19 thg 2, 2016

TÌM VỀ CHỐN XƯA

Có lẽ trong cuộc đời của mỗi con người, dấu ấn tuổi thơ bao giờ cũng đậm nét & chiếm một phần rất lớn trong bộ nhớ không phải là không có giới hạn mà tạo hoá đã ban cho.
Tôi cũng vậy! Dù qua bao biến đổi của cuộc sống vốn vận động không ngừng, trong tôi những kỉ niệm tuổi thơ luôn đau đáu, và ngấm ngầm hẹn ước ngày trở về. Có phải đó là một tuổi thơ ám ảnh vì đi qua chiến tranh, vì xa ba má khi chưa đủ ấm áp để chống chọi với giá lạnh của tự lực, tự giải quyết những nỗi đời muôn mặt ở một nơi hoàn toàn xa lạ kể từ khi tôi chào đời. Kí ức sơ tán trở đi trở lại trong tôi đến mức tôi muốn chạy về nơi ấy dù chỉ một chốc lát để nhìn thấy hình hài  cái ngày xưa đầy ngỡ ngàng, và dần dà đã đi vào một phần đời  của  tôi nó như thế nào, có trùng với hồi tưởng của tôi không.
Và tôi đã thực hiện bằng được ước mơ của mình.
Những ngày cuối của năm Ất mùi, 2015 đang trôi, tôi vùng ra đi. Không hiểu sao bao nhiêu miền quê tôi đã đi qua mấy chục năm trời mà tôi vẫn nhớ như in cái xóm Thịnh Đa, thôn 1, xã Quảng Bị, huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây đến thế! Có phải vì nơi ấy tôi đã rời tay ba má tôi để ở lại với những người chưa hề quen biết với một nỗi bơ vơ, sợ hãi? Không hẳn là thế! Hình như chiến tranh làm cho lứa tuổi của những người như tôi bấy giờ phải biết chấp nhận thực tế một cách dứt khoát như người ta lựa chọn giữa sự sống với cái chết vậy thôi. Với lại còn quá nhỏ nên thấy sự lạ lẫm còn khêu gợi tò mò khám phá hơn là níu giữ cái quen thuộc hàng ngày. Nên tôi cùng em đã ở lại tỉnh bơ, chỉ đêm mới nhớ cồn cào tổ ấm ở Hà Nội, nhớ ba má, chị em,..nhớ mùa đông với tiếng rao đêm da diết dội vào chăn ấm.
Bốn mươi năm có lẻ, lần tìm về chốn xưa, tôi hồi hộp hỏi đường. Gặp ai tôi cũng tả lại nơi tôi từng sống như thể tôi vừa đi vắng đây thôi. Tôi tìm những người tuổi cao để hỏi . Vậy mà tôi cũng gặp phải vài sự ú ớ suýt làm tôi thất vọng! May quá có một bác đi lướt qua nghe tôi hỏi đã chỉ cho tôi một cách tận tình. Thì ra bác là cựu chiến binh, cùng sinh hoạt Hội CCB với con bà chủ nhà tôi ở - người vắng nhà suốt thời gian tôi sơ tán, chỉ nghe nhắc đến tên trong thương nhớ của bà.
Tôi cứ đi tìm con đường lát những tảng đá vuông vức màu xanh lơ với nhưng chỗ mòn lõm mà tôi đặt chân trần những hôm trời mưa dể nghe cái trơn nhẵn xoa vào lòng bàn chân. Nhưng nó đã biến mất theo thời gian,. Hay nói cách khác là nó bị bê tông hoá một cách tàn nhẫn! Vì tôi quá lớn để đặt mình trên con đường làng hay vì người ta cơi nới nhà cửa mà cái ngõ xóm quê xưa giờ nhỏ hẳn đi? Tôi thấy nó ngoằn ngoèo y như xóm quê ngoại tôi ở Sa Huỳnh, cư dân sinh sôi mà quỹ đất không đẻ ra thêm. Tôi định vị cái giếng làng, nơi tôi từng cùng em è cổ ra khiêng nửa thùng nước mà cứ lặc lè chạm vào cổ chân mãi không về tới nhà. Vậy mà tôi không tìm thấy lối vào nhà bà Kim (Gọi theo tên con trai trưởng của bà). Tôi cứ đi tìm cái cổng sát vách làm bằng gạch tổ ong. Rồi may mắn cháu ngoại của bà đã dẫn tôi đi. Bác Kim, người con trai duy nhất của bà chủ nhà, đi bộ đội suốt những năm chúng tôi sơ tán về nhà bác, tiếp đón chúng tôi. Hồi ấy vợ của bác- “Mợ Cả”, cách gọi của chúng tôi hồi ấy, là một người con dâu khoẻ mạnh, chăm chỉ hiền lành, lúc nào cũng cười với hàm răng nhuộm đen, giờ đã thành người thiên cổ, tội nghiệp, để lại cho bác năm người con nay đã trưởng thành có gia đình riêng . Bác Kim tiếp đón chúng tôi ( tôi về cùng mấy người bạn ở Hà Nội) rất chân thành, đúng chất lính, từ tốn, ân cần. Tôi thấy đôi mắt bác nhìn xa xăm lắm, phảng phất một nỗi buồn mà tôi cảm nhận nhưng không diễn đạt được. Bác tha thiết mời chúng tôi ở lại ăn cơm với gia đình. Nhưng chưa sắp xếp được thời gian, nên tôi xin bác thông cảm để lần khác. Tôi đi tìm lại hơi ấm nơi đây. Ban thờ gia tiên của nhà bác Kim vẫn trang trọng như ngày mà chúng tôi ở đây. Ngày ấy, mỗi khi nghe tiếng máy bay gầm rú, tiếng đạn bom réo rít, chúng tôi thường chui xuống gầm ban thờ nương nhờ sự chở che của ông bà tiên tổ gia chủ với một niềm tin thành kính. Chiếc phản dành cho chị em tôi vẫn còn đây, chỉ khác vị trí thôi. Bộ tràng kỉ, mà tối tối chúng tôi ngồi, rồi lấy bèo tây hơ lên ngòn đèn dầu cho khô dẻo quắt lại, chẳng biết để làm gì. Tối nhớ cô Hồng, em bác Kim bảo chúng tôi: đứa nào lau bóng đèn cho sáng sau này sẽ đẻ con da trắng. Thế là đứa nào cũng tranh nhau lau( tất nhiên là sau khi chơi trò hơ bèo đến mức bóng ám muội khói đen xì), mà giờ đẻ con cũng có trắng như tưởng tượng đâu! Tôi tiếc những ngưỡng cửa gỗ nhà đã bị thời gian làm cho mục đi cùng những cánh cửa gỗ mở bằng chốt bản lề gỗ, giờ thay cửa ra vào bằng vật liệu khác. Tôi như thấy tuổi thơ tôi đã bị khuyết đi một phần! Nhìn ra hiên, chiếc giậu vẫn còn đó, y như tôi vẫn đang giơ tay hứng những giọt nắng bên thềm lọt qua kẽ giậu năm xưa( dù biết rằng nó phải được thay mới không ít lần với chừng ấy thời gian!). Tôi xuống bếp, thấy chiếc chạn tre phủ bồ hóng mà lòng rưng rưng, nhớ đến hình ảnh bác nồi đồng đánh nhau với chuột cống trong truyện của Tô Hoài. Đâu rồi tro bếp đun từ rơm, ủ nồi cơm sau khi cạn nước ? Đâu rồi chiếc cối giã gạo bằng chân, chúng tôi cùng mợ Cả đứng đếm nhịp mỗi khi mùa gặt rộn ràng ngày xưa? Chiếc côi xay lúa cũng bị các công cụ công nghiệp đào thải giờ ở xó nào, tội nghiệp quá! Mảnh sân ngày xưa thênh thang là thế, giờ sao nó lọt thỏm vậy? Tất nhiên chum tương đội nón đứng trên sân sẽ không còn nữa nên tôi không kiếm tìm. Bể nước mưa ngày ấy nó to làm sao, vang làm sao khi chúng tôi kiễng chân thò cổ vào hát như đứng trước dàn âm thanh cho cả ngàn người nghe giờ sao cũng nhỏ hẳn đi? Kể cả cái ao đứng bên này gọi sang bên kia nghe không rõ lời, vậy mà giờ nó cũng khiêm tốn thu mình là chứng nhân của một thời lịch sử mà không ngạo nghễ như trong hồi tưởng của tôi. Tôi chạy ra cổng làm bằng gạch tổ ong ,có mái che như cổng làng, tôi chạnh nhớ những bước chân mình đã ra vào không biết bao nhiêu lần ,giờ nó vẫn thân thương đón tôi quay về.
“Giá có ước muốn cho thời gian trở lại..” như lời một bài hát, tôi ước sao mình bé lại như xưa để thấy cảnh vật êm đềm, lớn lao, kì lạ như lần đầu bắt gặp.
Nhưng “Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến”, tôi luôn mang theo những kỉ niệm trong trẻo ấy suốt hành trình cuộc sống mà tôi đã trải qua. Cho dù nó thay đổi theo qui luật thời gian, thì trong kí ức tôi nó vẫn nguyên vẹn hình khối, sắc màu kỉ niệm…Hình ảnh những người đi qua phần đời tôi mãi sống động đầy tình cảm bao dung, thân thiện. Bà Kim ăn trầu và mặc váy đen, chít khăn mỏ quạ, từng  chỉ cho tôi cách cào lúa phơi trên sân, cách đẩy rơm vào bếp liên tục như thế nào để không bị tắt.. Cô Hồng luôn bênh chị em tôi khi bị chị em đứa cùng trú ở đây bắt nạt. Tính cô rất thẳng thắn. Và cô rất nhanh nhẹn trong công việc. Những bài học thuộc lòng cô đọc mỗi đêm theo tôi đến khi tôi làm người giáo viên, tôi đã giảng lại các bài thơ ấy với một cảm xúc dâng tràn: Bầm ơi, Việt Bắc,...Cô vẫn thấp và rắn rỏi như trong trí nhớ của tôi. Giờ cô đã lên chức bà và ở nơi khác, cô tranh thủ về gặp tôi ở mái nhà xưa. Tôi thương  mợ Cả lắm. Ngày ấy mợ Cả đi làm đồng về hay bắt con châu chấu, con muồm muỗm treo trên đòn gánh rồi nướng cho chúng tôi ăn. Mợ hay quấn xà cạp và đeo lọ vôi để chống đỉa ( tôi sợ con này lắm) mỗi khi đi cấy hay làm cỏ lúa. Có những mùa gặt phải đập vào đêm trăng, chúng tôi theo mợ ra sân kho Hợp tác xã, mợ sợ chúng tôi bị xót lúa, cứ dặn đừng leo vào đống lúa. Có lần mợ cho chúng tôi những bắp ngô mới hái,  nướng lên dẻo ngọt vô cùng. Tôi nhớ mợ sinh bé gái đầu lòng, hỏi chúng tôi thích tên gì. Tuổi nhỏ ngây thơ, chúng tôi nói mợ đặt tên Thuỷ- Bích Thuỷ. Vậy là mợ đặt tên là Thuỷ. Giờ em đã có gia đình, nhưng vừa rồi tôi về chưa gặp em. Tôi gặp cô Thị là con của bà Kim giờ đã hơn tám mươi với cái Thơm, cùng trang lứa với tôi. Hồi ấy chúng tôi hay ra nhà cô Thị quấy quả, bứt cây hái quả, cô chỉ cười thôi. Có củ khoai, củ sắn, hay bất cứ thức ăn gì cô cũng cho chúng tôi. Chúng tôi đến nhà cô như về nhà mình, lục lọi, càn quét kinh hồn, mà cấm có bao giờ thấy cô phàn nàn. Cô còn bảo chúng tôi cứ ra nhà cô chơi cho vui cửa vui nhà ( cùng với đàn con của cô). Cái Thơm giờ đã là bà nội Thơm, vẫn hiền lành, hay xấu hổ như xưa. Mỗi lần thấy tụi tôi ào vào nhà nó, nó toàn nấp sau cái cột nhà nhìn mà không nói câu nào. Chỉ khi chúng tôi vào bếp lấy rơm nướng cái gì đó, nó mới bảo “khéo cháy nhà đấy, dập bớt lửa đi!”. Hồi ấy nó bị bệnh đi tiểu ra màu như nước vo gạo. Má tôi đưa ra bệnh viện Xanh pôn Hà Nội, nơi má tôi làm việc, để chữa trị. Ngày ấy có chuyên gia Cu Ba hội chẩn và kết luận nó bị “Đái ra dưỡng chấp”. Họ điều trị dứt luôn. Cả gia đình cô Thị và gia đình tôi đều vui mừng không tả xiết. Giờ nghe đâu nó đang có dấu hiệu tái phát, tôi tin là khoa học bây giờ sẽ giúp nó chữa lành !
Hình ảnh làng quê, cảnh vật cuộc sống, con người tôi đã gửi gắm một phần đời của mình sẽ được lưu lại mãi trong tôi.

Hành trình trở về chốn xưa của tôi phải đi một quãng đường gần nửa thế kỉ. Rồi hôm nay cũng sẽ thành kí ức của ngày mai. Tôi trân quý những gì đã qua như một cách hướng đến ngày mai với điểm tựa vững chãi cho tâm hồn, có gì gọi là quá đa cảm chăng?
( Tháng 2/2016)

6 nhận xét:

  1. Anh thich cái "vùng ra đi" này quá.Ngày trước anh cũng sơ tán ở xã Quảng bị này ,cái thôn gần sông ,ước gì sắp xếp một chuyến đi như HL cho thỏa.Ký ức tuổi thơ đẹp ,chi tiết như khắc chạm khó phai thật !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. vâng, nhất định nên đi anh ạ. Cảm xúc không bút nào tả xiết.
      Sau đó là mối quan hệ của hậu sơ tán, những thế hệ F1, F2 thú vị bất ngờ!
      Anh tranh thủ đi nha!

      Xóa
  2. Thực ra trong chúng ta đây ,mỗi khi bước về miền quê là đã đã có cảm xúc rồi . Càng dập dồn cảm xúc hơn là như nhìn thấy những bước chân ta đã từng trên miền quê quen thuộc một thời với bao nhiêu kỷ niệm. Chỉ là hòn đá mốc meo nằm đơn lẻ , nơi ta rửa chân ngày ấy cũng trở thành linh thiêng lắm. Tuổi thơ hình như khó phai mờ trong mỗi chúng ta vì đây chính là một thời đẹp nhất và nhiều kỷ niệm nhất ăn sâu nhất vào mỗi người.
    Những ký ức này nên viết khi có cảm xúc. Sau này , móc nối các ký ức vụn này lại với nhau ta có ngay cuốn hồi ký một thời thơ bé chốn xưa , đáng nhớ khó quên này HL ạ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Có đôi khi ngồi gõ bàn phím như một nhu cầu giải toả nỗi nhớ, khắc sâu kí ức dù có vụn hay cả một vùng rất xa.
      Lão hình như cũng đang lần về những con đường như thế. Đang chờ những mảnh ghép của lão đấy1

      Xóa
  3. bất cứ cái trở lại nào cũng cho ta nhiều cảm xúc.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vâng, dù là cảm xúc vui hay buồn, sung sướng hay khổ đau...
      Lâu rồi mới "trở lại" nơi này bạn Mẫn à. Cảm ơn bạn đã ghé thăm nha!

      Xóa
:)) w-) :-j :D ;) :p :-( :) :( :X =(( :-o :-/ :-* :| :-T :] x( o% b-( :-L @X =)) :-? :-h I-) :bh :8) :b) :-s :-r :O) :m)

Bạn có thể dùng thẻ sau để:
- Post hình : [img] link hình [/img]
- Post video: [youtube] link youtube [/youtube]

Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang