11 thg 11, 2014

NHÀ ƠI...

Phải tạm biệt mãi mãi ngôi nhà dấu yêu lòng quặn thắt, buồn thương đến vô cùng!
Cho dù việc di dời nằm trong kế hoạch lớn của đại gia đình, vậy mà ngậm ngùi, tiếc nuối mãi khôn nguôi!
Nhà ta chỉ là ngôi nhà trệt đơn giản, có mảnh sân phía trước để cây cảnh chẳng giống cây nhà ai, và không gian trống có nắng, có gió phía sau.
Đứng trên mảnh sân vuông thân thuộc ngày nào, đưa những nhát chổi quét dọn những ngày cuối, lòng lặng đi. Giá mà khóc lên được, gào lên được thì lòng có vơi bớt được sự trĩu nặng về sự phụ bạc của mình với ngôi nhà yêu quý này không?
Trên cái sân này, mình đã trồng hai hàng cau vuông góc theo hàng rào, bảo là khi nào cau có trái thì con trai sẽ cưới vợ. Cau đã sinh hạ mấy mùa quả tròn đều từng buồng, từng buồng, như ý chủ nhà, thế mà thằng con trai còn mắc nợ đèn sách, lần lữa chưa đáp lại tình trầu cau. Để bây giờ Hoa cau rụng trắng sân nhà ai ,mà hương cau ngan ngát bên vườn trầu…
Cây Thiết mộc lan tết này sẽ dâng hương thơm cho chủ nhân mới mà đâu biết làn hương dịu dàng của nó còn vấn vít mãi hồn người chủ cũ đã biền biệt xa!
Những chiếc chuông gió bằng tre nứa rung lên như suối đàn T’rưng mỗi khi gió lùa, có biết chăng chủ của mi không còn được nghe tiếng mi ngân nga những cung bậc trầm bổng nữa? Đừng trách họ tệ  bạc nghen chuông, bởi họ có thể gỡ mi đi theo, nhưng hình như họ không nỡ tách mi ra khỏi ngôi nhà mà mi đã che chắn cho nó suốt những năm qua theo quan niệm phong thuỷ của người phương Đông! Hãy tiếp tục sứ mệnh cao cả của mi, âu cũng là cái phước mà chủ cũ muốn gieo lại cho người mới đến, chuông à.
Cảm ơn những chiếc cửa mở ra đóng vào khi ta ra đi và trở về. Một tay cầm bị hỏng mà chỉ có chủ của mi mới biết cách vặn xoay, ta không muốn sửa vì mi cũng quá đỗi thân quen. Nếu chủ mới có thay thế thì đó là ý của họ chứ ta chẳng nỡ rời xa dù chỉ một chi tiết nhỏ trong ngôi nhà này!
Có một bậc cấp cao hơn so với bước chân quen thường bước, từ nhà trước ra nhà sau. Cái bậc rất đặc biệt ấy, chỉ nhà ta mới có, giờ cũng phải tạm biệt rồi, hãy làm quen với những bước chân mới lạ và nhắc họ đi đứng cẩn thận nhen bậc cấp yêu quí.
Chiếc kệ gỗ ba tầng vẫn đứng đó để ngăn hờ chiếc giường nằm xem ti vi với bếp núc (chủ mới “sao y bản chính” cách bài trí nhà ta nơi này!). Gian bếp rộng thênh thang vừa là nhà ăn, nơi cả nhà sum họp mỗi bữa cơm và trò chuyện, thư giãn. Hồi xây dựng gian này, cả nhà đều muốn nó thật rộng(hơn 60m2), không ngăn vách để cả nhà luôn nhìn thấy nhau. Đây là nơi ấm áp, đoàn tụ cả gia đình mỗi khi xa nhau trở về. Một không gian đầy kỉ niệm giờ đã đi vào giấc mơ của từng người trong nhà ta rồi!
Cái phòng tắm mà lũ bạn của con trai đến phải la toáng lên: Trời! hôm nào tụi mình vào đây nhảy hiphop cũng được đấy! Nó rộng và thoáng, ai đến cũng có chung một cảm giác thoải mái. Sẽ chẳng nơi nào ta chuyển đến có cái phòng tắm “đã đời” như thế! Ôi giá như chuyển dịch được nó theo !
Phía góc đằng sau cuối nhà là một hồ cá do chính tay con trai cầm bay xây. Dân mỹ thuật đi làm kỹ thuật, vụng về nhưng được phết! Nó đã nuôi những con chép vàng, chép Koi Nhật Bản uốn lượn đẹp như tranh. Khi rời nhà, nó lặng lẽ ngồi bên hồ cá rất nhiều lần trong ngày và nhiều ngày trong tuần. Nó để lại mấy cặp cho chủ mới để hi vọng có dịp trở về vẫn thấy lại cảnh xưa, còn đâu nó đem tặng bạn nó, bạn ba nó –những người mê chơi, biết chăm sóc cá cảnh mà nó tin tưởng. Hình như nó đã gửi một phần tâm tư vào nơi ấy!
Vẫn biết cuộc sống là vô thường, ngay cả kiếp người cũng chỉ là kiếp ở trọ trần gian mà thôi!Vậy mà sao ngôi nhà cũ cứ mãi là chốn đi về bất biển trong lòng ta. Nó cứ lặng lẽ thuỷ chung như thế, mà sao ta nỡ rời xa nó?
Nhà ơi, ta mang theo một lời xin lỗi vì biết không bao giờ nói hết lời tạ từ với Nhà yêu dấu. Cho ta mượn lời thơ của thi sĩ Chế Lan Viên để nói lời sau cuối với Nhà của ta nhé:
“Khi ta ở chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi đất bỗng hoá tâm hồn”

3 thg 11, 2014

LUNG LINH TUỔI THƠ

Ai cũng từng đi qua sân ga tuổi thơ. Và đó là nơi khởi đầu hành trình của một đời người. Mỗi khi quay đầu nhìn lại nơi xuất phát ấy, người ta không thể không nhớ những dấu chân đầu tiên!
Những trang đời cứ lần lượt hiện ra theo dòng hồi tưởng của một người đã đi qua hơn nửa thế kỉ thời gian. Những mảnh hồi ức gian khổ mà hồn nhiên, trong trẻo như những mẩu chuyện cổ tích hiện đại làm người ta vừa nâng niu, trân quý, khâm phục, vừa thấm lòng nhẹ nhàng, man mác. Có lẽ với tác giả, đó là những năm tháng đẹp đẽ nhất của đời người mà chị đã trải qua, nên chị đã nắn nót đặt cho nó một cái tên trong veo, lấp lánh như pha lê: “Lung linh tuổi thơ”!
Ở đây, ta như gặp lại tuổi thơ của mình qua những cảm nhận rất hồn nhiên về thế giới xung quanh. Từ những bức phù điêu khắc hình tượng thiện ác, những công viên, cửa hàng bách hoá, khu tập thể thời bao cấp…một thời của Thủ đô, đến những cánh đồng quê thơm mùi lúa mới, những con trâu cõng những đứa trẻ trên lưng thong dong mỗi buổi chiều về nơi sơ tán, …tất cả đều hiện trên từng trang kí ức rất giàu cảm xúc của một đứa trẻ nhạy cảm, giàu tình yêu thương, nhân ái.
Nhưng có lẽ ấn tượng sâu đậm hơn cả là những trang viết kể về những năm sơ tán thời chống Mỹ.
Với trẻ con không có nỗi buồn nào lớn hơn là phải xa cha mẹ. Vậy mà chiến tranh còn bắt chúng phải gánh thêm nỗi khốn khó, lo toan cuộc sống và sự tự cứu lấy mình khỏi bom rơi, đạn lạc. Từ việc tự chăm sóc bản thân của đứa trẻ chưa đầy mười tuổi, gắn với việc lo lắng chăm nom em. Biết bao nỗi khổ không lời, nào ghẻ lở, thiếu thốn vật chất lẫn tinh thần. Vậy mà ta vẫn cảm nhận được vẻ đẹp của đồng quê, với những làng nghề nơi chị từng sơ tán thật yên bình. Ta biết nghề đan lát tre nứa nó cầu kì thế nào từ cách chuốt những sợi nan, nghề nuôi tằm vất vả ra sao chứ không kinh hãi như ban đầu thấy tằm như những con sâu. Những con ngỗng vươn cổ dài rượt đuổi người lạ cũng trở nên đáng yêu khi đã thân quen thế nào, những con lợn sục mõm vào máng ăn mới lạ lẫm với những đứa trẻ thị thành chỉ biết nhìn thịt lợn đã thành “miếng” ra sao. Từ hình ảnh ảnh cây cọ vùng trung du đến những cây sắn, cây mướp, giàn bầu…qua miêu tả của tác giả mà thấy thêm yêu làng quê Việt Nam hơn.
Đứa trẻ ấy cứ hồn nhiên lớn lên, tích luỹ vốn sống từ thực tế. Một bà chị 9 tuổi đầu, tay hòm chìa khoá (treo lủng lẳng trên cổ) làm sao để phân chia thức ăn ít ỏi cho đủ từng bữa, chế biến thực phẩm thế nào cho lợi nhất mà vẫn ngon miệng. Ta không khỏi buồn cười khi món trứng rán vì cho quá nhiều bột mà thành bột cõng trứng, những món ăn chế biến từ gà mắc dịch chán ngấy hết bữa này sang bữa khác. Ta cảm thương đứa trẻ đêm đêm soi đèn dầu bắt muỗi cho em mà có hôm suýt gây cháy nhà. Chiếc gàu tát nước đêm trăng trong ca dao lại hiện ra trong tay đứa trẻ cố sức múc từ giếng lên tiềm ẩn đầy rủi ro, để tắm giặt hàng ngày, khi bị rơi gàu thì lo sợ tìm cách vớt bằng được.
Người đọc sẽ nhớ mãi hình ảnh đứa bé cầm cuốc đào hầm cá nhân để làm nơi trú ẩn mà xót thương. Giữa trưa nắng chang chang mà cái hố vẫn nông choèn, tay thì trầy, người mệt lả mà vẫn gắng hết sức, chiến tranh thật tàn nhẫn, bởi sự bóc lột sức lực tận cùng cả những đứa trẻ ở cái tuổi ăn chưa no lo chưa tới như thế!
Và niềm vui ngày trở về nhà của người kể khi cuộc chiến tạm ngưng tiếng súng, như lan truyền sang người đọc bằng cái khí thế rất mãnh liệt, đó là một cuốc đi bộ 30km!
Chiến tranh là nỗi ám ảnh đối với con người. Vậy mà qua giọng kể của tác giả Thái Phi, chiến tranh đã biến thành cơ hội để những đứa trẻ rèn luyện lòng can đảm, ý chí vượt khó, nghị lực phi thường và lòng dũng cảm.
Dòng hồi tưởng cứ trôi êm đềm suốt gần trăm trang giấy như con sông đang lặng lẽ đổ về biển lớn. Nếu đời người là một đại dương, thì tại sao lại không cần những con sông miệt mài này trôi chảy? Một dòng chảy lung linh lay động tâm hồn con người về một thời đã qua, một thời cơ cực đau thương mà trong sáng tuyệt đẹp về sự hoàn thiện nhân cách con người từ thực tiễn cuộc sống nhiều cung bậc !
“Lung linh tuổi thơ” không chỉ thắp lên ngọn lửa kí ức tưởng đã xa rồi, mà nó còn gợi cho thế hệ trẻ về kĩ năng sống, về tình yêu thương chia sẻ, tính cộng đồng, về lí tưởng… Ánh sáng ấy mãi mãi lung linh trong trái tim người đọc!
Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc tác phẩm LUNG LINH TUỔI THƠ của tác giả Nguyễn Thái Phi!
                                                                   Ngày 01/8/2014
                                                                      Hồng Loan

Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang