26 thg 3, 2014

Gắn bó, một người thợ!

Người thợ này đã gắn bó với nó lâu lắm rồi, thời gian trôi chảy dễ đến mấy chục năm nay. Người thợ ấy chuyên dùng kéo, tông –đơ  để tác nghiệp. Đó là người thợ cắt tóc với cái tên không đụng hàng: Ngoãn !
Một lần tình cờ mẹ nó ngồi chờ rửa xe máy cạnh tiệm cắt tóc, mẹ nó chẳng biết làm gì hơn là ngó vào xem người thợ đẩy tông-đơ cải thiện tình hình quá rối ở những quả đầu của các quý ông, thấy hay hay, thế là mẹ nó rắp tâm hôm nào đưa thằng con bé xíu của mình ra ngồi thử chiếc ghế kia, và cái chính là thử tài của người thợ với vị khách trẻ con luôn ngọ nguậy xem thế nào.
Trước khi nó được dắt đi cắt tóc ở tiệm, nó toàn bị cắt tóc bằng bàn tay nghiệp dư của mẹ nó. Nó cũng chẳng biết xấu hay đẹp, chỉ biết mẹ nó rất hay thay đổi kiểu tóc cho nó, nhưng hình như mẹ nó hay để tóc nó hơi dài hơn so với giới tính mà nó cần thể hiện.  Nó cũng hơi tức tức nhưng thấy nó mẹ nó vui vui nó cũng đành bằng lòng, với lại nó cũng không biết nếu không đồng ý thì nó phải diễn tả thế nào khi mẹ nó đâu có phải thợ cắt tóc. Mãi cho đến khi nó bắt đầu vào lớp một. Chính xác là khi mẹ nó phát hiện khả năng của người thợ cắt tóc kia có thể tạo quả đầu cho nó vừa ý mẹ. Thế là nó lên đời!
Thấy mẹ dẫn nó vào tiệm, người thợ mời ngồi chờ. Mẹ nó (chắc là cả nó nữa) băn khoăn không biết nó sẽ ngồi như thế nào trong chiếc ghế to tướng kia. Thế rồi khi vị khách trước vừa được phủi tóc đứng dậy, người thợ liền lấy một chiếc ghế nhựa chồng lên chiếc ghế to kia để nó ngồi, rồi nhấc nó vào vị trí. Lần đầu tiên được choàng khăn để hứng tóc rơi một cách bài bản, nó sờ sợ gọi “mẹ ơi ra đây với con”. Thế là mẹ nó phải đứng cạnh nó, nắm bàn tay nhỏ xíu rụt rè của cậu con trai lần đầu được đi cắt tóc chính hiệu!
Mẹ nó thấy thợ dùng tông- đơ ủi vài đường cơ bản ( không quá sát da đầu như ý mẹ nó diễn tả) thì mái tóc của nó đã có đường nét rõ ràng, sau đó anh ta dùng kéo tỉa, dùng dao cạo ấn định ranh giới từng vùng rất chuẩn. Thao tác của thợ này nhanh đến nỗi nó chưa kịp giở trò ngứa ngáy, ngọ nguậy thì đã được bế xuống đất, phủi tóc. Nó bẽn lẽn nhìn vào gương thấy mình rất ra dáng nam nhi, còn mẹ nó thì nhìn nó rất hài lòng (chắc hơi thẹn vì những bộ tóc trước đây mẹ đã làm giảm đi của nó suốt thời nhà trẻ, mẫu giáo vẻ đẹp đáng lẽ nó phải có!)
Rồi nó mạnh dạn trèo lên xe để mẹ nó chở về trong niềm lâng lâng khó tả!
Nó nghĩ từ rày trở đi mình sẽ được đi cắt tóc ngoài tiệm hẳn hoi giống mấy thằng bạn ở mẫu giáo. Và cứ mỗi dạo tóc dài ra, nó lại được mẹ đưa đi cắt định kì. Rồi mẹ giới thiệu cho ba nó đến cắt và bàn giao việc đưa nó đi cắt cùng, sau khi đã tìm được kiểu đầu hợp với khuôn mặt bầu bĩnh (hồi ấy nó rất bụ bẫm) lại có chiếc răng khểnh đáng yêu của nó.
Thời gian cứ vùn vụt trôi. Khi nó không cần phải ngồi ghế phụ nữa thì cũng là lúc thợ Ngoãn rời tiệm đến một ngã năm. Nó vẫn cùng ba nó (cũng có khi ba nó bận thì mẹ nó) lần đến địa chỉ mới để được cắt quả đầu như ý từ người thợ này. Mãi cho đến khi nó qua bậc tiểu học mấy năm, có thể tự mình đi cắt tóc thì tiệm Ngoãn lại một lần nữa rời địa điểm. Cuộc mưu sinh tưởng chẳng mấy xê dịch ấy cũng lắm thăng trầm vì thợ này không tìm được mặt bằng ổn định để hành nghề, thuận tiện cho khách quen. Nó không cảm thấy phiền hà mà vẫn thích tìm về người thợ cũ vì sự hiểu ý không cần lời giữa nó với người thợ ấy. Thế mới biết sự thuỷ chung chẳng phải khái niệm gì to tát, đôi khi chỉ là sự gắn bó rất tự nguyện, với một sự thoải mái, nhẹ tênh.
Đã hai mươi năm trôi qua, vật đổi sao dời, nó cũng đã thay đổi rất nhiều. Chiếc ghế lớn nhất của tiệm giờ phải hạ thấp hết cỡ (vì tầm vóc của nó trên mét tám! ) thợ Ngoãn mới thao tác cắt tỉa được cho nó. Nó vào đại học, xa nhà nhưng mỗi lần gần về quê vào dịp hè, lễ, tết…nó đều dành tóc về cho thợ Ngoãn chăm sóc. Thợ Ngoãn rất vui khi gặp nó và lần nào cũng tươi cười nói với khách rằng: đây là khách theo tui từ hồi còn ngồi ghế phụ tới giờ. Lòng nó cũng rộn ràng trước ân tình của anh, người đã nâng niu mái tóc cho nó vừa ý suốt thuở ấu thơ cho đến bây giờ, khi nó đã biết điệu đà với bạn (chủ yếu bạn gái) của nó!  
Người thợ này nay đã bước sang tuổi trung niên vẫn gắn bó với nghề có lẽ bởi nghề đã chọn anh. Cứ xem ánh nhìn vui khi khách vừa ý, hay thao tác nhanh, chính xác, cập nhật thời trang của anh là thấy người thợ này rất yêu nghề, tận tâm với nghề .
Chỉ riêng đại gia đình nó, thợ Ngoãn đã là người gắn bó với số lượng mà nhiều thợ khác ao ước: Nó, rồi ba nó. Ba nó rủ rỉ cậu nó, cậu nó lại dẫn con trai cậu nó. Hồi ông ngoại nó còn, ông nó cũng cắt tóc tiệm Ngoãn. Và bây giờ anh rể nó từ TP HCM về nhà nó cũng khoái được thợ Ngoãn lia kéo cắt cắt tỉa tỉa mỗi khi về thăm quê vợ. Ba thế hệ, mỗi người mỗi ý lại được một thợ chiều mới hay. Mái tóc thợ Ngoãn cắt không lẫn với bất cứ tay thợ nào khác, đúng là Chuẩn không cần chỉnh !
Ở đời đôi khi gắn bó chưa hẳn phải ăn cùng mâm, ở cùng nhà, mà có khi chỉ là không rời xa nhau bởi một chữ “tín”!

Đúng là Một nghề cho chín hơn chin mười nghề! Sự gắn bó với nghề của người thợ này đơn giản chỉ là kiếm sống, kiếm sống bằng nghệ thuật là đẹp đầu tóc cho con người. Bởi vì đời vẫn quen cách đánh giá Hàm răng mái tóc là góc con người.

20 nhận xét:

  1. Tem nhờ xem bóng đá !Quen hơi bén tiếng...hớt tóc cũng cần sự khéo tay và tri kỷ !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Mà thợ này chịu khó nghe chuyện đời của những vị khách & thỉnh thoảng cũng chêm vài câu hóm hỉnh làm cho không khí chung thật sự thư giãn nữa. :)

      Xóa
  2. Chán như con gián! MU thua 3 bàn không gỡ cái ông MOI chắc phải ra đi thôi! Còn có những người làm nghề họ gắn bó cả đời mình. Ví như bà bán cháo sườn trước cổng nhà trẻ Hoa Sen Giảng Võ ấy. Con gái TT hồi chưa đi nhà trẻ đã ra đấy, bây giờ cháu sắp bước vào tuổi 30 thì bà ấy vẫn con ở đấy!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Sau cú Hat-trick để dành quyền vào bán kết, M.U tưởng sẽ thừa thắng xông tới, nào ngờ "lối cũ ta về", phen này ối anh chết nhiều anh bị thương...". Nhưng chẳng nhẽ cứ "quân thua chém tướng" thì cũng tội .
      Sinh nghề tử nghiệp nhưng vẫn tha thiết yêu nghề mới quý, nhiều lắm những người trọn đời với một nghề, mà nghề làm dâu trăm họ lại được lòng cả trăm mới hay. Bà bán cháo sườn ở Giảng Võ cũng hiếm đấy anh nhỉ

      Xóa
  3. Tỷ tỷ mà đổi nghề, làm PR là tuyệt cú mèo nhé! Hihi...
    (Muội còm trên điện thoại nên gõ chữ chậm lắm. Nói chuyện với tỷ tỷ sau ạ.:X )

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ờ trong thời buổi blog mốc meo, tỷ cũng tính kiếm việc gì đó cho đỡ nhàm chán. Gợi ý của muội sẽ được tỷ xem xét cẩn thận rồi OK! =))

      Xóa
  4. Em hay cắt tóc ở 1 quán nữ, cô nàng này cắt cho nam đẹp lắm chị ạ, cả 2 đứa con em đều cắt ở đó, cắt chỗ khác ko đẹp tẹo nào, công nhận cái nghề hay để khách hài lòng cũng là điều khó chị nhỉ ? Có lần cô nàng đó nghỉ em đi chỗ khác, anh chàng đó cắt mái tóc cho thằng nhóc nhà em đúng 1 tiếng ( cô nàng kia cắt chỉ 15' là xong xuôi) em nghĩ anh chàng đó mà cắt tóc cho ai chắc chỉ được 1 lần rồi khách tạm biệt, cắt ko đẹp mà lại lâu chán thật

    Chị gái viết tiểu thuyết đi chị, chị viết hay thía ko vào Hội nhà dzăng VN mới là lạ đọ, chiều thứ tư an lành chị nha (~_~)

    [img] http://i247.photobucket.com/albums/gg145/sundakib31/color_c02.gif [/img]

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đời này nhu cầu và sự đáp ứng nhu cầu còn là vấn đề nghệ thuật em nhỉ. Chị cũng hay cầu toàn những chi tiết nho nhỏ để đôi khi coi thường những cái nhơn nhớn đó em .
      Tuần mới vui nha.
      Chẳng hiểu sao giờ mới thấy com này hiển thị, chị trả lời trễ là vì lí do đó nghe em! :)

      Xóa
  5. Nghề nào cũng đáng trân trọng nếu ta có tâm với nghề , nghề cắt tóc tưởng chừng đơn giản nhưng vẫn có những vị" khách ruột", mình cũng chỉ cắt ở một nơi mười mấy năm rồi.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vâng, chọn được nơi hợp với ý mình thì dù đi đâu cũng muốn quay về nơi ấy.
      Ngày vui nha chị!

      Xóa
  6. Lâu rồi mới trở lại đây thăm bạn, mình nhớ có một ông già rất là xấu xí nói với mình :" nhất nghệ tinh nhất thân vinh là xưa rồi, bây giờ là cái thời của bá nghệ hảo tuỳ thân". chúc bạn buổi sáng thật vui nhé.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ờ, nhưng mình vẫn thích một nghề cho chín :)
      Chúc bạn một ngày bình an nha!

      Xóa
  7. Đúng là Một nghề cho chín còn hơn chín nghề!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Luyện sao cho chín mới hơn chín mười nghề phải không MCT.

      Xóa
  8. thế ông thợ cắt tóc hồi trẻ có đẹp zai ko nhỉ?.... hiiiiiiiii.....
    Qua nhà đọc dc 1 bài viết có tính nhân văn... mà văn viết của bạn cũng lưu loát và hay đấy....
    CHÚC BẠN CÓ NHIỀU NIỀM VUI NHÉ!...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. À bây giờ vẫn đẹp chứ không riêng hồi trẻ! x(
      Một câu hỏi rất thú vị. Cảm ơn bạn đã ghé thăm và có nhận xét giống hệt giáo viên dạy ngữ văn!
      Rất vui được gặp bạn những lần sau nữa!

      Xóa
  9. Chị có một bà thợ may áo dài, may đẹp lắm, chị may ở đó nhiều năm liền, bà cũng hơi lớn tuổi, chị đang ngại không có người may đồ vừa ý đây! Em viết hay lắm, đúng như Như Mai nói, em chuyển sang làm PR thì tuyệt!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Có duyên mới gặp nhau trong cõi tạm này chị nhỉ. Quý thật đấy.
      Em cũng tính chuyển nghề mà hổng ai có nhu cầu, ế quá chị ơi! :))

      Xóa
  10. Mẹ đẻ em cũng có một chị cắt tóc cho mẹ đã 20 năm nay chị ạ! Bây giờ chị ấy chuyển nhà đi xa hơn, nhưng đến kỳ cắt tóc là mẹ em lại đi xe buýt đến đó để cắt.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thế đó em, đã vừa ý rồi thì người khác khó mà thay thế. Hoá ra đời này có lắm người gieo duyên và gặp duyên em nhỉ :)

      Xóa
:)) w-) :-j :D ;) :p :-( :) :( :X =(( :-o :-/ :-* :| :-T :] x( o% b-( :-L @X =)) :-? :-h I-) :bh :8) :b) :-s :-r :O) :m)

Bạn có thể dùng thẻ sau để:
- Post hình : [img] link hình [/img]
- Post video: [youtube] link youtube [/youtube]

Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang