6 thg 3, 2017

ĐỌC "HOA THÙY MIÊN"


ĐỌC “HOA THUỲ MIÊN”
Mỗi lần cầm một quyển sách mới trên tay, lại tiếc nhớ những quyển sách vô cùng yêu quý trong tủ sách của gia đình! Qua mỗi lần dời nhà, những quyển sách đem theo kỉ niệm về những người thân từ chữ kí, ngày tháng và nơi đặt bút kí đã vơi dần đi, mất mát đi vì những điều kiện rất khác nhau. Hoàn toàn không giống sự tiếc nuối của ông giáo (trong truyện của Nam Cao) vì lí do túng quẫn phải bán sách. Cái đau ở đây lại là phải cho sách đi (như kiểu gọt chân cho vừa giày dù quá đớn đau)!
Nhưng thôi, nhắc lại chỉ thêm day dứt, buồn đau, tiếc nuối…
Nói về HOA THUỲ MIÊN, cuốn tiểu thuyết vừa được bà sui gia của chị gái tặng. Bà đã tìm mua nó với lời giới thiệu rất khác nhau của nhiều người. Và mua ở nhà sách mà tuổi trẻ của bà đã lui tới đây rất nhiều lần, nhà sách Tràng Tiền –Hà Nội. Riêng bà chưa đưa ra nhận xét và muốn mình đọc xong sẽ cùng bàn luận. Mình đọc nghiến ngấu xong gọi điện ngay cho bà để cùng bình luận theo quan điểm của mình, thì rất tiếc bà lại đi viện vì chứng ho kinh niên hành hạ. Thôi thì cứ gõ ra đây cho khỏi lú với chuyện đời.
Phạm Hoàng Hải có phải là tác giả quen thuộc của nhiều người không thì mình không biết, nhưng với mình thì đây là tác phẩm đầu tiên mình đọc của cây bút này.
Theo mình, tiểu thuyết này, về nội dung toát lên một triết lí nhân sinh rất rõ ràng qua luật Nhân - Quả tương ứng như một định mệnh muốn tránh cũng không thoát. Về nghệ thuật, cây bút vừa phóng túng, vừa sắc lẹm đến rùng mình, nhất là khi miêu tả hành động gợi cho người ta cảm giác, lẫn cảm xúc ( về mộng tưởng và thực tế, về sự thù hận và tình yêu, về sự cao cả và thấp hèn…) phảng phất bóng dáng của những trang kiếm hiệp xưa ( cũng có nhiều chương, mỗi chương có từng phần thay vì hồi. Ví dụ: Đêm trăng trên hồ sen mộng/ níu giữ một kiếp chung tình). Nhân vật không nhiều, không tầng tầng lớp lớp gây nhiễu mạch theo dõi suy đoán cho người đọc. Nhưng cũng đầy đủ hệ thống hảo hán, ẩn sĩ, tu sĩ, mĩ nữ, đạo sĩ, dị nhân…lại có cả những trinh nữ tinh khiết như các phi tần trong các thâm cung của vua chúa thời đã có triều chính lắm mưu mô, nhiều lạc thú.
Ngôn ngữ truyện không màu mè, hoa mĩ nhưng vốn từ rất thâm hậu sâu xa. Khi cần chất cổ thì âm mưu hiến kế của hảo hớn, ẩn sĩ, đạo sĩ đưa người đọc vào mê cung của rừng ý tưởng uyên thâm. Khi đan xen hiện đại thì các đại gia cứ gọi là phải tìm đọc mà giắt lưng lúc cần chứng tỏ độ cao cường của nội lực không cần thể hiện ra ngoài vẫn khiến đối phương ngả mũ tâm phục, khẩu phục nhất nhất làm theo. Người viết chứng tỏ sự am tường về vốn sống và vốn tưởng tưởng buộc người đọc phải công nhận sự hợp lí của từng chi tiết. ( Theo tác giả tự giới thiệu thì suốt quá trình thảo trên máy, vợ không liếc mắt nhòm ngó, tạo điều kiện cho văn sĩ toàn tâm toàn ý với đứa con , hay người vợ tinh thần này- mà có khi chay tịnh suốt quá trình “thai nghén” tác phẩm cũng nên!).
Theo cá nhân mình không khoái lắm cái cách kết thúc có phần gượng ép của truyện,nó dường như nằm trong tầm đoán thường thường của người đọc ( không biết tác giả chỉnh sửa có bị ảnh hưởng bởi sự góp ý nào khác không- theo lời tác giả tự dẫn). Nhẽ ra, với ngần ấy kungfu, sự phá cách, cha đẻ của đứa con tinh thần này hãy cho con mính một lối thoát khác, hoặc cứ kết thúc mở để người ta hưởng cái lạc thú của sự tưởng tưởng theo cách của mình. Có thể sẽ khiến tác phẩm vừa vặn hơn . Đọc xong hơi tiếc nuối cái cách kết thúc mỗi số phận nhân vật đã trải qua sự vẫy vùng thoát xác đầy khát vọng mà con người cần vươn tới. Mà đó mới chính là “quả” mà họ đáng được hưởng suốt quá trình gieo”nhân”, mới đúng với câu “xưa nay nhân định thắng Thiên cũng nhiều”( câu dẫn trong truyện), chứ không đóng định vào Định mệnh nghiệt ngã!
(09/02/2017)
Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang