12 thg 5, 2016

ĐẢO LÝ SƠN CỦA NGƯỜI VIỆT NAM!

Sau 1 tiếng từ cảng Sa Kỳ lênh đênh trên biển, cập vào đảo, tắm táp qua quýt, phi lên chùa Đục. Đây là một quần thể những hang đục vào đá của các vị thiền sư xưa. Họ ngồi thiền , tu luyện rồi viên tịch ở đó. Giờ được sửa sang xây cất thêm một số hành lang, cảnh quan làm điểm du lịch. Ước gì nó vẫn nguyên vẹn hình hài như thuở ban sơ chắc không khí tâm linh sẽ thiêng liêng hơn!
Rồi xăm xăm xuống núi, ra Thạch cổng Tò Vò để săn hoàng hôn. Hình như ai cũng muốn ghi hình khi đặt chân lên Lý Sơn, nên nơi đây chen chúc, rất lâu mới dành được chút không gian cho mình. Thấy mọi người trèo lên cổng để có tấm hình chinh phục cổng nham thạch ( dấu tích phun trào của núi lửa hàng triệu năm trước!), bảo con trai muốn có kỉ niệm như thế không, nó bảo: ai cũng đua nhau đứng lên đó, sức chịu đựng của nó có hạn, người sau lấy đâu Thạch cổng Tò Vò mà chụp nữa! Nó là đứa hay đi phượt, cảnh đẹp trong ống kính nó không phải là ít, vậy mà nó đưa ra một câu nói làm mình thấy nó chẳng những biết chiêm ngưỡng mà còn biết giữ gìn, bảo vệ cái đẹp. Tự hào về giai nhà quá đi!
Sáng nay đến bảo tàng "Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc hải" xem những hình ảnh, văn tự dưới triều Nguyễn về việc cắt cử hùng binh đi bảo về Hoàng Sa. Sau đó thẳng đến Chùa Hang. Đúng như tên gọi, chùa nằm trong một hang đá, mỗi khi chiêm bái, khấn vái thì đi xuống mấy bậc cấp. Cửa hang ẩm ướt vì những giọt nước thấm qua đá nhỏ xuống nền. Vào chùa Hang không khí mát rượi. Nơi đây có ban thờ chính và nhiều ban thờ nho nhỏ ( cả ban thờ thuỷ tổ thờ cúng đầu tiên của hang này).
Từ chùa Hang, đi lên núi Thới Lới, với độ cao 169m. Lúc đầu phóng xe máy tưởng cũng tà tà , ai dè lên đỉnh, gió thổi dữ dội đúng nghĩa "bạt mạng"! Người và xe xiêu vẹo trước gió kinh hoàng. Cố sống cố chết chụp một tấm ảnh "chinh phục đỉnh cao" bên cột cờ của đảo Lý Sơn có cờ đỏ sao vàng 5 cánh ngạo nghễ phần phật bay trước gió!
Đến khi nhìn xuống hồn bay phách lạc, phải nhờ chở xuống!
Vậy mà hoàn hồn rồi lại muốn ngó nghiêng hồ chứa nước Thới Lới, nguyên là miệng núi lửa xưa. Muốn lên đây phải lên đỉnh núi khác, đường ôm quanh núi, một bên là vực sâu, lại sợ và run! Nhưng đã đi Lý Sơn mà không xem miệng núi lửa lớn nhất Đông Nam Á thì quả là phí một chuyến phượt!
Lại xuống dốc để tới Hang Câu. Đây là một chiếc hang khổng lồ, vòm đá cao lồng lộng. Có lẽ trải qua triệu triệu năm sóng đánh mòn mà tạo nên. Và chắc là người đi câu thường vào trú ở đây mỗi khi đi câu nên nó có cái tên như thế. Nghe kể ngày xưa vua và Tổng thống chế độ cũ thỉnh thoảng cũng đến đây thưởng lãm, hóng gió!
Nhiều con đường trên đảo đều đang ngổn ngang vật liệu xây dựng các công trình, nhà cửa. Lý Sơn như bừng tỉnh sau những năm dài chìm trong giấc ngủ vùi. Nhưng du khách cũng không ngần ngại khám phá kể cả phải len lỏi qua những con ngõ đang trở thành công trường. Muốn lên gác cao nhất của ngọn hải đăng cao 65m phải mướt mồ hôi đi như thế. Đúng là đứng trên ngọn đèn biển mới "thu vào tầm mắt muôn trùng nước non", mới cảm hết được nghĩa của sự dẫn lối cần thiết như thế nào với tàu thuyền lênh đênh giữa biển khơi nghìn trùng sóng vỗ!
Ra Lý Sơn mà chưa qua đảo Bé là mất đi một phần của sự khám phá "ô cửa bí mật"! Cách đảo Lớn đúng 10 phút đi ca nô cao tốc. Ngồi trên ca nô gió lồng lộng, máy chạy trên mặt biển không tròng trành, lênh đênh mà như cày sườn sượt trên mặt phẳng cứng vậy. Cảm giác thật lạ, vừa thích thú vừa sờ sợ mơ hồ thoáng qua!
Cập bến Đảo Bé là lên ô tô điện để dạo quanh  Đảo. Nửa vòng phía Đông có những bãi đá nằm trên mặt nước trong vắt, mọi người dừng xuống tha hồ chụp ảnh. Xong lại lên xe ngược vòng phía Tây. Nơi đây từng dãy núi đá thành hang, thàng động vừa đồ sộ cao vời, vừa thoai thoải, gần gũi. Các tảng đá đen- trầm tích núi lửa ( đang được đề nghị công nhận Công viên địa chất toàn cầu!) xếp từng tầng lớp, kiểu dáng rất tuyệt vời, khiến ai đã đến đây không thể không chụp hình kỉ niệm!
Hàng quán mọc lên dân dã với hải sản tươi ngon bổ rẻ, tiếp đón  giản dị, chân chất của dân vạn chài mon men làm kinh tế du lịch. 
Đảo Bé còn có cái thú là được lặn biển để xem san hô và các loài cá bơi lội tung tăng. Muôn màu sắc, cử động rất cuốn hút các tay lặn không chuyên! Còn gì thú hơn một vùng biển hoang sơ, hấp dẫn hơn như thế!
Mà Biển Lý Sơn còn đặc biệt ở nước có 3 màu: gần bờ nước trong như kính, tiếp theo là màu xanh lá cây và ngoài cùng là màu xanh dương !
Người dân Lý Sơn nổi tiếng với nghề trồng hành, tỏi và vẫn muôn đời thuỷ chung với nghề đi biển. Với cái chất mặn mòi, thô ráp của vùng sóng gió đại dương nhưng người Lý Sơn rất hiền hoà, thân thiện , cởi mở. Họ vừa quăng chài kéo lưới, vừa chống chọi với giặc Tàu một cách khôn khéo, kiên trung, bất khuất. Giờ kiêm thêm dịch vụ, hướng dẫn khách du lịch, người Lý Sơn đang bắt nhịp với tốc độ đổi thay của cuộc sống mới.
Thương lắm người dân chân chất, hiền hậu ở nơi không biết đến cướp bóc, trộm cắp...( cửa nẻo cứ mở vô tư, xe cộ để ngoài sân có khi cả ngoài ngõ không cần khoá!). Họ yêu từng luống tỏi, bờ cát, thuỷ triều lên xuống... Họ từng đi mở mang, bảo vệ bờ cõi biển đảo tít tận Hoàng Sa, vậy mà bọn Tàu cứ đến quấy phá vùng biển chủ quyền của họ, đánh bắt, cướp phá tàu thuyền của họ. Sao mà không căm thù được? Mồ mả ông cha chúng có ai giày xéo, đụng chạm đâu mà nó cứ dòm ngó, lấn chiếm đường sống của họ? Biển trời đã phân định, nhất định chúng sẽ bị trừng phạt đích đáng! Đảo Lý Sơn là của người Lý Sơn, của đất mẹ Việt Nam! Muôn đời bất diệt!
Nếu chưa một lần đặt chân đến đây sẽ vô cùng đáng tiếc khi rời cõi tạm này!
(Ngày 7/5/2016)

4 nhận xét:

  1. Em chào chị! Đọc bài viết của chị, em ước mong được có dịp đến đảo Lý Sơn quá! Đất nước mình thật là đẹp!

    Trả lờiXóa
  2. Anh cũng đi Lý Sơn nhưng chú tâm mua cá mắm nên không rong ruổi và thấy cũng như cảm nhận sự phong phú của HL,chắc phải trở lại một chuyến "sông chậm" vậy mới được !

    Trả lờiXóa
:)) w-) :-j :D ;) :p :-( :) :( :X =(( :-o :-/ :-* :| :-T :] x( o% b-( :-L @X =)) :-? :-h I-) :bh :8) :b) :-s :-r :O) :m)

Bạn có thể dùng thẻ sau để:
- Post hình : [img] link hình [/img]
- Post video: [youtube] link youtube [/youtube]

Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang