27 thg 12, 2013

Dí dỏm một cây bút viết về ngoa ngữ Việt Nam!

Từ một cuốn từ điển Chửi bằng tiếng Đức, cực nhỏ, kích thước như bao diêm, mỗi dòng chỉ có một chữ, mỗi trang chỉ có vài dòng của chính tác giả người Đức tặng, người Việt Nam - Nguyễn Văn Hoa (Tiến sĩ kinh tế!) nghĩ đến việc bảo tồn văn hoá dân gian – văn hoá Chửi. Thế là “Ngoa ngữ trong dân gian Việt Nam” ra đời.

Tác phẩm đã đạt "Giải thưởng văn học nghệ thuật 1998" của Uỷ ban Trung ương liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam.

May mắn được tác giả Nguyễn Văn Hoa kí tặng, tôi đọc liền một mạch với một sự hứng thú say sưa. Ôi chết cười, tưởng xưa nay người ta tức thì chửi vung tí mẹt lên, hoá ra chửi cũng có nguồn gốc, nguyên tắc hình thành đến các kiểu chửi  bài bản, phong phú đến thế.

22 thg 12, 2013

DAY DỨT, ÁM ẢNH... NGUYỄN NGỌC TƯ

Giá có thời gian cà kê cùng nhóm mi ni nào đó bên ly café, chắc sẽ thú vị hơn về nhiều chủ đề. Đành độc thoại qua blog về một sự day dứt, ám ảnh : giọng văn Nguyễn Ngọc Tư!

Có thể nói văn phong Nguyễn Ngọc Tư như một hiện tượng trên văn đàn Việt Nam ở “thì” hiện tại.

Không phải vì sinh sau đẻ muộn, khi cuộc chiến đã im tiếng súng mà tác giả trẻ này không khai thác đề tài chiến tranh! Mà cô muốn dùng ngòi bút của mình khai thác thế giới nội tâm con người trong cuộc tranh đấu vật vã của số phận trước thử thách của cuộc sống nghiệt ngã đầy biến động.

Cũng không phải cô dùng cái giọng ca ngợi cuộc sống mới tươi đẹp khi Đất nước hoà bình một cách phẳng lặng, đơn chiều như vẫn thường thấy ! Mà mỗi tình tiết sự việc của cô cứ lách vào những ngõ ngách tận cùng trong cái cuộc sống của thời mở cửa – “gió lành tràn vào, cả gió độc cũng ùa theo”. Khi mà chủ thể con người chưa tương thích với những thiết kế thượng tầng vô hình.

11 thg 12, 2013

Duyên muộn *

Không phải đến tập thơ thứ ba ( Nhặt ) - của  Vũ Tuấn Anh, người con vùng Kinh Bắc, ta mới thấy cái duyên trong thơ của anh. Nhưng có lẽ Duyên muộn ở tập thơ này mới cho người đọc cái cớ để nói về cái duyên ấy.

Là người con của quê hương một làn nắng cũng mang điệu dân ca, VTA như thấm chất quan họ từ cách nhìn, cách thể hiện cảm xúc trước cuộc sống, con người, vạn vật…
Hình như với anh, nói bằng thơ dễ hơn nói bằng văn xuôi. Những thành ngữ, ca dao..những làn điệu dân ca cứ mượt mà trong ngôn ngữ của tập thơ. Nó có cái nôm na, chân chất chân quê mà cũng thâm trầm, sâu lắng của liền anh, liền chị đối đáp giao duyên.

29 thg 11, 2013

Ơ hay !

Ơ hay,
trời 
đã lập đông,
Dùng dằng 
nắng quái
vẫn không muốn dừng!


Ơ hay
vũ trụ 
xoay vòng!
Cớ sao
ta cứ bận lòng...
mùa trôi?

Ảnh từ Google

15 thg 11, 2013

Y Thị

Y thị là người có may mắn từng được ngồi trên ghế nóng một số nhiệm kì. Và chính cái thời “một phút huy hoàng rồi chợt tắt” ấy đã cho Y thị cơ hội được nói mạnh miệng. Thị nói rất rát về những người làm thêm bằng chính trí lực và sức lực của họ theo nhu cầu có thực của xã hội. Kẻ sĩ bị phân tích, mổ sẻ đau dữ lắm, phản ứng dữ lắm. Rồi Thị cứ nói, họ cứ làm và thời gian cứ trôi!
Đến ngày ghế của Y thị nguội, hay nói cách khác, chiếc ghế nóng của Thị đã thuộc về người khác, theo quy luật đào thải của thời gian và tuổi tác.
Thị bắt đầu có điều kiện nhìn lại những sản phẩm của riêng Thị.
Cái đứa con gái đầu của Thị, xét về hình thức thì, giời đã lấy mất nước da trắng của Thị để bắt nó phải nhận màu da không lấy gì làm sáng sủa. Cái mũi gãy của nó là bản sao cuả Thị không chối cãi được, May mà giời cho nó một chút gọi là để kiêu hãnh với đời là cái dáng, trông cũng tạm ổn. Nó kinh qua mấy trường mà cuối cùng chẳng biết chuyên môn chính là gì, chỉ biết nó về làm nghề em-mờ-xi (MC) cùng đồng nghiệp “thổi kèn đám ma, bê hoa đám cưới”. Phận nó long đong, với đời chồng đầu thì như bố với con, uýnh nhau bất phân thắng bại. Sau khi lôi nhau ra toà mới mạnh ai nấy đi. Đời chồng thứ hai (không biết là áp chót hay là đời chót rồi) thì như thể tình chị em, bờ vai dựa dẫm của nó quá mong manh!
Để giữ sĩ diện cho Thị và tiếng tăm một thời còn sót lại, Thị đuổi nó ra khỏi khuôn viên nhà Thị một thời gian rất dài. Nó hết chỗ bám víu, lại về ăn vạ Thị. Thị từ chối hết cả việc của dân phố, không có lí do gì, mặt mũi nào mà để nó ngồi ì trước cổng được, thế là Thị phải mở cổng và mở hầu bao tích cóp những năm quan trường miễn cưỡng rước nó vào!
Còn thằng con trai của Thị, cũng mức trung bình về các thể loại hình thức, đức hạnh. Học đại học ra trường, làm phó phòng ở Sở nọ. Nó cũng có vợ cao ráo, công ăn chuyện làm ổn định, có con trai để nối dõi tông đường như nó là cháu đích tôn của ông nội nó vậy. Thế mà tự dưng đổ đốn, đến mức vợ nó phải chịu vạ lây khi mọi người bàn tán về clip chồng mây mưa say sưa với loại “thuê bao trả trước”. Thị im lặng trước mọi sự rì rầm của láng giềng, của mọi người biết Thị và Thị biết họ, nhất là những người Thị từng lên án về cuộc sống khó khăn phải đổi chất xám để đong gạo chứ họ không loạn chuẩn như con Thị.

Vậy thì kết cục đời Thị đã được và mất gì hỡi dân gian với cái lời muôn năm không cũ “ quan nhất thời dân vạn đại” ?

Ảnh từ Net

4 thg 11, 2013

Những phận đời mòn mỏi

Một lần bất đắc dĩ phải ngồi trên vỉa hè đường phố Sài Gòn về đêm, do xe máy trục trặc, tôi chứng kiến những mảnh đời sậm sụi, cặm cụi, mong manh…mà thấy cõi tạm này sao quá cập kênh, bất ổn.
Lúc chạy trên xa lộ Hà Nội, tôi cố tránh xa những chiếc xe lớn, nhất là xe container. Nhưng âm thanh chuyển động của nó cứ dội vào tim tôi, không phải nó chỉ làm tôi hoảng sợ, mà còn làm tôi lo lắng về những điều gì đó rất xa xăm ,mơ hồ. Cũng âm thanh ấy trong những đêm không ngủ được, tôi đã từng nghe ở thành phố nhỏ quê tôi, khi hàng đoàn xe nối nhau chạy trên đường cao tốc. Tôi cảm thấy những chiếc xe nặng nề ấy sao nó buồn bã, câm lặng chuyển mình trong không gian quá hoang vắng, rợn người đến thế. Âm thanh rõ mồn một rồi xa dần, xa dần…Không biết những người lái xe chọn nghề hay nghề chọn họ trong cuộc mưu sinh tiềm ẩn đầy rủi ro như vậy?
Thoát khỏi xa lộ, hoà vào dòng xe đang hối hả trên các con đường rộng mấy cũng thấy chật. Mẹ con tôi phải tìm chỗ sửa xe, lạy trời, gặp thằng nhỏ sửa xe mà mừng như sắp thoát khỏi cướp đường đang rình rập đâu đây. Thằng nhỏ đó vừa qua tuổi thiếu niên là cùng. Trông nó lem luốc, vì xăng dầu, bụi bặm, nhưng nó rất thạo việc. Đêm hôm khuya khoắt lẽ ra nó đang phải ở nhà học bài thì lại ở đây chờ khách lỡ đường để thêm một chút cho miếng cơm manh áo ngày mai.


Trong lúc ngồi chờ thằng bé sửa xe sát chỗ cô gái bán bún hay mì gì đó. Tôi thấy bàn ghế của cô chẳng có ai ghé vào. Cô ngồi dựa lưng vào chiếc ghế nhựa rách phải buộc chằng chịt những sợi nilon rất tạm bợ, để xem báo dưới ánh đèn đường. Tờ báo đã nhàu nát lắm rồi, vẫn ba cái tin có chữ “…giết người”. Chạy lăng xăng quanh chiếc xe hàng của cô là một cậu thanh niên, chẳng biết là gì của cô, chỉ thấy thỉnh thoảng cậu lại lướt qua cái thớt thái thịt sẵn (hình như thịt khô thì phải) nhón một miếng bỏ vào miệng nhai cho vui. Chợt nghĩ tuổi của họ còn trẻ quá, chẳng nhẽ họ cứ sống mòn vậy sao? Có bao nhiêu người sinh sống như thế trong thành phố hoa lệ này, trên đất nước này?   


Nếu tiền tỷ mồ hôi nước mắt của những người lao động đóng góp để xây dựng Đất nước không bị thất thoát do quản lý yếu kém, do tham nhũng, chạy ghế…thì đời sống vật chất, tinh thần của những kiếp người tội nghiệp kia và còn hơn thế nữa đâu đến nỗi chỉ là một sự tồn tại mỏi mòn?



21 thg 10, 2013

“Ngồi khóc trên cây”- truyện dài của Nguyễn Nhật Ánh

“Khi tôi nhận ra mình đã ở quá xa sân ga của tuổi nhỏ. Và tôi viết Những cuốn sách để kéo chúng gần lại”.
Và nhờ thế, khi đọc tác phẩm mới “Ngồi khóc trên cây” của anh, ta lại như ngược chuyến tàu thời gian trở về tuổi thơ gần thêm một chút. Vẫn hồn nhiên trong trẻo như bao truyện khác của NNA, dường như truyện này có vẻ nhiều kịch tính hơn. Có những chỗ lúc đầu làm người đọc bi quan, tiếc nuối, nhưng rồi lại được giải quyết một cách có hậu như một sự hoang đường trong cổ tích, có Bụt, có Tiên hoá giải tất cả. Nó đem đến cho ta niềm tin khi mà hi vọng tưởng sắp lụi tàn.
Đông, tên cậu con trai mới lớn rời làng Đo Đo lên sống ở thành phố cùng gia đình. Hình như làng quê cũ luôn ám ảnh, đi về trong tâm thức nhà văn, nên hầu như cái tên làng là lạ này luôn được nhắc đến trong nhiều truyện của NNA.
Trong lần về thăm quê, gặp và trò chuyện với những người em họ, Đông nhớ lại những trò con nít thuở xưa. Đông thả lỏng tâm hồn, nhìn cậu em tên Thục, nhặt nắp keng về đổi chác những vật dụng lẽ ra mua bằng tiền như dây thun, kẹo đậu phộng…Đông bất giác thấy tuổi thơ thật vô tư, êm đềm. Và Đông tình cờ gặp một cô bé bị những đứa trẻ bắt nạt, bị tranh cướp ngay cả những niềm vui nhỏ nhoi ấy. Cô bé tên Rùa, khoảng 14 tuổi , tóc vàng cháy, người gầy gò lép kèm kẹp.
Ban đầu chỉ là thương cô bé bị bạn bè nhỏ tuổi hơn tỏ thái độ kì thị. Nhưng càng tiếp xúc với Rùa, cá tính của nó càng lôi cuốn Đông. Đông thấy một thứ tình cảm khác lạ dâng lên tràn ngập tâm hồn. Cô bé bị những tay săn thú rừng ghét cay ghét đắng, doạ dẫm, tung tin này nọ. Rùa vẫn sống tự tin, lạc quan. Nó có những người bạn trong rừng như con Tập tễnh (con nai  bị què chân khi vùng vẫy thoát khỏi bẫy của phường săn), con Miếng Vá (con khỉ), con chồn, con nhím…
Người đọc cũng dễ dàng nhận thấy nhân vật Rùa được xây dựng để thuyết minh cho tác giả về ý thức bảo vệ rừng, thân thiện với môi trường. Nhưng cái cách viết theo đề tài không hề lộ liễu mà người đọc vẫn nhận được thông điệp cần thiết. Tuy đôi lúc người ta thấy hành động nhân vật dường như có vẻ lí tưởng trên mức bình thường nhưng vẫn dễ dàng chấp nhận bởi sự hồn nhiên, nhẹ nhõm của cách diễn đạt rất tâm lí của nhà văn đang “cố kéo” tuổi thơ xich lại gần thêm.
Sự hấp dẫn của câu chuyện dựa trên những tình huống gây hồi hộp, tiếc nuối:
Lần thứ nhất: Đông tưởng thật cái tin Rùa là người em con của chú mình (thời trai trẻ ông nội Đông với bà nội Rùa có chung một người con ), do vậy Đông đã tránh gặp Rùa suốt ba năm thay vì hẹn sẽ về thăm sau ba tháng. Đông bứt rứt, buồn thương áy náy với tất cả cung bậc tình cảm của cậu con trai mới lớn mang cảm giác tội lỗi khi trở về thăm quê mà thực ra không dứt được Rùa.
Rùa ngồi trên cây dõi theo mọi đổi thay của Đông mà nước mắt tuôn rơi,
Lần thứ hai: Sau khi cởi bỏ được nỗi niềm oan trái ấy (bà nội Rùa phải tráo con cho người khác để làm việc nghĩa), Đông lại về thăm Rùa như một người sắp từ biệt người yêu khi mang trong mình mầm bệnh ung thư máu. Đông không muốn cho Rùa biết, nên Rùa nghĩ Đông thay đổi. Rùa không biết rằng Đông cũng tái tê chẳng kém
Lần thứ ba: Khi Đông được bác sĩ hội chẩn khẳng định kết quả xét nghiệm sai. Rằng cậu chỉ suy nhược cơ thể , Đông hối hả về thăm Rùa, thì trớ trêu thay, Rùa mới mất cách đó hai hôm do cứu người rồi bị lũ cuốn trôi.
Lần này thì Đông leo lên cây Rùa thường ngồi và khóc thầm thương Rùa bất hạnh
Ý nghĩa của tên truyện“Ngồi khóc trên cây” có phải là nói về nỗi niềm của những rung động đầu đời một cách thơ ngây của những đứa trẻ chăng?
Truyện lần lượt khép lại các sự việc một cách có hậu.
Những tay săn thú rừng giải nghệ trước tấm lòng  yêu quý bảo vệ thú cưng của Rùa, sau một lần buột miệng nói về cái chết của cha Rùa một cách bịa đặt.
Đông không có quan hệ huyết thống với Rùa cũng như không bị bệnh hiểm nghèo, Và nhất là Rùa bị lũ cuốn dạt vào góc rừng, được các con thú Rùa từng chữa trị cho, cứu sống, mà tình cờ Đông nhớ Rùa đi vào những lối cũ ở rừng, nơi Rùa từng đi thì bất ngờ nghe tiếng đọc những câu đồng dao quen quen và gặp lại Rùa.
Các tình tiết được xây dựng theo tình cảm non trong đầu đời của tuổi tập làm người lớn của trẻ con. Một thực tế không thể nói là không có trong tuổi trẻ, nhất là hiện nay. Có lẽ câu chuyện khiến những người làm công tác giáo dục không thể nhắm mắt làm ngơ, để trẻ lúng túng với những tình cảm tự nhiên như một tội đồ. Tính giáo dục của tác phẩm nằm ngoài những chuẩn cứng của sách giáo khoa, nhưng nó là phần mềm không thể thiếu trong kĩ năng hình thành ở trẻ nhân cách, tình cảm đẹp, lối suy nghĩ phản biện…rất tích cực.
Gấp cuốn sách lại rồi, người đọc vẫn văng vẳng nghe những cuộc đối thoại, trò hờn dỗi con nít, những suy nghĩ về cuộc sống, quan niệm rất hồn nhiên mà cũng thật nhân văn của  tuổi thơ

Có thể ai đó sẽ gặp lại mình trong tuổi thơ đã xa lơ xa lắc rồi!

14 thg 10, 2013

Lời phát biểu của con trai Đại tướng trong lễ truy điệu

"Kính thưa các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và quân đội,
Kính thưa đồng bào và chiến sĩ cả nước,
Kính thưa các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước Lào và Camphuchia,
Kính thưa các bạn bè quốc tế và kiều bào ở nước ngoài,

Trước hết, tôi xin thay mặt gia đình tỏ lòng biết ơn sâu sắc, cảm ơn lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội, cùng đồng bào và chiến sĩ cả nước đã tạo mọi điều kiện để thực hiện tâm nguyện cuối cùng của ba chúng tôi là trở về với quê hương.


2 thg 10, 2013

Giận & thương

Giận bão bất lương gieo tai hoạ
Thương người vô tội, dạ xót xa!


Cột phát sóng của đài truyền hình  Đồng Hới gục ngã trước sự tàn phá của bão

10 thg 9, 2013

Chú Huệ

Chú Huệ là y sĩ của trại trẻ sơ tán của cơ quan ba tôi. Nếu tôi không có một trận ốm nhớ đời thì có lẽ cái sự đời nó cũng tuồn tuột trôi qua và chú cũng như bao người khác mà tôi sẽ vô tình lướt qua, để đánh mất cơ hội hiểu về một tấm lòng nhân hậu.  Khi tôi viết những dòng này thì chú đã ra người thiên cổ từ lâu lắm rồi. Tôi không có ý định tri ân bằng những dòng chữ theo cái lẽ thường tình. Tôi chỉ muốn khắc ghi trong lòng về một người chú mà tôi kính trọng, biết ơn sâu nặng.
Hồi ấy cơ quan ba tôi tổ chức cho con em đi sơ tán khỏi Hà Nội, tránh cuộc chiến tranh leo thang của Mỹ ra miền Bắc Việt Nam, một sự di dời đầy may rủi!
Vì các cháu thì đông mà lán trại ở tập trung có hạn, nên chị em tôi cùng một số bạn nhỏ nữa được sắp xếp ra ở nhờ nhà dân. Điều này làm tôi thất vọng tràn trề. Bởi tôi đang  háo hức một cuộc sống tập thể. Tôi ngây thơ tưởng tượng những trò trẻ con của những đứa không có bố mẹ bên cạnh nhắc nhở sẽ vô cùng thoải mái, tự do, hệt như tụi nhỏ bây giờ mong muốn được đi cắm trại vậy!
Giữa cái thời buổi sự sống và cái chết mong manh, mà chỉ nghĩ đến được vui chơi! Rõ là khờ đặc cán cuốc!
Chính cái hoàn cảnh bất đắc dĩ  ấy đã cho tôi một vốn sống, một sự trải nghiệm mà tôi ngẫu nhiên biết ơn chiến tranh!Thật là một nghịch lí.
Ở nhà dân, chúng tôi được tự do hơn những đứa ở trại, nhưng lại có những nỗi khó khăn,khổ sở phải âm thầm chịu đựng ,thay vì lũ bạn được các cô chú phụ trách quan tâm giúp đỡ kịp thời.
Tôi nhớ nhất trận ốm nặng hồi sơ tán ấy.
Mấy hôm liền tôi sốt li bì, cứ nằm bẹp một chỗ, ngồi dậy lại ngã dúi dụi xuống giường, chẳng ăn được gì, toàn uống nước. Trong lúc hoảng loạn hay bản năng sinh tồn thôi thúc,tôi bảo em tôi đi báo cho y tế của trại. Em tôi lúc ấy mới học vỡ lòng, lũn cũn chạy quãng đường xa đến hơn cây số lên trại, báo: chị cháu tự nhiên không ngồi được. Khoảng xẩm tối, tôi đang mong em về thì nó xuất hiện theo sau là chú Huệ, vai chú đeo “túi cứu thương”. Chú đặt ống nghe, cặp sốt, bắt mạch cho tôi xong chú hỏi tôi một số câu nữa, ánh mắt chú lo lắng nhìn tôi, rồi chú quyết định cõng tôi lên phòng y tế của trại.  Tôi vắt vẻo trên lưng chú y như hồi nhỏ được ba cõng trên lưng chơi trò” nhong nhong ngựa ông đã về…”. Tôi đi mà thương em ở nhà một mình với chủ nhà, nó nhìn tôi sụt sùi ,còn  tôi cũng rơm rớm nước mắt. Những ngày sau đó nó lủi thủi một mình ở nhà, còn tôi cô đơn trên phòng y tế.
Phòng y tế cũng là gian nhà ở của bố con chú Huệ. Chỗ giường tôi nằm có một ô cửa sổ bằng song tre, gió thổi mát rượi. Hàng ngày em tôi đến thăm, nó rụt rè đứng ngoài cửa sổ nhìn vào,  chiều cao của nó vừa đủ để nhìn thấy tôi. Cứ thấy thoáng có ai là nó sợ ngồi thụp xuống, đợi im lặng lại thò đầu lên nói đủ các chuyện diễn ra trong thời gian tôi vắng nhà. Nó không nói nhớ tôi như thế nào, nhưng ánh mắt nó cho tôi biết nó rất mong tôi về với nó. Được chú chăm sóc, tôi tỉnh dần lên, nhưng vẫn còn yếu nên chưa thể về nhà được.
Sau vài ba hôm điều trị, chú cho tôi ra gian ngoài rộng rãi, bớt không khí thuốc men. Nơi có hai dãy giường tre dài từ đầu nhà đến cuối nhà. Một góc của dãy giường sat tấm phên được bố trí cho người ốm , còn lại là vị trí đã phân cố định cho các cháu theo lứa tuổi, nam, nữ…Một hôm chú đi công tác, tôi bỗng dưng bị đuổi ra khỏi phòng lúc trời tối đen như mực. Tôi sợ quá, ngồi ngoài hè khóc gọi “má ơi con sợ quá!”. Vậy mà bố thằng Dũng, người đuổi tôi ra vẫn mặc kệ tôi (chả là bố nó từ Hà Nội lên thăm con, đêm đó ở lại với nó). Tôi đang bị nỗi sợ hãi hành hạ, muỗi đốt, mệt mỏi…thì may quá nghe tiếng chú Huệ, chú đã về. Chú vào không thấy tôi đâu,  chú đi tìm tôi, ra ngoài thấy tôi ngồi khóc chú dẫn tôi vào, tôi oà lên nức nở.Tôi nhớ chú nói với bố thằng Dũng những tiếng rất to, vẻ mặt đầy bực dọc. Lúc ấy chú y hệt ba tôi vậy. Còn tôi như đứa con tựa vào cha mình, vững chãi.
Chiến tranh tạm dừng trong thời gian họp Hội nghị Pa-Ri, chúng tôi lại trở về Thủ đô sống bên ba má, trong gia đình ấm áp, yêu thương. Tôi vẫn nhớ mãi người lương y với một tình thương làm rung động tình cảm thiêng liêng trong tôi, đã cứu sống tôi không phải từ sự huỷ diệt của đạn bom, mà từ bàn tay tử thần núp dưới sự ốm đau  thiếu điều kiện chăm sóc của mẹ cha – còn nỗi buổi tủi, thiệt thòi nào hơn như thế cho một đứa trẻ? 

Ảnh từ Nét

6 thg 9, 2013

Gái Thỉnh

Thỉnh là tên con bé ở trong xóm hồi tôi sơ tán ở xã Quảng Bị ,huyện Chương Mỹ, Hà Tây. Nó có đặc điểm mà cho đến giờ tôi vẫn không thể hiểu, vì thể nên nhớ mãi về nó
Nhà nó ngay trước ngõ người chủ nhà mà tôi ở khi sơ tán. Nhà chủ tôi rộng rãi, có sân vườn, cổng ngõ, kín đáo bao nhiêu thì nhà nó tuềnh toàng bấy nhiêu. Chỉ cần đứng trước nhà nó là biết hết nội thất bên trong. Nhà nó không có tường rào cổng kiếc gì, nhà làm bằng đất trộn rơm trát làm vách, một dãy ngang mấy gian thẳng đuỗn. Chị em nó toàn chơi trên cái sân đất trước nhà. Tôi không hiểu sao mà trẻ con trong xóm rất it chơi với chị em nó, còn cái “quân sơ tán” tụi tôi thì không kể làm gì. Hồi ấy tôi thấy nó rất kì dị . Nó trạc tuổi tụi tôi hồi đó hoặc lớn hơn một tí, đã qua tuổi học  võ lòng, giờ đang học lớp 1, 2 gì đó. Nó bị sún hai chiếc răng cửa, mà lẽ ra tuổi ấy đã mọc lại. Đầu nó lúc nào cũng bù xù, mặt mũi lem luốc trông rất bẩn mặc dù da nó trắng nhưng bủng beo. Nó mặc những chiếc quần mà tôi nhớ chẳng ra quần ngắn hay dài, lại rộng thùng thình, chắc mẹ nó sửa lại từ quần của mẹ nó. Điều này làm tôi nhớ đến chiếc quần của nhân vật trong truyện của Nguyễn Nhật Ánh, phải mặc quần cũ sửa lại có tam giác Béc mu đa ở sau mông (vì nới rộng lưng), mỗi khi đi học phải đi thật sớm, về thật muộn để tránh ánh mắt chế giễu của lũ bạn học. Ba chị em nó thường hay chơi chuyền, chơi xương cầy, chơi ô ăn quan. Nó rất biết dỗ em và bày các trò cho em nó rất tài. Hầu như không đứa em nào dám ra khỏi khuôn viên sân đất nhà nó, mặc dù mắt các em nó tỏ ra rất thèm thuồng những trò chơi của tụi sơ tán chúng tôi như chơi nhảy ngựa,  chơi ù, bịt mắt bắt dê…
Nhưng đó chưa phải là cái lạ của nó. Mà tôi rất nhớ việc nó thường xuyên ăn nhọ nồi, miệng nó đen xì, trông rất kinh. Mỗi khi nó lên cơn thèm nhọ nồi là nó bê nguyên cái nồi đun bằng củi, rơm có từng lớp nhọ nồi dày, ra ngồi trước hiên cạy lên từng mảng nhai rau ráu như người ta nhai cơm cháy vậy, em nó ngồi nhìn, không dám xin hay vì chúng không thèm món đó? Chúng tôi đi qua  nhìn nó vì lạ lẫm, vì kinh hãi, hay vì tò mò… đều bị nó đáp lại bằng ánh mắt y như của phù thuỷ. Ai cũng lẳng lặng đi, chẳng dám hỏi nó về việc ấy. Bao năm trôi qua, tôi vẫn chưa  lí giải vì sao gái Thỉnh lại ăn nhọ nồi. Có lẽ nó bị thiếu một chất gì đó, nói như kiểu khoa học bây giờ.
Không biết giờ nó có một cuộc sống cân bằng chưa. Gia đình nó đổi thay thế nào rồi. Tôi ước có một ngày trở lại nơi sơ tán ấy để ngắm nhìn cảnh cũ người xưa, biết rằng vạn vật không đứng im, nhưng hình ảnh những con người như gái Thỉnh vẫn lưu lại trong tôi  dấu ấn về một con người, về một cuộc đời thoảng qua mà tôi không quên.


25 thg 8, 2013

Góc khuất

Cứ mỗi độ thi đại học kết thúc với những kết quả không mấy ngạc nhiên của  các sĩ tử, là y như rằng, người ta lại xôn xao, người ta lại xì xào về những tân thủ khoa.
Năm nay, thủ khoa  ĐH Y Hà Nội  cũng lại được mọi người biết đến với điểm số cao nhất so với các thí sinh khác - đương nhiên rồi, và còn vì hoàn cảnh cực kì đặc biệt mà báo giới có dịp tác nghiệp từ cận cảnh tới viễn cảnh rất lấy làm chuyên nghiệp, kịp thời và cái gọi là cụ thể ,chính xác đến từng milimet !
Ấy là khi điểm số đã chính thức công khai trên báo thì người ta không đi tìm cái điều cần tìm: bằng cách học nào thí sinh đó đạt thủ khoa? Cảm xúc và những dự định, ước mơ của họ về ngành mà họ đã chọn thế nào?.v.v..mà lại khai thác yếu tố, tất nhiên sẽ tác động đến tình thương (thương hại !) của người đời về gia cảnh càng nghèo khó, bi luỵ của người mới chỉ đặt dấu chân trên đường đời còn rất dài và rất xa. Tất nhiên không phải là không có mặt tích cực ,rằng thì là :hoàn cảnh thế ấy mà người học vẫn vượt qua để vinh danh thủ khoa, cho dù thủ khoa cũng chỉ là kết quả bước đầu – đầu vào của một tương lai phải khẳng định ở đầu ra và khả năng thực hiện những gì suốt mấy năm dùi mài kinh sử kia!
Các phóng viên, biên tập viên, …chĩa ống kính vào cái pi ximăng chưa sử dụng (có thể dùng làm cống mà họ cứ gọi là cống!) để phỏng vấn bố của tân thủ khoa, rồi thâm nhập vào sàn nhổ lông vịt lúc nửa đêm về sáng để quay cái cảnh mẹ thủ khoa vừa vặt lông vịt vừa rơi nước mắt buồn tủi để minh chứng cho hoàn cảnh tội nghiệp mà chàng thanh niên sức dài vai rộng bấu víu để học với kết quả đáng biểu dương nọ!

Với một góc nhìn khác, người đời cảm thấy có điều gì bất nhẫn khi cứ phơi lên mặt báo, mặt tivi cái khốn khó của cuộc mưu sinh tội nghiệp kia. Chẳng nhẽ tân thủ khoa sẽ không tủi hổ vì mọi người kể cả bạn đồng môn sẽ mục sở thị và ngẫm về cái việc bố cậu phải ngủ trong cống, mẹ cậu ngày ngày phải úp mặt vào chậu nước sôi nhổ lông vịt để cậu có  kết quả ấy, mà cậu không mảy may tự trách mình sao không vừa học vừa làm giúp bố mẹ giảm bớt nỗi nhọc nhằn của miếng cơm manh áo? Từ ngày xửa ngày xưa Nguyễn Hiền quét lá đa vẫn học mót chữ nghiã, bắt đom đóm để thay đèn vẫn trở thành trạng đó thôi!
Và cũng với góc nhìn khác, người đời thấy hình như báo chí chỉ quen săn tin thủ khoa vào đại học mà quên theo dõi đầu ra của họ thế nào khi họ trở thành (hoặc không thành) những kĩ sư, cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ ! Thế mới có “tiến sĩ giấy” ở Bộ nọ  (khi mới cầm tờ giấy “chứng nhận có khả năng học tiến sĩ” đã vội xưng mình là TS!)
Thử hỏi thủ khoa là một cột mốc trên bước đường học thuật hay chỉ là bước đi trên cuộc trường chinh vạn dặm để chiếm lĩnh kiến thức vô tận của nhân loại?
Nghe đâu, thế giới xung quanh, người ta không dạy con người ta mải mê, thoả mãn cái danh thủ khoa (nhất là cứ phải nghèo khổ đỗ đầu, chứ mà nhà có tí của ăn của để không thành thiếu gia thì đương nhiên phải học giỏi vì cần gì vượt qua cửa ải nào!) mà họ nặng đầu tư cái thủ cấp, sao cho vào trường nào là tuỳ chọn, thời gian kết thúc là tuỳ khả năng. Nhưng dứt khoát đầu ra thì chặt chẽ, kiến thức có được phải đủ làm người trí thức đúng nghĩa!
Ôi,cái người đời, sao cứ lạm bàn chuyện chẳng liên quan tới mình, khen một tí chết ai, chê bai có ngày bị ném đá bươu đầu mẻ trán như chơi!

16 thg 8, 2013

Tiếng chuông.

Tiếng chuông báo hiệu cũng có nhiều nhịp điệu khác nhau. Và không thể nói là nó không đem đến cho ta những cảm giác khác nhau!

Tiếng chuông của gã bán nước (nước khoáng!) là thứ âm thanh gây sốc. Chỉ có một lần gã xuất hiện sớm bất ngờ so với những lần trước đó, khi mà khổ chủ đang bận tay bế cháu này, chân đưa nôi đứa kia, miệng bận à.. ơi…, thế mà gã giật chuông liên hồi còn hơn cả người ta báo cháy nhà! Rồi từ lần sau gã cứ xuất hiện là giật cháy chuông mặc cho người nhà lạch cạnh mở khoá ngay. Vẻ mặt của gã rất là “hình sự”, mồ hôi mồ kê nhễ nhại, hình như bao nhiêu cực nhọc, bực dọc, cáu tiết ở đâu gã trút lên căn nhà không chịu đón gã kịp thời lần nọ, cho dù những lần sau họ chờ lão từ khi bắt đầu gọi điện đến cửa hàng. Người đâu lịch sự có thừa!

Hay, tiếng chuông của bạn con bé cháu nghe rón rén y như người có lỗi sợ người khác phát hiện. Và cũng không sai, vì mỗi lần có tiếng chuông nhát gừng, rụt rè của nó là con bé cháu đi với nó để rồi về trễ với những lí do rất không chính đáng!

Còn tiếng chuông chỉ rung lên một lần đủ nghe, đích thị là của anh công nhân điện, nước đến ghi số, nhà mở cửa thì ghi, không mở thì anh ta đi, nhét vào khe cửa tờ giấy hẹn, không cần bấm lần hai!

Tiếng chuông có vẻ giục giã nhưng cũng đủ để người nhà đoán đó là tiếng chuông thu một khoản tiền nào đó  như truyền hình cáp, internet, điện thoại bàn, các quỹ vận động của phố phường, tiền rác…

Và tiếng chuông của khách, thì thật đa dạng. Người bình tĩnh thì bấm một lần xong im lặng chờ, rồi mới bấm tiếp. Người nôn nóng thì vừa dứt tay này, tay kia đã bấm sợ người nhà không biết mình đang bị bỏ rơi trước cửa!

Nhiều cách thể hiện qua tiếng chuông vốn chỉ có một loại âm thanh . Người ta hay xét đoán người khác theo kiểu “trông mặt mà bắt hình dong”, đã có ai xét đoán người qua tiếng chuông ?

Tiếng chuông để thức tỉnh, để gợi nỗi hoài nhớ xa xăm “làm sao về được mùa đông để nghe chuông chiều xa vắng”…chẳng ai lại thích tiếng chuông gây khó chịu, bực mình. Cho nên có khi vì lịch sự người ta lắp chuông, song cũng vì tôn trọng sự lịch sự người ta lại ngắt chuông. Điều đó cũng dễ hiểu! 


Ảnh từ Nét, chỉ để minh hoạ

11 thg 8, 2013

Quy tắc bàn tay trái.

Lâu lắm, hôm nay chị chàng mới gặp lại người bạn, đồng nghiệp năm xưa. Cả hai cùng cười khi nhắc lại kỉ niệm cái ngày cùng đi coi thi chung một Hội đồng với nhau.

Hồi ấy chưa có điều kiện giấy mực như bây giờ, internet thì chưa có khái niệm! Mỗi lần đi coi thi, giám thị phải quay lưng (và những bộ phận không tiện kể) bất đắc dĩ vào thí sinh suốt từ lúc chép đề cho đến lúc chấm hết. Tay mỏi rã rời, mồ hôi vã đầm đìa (vì có những đề gồm A, a ,b, c…lê thê) và đã có biết bao tai nạn nghề nghiệp xảy ra với những trường hợp chép đề môn thi không thuộc chuyên môn của người coi thi, hình như đó là cách mà người quản lí cho rằng sẽ tránh được việc ngứa tay, ngứa miệng của những người không để “thấy chết mà không cứu”!

6 thg 8, 2013

Nghe em kể chuyện giọng miền Tây.

Em vừa chuyển từ nơi giúp việc ở một biệt thự về đây. Hình như chưa hết kinh ngạc về nơi ấy, nên em kể mãi không hết chuyện, bằng  một chất giọng miền Tây nghe rất ngộ.
Rằng nơi ấy trả lương cao hơn đây. Còn công việc thì “em dám chắc không có nơi nào như dzậy”. Chẳng có thứ tự, nhớ đâu kể đó. Nào là nhà ấy “đồ ăn thức uống chất trong kho nhiều tới mức hết hạn bỏ đi , thấy mà tiếc đứt guộc”(các âm “r” đều phát âm thành “g”). Đồ đạc toàn “thứ dữ” :  các tượng thờ, tượng trưng bày toàn bằng đá cẩm thạch láng như người ta vừa xối nước, xe hơi ba chiếc không kiếm đâu ra chút bụi, xe tay ga loại sang nhất ngó mà lạ thấy mồ (hổng nhớ tên vì toàn tiếng Tây) đồ nấu bếp nếu không hỏi thì không biết cách dùng. Nhà gắn camera, chuông báo động khắp nơi. Có hôm trời chuyển, lá cây xào xạc, cành gãy…làm chuông báo động hú khắp biệt thự, đèn bật sáng từ các tầng lầu đến sân vườn, mấy người giúp việc lo ra nhìn ngó xem có ai, vì sao. Nếu sợ không ra  sẽ bị bà chủ mắng , mà ra thì sợ mấy thằng bò ngáo (loại du côn) nó làm thịt, “trời ơi sợ hết hồn, người làm việc hồi nào tới giờ toàn thế mạng không à. Từ đó tụi em tính kế thối lui vì sợ quá trời, quá đất !”

26 thg 7, 2013

Thiền cùng...

Sân chùa in dấu chân qua
Nụ cười để lại, lòng đà khép chăng?

Người  trần chợt thấy, bỗng dưng
Muốn cùng người ấy thiền chung một chùa!


Ảnh từ Net

19 thg 7, 2013

Chợt Đông.

Sài Gòn trời chợt chuyển đông,
Thời gian dường bỗng như không có mùa!
Sớm nay, lọn tóc gió lùa
Ngỡ bàn tay ấm như.. vừa lướt qua!
Sg 19/7/2013



26 thg 6, 2013

Nhum

Về thăm quê ngoại Sa Huỳnh (Quảng Ngãi) lần này với đại gia đình thật thú vị .
Cách khu du lịch Sa Huỳnh khoảng 3km về phiá Nam là cửa biển Châu Me. Một khúc uốn lượn của biển cả, đẹp mê hồn. Nơi biển ăn sâu vào đất liền. Nhờ đường cong của tạo hóa mà vịnh Châu Me hứng trọn gió biển còn sóng lại rất êm ả, nước biển trong vắt tới tận đáy của vịnh.  Đá tảng theo nhiều hình khối chất chồng tự nhiên, người chụp ảnh chỉ việc bấm máy là có ngay những bức ảnh nghệ thuật.

16 thg 6, 2013

6 thg 6, 2013

Hai chiếc ghế

Từ hai mục đích sử dụng khác nhau, ở hai thời điểm khác nhau, hai chiếc ghế dựa với mác “nhựa cao cấp” đã về đây, trong cùng một ngôi nhà. Trải qua thời gian  cống hiến, đến nay chúng đã trở nên tàn tạ, kì lạ, kì lạ một cách hoàn hảo!

Chiếc thứ nhất (tạm gọi là ghế chị) về với chủ, khi nhà đã có bộ ghế đá hóng mát ngoài sân bên dàn cây cảnh tương đối vừa  mắt người lướt qua  mà không xăm soi chủng loại, kiểu dáng, và cũng vừa đủ quạt mát cho người ngồi ngắm trời trăng mây gió hoặc ngẫu hứng làm vài ván cờ khi chưa đến độ máu me gỡ gạc vì những nước thua không đáng! Nó về với mục đích mỗi khi di chuyển vị trí ngắm nghía, chủ chỉ cần xách một tay ngon ơ, lại vẫn được ngồi dựa lưng thoải mái. Chính vì nó dãi dầu ở sân trời nên bây giờ xương cốt nó rệu rã, xương sống nó oằn đi và đổ gập xuống không thể nào gượng dậy được nữa. Ấy vậy mà mặt ghế chị vẫn bóng loáng, vững vàng phục vụ cho những cú ngồi bất chợt của từ lão gia gia đến mụ quản gia…!

28 thg 5, 2013

Xôi lạc ơi, nhớ...

Đôi khi kỉ niệm ùa về chỉ từ một hình ảnh lướt qua, hay từ hương vị một món ăn nào đó...Xôi lạc đã đánh thức kỉ niệm xưa như thế.

Món xôi lạc ở một đám cưới gợi nhớ về gói xôi lạc năm xưa...


Xôi lạc (chưa bị cấu véo)

22 thg 5, 2013

LucKy

Đã viết về Vện , định không kể về LucKy nữa. Nhưng cái con ngu cẩu nhà bên suốt ngày vô cớ sủa oang oang làm Chíp chị, Chíp em giật mình thon thót, lại thấy nhớ LucKy – linh cẩu từng gắn bó với gia đình những ngày tháng buồn vui. Mới đó mà nó đã bị mất tích 7 năm rồi!

 LucKy có vóc dáng của một chú chó lai bec -gie, bụng thon dài, đôi mắt tinh anh, tai lúc nào cũng dựng đứng như kiểu chó săn vùng Bắc cực. Lông trắng, có những vệt vàng trên mình và đốm đốm trên chân, sự phối màu rất bắt mắt. Con chó nhà bên vừa teo tóp, lông màu nghệ xỉn lại loang lổ những vằn đen trông bẩn bẩn. Tạm gọi nó là con Loang Lổ. So với LucKy thì đúng là một trời một vực!

12 thg 5, 2013

Chíp chị, chíp em

Tính số lần được ngủ với mẹ của chíp chị so với chíp em, thì ít hơn . Vì chíp em hay chớ sữa nên mẹ cho chíp em nằm gần mẹ để mẹ xử lí cho nhanh. Vả lại nếu hai chíp mà nằm cùng chỗ, thì đứa này khóc đứa kia  khó mà nằm im, khiến cả nhà phải nghe hoà tấu bất đắc dĩ. Mẹ đã có lí khi tách hai đứa hai giường để đảm bảo trật tự. Và xa cách đã làm chúng có dịp quan sát, ngẫm nghĩ.

Đêm đêm chíp chị nằm với ngoại, nó nghe ngoại rì rầm  kể chuyện cổ tích,  ru bằng đủ các làn điệu, thỉnh thoảng còn ngâm thơ…,mặc dù nó chẳng hiểu gì cả nhưng vẫn u ơ đáp lại cho ngoại nó biết là nó đang nghe.

6 thg 5, 2013

Vụng tu.


Dẫu biết đời chẳng vô tình
Mà sao cứ chuốc  bực mình vào thân?

Đã đành đừng tham – si – sân
Đừng đem lửa hận đốt dần...từ bi!

Đường trần mê muội, lạ chi
Nâu sồng chưa khoác, nói gì đường tu.

29 thg 4, 2013

Nick Vujicic


Anh đã khẳng định một điều: khi khuyết đi một bộ phận nào đó trên thân thể chưa hẳn là đã người khiếm khuyết! Khi mà tâm hồn, phong cách sống hoàn hảo chắp cánh cho sự thiếu hụt về hình hài mà tạo hoá nỡ nhẫn tâm(hay vô tình) bớt xén!

19 thg 4, 2013

Tìm đâu?

Thoắt đà gần bốn mươi năm,
Chị đi về nẻo xa xăm cuối trời.

Để thương, để nhớ đầy vơi
Năm năm, tháng tháng khôn nguôi tấm lòng.

Hồng Hà vẫn chảy ngàn năm,
Tìm đâu chị, giữa muôn trùng đại dương?

Đời người muôn vạn nẻo đường
Sao không chừa lối đoạn trường chị tôi?

  ( Nhân ngày giỗ chị gái - Hồng Hà
                              11/3 âm lịch)





11 thg 4, 2013

Bất ngờ Trần Hữu Kiên!


Cuộc thi Việt Nam’s Got Talent, trong đợt chung kết thứ nhất đã làm khán giả sững sờ với giọng hát của một sinh việt luật khoa – Đại học luật Hà Nội – Trần Hữu Kiên. 

31 thg 3, 2013

Con của Chĩ

(Tiếp theo entry "Điên")

Đứa con đầu lòng của Chĩ sau bao ngày trông đợi, giờ cũng đã chào đời.
Ngắm đứa con bé bỏng, đáng yêu, Chĩ  nghĩ " mẹ thương con có hay chăng, thương từ khi thai nghén trong lòng...". 

Và đây là hình hài của nó...

27 thg 3, 2013

Châm cứu


Cái đầu gối quái quỷ lại trở chứng nhân lúc ta đang bận chuyện cháu con mà quên chăm sóc bản thân. Đúng là mượn gió bẻ măng! Nó vùng lên sau mấy lần cảnh báo sẽ cho ta một bài học.

13 thg 3, 2013

Đi chợ

Mua chuối

Thấy chị bán hàng mặt mũi có vẻ hiền lành, chuối tiêu của chị có màu vàng tươi trông thật hấp dẫn. Khách ghé hỏi mua. Sau vài lượt hỏi qua đáp lại, người bán đồng ý, người mua rút tiền chuẩn bị trả để nhận cây nhà lá vườn của chị. Bỗng dưng "Thượng đế" đổi ý không mua nữa vì chợt nhớ ra trái cây cúng mùng 1ở nhà còn la liệt, xin khất chị hàng chuối lần sau sẽ đến mua. Cái vẻ mặt hiền dịu ban đầu cau có, rồi chuyển sang tức giận, "Thần dân" mắng "Thượng đế": Điên hả?
Thượng đế sợ quá trả lời " Hình như mới bị cấp tính chị à"

2 thg 3, 2013

Điên

Thời buổi kinh tế đang ngày càng sụt giảm, bất động sản đóng băng, thị trường vàng biến động (nỗi lo lắng của niềm tin cất giữ vàng miếng có từ xửa từ xưa đang lung lay, lúc lắc…). Người ta đua nhau lấy ngắn nuôi dài. Có tí tẹo tiền ki ki cóp cóp được là nghĩ cách làm cho nó sinh sôi nảy nở với suy nghĩ : tiền ở nhà là tiền chửa,  tiền ra khỏi cửa là tiền đẻ…

24 thg 2, 2013

Tùng Dương với "Chiếc khăn Piêu"

Bài hát này từng làm say lòng người qua tiếng hát Kiều Hưng. Bất ngờ lần này nghe Tùng Dương thể hiện trong chương trình "Sự kiện - nhân vật", tiếng hát ma mị đã làm người nghe không rời khỏi màn hình. Tùng Dương đã phá cách rất kĩ xảo, những nốt ngân "tiếng tôi vang rừng núi sao không ai trả lời..." quả thật cả đại ngàn cũng thổn thức, làm sao con tim không rung lên từng hồi rộn rã trước tiếng gọi thiết tha ấy. Astri nào đó có lẽ cảm ơn chiếc khăn Piêu vì nhờ nó mà đã gặp một tâm hồn không thể nào nhạy cảm hơn!

12 thg 2, 2013

Mùa xuân đầu tiên(Văn Cao)

Mỗi khi nghe ca khúc này, có ai, lòng lại không rạo rực, say sưa, ngây ngất nghĩ về mùa xuân, về quê hương, về con người...? Từ đây người biết quê người/ Từ đây người biết thương người/ Từ đây người biết yêu người...

30 thg 1, 2013

Ba lô Thạch Sanh

Những ngày cuối năm ở TP Hồ Chí Minh ồn ào, náo nhiệt này, tôi chạnh nghĩ về những con người đã từng đặt dấu chân nơi đây, hay mới chỉ kịp vào đến cửa ngõ Sài gòn ngày 30/4 năm 75, đã dâng hiến cuộc đời cho nhịp sống hối hả hôm nay. Trong đó có một người chú của tôi.

21 thg 1, 2013

Tui & em tui


Cho đến hôm nay chị em tui được hơn mười ngày tuổi . Tui thấy thế giới này thật lạ lẫm với tui.

Tự nhiên sáng sớm mùng 7/1, tui nghe ai đó nói nói hỏi hỏi mẹ tui, thế là chỉ một lúc tui bị lôi tuột từ bụng mẹ ra ngoài, có tiếng ai nói 7g10p. Tui lo lắng đứa em nằm cạnh tui suốt 9 tháng qua khi nào mới ra nằm gần tui. Vậy mà chỉ 2p sau tui nghe tiếng oe…oe của nó cũng cất lên hệt như tui. Rồi người ta gọi ba tui vào nhận “hàng”. Rồi ba tui chụp ảnh lia lịa chị em tui khi mà rốn chúng tui chưa kịp cắt.
Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang