Chưa về Yên Tử chưa thành quả
tu”
Lời đề trên mái chùa đầu tiên cho chuyến hành hương về
Yên Tử quả là một đúc kết đầy trải nghiệm.
Mình chưa có căn tu để thành kẻ xuất gia. Và cũng chưa
hội đủ các điều kiện để quy y, nên vẫn chỉ là một kẻ hành hương mộ đạo tìm về
cửa Phật để được đắm trong cõi thiền mà vỡ sự vô minh. Tuy nhiên, căn duyên
cũng cho mình một cơ hội để về Yên Tử khi chính mình cũng bất ngờ!
Ban đầu chỉ tưởng là được tốc hành đến Hạ Long để xem
nó khác với Hạ Long trên cạn (Tràng An, Tam cốc, Bích động) ở Ninh Bình ra sao,
không ngờ đoàn hành hương đã đưa mình đến nơi mình ao ước từ lâu mà hoàn toàn
bất ngờ khi nó thành hiện thực nhanh như thế. Yên Tử thuộc tỉnh Quảng Ninh, một
tỉnh lẻ mà thiên thời địa lợi cho tới bốn thành phố (Uông Bí, Hạ Long, Cẩm Phả,
Móng Cái)
![]() |
Lăng mộ Phật hoàng
|
Người xưa chọn Yên Tử quả là vị trí đắc địa cho việc
tu hành. Đến nơi đây, người trần tự điều chỉnh âm lượng lời ăn tiếng nói, điều
chỉnh từng bước đi, hành vi ứng xử …Không gian tràn ngập một không khí tâm linh
giác ngộ! Nghe Kinh nhà Phật, tự nhiên thấy nhớ giọng ba ru con cháu ngày xưa,
mặc dù Người không phải là tín đồ đạo giáo nào. Hay Người ở miền cực lạc vẫn
dõi theo từng bước chân con đang hành hương? Những lời răn dạy lòng yêu thương
con người, lễ nghĩa, hiếu thảo, vị tha,… ngày xưa sao trùng với những lời kinh tụng
đang rền khắp không gian Yên tử. Phải chăng giáo lí nhà Phật cũng từ đạo đức
căn bản, truyền thống của con người mà
ra?
![]() |
Vẻ đẹp mái chùa Yên Tử |
![]() |
Tượng Phật hoàng trên đỉnh An kì Sinh |
Có lẽ lên được chùa Đồng là vượt qua thử thách không
nhỏ với người thành tâm hướng về cửa Phật. Núi quanh co, dốc ngược, mặt người
đi sau chỉ thấy lờ mờ dấu chân người đi trước, đá thấm nước vì mây, vì mưa lất
phất, không bám chắc dễ trượt chân( nhưng theo lời kể dân gian thì chưa ai bị
tai nạn dẫn đến tử vong dù dốc núi quanh
co, hiểm trở, có chăng cũng chỉ xây xát nhẹ ngoài da). Âm thanh “mênh mênh mang
mang Phù vân Yên Tử/ Vi vi vu vu Trúc lâm thiền tự…” như lẩn khuất ẩn hiện đâu
đây trong gió, trong mây, trong cây, trong đá…
![]() |
Chùa Đồng và tháp chuông |
Chùa Đồng, một ngôi chùa đúc bằng đồng đặt trên đỉnh
cao nhất của Yên tử, người ta nói nơi đây cách Trời ba thước quả không sai. Có
một điều kì lạ nữa là khi những người thợ đúc đồng gặp sét đánh mà vẫn không hề
hấn gì trong khi mọi vật bị cháy đen, mặt đất xỉn màu? Đứng trên đỉnh Yên tử,
toàn cảnh chùa chiền, một vùng rừng núi bao la thu vào tầm mắt, đẹp như chốn
thần tiên. Mây là là bay, gió không ngừng cuồn cuộn, mọi vật níu giữ hình như
chỉ bằng niềm tin!
Chùa Đồng đã
ghi nhận bao nhiêu lời nguyện cầu, của bao nhiêu đức tin trần thế trước mây
trời, nước non ? Chỉ thấy một sự toạ lạc vững chãi, khói hương nghi ngút âm
dương giao hoà thiêng liêng giữa đại ngàn, núi cao vực thẳm, như vực con người
đứng dậy ngang tầm vũ trụ mà tâm tĩnh
đến vô ngần!
Thế là, dù chưa “thành quả tu”, mình cũng mãn nguyện
được về Yên Tử, sống trong những giây phút thiền tâm linh thiêng, được chiêm
bái lăng mộ một vị vua có một không hai trong lịch sử lìa bỏ ngôi báu lên rừng
thiêng núi thẳm dạy chúng tăng, một xác phàm đã hoá Phật để thỉnh cầu cho Quốc
thái, dân an, Đất nước hưng thịnh, bền lâu muôn thuở.
Đất thiêng Yên
Tử , nơi linh khí đất trời hội tụ, ít nhất một lần trong cõi tạm người trần nên
đặt chân tới, để ngộ ra rằng Phật có trong tâm mỗi người, hãy biết thiền đúng cách!
(Ngày 17/4/2014)
*Những ảnh trên sử dụng từ nguồn internet, ảnh tự chụp không được rõ nét vì trời mây mù dày đặc, chỉ lưu hành nội bộ.
(Ngày 17/4/2014)
*Những ảnh trên sử dụng từ nguồn internet, ảnh tự chụp không được rõ nét vì trời mây mù dày đặc, chỉ lưu hành nội bộ.