27 thg 7, 2011

Ngày 27/7


Ngày 27/7 năm nay đi viếng người chú - liệt sĩ, đang yên nghỉ tại nghĩa trang Hà Nội.
Hàng trăm áo xanh tình nguyện đang đi cắm hoa và đặt nến trên từng ngôi mộ chuẩn bị cho một đêm rực rỡ ánh nến và ngào ngạt hương hoa tri ân của thế hệ con cháu. Đoàn quân nhạc đang dàn dựng một chương trình hát cho đồng đội nghe. Mọi người đi lại tất bật, nhộn nhịp...
          Lòng se sắt lạ!
          Chú hi sinh năm 1967 tại sân bay Kép giữa lúc cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ ở vào giai đoạn quyết liệt. Năm ấy chú tròn 30 tuổi, và mãi mãi là tuổi 30! Sau 30 năm yên nghỉ trên Bắc Giang, chú đã được đồng đội và gia đình đưa về nghĩa trang liệt sĩ Hà nội. Xung quanh chú (gần mộ liệt sĩ Đặng Thùy Trâm) là những anh em, đồng chí ở lứa tuổi khác nhau, miền quê khác nhau, hi sinh trong những trường hợp khác nhau, ..đã về yên nghỉ nơi đây.
            Ngày đoàn tụ gia đình trên quê hương miền Nam vắng bóng chú, khúc ca khải hoàn của dân tộc vẫn réo rắt những nốt nhạc trầm buồn, xót xa của mỗi gia đình. Nhớ lời thơ trong "Bài ca chim Chơ Rao" - Thu Bồn: 
                             "Ngày chiến thắng về không có bóng anh
                             Em hãy nhìn lên sắc cờ kiêu hãnh
                             Có anh về ôm ấp rặng dừa xanh"
          Vẫn biết Tổ quốc đời đời ghi nhớ công ơn các liệt sĩ, nhưng có cần chi ơn nếu như trong ngày chiến thắng chú trở về. Chú đã sống cho con cháu ngẩng cao đầu. Vinh quang này là vô giá, nhưng nỗi đau chẳng bao giờ nguôi. Mong sao cho ở thế giới người hiền chú luôn thanh thản!

14 thg 7, 2011

Đọc “Nhắm mắt thấy Paris”


Dương Thụy là một tác giả trẻ, có điều kiện học tập và làm việc tại châu Âu khá lâu. Vốn hiểu biết về người bản địa ở nhiều vùng miền trên châu lục này đã cho tác giả có những trang viết đầy tự tin. Đó là điểm mạnh của tác giả, xong với một sáng tác bằng tiếng Việt, chính ảnh hưởng quá mức  phong cách Tây  làm tác phẩm khiến người đọc đôi lúc bị “sốc”. Nói điều này không chỉ với “Nhắm mắt thấy Paris ”, nhưng dựa vào tác phẩm này lại càng khẳng định phong cách Tây hóa của cây viết trẻ  quá bạo liệt.
          Tiểu thuyết không dày lắm –khoảng gần 300trang của khổ sách 13x20cm. Truyện viết về những con người trong tập đoàn mỹ phẩm L’Aurore. Họ sống và làm việc chủ yếu ở Paris ,và một số công ty con ở Việt Nam , Singapore , Hong kong , Malaysia …
          Truyện  không nhiều nhân vật, nên hầu như nhân vật nào cũng được khắc họa tương đối rõ nét, có tính cách, sở trường sở đoản rất dễ nhận ra. Nhưng để xây dựng từng nhân vật, tác giả đôi lúc quá chạy theo vụ việc mà để cho nhân vật thay đổi hoặc phát triển chưa thật hợp lí  đôi lúc tới mức phản cảm. Quỳnh Mai, một cô gái con nhà có giáo dục từ gốc rễ, học hành tử tế, thông minh, nhạy cảm tự trọng  chỉ vài lần tiếp xúc với anh chàng người Pháp Louis (mà cô đánh giá là dân tỉnh lẻ) đã bỡn cợt thái quá, vờn “con búp bê trai” không biết gọi là yêu hay chỉ là chứng tỏ mình được yêu, để rồi lại dễ dàng để đối thủ Tuyết Hường,vốn lắm mưu nhiều kế giăng bẫy hớt tay trên. Nhân vật Quỳnh Mai lẽ ra sẽ tạo được ấn tượng đẹp về phụ nữ Việt Nam năng động, làm việc hiệu quả, thích ứng với hoàn cảnh và môi trường …Nhưng với sự thể hiện vừa đề phòng vừa dễ dãi ,Quỳnh Mai lại trở nên vớ vẩn trong quan niệm tình yêu và ứng xử ngờ nghệch với người gây sóng gió cho mình. Tính nhân văn không được đặt đúng chỗ khiến người đọc có cảm giác gượng ép, khiên cưỡng.
          Louis là một chàng trai xuất thân từ tầng lớp thượng lưu Pháp, có vẻ ngoài bắt mắt, nhìn như một đứa trẻ bầu bĩnh trong sáng, không tự khoe gốc gác quý tộc của mình. Louis am hiểu và nhìn nhận con người khá tinh nhạy. Chỉ vì mất cảnh giác, tự tin quá mức vào tài “săn mồi” của mình mà chàng đã bất ngờ trở thành con mồi bị sập bẫy tình của kẻ hạ cấp .trơ trẽn, xấu xa Tuyết Hường. Mất việc, mất người yêu, chán đời…Chối từ gặp Quỳnh Mai theo lời thỉnh cầu của mẹ Louis, xong lại bất ngờ gặp người yêu trong hoàn cảnh chẳng có gì phù hợp với một cuộc tình bị phá hỏng ngoài ý muốn. Không đau đớn, xót xa, tiếc nuối khi mà trước đó chàng ta ẩn mình tại căn nhà gỗ giữa rừng già muốn chết đi cho xong. Những cảnh huống thiếu sự chặt chẽ nhất quán.
          Đọc truyện của Dương Thụy, có cảm nhận con gái Việt Nam rất từng trải trong tình trường, thay người yêu rất dễ dàng. Tuyết Hường trong truyện này cũng như nhân vật nữ của truyện “Oxford thương yêu” quan hệ với  trai Tây rất chóng vánh, nói đến tình dục không một chút e dè ngượng ngập, mà đá bồ cũng rất lạnh lùng.
          Có phải quá hiện đại, quá Tây học  mà họ chẳng còn một chút hương đồng gió nội ? Hay tác giả bình thường hóa quan niệm sống của giới trẻ trong thời @ là như thế?
          Trong truyện có những trang miêu tả cảnh Sài Gòn, Paris …về đêm, quán xá, đường phố, hàng hóa, sinh hoạt rất sống động.
          Những đoạn chuyển ý sáng tạo, đó là những Email của từng cặp nhân vật gửi cho nhau, vì thế cách kể trở nên tự nhiên hơn, cập nhật với đời sống thật hơn.
          Không biết vì tác giả dùng tiếng nước ngoài nhiều quen miệng hay sao mà trong tác phẩm viết bằng tiếng Việt thấy nhan nhản từ nước ngoài kể cả những từ tiếng Việt có (chương 6: good girl và bad boy). Những lời đối thoại có những chỗ cộc lốc, thô thiển tưởng như văn dịch không chuẩn vậy.
Nói chung, sau khi đọc xong cuốn tiểu thuyết này nhận thấy con người lắm mưu nhiều kế quỷ quyệt, tình yêu là một sự đổi trác, quan hệ giữa con người với con người thật lạnh lùng. Văn phong tiếng Việt bị lạm dụng, bị biến tướng thành món mì ăn liền
          “Tiếng Việt còn là dân tộc còn” !
          Đọc truyện viết bằng tiếng Việt hẳn hoi mà sao buồn thế không biết!


Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang