binh đao! Và bất ngờ hơn nữa là hắn ở binh chủng pháo binh. Một binh chủng từ Napoleon Bonapac đến các tướng giỏi ở khắp nơi trên thế giới đều thuận tay trái, hắn cũng không ngoại lệ! Cũng lại nghe nói, một trong 13 điều nhận biết người thông minh là người thuận tay trái. Hắn đã hội tụ đủ tố chất của một pháo thủ đầy tiềm năng theo kinh nghiệm nhà binh. Hồi hắn là đại đội trưởng, hắn cũng oai phết khối em chết, nhiều em bị thương, số còn lại hoảng hốt tinh thần. Các ẻm thầm mơ ước có hắn trong suốt hành trình hạnh phúc, có lẽ không chỉ vì cái vẻ ngoài không phô trương của hắn mà chính vì sự im lặng, bình thản nơi hắn. Và nổi bật hơn cả là vì cái chất lính toát lên từ con người hắn. Điều này thì dân gian đã đúc kết :Gái khôn tìm chồng giữa chốn ba quân!
Sự nghiệp cầm quân của hắn, vẫn sẽ là bí mật quân sự không thể dựa dẫm mà kể tầm phào được. Chỉ có thể kể theo quan sát bằng con mắt phó thường dân dự bị, về hắn, đôi điều bên lề .
Rằng, hắn ít nói nhưng lính tráng rất quý hắn. Những giờ tập luyện trên thao trường, hắn rất nghiêm khắc. Từng khẩu độ, cự ly hắn tính toán nhanh và chuẩn xác, khiến đơn vị hắn luôn là mỏ khai thác giải các mùa thi do khu vực tổ chức. Nhưng hắn rất tỉnh trước những lời ngợi ca, tâng bốc, vì hắn chẳng quan trọng bất cứ điều gì. Thủ trưởng của hắn hay lính dưới cấp, hắn đều cư xử bình đẳng. Thế nên, khi hắn có lệnh điều lên Bộ chỉ huy quân sự tỉnh làm việc, anh em trong đơn vị hắn sụt sùi ướt đẫm cơn mê, đến nỗi bà hàng xén bên cạnh bất ngờ vì khăn mùi xoa bán đắt hàng hẳn so với mọi khi!
Trong sinh hoạt đời thường, hắn cùng đồng cam cộng khổ với anh em, nên biết được sở trường sở đoản từng người mà cho họ thả sức làm theo ý muốn miễn là có lợi cho đơn vị, vẫn đảm bảo kỉ luật nhà binh! Có lẽ ngôi sao chiếu mệnh đã trao cho hắn uy quyền và khả năng dùng binh, nên mỗi pháo thủ của hắn còn là một nghệ nhân hay tay nuôi trồng, đánh bắt …thành thạo. Đã có không ít sản phẩm đem đi trưng bày, tiêu thụ với giá trị nghệ thuật, kinh tế đáng kể!
Cuộc sống của hắn cũng bình thản trước mọi thăng trầm của xã hội như trong bao gia đình quân nhân khác. Vào mùa huấn luyện hắn khoán hết cho vợ hắn chuyện bếp núc, con cái, nội ngoại…Những lúc tương đối rộng dài thời gian bên gia đình, hắn là một tay nấu nướng sành điệu, hay là hắn muốn bù đắp cho vợ hắn những nỗi vất vả không lời (trong khi vợ các sếp bên dân chính thì đúng nghĩa mệnh phụ phu nhân)? Vợ hắn lúc ấy tha hồ hát trong buồng tắm (thói quen bị quên lãng khi phải úp mặt vào bếp núc, giặt giũ,…). Hắn đi đón con ở trường cho vợ đỡ lật đật, sấp ngửa chợ búa, con cái thường ngày. Mục tiêu đi đón con lúc ấy của hắn là bám vào chiếc cặp màu da bò có hình chú lính chì. Bởi theo con mắt nhà binh của hắn khi về với đời thường, thấy đứa trẻ nào cũng giống nhau. Nhất là khi chúng nó ùa ra cổng cùng một lúc, đứa nào cũng sàn sàn nhau, mặc áo trắng cả, làm sao phân biệt. Hắn mã hoá hàng của hắn là màu da bò của chiếc cặp, và hẹn chỗ gốc cây trứng cá, cha con sẽ thủ thỉ trên đoạn đường không dài lắm từ trường về nhà. Ấy vậy mà có lần hắn không hoàn thành nhiệm vụ cỏn con ấy, khiến vợ hắn hốt hoảng. Chuyện là thằng bé con rất thích được tự đi bộ về nhà, mà không cần ai chở. Hôm ấy nó ra khỏi cổng, nó nhìn thấy hắn, và hắn cũng đã thấy chiếc cặp da bò di chuyển khỏi cổng. Bất ngờ gặp ông bạn (xuất hiện không đúng lúc!), lâu ngày gặp nhau, đang màn chào hỏi, nó luồn lách khỏi tầm kiểm soát của hắn, chạy một mạch về nhà. Mẹ nó mải nấu cơm, nó quăng cặp rồi chạy biến đi chơi. Hắn đứng ở gốc cây trứng cá, thấy mất mục tiêu, kiên nhẫn đợi, đến khi cổng trường sạch bóng bồ câu trắng, hắn lo lắng phóng xe về nhà xem thử. Vợ hắn nghe hắn tường thuật đầy đủ không sót chi tiết nào, kể cả chuyện “không may” gặp bạn. Thế là thị tru tréo sợ lạc con, âm thanh to đến nỗi thằng con đang chơi nhà hàng xóm chạy về xem có chuyện gì. Cả nhà mới thở phào. Hắn định bắt con hít đất, may mà vợ hắn giải thoát cho thằng bé vừa qua độ tuổi vỡ lòng! Nhắc tới chuyện này lại liên tưởng tới một tình huống hi hữu  từng xảy ra trước đó. Hồi thằng nhóc khoảng  ba tuổi, hắn chở nó đi gửi ở trường mẫu giáo. Nhưng vì cho nó ăn sáng quá lâu, nên khi đến, cổng trường đã khoá. Hắn quyết định cho nó lên xe jeep, cùng đi công tác. Chiều đó vợ hắn đi đón con, các cô thay ca nên không nhớ rõ, trả lời bừa: có người đón rồi. Vợ hắn chạy về nhà không thấy con, cả trường táo tác, trời càng lúc càng tối. Ý nghĩ về vụ bắt cóc len lỏi trong những dòng nước mắt của vợ hắn và những người xúm xít xung quanh. Thì, hắn về, cắp nách một thằng bé lem luốc từ mặt mũi, chân tay đến quần áo, mắt vẫn sáng ngời vì một ngày lê la thoả thích! Vợ hắn mừng quá đến nỗi phòng thích cho hắn từ một tội đồ thành ân nhân cứu mạng con giai! Hắn chỉ lẩm nhẩm: chuyện không có gì mà ầm ĩ thế!
Hắn còn có sở thích rất mê các loại truyện trinh thám, chiến đấu, đặc biệt là kiếm hiệp. Hồi vợ hắn ở cữ, hắn nghỉ phép được một số ngày, đã kịp lạng qua một thư quán (bởi trên giá sách của vợ hắn toàn những tiểu thuyết ,truyện ngắn,..mà hắn cho là mất thì giờ!). Hàng ngày cứ sau khi rót cho vợ một ly rượu nếp bách nhật (do chính tay cụ bà, mẹ hắn làm), đặt ấm thuốc bắc cho vợ, nháo nhào giặt mấy cái tã (thời kì quá độ!) cho con là hắn bắt đầu luyện chưởng! Có hôm mê mải, hắn đọc khuya lơ khuya lắc, vợ hắn cằn nhằn, hắn tắt đèn cho vợ con yên giấc, rồi len lén thắp đèn dầu luyện tiếp cho kì hết những cú ra đòn của các hảo hán ở chương hồi nào đó trong Tam quốc, Đông chu..hay Thuỷ hử…Điều này, vợ hắn biết khi họ bắt đầu quen nhau. Ở giai đoạn phòng ngự, người yêu hắn biết hắn mê sách. Đến giai đoạn cầm cự, hắn đến nhà người yêu mượn sách về đọc, mỗi khi đổi sách, hắn thay bọc mới và nắn nót viết tên sách còn đẹp hơn cả chủ nhân. Qua giai đoạn tổng phản công thì hắn còn bổ sung vào giá sách gia đình người yêu những loại sách hợp ý người yêu và sách hợp ý hắn ( chắc âm mưu sau này dùng chung!)
Hắn cũng thuộc loại đa hệ! Điện, nước, thiết kế nhà, dự tính xây dựng… hắn đều biết tuốt. Hồi chưa tách tỉnh, lần đầu tiên xây nhà mới, vợ hắn lên xem khi móng vừa hoàn tất, thị giãy nảy rằng sẽ không bao giờ ở cái nhà tù ấy. Vì thấy nhà gì xây toàn đá cao lút đầu, không có cửa sổ, cửa xiếc gì. Hắn phá lên cười giải thích cho vợ hắn rằng đó chỉ là cái móng nhà, từ đó mới xây gạch lên ( vì vùng đất đó hơi bị thấp). Đó là một kỉ niệm khó quên của gia đình hắn!
Chân dung hắn sẽ bị thiếu nét, nếu quên kể về sự dí dỏm đôi khi của hắn. Thỉnh thoảng hắn nghe vợ hắn nghêu ngao làm sao về được mùa đông để nghe chuông chiều xa vắng, thôi đành ru lòng mình vậy, vờ như mùa đông đã về…, hắn tủm tỉm: ôi nghĩ đến cái rét trong thời gian học ngoài Bắc mà tui muốn gửi nắng cho em...
Nguệch ngoạc vài nét về chân dung hắn, cho dù hắn không bao giờ muốn nói về mình, nhưng hắn thật sự là nguồn cảm hứng để viết nhiều hơn thế!
Một chân dung đậm đặc chất lính!

( Viết tặng hắn nhân ngày 27/7/2015)

23 thg 7, 2015

THƯƠNG

Tóc xanh gội được mấy mùa,
Thoắt vờn năm tháng đã vừa chớm sương.
Sải chân được mấy dặm trường,
Để vừa trải nghiệm mà thương phận người!
(16/7/2015

21 thg 6, 2015

MƯA BẤT CHỢT.

Vu vơ mấy hạt mưa rơi
Mà đau ,mà đớn tơi bời tấm thân.
Trời cao mặc đất trụi trần,
Con tạo lại thích xoay vần giỡn chơi.
Ngẫm ra một kiếp con người,
Như cơn gió thoảng mà đời trót gieo!
(20/6/2015)

26 thg 5, 2015

NGỐC XÍT

Nhớ lại cái thuở ngày xưa, ngốc sao mà ngốc thế
Dạo ấy đi sơ tán về làng quê, ngơ ngơ ngáo ngáo “như bò đội nón”! Cái gì cũng chả biết, hỏi đến độ bị người ta cáu gắt um lên, cụt hứng biết bao lần mà vẫn không sáng ra được bao nhiêu. Cái ngốc nhớ đời là, lần đầu tiên vác cuốc đi cuốc đất gieo hạt mướp, vì thấy bà chủ nhà cuốc “ngọt xợt”. Sau vài nhát cuốc như gãi đất, đã cuốc “phập” một phát trúng vào một củ gì đó, bẩy lên, trắng tinh, mừng hú ! Trong đầu chỉ nghĩ đến củ khoai lang mà không hề nghĩ đến còn bao nhiêu khoai khác. Mà đã là khoai lang thì đương nhiên ăn sống được! Thế là nhặt lên phủi đất ăn sống, nuốt tươi! Con em đứng cạnh chưa kịp “xin miếng” thì đã thấy con chị “móc họng” la hét vì ngứa. Sau này mới biết đó là loại khoai ngứa. Hôm ấy, hai chị em chạy long sòng sọc lên quán nước chè ở trên đường cái quan mua bao nhiêu là bánh rán đường, kẹo bột, kẹo vừng,...(ngoài ra không có quà bánh gì khác) để giải ngứa. Kết quả là tiêu sạch sẽ số tiền để dành mỗi chủ nhật ba má đi thăm đã cho, mà vẫn không hết ngứa…mồm!
Cái ngốc cũng khó quên nữa là việc luộc hến. Ở chỗ sơ tán toàn ăn cơm tập thể, lúc về Hà Nội không biết nấu nướng gì. Hôm ấy má đi làm dặn mấy chị em ở nhà nấu canh hến. Thao tác luộc hến lấy nước, rồi tách ruột hến ra khỏi vỏ bị sự cố một công đoạn. Sau khi luộc hến, nước có mùi thơm đặc trưng và có màu trắng đục phơn phớt tím, ả ngốc hứng rổ vào một cái chậu thủng, chỉ nhăm nhe hứng những con hến há miệng, không quan tâm gì đến nước dùng đang từ từ trôi. Kết quả, má về la cho một trận vì cái tội “cưỡi ngựa xem hoa”, khi quan sát người lớn nấu nướng.
Qua bao mùa khói lửa bếp núc tưởng đâu không mắc phải sai lầm đáng tiếc nào nữa. Ai dè vẫn chứng nào tật nấy!
Sau giải phóng, về thăm quê nội trổ tài nấu canh chua ngon đến độ…không ai nếm thử! Hôm ấy, anh con ông bác câu được mấy con cá lóc bự, định nướng trui, chấm muối ớt, bị cô em lanh chanh nhận nấu canh chua. Tiết trời mùa hạ, mọi người gật gù vì được húp bát canh chua sẽ mát ruột, mát gan thanh nhiệt, nếu không có một lỗi nhỏ xíu xìu xiu xảy ra. Cô ả ra bờ mương thấy dọc mùng tươi tốt, hăng hái phạt mấy bẹ vào tước vỏ, thái mỏng cho vào nồi canh vốn đã đủ gia vị. Thấy thao tác mạnh mẽ, dứt khoát của cô cùng lời tự xác nhận là đã từng nấu như thế, mọi người liếc nhìn nhau, không ai dám bày tỏ mối nghi ngờ về độ ngứa của loại dọc mùng này. Chỉ đến khi nếm thử, ả mới bắt đầu sờ sợ kí ức năm xưa vọng về. Lúc ấy mọi người mới cho ả hay rằng, cái lá cây dọc mùng không ngứa khác với cây dọc mùng ngứa điên lên ấy ở chỗ có một chấm đen trên mặt lá.

Thật là hết chịu nổi sự đeo bám của một loài cây dành cho tên ngốc, từ ngày xửa ngày xưa cho đến tận ngày nảy ngày nay!

1 thg 4, 2015

RONG BIỂN LÝ SƠN

Từ lâu nghe món thức ăn chế từ rong biển, nhưng phải được nếm mới thấy hết vị ngon của đặc sản này.
Đầu tiên cứ nghĩ rong biển trôi vật vờ trên biển được vớt lên dễ dàng ( như rau chân vịt). Nhưng thật ra không phải như vậy. Nó mọc dưới lòng đại dương, bám trên các nhành san hô. Muốn có nó phải lặn xuống biển hái từng chùm. Rong biển cũng từa tựa nhánh san hô. Chỉ khác là nó mềm hơn ,thân ướt. Đứt cuống rồi nhưng nó tươi rất lâu ( có thể để ngăn mát cả tháng, hơn hẳn các loại thực phẩm phải dùng thuốc bảo quản). Cầm từng nhánh rong đẫm nước trong trong trên tay thấy nằng nặng. Khi dùng nó chỉ trần qua nước sôi. Nó sẽ chuyển sang màu xanh rêu rất bắt mắt.
Có lẽ rong biển làm món trộn đơn giản là ăn tươi ngoin giòn nhất. Chỉ cần chút mắm ( nếu ăn chay thì thay bằng muối hầm), chanh đường ơt tỏi, lạc rang giã dập trộn lên sẽ làm mồi vô cùng hấp dẫn!
Đó còn là thực phẩm mát và bổ dưỡng bất ngờ. Ăn xong thấy người rất dễ chịu, giấc ngủ nhẹ tênh tênh. Thảo nào bao kẻ dòm ngó biển Việt Nam!
Quà từ đảo Lý sơn Quảng Ngãi quả là thí vị ( dân đảo còn gọi là rau cum cúm hay bồng bồng). Đi Lý Sơn mà cứ chăm chăm mua bằng được Tỏi Một (hay còn bắt nó mang cái tên là Tỏi Mồ Côi), là chưa biết về bí mật trong lòng biển Lý Sơn!


18 thg 3, 2015

XIN CHÚT NỢ NẦN!

Cho xin một chút nợ nần
Để trải giây phút khất lần mai sau!

Xin nợ : Cố hiểu lòng nhau
Để xem miễn cưỡng nhuốm màu phai phôi!

Xin nợ cảm xúc đơn côi
Để thấy hạnh phúc bên đời mong manh!

Nợ chút một, ngỡ trả nhanh
Ai hay trọn kiếp vẫn thành nợ thôi!

(18/3/2015)

15 thg 3, 2015

GIẢ SỬ !

Giả sử với chính sử nó khác nhau như thật với giả, như cái đã xảy ra với cái  không thể xảy ra vậy!
Giả sử nó là cái thằng cho bạn mượn xe, và bạn nó là thằng đánh mất xe của nó.
Thì sao?`   
Nó có trách bạn nó chỉ vì lười dắt xe để bên trong ,mà lại tiện tay dắt xe để ngoài của nó để đi mua thức ăn cho nhanh trong cái đêm đói bụng bất ngờ đó không?
Nó có đau cái đau của thằng bạn đang còn “viêm màng túi kinh niên” kia,bỗng dưng trở thành con nợ bất đắc dĩ không?       
Chiếc xe mà mẹ nó đã mua cho nó giờ bị mất, nó có gọi điện cho mẹ nó để thông báo là chính nó bị mất chứ không phải do bạn nó đánh mất không? (Vì nó với bạn nó đã xem lại camerra quay chậm của cửa hàng thấy thằng trộm bẻ khoá trong vài giây, khi cùng nhau đi trình báo công an mà. Nó biết chắc là đòn trộm ấy bạn nó chưa đủ võ để đỡ!))
Nó có khó xử khi giằng co giữa một bên là vật chất có hình khối và định giá rõ ràng ,với một bên là cái tình bạn vô hình,sâu nặng không thể nào cân đong ,định giá được?
Khi cái thằng bạn (chưa làm ra tiền!) không có cách  nào khác là bấu víu ba mẹ để giải quyết khối tài sản quá lớn vào lúc này, thì nó có đồng ý rằng sẽ nhận chiếc xe của ba mẹ bạn nó đền cho nó không?
Nó có đứng né sang một bên, cho phụ huynh nó lên tiếng khi phụ huynh bạn nó chỉ lặng lẽ đưa xe cho con đi đền với cái tội “con dại cái mang” mà không cần một lời trao đổi không?
Nó có hình dung sau cuộc “trả vay” sòng phẳng kia, ai mới bị mất không?
Có lẽ những trải nghiệm chưa đủ để nó trả lời từng ấy câu hỏi
Bởi vì, nó không phải là thằng được đền, mà nó chính là thằng phải đền

Cái thằng “đốt đền” của cha mẹ nó ấy mà!

(Chuyện xảy ra vào những ngày giáp Tết Ất mùi, những ngày cuối của năm 2014)

2 thg 3, 2015

CHUYỆN THẰNG BÉ CON

Đang yên đang lành, nó phải đi hoang. Chính xác là nó không được yên thân ở căn hộ chung cư C4 nhà nó. Nơi nó biết từ khi biết thế giới xung quanh .
Đầu tiên, nó phải về nhà ông ngoại với bà ngoại ghẻ (vợ kế của ông ngoại nó) trong sự chờ đợi mẹ nó đi làm thủ tục giấy má gi gỉ gì gi gì đấy, với lời hứa sẽ đưa nó đi học cùng ba mẹ nó ở đâu bên nước Đức mà nó chỉ nghe loáng thoáng qua miệng mấy người nhớn. Nó tưởng mẹ nó đi một tí là về đón nó như khi nó kiên nhẫn ngồi trong lớp Chồi chờ mẹ đến đón về. Ai ngờ hai ba bốn… “tí” mà chẳng thấy mẹ đâu. Nó sốt ruột, nó nhớ mẹ, nhớ ba, nhớ em Hoàng Long nó, nhớ ông bà nội nó. Mẹ nó gọi về qua skype giải thích lí do cho nó, nó giục ghê lắm, mẹ nó buồn nhớ nó quá. Bất chấp hành trình xuyên châu lục, bay về ôm nó vào lòng, hôn hít anh em nó, tiếp tục gõ cửa các văn phòng để giục giải quyết thủ tục cho anh em nó…
Thế rồi những lời hứa dai hơn đỉa của những ai đó làm nó vẫn chưa bay cùng mẹ được. Nó lại phải xa nhà lần nữa. Lần này nó phải đi xa hơn. Ra quê ngoại của mẹ nó. Trên chuyến tàu hỏả nó quên hết mọi buồn nhớ đã qua, và không hình dung chặng tiếp theo thế nào. Nó chỉ biết bên mẹ là bình yên lắm rồi!
Về miền Trung, nó nếm cái rét chưa từng có của phương Nam. Nhưng nó thích nghi khá tốt. Cũng là dịp tập dợt để nó sẽ đón cái lạnh run người ở châu Âu sau này.
Nó là một thằng bé kì quặc,
Khuôn mặt của nó rất ưa nhìn, ấn tượng nhất là đôi mắt to và lông mi dài. Hai cái má phinh phính có lúm đồng tiền của nó hay bị người lớn tiện tay ngắt véo cho sướng. Miệng nó nói suốt ngày, môi mỏng dính, cho dù các chữ “ng” bị phát âm thành “ nh” nhưng nó không vì thế mà ngại giao tiếp. Mỗi khi khoái khẩu nó khen “món này nhon quá!” , trước khi ngủ nó không quên “Chúc bà nhủ nhon!”
Sự kì quặc của nó ở chỗ: Nó có cái lịch lãm của một người quảng giao, luôn nói lời “cảm ơn” với ai làm hộ nó việc gì đó, hoặc nhờ ai là nó kèm theo câu “làm giúp cháu” ( Ông ơi đóng giúp cháu cảnh cổng nhé, cháu cảm ơn ông!). Thế nhưng khi nó mắc lỗi thì nó cứ đần ra không mở miệng “xin lỗi” dù được nhắc tới mấy lần. Hay tại vì nó sợ lỗi? Một căn bệnh thâm căn cố đế của thế hệ người ưa thành thích, sợ bị quy chụp lầm lỗi? Nó rất sạch sẽ, gội đầu phải có dầu thơm. Thế nhưng mỗi khi nói đến chuyện gội đầu là nó đánh trống lảng hoặc hẹn hôm sau. Quần áo của nó dính tí nước là đòi thay bằng được, nhưng ngại tắm!
Nó cẩn thận đến nỗi dặn ông đi sang đường đổ rác chú ý kẻo xe, tai nạn giao thông! Dặn bà thái hành coi chừng cay mắt! Có khách đến nhà là lăng xăng lấy ghế mời khách ngồi, lấy bánh kẹo, hạt đậu nành rang mời ( tiện thể bốc một nắm vì lúc bình thường, nó đồng ý không ăn , sợ ngứa cổ lại ho hen!). Có lần đang ngồi vắt vẻo trên ghế cao, vậy mà khách có ý tìm dụng cụ xắn bánh chưng rán, là nó tụt nhanh như sóc xuống ghế đi lấy. Nó rất thích được cụng ly với mọi người, để thấy mình cũng là một thành viên trong gia đình. Nó nhấp một tí tì ti rượu nếp với sự thèm thuồng vô tận. Nhưng nó chưa phân biệt say rượu khác với say xe. Nó hỏi mẹ nó bay sang Đức có “mệt” không chứ nhất định không hỏi có bị “say” không, vì nó nghĩ mẹ nó có uống rượu nếp đâu mà say!
Nó nghe các bài hát, ca dao rồi tự thuộc, như thể nó cất vào một ngăn riêng trong não bộ. Nếu cứ dạy kiểu cho nó thuộc lòng thì nó đọc lộn tùng phèo trật tự các từ, khiến người dạy đánh giá nhầm về nó.
Nó tuân thủ mọi kĩ năng cơ bản: đèn đỏ phải dừng, ai không dừng là “xấu xí, lông lá, đen thủi, đen thui” (như con vật giả dê mẹ trong truyện cố tích). Ra đường phải đeo khẩu trang, đội mũ, thay dép, mặc áo khoác…Khi bà có việc phải đi thì nó không quên dặn “bà đi nhanh rồi về, nhưng đi từ từ thôi cho an toàn”
Nó rất thích trò chơi đóng vai. Nó là “bà” (em của bà ngoại nó) còn  bà đóng vai là nó. Khi được yêu cầu kể chuyện, nó nhập vai từ chối rất khéo: cháu hư nên hôm nay bà không kể chuyện cho cháu nghe, bà cũng không gãi lưng, hát hiếc gì, tự “nhủ” đi! (bà nó nghĩ: gậy ông lại đập lưng ông!). Khi muốn ăn mà chưa đúng lúc, nó tự an ủi: phải nhủ nhoan, dậy mới được ăn xúc xích! Muốn đi chơi xích lô ngoài quảng trường, nó bảo : Hôm nay không gió, chiều sẽ được đi đạp xích lô!
Nó rất thích xem phim hoạt hình và quảng cáo. Bị hạn chế xem ti vi, nó buồn rười rượi. Thỉnh thoảng nó nghĩ ra cái trò nhắc nhở quý khách xuống tàu, nhớ đừng để quên đồ đạc trên tàu! Nó luôn miệng cùng với luôn tay, luôn chân! Rồi đêm đêm nó kêu “khó nhủ quá!”. Hỏi “Vì sao khó nhủ?” nó bảo: Nhức chân, mỏi tay”. Nhưng hôm sau nó lại bắt đầu một ngày mới bằng những hoạt động y chang ngày đã qua!
Nó đang bị án treo cái tội “muốn ăn gắp bỏ cho người”. Rằng thì là: ý nó muốn gì đó, nó cứ hay mượn lời người quan trọng nói: Mẹ Chi bảo là không được gội đầu. Ông bà nội nó bảo không được gọi mẹ nó là “Zen” (như từ trước tới giờ nhà ngoại vẫn gọi) mà phải gọi đúng tên “Chi”. Ba Trà bảo gọi điện cho ba Trà, ba Trà đang chờ (mặc dù lúc đó ba nó đang khò khò  vì nửa đêm bên kia)
Mỗi khi mắc lỗi nó không chịu ghi sổ “hư” mà bảo là nó chỉ“ chưa ngoan” thôi, mẹ nó bảo thế.
Nó hay hóng hớt điện thoại của mọi người. Nó thuộc tất cả các chữ cái, nên liếc một cái là biết ai đang gọi cho ai. Vì cái tội này mà nó bị cắt phần nghe chuyện cổ tích mấy đêm. Nó chưa biết ghép vần tiếng Việt nhưng phát âm rất chuẩn các từ: skype, viber, faceTime nhờ hay sử dụng các phương tiện này.
Nó hay hỏi đi hỏi lại một câu hỏi cho dù đã biết câu trả lời, đến nỗi nó ngủ thì ai cũng nhẹ hẳn người vì không bị nó lục vấn như ong vo ve bên tai
Nói tóm lại, nó là cuốn truyện hấp dẫn, đôi lúc làm cho ta bực mình, nhưng ta cứ muốn ôm khư khư chẳng muốn rời!
Tên nó là Hoàng Quân. Ôi cái thằng bé kì quặc!

(Ngày 2/3/2015)

23 thg 2, 2015

CON MƠ THẤY MÁ VỀ

Đêm qua mơ thấy má về 
Dáng gấy cái thuở bộn bề áo cơm...
Tóc xanh má búi gọn trơn,
Thấy con ăn vụng, má buồn, xót xa
Con mở cánh chạn ngày xưa,
Còn nghe thoang thoảng vị dưa, vị cà...
Má về sưởi ấm ngôi nhà.
Thoắt rồi khuất nẻo -Trời xa,Đất gần
Dẫu biết cõi tạm- dương trần
Mà sao vắng má con nằm chiêm bao?
(Mùng 7 Tết Ất mùi)

25 thg 1, 2015

Trả vay,

Cậy Trời quen thói ỡm ờ
Đang thơ ngây nắng, lại vờ mây đen!

Ỷ Đất tuỳ tiện đảo điên
Chênh vênh, xiêu vẹo lại nghiêng lệch nền!

Quán trần -ghé lỡ- lặng yên,
Trăm năm trọn một giấc thiền trả vay!
Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang